Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM  (4 điểm)

Câu 1: Trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược vào năm 1858, Việt Nam vẫn là

A. một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

B. một vùng tự trị của Trung Hoa.

C. một quốc gia tự do.

D. một vùng ảnh hưởng của Trung Hoa.

Câu 2: Vào giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam đang ở trong tình trạng như thế nào?

A. hình thành và hoàn thiện mô hình bước đầu.

B. đang ở trong giai đoạn khủng hoảng suy yếu nghiêm trọng

C. được củng cố vững chắc và phát triển hưng thịnh.

D. Một lực lượng sản xuất mới – tư bản chủ nghĩa đang hình trong lòng xã hội phong kiến

Câu 3: Nhân tố nào dẫn đến sự chuyển biến kinh tế - xã hội Việt Nam trong những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX?

A. Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp

B. Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ.

C. Thực dân Pháp hoàn thành quá trình bình định Việt Nam.

D. Tư tưởng dân chủ tư sản được du nhập vào Việt Nam.

Câu 4: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam cuối thế kỉ XIX thất bại xuất phát từ nguyên nhân khách quan nào?

A. Cuộc kháng chiến diễn ra thiếu sự chuẩn bị chu đáo.

B. Không tập hợp đoàn kết được đông đảo nhân dân tham gia đấu tranh.

C. So sánh tương quan lực lượng chênh lệch bất lợi cho Việt Nam.

D. Thiếu sự đoàn kết quốc tế.

Câu 5: Sau hiệp ước Hác-măng và Pa-tơ-nốt, tính chất xã hội Việt Nam có sự chuyển biến như thế nào?

A. Là một nước phụ thuộc vào thực dân Pháp.

B. Là một nước thuộc địa.

C. Là một nước thuộc địa nửa phong kiến.

D. Là một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến.

Câu 6. Một trong những mục đích của thực dân Pháp khi tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương là gì?

A. Tận dụng nguồn lao động dồi dào.

B. Bóc lột để làm giàu cho chính quốc

C. Hạn chế sự chống đối với chính quyền nhà Nguyễn.

D. Bù đắp thiệt hại từ cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất

Câu 7. Tại sao phong trào Đông Du thất bại?

A. Sự phân hóa trong Hội Duy tân.

B. Pháp - Nhật cấu kết với nhau.

C. Phan Bội Châu bị sát hại.

D. Không có đông đảo học sinh tham gia.

Câu 8. Những đề nghị cải cách duy tân cuối thế kỉ XIX không được thực hiện là do nguyên nhân nào?

A. Các đề nghị cải cách duy tân có những hạn chế

B. Thực dân Pháp đã xâm lược Việt Nam

C. Triều đình Nguyễn bảo thủ

D. Các đề nghị mang tính rời rạc, lẻ tẻ

Câu 9. Vì sao nông dân Yên Thế lại đứng lên đấu tranh chống Pháp?

A. Hưởng ứng chiếu Cần vương do vua Hàm Nghi ban ra.

B. Chống lại chính sách bình định của thực dân Pháp, bảo vệ cuộc sống.

C. Phản ứng trước hành động đầu hàng thực dân Pháp của triều đình.

D. Khôi phục lại chế độ phong kiến, thiết lập lại ngôi vua phong kiến.

Câu 10. Nội dung nào sau đây không thuộc đặc điểm trong giai đoạn hai của phong trào Cần Vương (1888 - 1896)?

A. Phong trào vẫn được duy trì.

B. Phong trào dần quy tục thành các trung tâm lớn.

C. Quy mô, trình độ tổ chức cao hơn.

D. Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết lãnh đạo.

II. TỰ LUẬN (6 điểm)

Em hãy trình bày điểm giống và khác nhau giữa các phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX với phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX về: mục đích, lực lượng tham gia, hình thức đấu tranh?

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. TRẮC NGHIỆM

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

A

B

A

C

C

B

B

C

B

D

Câu 1:

Phương pháp: Dựa vào tình hình Việt Nam giữa thế kỉ XIX để trả lời

Cách giải:

Vào giữa thế kỉ XIX, trước khi bị thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam là môt quốc gia độc lập, có chủ quyền

Chọn: A

Câu 2:

Phương pháp: Dựa vào tình hình Việt Nam đến giữa thế kỉ XIX để trả lời.

Cách giải:

Vào giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng và suy yếu nghiêm trọng. Biểu hiện là: 

- Nông nghiệp: sa sút.

- Công thương nghiệp: đình đốn.

- Khởi nghĩa nông dân chống triều đình: nổ ra ở khắp nơi

Chọn: B

Câu 3:

Phương pháp: Dựa vào hoàn cảnh lịch sử Việt Nam đầu thế kỉ XX để trả lời

Cách giải:

Sauk hi hoàn thành quá trình xâm lược vũ trang và bình định quân sự, thực dân Pháp đã triển khai chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được du nhập đã dẫn tới những chuyển biến lớn về kinh tế - xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX

Chọn: A

Câu 4:

Phương pháp: Dựa vào bối cảnh lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỉ XIX để suy luận trả lời.

Cách giải:

Nguyên nhân khách quan dẫn đến sự thất bại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam cuối thế kỉ XIX là do so sánh tương quan lực lượng chênh lệch bất lợi cho Viêt Nam. Thực dân Pháp mang theo sức mạnh của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, quân đội thiện chiến. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một nước phong kiến lạc hậu nên trong quá trình kháng chiến tất yếu sẽ gặp phải những khó khăn.

Chọn: C

Câu 5:

Phương pháp: Dựa vào đặc điểm xã hội Việt Nam sau hiệp ước Hác-măng (1883) và Pa-tơ-nốt (1884) để suy luận trả lời

Cách giải:

Sau hiệp ước Hác-măng và Pa-tơ-nốt, Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của Việt Nam đều do Pháp nắm. Triều đình Huế vẫn còn tồn tại nhưng chỉ là bù nhìn.

Chọn: C

Câu 6.

Phương pháp: sgk trang 137, suy luận.

Cách giải:

Thực dân Pháp khi tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương nhằm mục tiêu bù đắp những thiệt hại của Pháp trong quá trình xâm lược vũ trang và bình định quân sự; bóc lột thuộc địa để làm giàu cho chính quốc, đồng thời cũng để khuếch trương công lao khai hóa của thực dân Pháp ở thuộc địa

Chọn: B

Câu 7.

Phương pháp: sgk trang 144, suy luận.

Cách giải:

Lúc đầu, phong trào Đông Du hoạt động thuận lợi; số học sinh sang Nhật có lúc lên tới 200 người. Đến tháng 9-1908, thực dân Pháp câu kết với Nhật và yêu cầu nhà cầm quyền nước này trục xuất những người yêu nước Việt Nam -> Phan Bội Châu buộc phải rời khỏi Nhật Bản, phong trào Đông Du tan rã.

Chọn: B

Câu 8.

Phương pháp: sgk trang 136, suy luận.

Cách giải: 

Nguyên nhân chính khiến những đề nghị cải cách duy tân cuối thế kỉ XIX không được thực hiện là do triều đình Nguyễn bảo thủ, bất lực trong việc thích ứng với hoàn cảnh, nên đã không chấp nhận những thay đổi và từ chối mọi sự cải cách, kể cả những cải cách hoàn toàn có khả năng thực hiện.

Chọn: C

Câu 9.

Phương pháp: sgk trang 131, suy luận.

Cách giải: 

Từ giữa thế kỉ XIX, tình trạng sa sút về nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng đã buộc những người nông dân phải bỏ làng đi phiêu tán. Trong đó, một bộ phận kéo lên Yên Thế, tổ chức khai hoang, lập ấp. Sau khi hoàn thành quá trình xâm lược, bước vào thời kì bình định quân sự, Yên Thế trở thành đối tượng bình định của thực dân Pháp. Để bảo vệ cuộc sống của mình, những người nông dân ở đây đã tự động đứng lên đấu tranh

=> Nông dân Yên Thế đứng lên chống Pháp vì muốn chống lại chính sách cướp bóc, bình định của thực dân Pháp, bảo vệ cuộc sống của mình.

Chọn: B

Câu 10.

Phương pháp: sgk trang 127, suy luận.

Cách giải: 

- Các đáp án A, B, C: đều là đặc điểm giai đoạn 2 (1888 – 1896) của phong trào Cần vương.

- Đáp án D: Từ năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt và bị đi đày sang An-giê-ri (Châu Phi) => Giai đoạn 2 không còn sự lãnh đạo của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết.

Chọn: D

II. TỰ LUẬN

Phương pháp: Phân tích, đánh giá.

Cách giải:

* Giống nhau: Đều là những phong trào yêu nước, chống Pháp để giành độc lập tự do cho dân tộc.

* Khác nhau:

Nội dung

Phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX

Phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX

Mục đích

Đánh Pháp, giành độc lập dân tộc, xây dựng lại chế độ phong kiến

Đánh Pháp, giành độc lập dân tộc, kết hợp với cải cách xã hội, xây dựng chế độ quân chủ lập hiến và cộng hòa tư sản

Lực lượng tham gia

Đông đảo, nhưng chủ yếu là nông dân, đồng bào dân tộc ít người, văn thân, sĩ phu phong kiến.

Nhiều tầng lớp, giai cấp, thành phần xã hội. Đã có sự tham gia của binh lính người Việt trong quân đội Pháp

Hình thức đấu tranh

Đấu tranh vũ trang là chủ yếu

Vũ trang kết hợp tuyên truyền, vận động cải cách xã hội

Thành phần lãnh đạo

Văn thân, sĩ phu phong kiến yêu nước

Tầng lớp sĩ phu yêu nước có tư tưởng tiến bộ

Tổ chức

Theo lề lối phong kiến

Biến đấu tranh giai cấp thành tổ chức chính trị sơ khai

soanvan.me