Đề bài
ĐÊ KIỂM TRA GIỮA KÌ II
MÔN LỊCH SỬ - LỚP 8
Câu 1. Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (gọi tắt là Liên Xô) thành lập vào thời gian nào?
A. Tháng 12 năm 1921.
B. Tháng 12 năm 1922.
C. Tháng 12 năm 1923.
D. Tháng 12 năm 1924.
Câu 2. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Anh phát triển mạnh nhất ở lĩnh vực nào?
A. Các công trường thủ công.
B. Các ngành ngoại thương.
C. Các trung tâm về công nghiệp.
D. Các thành thị phát triển.
Câu 3. Nhân tố nào không khiến các nước đế quốc ráo riết chuẩn bị chiến tranh thế giới thứ nhất?
A. Sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản.
B. Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa.
C. Sự thắng lợi của cách mạng vô sản tháng Mười Nga.
D. Hai khối quân sự đối lập nhau được thành lập.
Câu 4. Cơn bão táp cách mạng tư sản diễn ra ở nhiều nước châu Âu trong những năm 1848 – 1849 đã
A. làm suy yếu chủ nghĩa tư bản ở các nước châu Âu.
B. làm rung chuyển chế độ phong kiến ở nhiều nước.
C. thống nhất các quốc gia, dân tộc ở châu Âu.
D. bùng lên phong trào cải cách nông nô ở châu Âu.
Câu 5. Thực dân Anh đã thực hiện chính sách cai trị như thế nào đối với nhân dân Ấn Độ ?
A. Mở rộng quyền tự do dân chủ.
B. Cai trị hà khắc.
C. Cai trị gián tiếp.
D. Đàn áp tôn giáo.
Câu 6. Những biện pháp của “Chính sách kinh tế mới” nhằm thực hiện điều quan trọng nhất đối với nước Nga lúc này là gì?
A. Ổn định đời sống nhân dân.
B. Vượt qua những khó khăn sau chiến tranh.
C. Đẩy mạnh sản xuất, phát triển, lưu thông hàng hóa.
D. Giải quyết hậu quả chiến tranh.
Câu 7. Biểu hiện nào sau đây không phải hạn chế của nền kinh tế Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918)?
A. Tàn dư phong kiến tồn tại nặng nề.
B. Nhiều công ti mới xuất hiện.
C. Giá thực phẩm tăng cao.
D. Nông nghiệp không có gì thay đổi.
Câu 8. Biểu tình của nữ công nhân ở Pê-tơ-rô-grát (Nga) diễn ra vào ngày tháng nào năm 1917?
A. 27/2.
B. 23/2.
C. 20/2.
D. 3/2.
Câu 9. Một trong những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật của nền văn hóa Xô viết là gì?
A. Nhiều nhà văn và nghệ sĩ nổi tiếng khắp thế giới.
B. Phổ cập giáo dục tiểu học trên cả nước.
C. 60 triệu người thoát nạn mù chữ.
D. Nhiều trường học được xây dựng mới.
Câu 10. Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (8 – 1789) và Hiến pháp 1791 ở Pháp phục vụ chủ yếu cho quyền lợi của giai cấp và tầng lớp nào?
A. Tư sản.
B. Vô sản.
C. Tiểu tư sản.
D. Tăng lữ.
Câu 11. Cách mạng tháng Hai năm 1917 mang tính chất là một cuộc cách mạng
A. dân chủ tư sản.
B. dân chủ tư sản kiểu mới.
C. giải phóng dân tộc.
D. dân tộc, dân chủ nhân dân.
Câu 12. Chính đảng độc lập đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới là tổ chức nào?
A. Đồng minh những người cộng sản.
B. Quốc tế thứ nhất.
C. Quốc tế thứ hai.
D. Quốc tế thứ ba.
Câu 13. Chế độ tư bản đạt được sự thắng lợi đối với chế độ phong kiến trên thế giới ở khoảng thời gian nào?
A. Từ sau năm 1830 đến năm 1840.
B. Từ sau năm 1840 đến năm 1848.
C. Từ sau năm 1848 đến năm 1870.
D. Từ sau năm 1840 đến năm 1870.
Câu 14. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, kinh tế Mĩ có sự phát triển phồn vinh vì:
A. Nước Mĩ xa trung tâm chiến tranh, lại thu được nhiều lợi nhuận nhờ buôn bán vũ khí cho các bên tham chiến
B. Chính phủ Mĩ dùng các biện pháp cải tiến kĩ thuật, sản xuất theo dây chuyền công nghiệp
C. Tăng cường độ lao động và bóc lột công nhân
D. Tất cả các nguyên nhân trên
Câu 15. Khi liên quân tám nước tấn công Bắc Kinh, triều đình phong kiến Mãn Thanh có thái độ như thế nào?
A. Phối hợp với nghĩa quân Nghĩa Hòa đoàn chống lại.
B. Kêu gọi nhân dân cả nước ủng hộ Nghĩa hòa đoàn.
C. Triều đình Mãn Thanh cấu kết với các nước đế quốc.
D. Triều đình Mãn Thanh cho quân đến đàn áp cuộc khởi nghĩa.
Câu 16. Đỉnh cao của phong trào cách mạng 1905 – 1907 là
A. Cuộc khởi nghĩa vũ trang bùng nổ ở Mát-xcơ-va (12-1905).
B. Phong trào đấu tran của công nhân trong năm 1906.
C. Cuộc nổi dậy của nông dân đánh phá dinh cơ của địa chủ phong kiến (5-1905).
D. 14 vạn công nhân Pê-téc-bua đưa bản yêu sách lên nhà vua (1905).
Câu 17. Ý nào sau đây không phản ánh điểm tương đồng của các nhà triết học Ánh sáng Pháp thế kỉ XVII – XVIII?
A. Đều chấp nhận ánh sáng tự nhiên.
B. Đều vứt bỏ siêu hình học.
C. chấp nhận toán học như là một mô hình duy nhất của khoa học.
D. đã có một quan niệm khác về con người.
Câu 18. Hai tập đoàn nào của Mĩ lũng loạn ngành ngân hàng và nắm trong tay 1/3 số vốn ngân hàng toàn nước Mĩ trong những năm cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX?
A. Công ty thép Mooc-gan, công ty dầu mỏ Rốc-phe-lơ.
B. Công ty ô tô Tata, công ty thép Mooc-gan.
C. Công ty dầu mỏ Rốc-phe-lơ, công ty ô tô Tata.
D. Công ty ô tô Tata, công ty ô tô Pho.
Câu 19. Phong trào yêu nước ở In-đô-nê-xi-a cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX có điểm nổi bật là:
A. xuất hiện phong trào cải cách Duy tân đất nước theo gương Nhật Bản.
B. để giành độc lập, khởi nghĩa vũ trang đi liền với những cải cách duy tân đất nước
C. nhiều tổ chức yêu nước của trí thức tư sản ra đời, tổ chức công đoàn của công nhân được thành lập.
D. tất cả các phong trào đều đặt dưới sự lãnh đạo của các trí thức phong kiến.
Câu 20. Một trong những nhân tố quan trọng giúp cuộc bãi công của công nhân Anh năm 1868 giành thắng lợi là
A. Sự thuyết phục của Quốc tế thứ nhất.
B. Sự khủng hoảng của chế độ tư bản ở Anh.
C. Công nhân Pháp đồng ý sang Anh làm việc.
D. Sự đoàn kết, giúp đỡ của công nhân Bỉ.
Lời giải chi tiết
1. B |
2. A |
3. C |
4. B |
5. B |
6. C |
7. B |
8. B |
9. A |
10. A |
11. B |
12. A |
13. C |
14. D |
15. C |
16. A |
17. C |
18. A |
19. C |
20. A |
Câu 1
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 83.
Cách giải:
Công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ đất nước đòi hỏi các dân tộc trên đất nước Xô viết phải liên minh khăng khít và giúp nhau hơn nữa về mọi mặt. Từ yêu cầu đó tháng 12/1922 Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết được thành lập
Chọn B
Câu 2
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 4
Cách giải:
Trong sự phát triển chung của châu Âu, quan hệ tư bản chủ nghĩa ở Anh lớn mạnh hơn cả, trước hết là ở miền Đông – Nam. Nhiều công trường thủ công ra đời.
Chọn A
Câu 3
Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 70 - 71, suy luận.
Cách giải:
Các nước đế quốc ráo riết chuẩn bị cho Chiến tranh thế giới thứ nhất do:
- Sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX làm thay đổi sâu sắc so sánh lực lượng giữa các nước đế quốc.
- Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa ngày càng trở nên gay gắt, dẫn đến sự hình thành hai khối quân sự kình địch nhau:
+ khối Liên minh gồm Đức, Áo-Hung, I-ta-li-a ra đời năm 1882;
+ khối Hiệp ước của ba nước Anh, Pháp, Nga hình thành năm 1907.
- Hai khối này đều ráo riết chạy đua vũ trang và tích cực chuẩn bị chiến tranh, mong muốn thanh toán địch thủ của mình để chia lại thuộc địa, làm bá chủ thế giới.
Chọn C
Chú ý khi giải:
Thắng lợi của cách mạng tháng Mười là hệ quả không mong muốn của các nước đế quốc khi tiến hành chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918).
Câu 4
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 24.
Cách giải:
Trong những năm 1848 – 1849, cách mạng tư sản diễn ra sôi nổi ở nhiều nước châu Âu. Những cuộc cách mạng này đã củng cố sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản Pháp, làm rung chuyển chế độ phong kiến ở nhiều nước như: Đức, I-ta-li-a và đế quốc Áo – Hung.
Chọn B
Câu 5
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, 56, suy luận
Cách giải:
Chính sách cai trị của thực dân Anh
+ Chính trị: cai trị trực tiếp, mua chuộc quý tộc bản xứ, khơi sâu sự cách biệt về chủng tộc, tôn giáo
+ Kinh tế: ra sức vơ vét, bóc lột công nhân
=> chính sách cai trị hà khắc:
Chọn B
Câu 6
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 83.
Cách giải:
Xuất phát từ tình hình kinh tế nước Nga Xô viết bị tàn phá nặng nề trong bảy năm chiến tranh (1914 – 1921): sản lượng nông nghiệp năm 1920 chỉ bằng ½ so với trước chiến tranh, sản lượng công nghiệp chỉ còn 1/7, nhiều vùng lâm vào dịch bệnh và nạn đói trầm trọng.
=> Chính sách kinh tế mới là biện pháp Lê-nin đề xướng nhằm khắc phục khó khăn và phát triển các ngành kinh tế từ năm 1921. Xét những nội dung của chính sách này cho thấy những biện pháp mà NEP đề ra nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng, cơ bản nhất là: đẩy mạnh sản xuất, phát triển, lưu thông hàng hóa.
Chọn C
Câu 7
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 96, loại trừ.
Cách giải:
- Các đáp án A, C, D: là hạn chế của nền kinh tế Nhật Bản trong những năm sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918).
- Đáp án B: là điểm tích cực của nền kinh tế Nhật Bản. Bên cạnh đó, sản lượng công nghiệp Nhật Bản tăng gấp 5 lần, sản xuất hàng hóa được mở rộng và tăng cường xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường châu Á.
Chọn B
Câu 8
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 76.
Cách giải:
Biểu tình của nữ công nhân ở Pê-tơ-rô-grát (Nga) diễn ra vào ngày 23/2.
Chọn B
Câu 9
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 112.
Cách giải:
Những thành tựu tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật của nền văn hóa Xô viết bao gồm:
- Thi ca, sân khấu điện ảnh đạt được nhiều thành tựu lớn.
- M. Gooki, Sôlôkhốp, Tôn – xtôi, …
Chọn A
Câu 10
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 13, suy luận
Cách giải:
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (8 – 1789) và Hiến pháp 1791 ở Pháp phục vụ chủ yếu cho quyền lợi của giai cấp và tầng lớp Tư sản
Chọn A
Câu 11
Phương pháp: Dựa vào mục tiêu của cuộc cách mạng để đánh giá tính chất.
Cách giải:
Cách mạng tháng Hai năm 1917 ở Nga là cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới. Bởi đó là cuộc cách mạng làm nhiệm vụ cách mạng dân chủ tư sản do giai cấp vô sản lãnh đạo, sau khi thắng lợi sẽ chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Chọn B
Câu 12
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 32.
Cách giải:
Trong thời gian ở Anh, Mác và Ăng-ghen đã liên hệ với một số tổ chức bí mật của công nhân Tây Âu là “Đồng minh những người chính nghĩa” và cải tổ thành “Đồng minh những người cộng sản”. Đây chính là chính đảng độc lập đầu tiên của vô sản quốc tế.
Chọn A
Câu 13
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 33.
Cách giải:
Từ sau năm 1848 – 1849 đến năm 1870, chế độ tư bản đạt được sự thắng lợi đối với chế độ phong kiến trên phạm vi thế giới. Đánh dấu bằng các cuộc cách mang tư sản thế kỉ XIX, trong đó có cuộc đấu tranh thống nhất Italia và cuộc đấu tranh thống nhất nước Đức.
Chọn C
Câu 14
Phương pháp: Dựa vào tình hình kinh tế Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất để giải thích.
Cách giải:
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, kinh tế Mĩ có sự phát triển phồn vinh vì:
- Nước Mĩ xa trung tâm chiến tranh, lại thu được nhiều lợi nhuận nhờ buôn bán vũ khí cho các bên tham chiến
- Chính phủ Mĩ dùng các biện pháp cải tiến kĩ thuật, sản xuất theo dây chuyền công nghiệp
- Tăng cường độ lao động và bóc lột công nhân
Chọn D
Câu 15
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 60.
Cách giải:
Khi liên quân tám nước tấn công Bắc Kinh, phong trào Nghĩa Hòa đoàn thất bại vì sự lãnh đạo thiếu thống nhất, thiếu vũ khí và do sự cấu kết của triều đình Mãn Thanh với các nước đế quốc.
Chọn C
Câu 16
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 50.
Cách giải:
Đỉnh cao của cuộc đấu tranh 1905 – 1907 là cuộc khởi nghĩa vũ trang bùng nổ ở Mát-xcơ-va tháng 12-1905. Các chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu vô cùng anh dùng trong gần hai tuần lễ. Cuối cùng, cuộc khởi nghĩa bị thất bại vì lực lượng quá chênh lệch.
Chọn A
Câu 17
Phương pháp: Liên hệ thực tế lịch sử để trả lời.
Cách giải:
Triết học ánh sáng là trào lưu triết học của giai cấp tư sản đang lên ở Châu Âu, xuất hiện vào thế kỉ 17, nhất là thế kỉ 18. Ánh sáng ở đây là chỉ ánh sáng tự nhiên để phân biệt với ánh sáng siêu nhiên được gắn liền với thần học. Các nhà triết học ánh sáng nổi lên mạnh nhất vào thế kỉ 18 (thế kỉ này được gọi là Thế kỉ Ánh sáng). Họ có chung những đặc điểm sau:
1. Đều chấp nhận ánh sáng tự nhiên, phản đối việc triết học làm đầy tớ cho thần học. Triết học của họ là triết học thế tục.
2. Đều vứt bỏ siêu hình học. Trong lĩnh vực này phải kể đến công lao của Bâylơ (P. Bayle) và Lôckơ (J. Locke), của Vônte (F. M. Voltaire) và các nhà bách khoa toàn thư.
3. Về phương pháp, các nhà triết học ánh sáng không còn chấp nhận toán học như là một mô hình duy nhất của khoa học và quan tâm đến những quan sát và kinh nghiệm.
4. Từ những quan niệm trên, các nhà triết học ánh sáng đã có một quan niệm khác về con người. Trong khi tôn giáo đặt con người ở trên tất cả mọi loài động vật thì họ cho rằng "con người cũng có một thể xác động vật". Quan niệm con người tự nhiên của họ đã mở ra nhiều ngành khoa học nghiên cứu về con người trên cơ sở khoa học. Mặt khác, họ đã nghiên cứu về con người xã hội. Trong lĩnh vực này phải kể đến những tác phẩm lớn như "Tinh thần luật pháp" của Môngtexkiơ (C. de Montesquieu) và "Khế ước xã hội" của Ruxô (J. J. Rousseau).
Chọn C
Câu 18
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 42.
Cách giải:
Công ty thép Mooc-gan, công ty dầu mỏ Rốc-phe-lơ là hai tập đoàn lũng loạn ngành ngân hàng và nắm trong tay 1/3 số vốn ngân hàng toàn nước Mĩ trong những năm cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.
- Công ty thép Mooc-gan kiểm soát 60% sản lượng thép, 5000 ha mỏ than, 1600km đường sắt, 100 tày thủy.
- Công ty dầu mỏ Rốc-phe-lơ kiểm soát 90% ngành sản xuất dầu mỏ và 70000 km đường ống dẫn dầu, hàng trăm tàu biển và kho tàng trong và ngoài nước.
Chọn A
Câu 19
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 65, suy luận.
Cách giải:
Từ cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, nhiều tổ chức yêu nước của trí thức tư sản tiến bộ ra đời, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Từ sau năm 1905, nhiều tổ chức công đoàn được thành lập và bước đầu truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào In-đô-nê-xi-a. Đây là đặc điểm nổi bật của phong trào yêu nước ở In-đô-nê-xi-a cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.
Chọn C
Câu 20
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 33, suy luận.
Cách giải:
Năm 1868, ở Anh nổ ra cuộc bãi công lớn chủ tư bản Anh định đưa công nhân Pháp sang làm việc nhằm làm thất bại cuộc bãi công. Do sự thuyết phục của Quốc tế thứ nhất, công nhân Pháp đã từ chối sang Anh làm việc. Cuối cùng cuộc bãi công của công nhân Anh giành thắng lợi.
=> Một trong những nhân tố quan trọng giúp cuộc bãi công của công nhân Anh năm 1868 giành thắng lợi là do sự thuyết phục của Quốc tế thứ nhất.
Chọn A
soanvan.me