Câu hỏi 1 :
Trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược vào năm 1858, Việt Nam vẫn là
- A
một quốc gia độc lập, có chủ quyền
- B
một vùng tự trị của Trung Hoa
- C
một quốc gia tự do
- D
một vùng ảnh hưởng của Trung Hoa
Đáp án: A
Phương pháp giải:
Dựa vào tình hình Việt Nam giữa thế kỉ XIX để trả lời
Lời giải chi tiết:
Vào giữa thế kỉ XIX, trước khi bị thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam là môt quốc gia độc lập, có chủ quyền
Câu hỏi 2 :
Ai là người đã kiên trì gửi lên triều đình 30 bản điều trần?
- A
Nguyễn Lộ Trạch
- B
Nguyễn Trường Tộ
- C
Bùi Viện
- D
Phạm Phú Thứ
Đáp án: B
Lời giải chi tiết:
Từ năm 1863 đến năm 1871, Nguyễn Trường Tộ đã kiên trì gửi lên triều đình 30 bản điều trần, đề cập đến một loạt vấn đề như chấn chỉnh bộ máy quan lại, phát triển công thương nghiệp, tài chính, chính đốn võ bị, mở rộng ngoại giao...
Câu hỏi 3 :
Theo sự phân chia của người Pháp, xứ Bắc Kì theo chế độ cai trị nào?
- A
Nửa bảo hộ
- B
Bảo hộ
- C
Thuộc địa
- D
Tự trị
Đáp án: A
Phương pháp giải:
Dựa vào tổ chức bộ máy nhà nước của thực dân Pháp để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Việt Nam bị chia làm 3 xứ với 3 chế độ cai trị khác nhau:
- Bắc Kì là xứ nửa bảo hộ
- Trung Kì theo chế độ bảo hộ
- Nam Kì theo chế độ thuộc địa
Câu hỏi 4 :
Những năm đầu thế kỉ XX, một số nhà yêu nước Việt Nam muốn học tập theo Nhật Bản để cứu nước không xuất phát từ lí do nào sau đây?
- A
Nhật Bản “đồng văn, đồng chủng” với Việt Nam
- B
Nhật Bản trở thành nước tư bản hùng mạnh
- C
Ảnh hưởng của thuyết Đại Đông Á
- D
Thắng lợi của Nhật Bản trong chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905)
Đáp án: C
Phương pháp giải:
Dựa vào đặc điểm của nước Nhật đầu thế kỉ XX để suy luận trả lời
Lời giải chi tiết:
Nhật Bản là nước “đồng văn, đồng chủng” với Việt Nam. Hơn nữa, sau cuộc cải cách Minh Trị, Nhật Bản là nước duy nhất không bị biến thành thuộc địa và đã trở thành một nước tư bản hùng mạnh, đánh thắng đế quốc Nga năm 1905. Chính vì thế, các nhà yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX muốn lấy Nhật Bản làm tấm gương để học tập
=> Đáp án C: là âm mưu của Nhật Bản mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Nó được đề ra ở giai đoạn sau.
Câu hỏi 5 :
Đêm mồng 4 rạng sáng 5-7-1885, ở Huế đã diễn ra sự kiện lịch sử gì quan trọng?
- A
Vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương
- B
Cuộc phản công ở kinh thành Huế của phe chủ chiến
- C
Thực dân Pháp tấn công kinh thành Huế
- D
Ưng Lịch lên ngôi vua, lấy hiệu là Hàm Nghi
Đáp án: B
Lời giải chi tiết:
Sau khi biết được âm mưu muốn tiêu diệt phe chủ chiến của thực dân Pháp, đêm mồng 4 rạng sáng ngày 5-7-1885, Tôn Thất Thuyết và lực lượng chủ chiến bất ngờ mở cuộc phản công ở kinh thành Huế tấn công quân Pháp ở tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá.
Câu hỏi 6 :
Vì sao trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất thực dân Pháp chú trọng xây dựng hệ thống giao thông?
- A
Khuyếch trương hình ảnh hiện đại của nền văn minh Pháp.
- B
Tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.
- C
Phục vụ cho công cuộc khai thác, bóc lột và quân sự.
- D
Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngoại thương.
Đáp án: C
Lời giải chi tiết:
Cho đến trước khi thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, cơ sở hạ tầng ở Đông Dương còn rất lạc hậu, không thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc khai thác. Do đó để phục vụ cho công cuộc khai thác, bóc lột và đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân (quân sự), Pháp đã chú trọng xây dựng hệ thống giao thông.
Câu hỏi 7 :
Trong giai đoạn từ năm 1893 đến năm 1913, lãnh tụ tối cao của khởi nghĩa Yên Thế là ai?
- A
Đề Nắm
- B
Đề Thám
- C
Đề Sặt
- D
Đề Nguyên
Đáp án: B
Lời giải chi tiết:
Sau khi Đề Nắm bị sát hại, từ năm 1893 đến năm 1913, Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) đã lên thay thế và trở thành lãnh tụ tối cao của khởi nghĩa Yên Thế
Câu hỏi 8 :
Ai đã được nhân dân tôn làm Bình Tây Đại nguyên soái trong cuộc kháng chiến của nhân dân ba tỉnh miền Đông Nam Kì chống Pháp?
- A
Nguyễn Hữu Huân.
- B
Nguyễn Trung Trực.
- C
Trương Định.
- D
Tôn Thất Thuyết.
Đáp án: C
Phương pháp giải:
Dựa vào diễn biến cuộc kháng chiến ở miền Đông Nam Kì để trả lời
Lời giải chi tiết:
Một trong những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của nhân dân Đông Nam Kì chống Pháp là cuộc khởi nghĩa của Trương Định. Ông được nhân dân tôn làm Bình Tây đại nguyên soái. Trương Định không những không hạ vũ khí theo lệnh của triều đình mà hoạt động ngày càng mạnh mẽ.
Câu hỏi 9 :
Nội dung nào không phải hành động của thực dân Pháp nhằm củng cố nền thống trị ở Nam Kì trong giai đoạn 1867-1873?
- A
Xây dựng bộ máy cai trị có tính chất quân sự từ trên xuống dưới.
- B
Hoàn thành xâm lược Campuchia và Lào.
- C
Ra sức vơ vét lúa gạo để xuất khẩu.
- D
Cướp đoạt ruộng đất của nông dân.
Đáp án: B
Lời giải chi tiết:
Những hành động của Pháp sau năm 1867 và trước khi tiến hành tiến đánh Bắc Kì lần thứ nhất bao gồm:
- Xây dựng bộ máy cai trị có tính chất quân sự từ trên xuống dưới.
- Đẩy mạnh chính sách bóc lột bằng tô thuế, cướp đoạt ruộng đất của nông dân.
- Ra sức vơ vét lúa gạo để xuất khẩu, mở trường đào tạo tay sai.
- Xuất bản báo chí nhằm tuyên truyền cho kế hoạch xâm lược sắp tới.
Đáp án B: Thời điểm này Pháp vẫn chưa hoàn thành xâm lược Campuchia và Lào.
Câu hỏi 10 :
Đâu không phải luận điểm chứng minh khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1896) là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương?
- A
Thời gian diễn ra dài nhất
- B
Địa bàn hoạt động rộng lớn nhất
- C
Trình độ tổ chức tiến bộ nhất
- D
Lãnh đạo tiên tiến nhất
Đáp án: D
Phương pháp giải:
Dựa vào đặc điểm của khởi nghĩa Hương Khê để suy luận trả lời
Lời giải chi tiết:
Khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương vì:
- Thời gian diễn ra dài nhất trong 10 năm (1885-1895)
- Địa bàn hoạt động rộng lớn: khắp 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình
- Trình độ tổ chức tiến bộ nhất
+ Có hẳn 1 giai đoạn 3 năm chuẩn bị lực lượng
+ Nghĩa quân được chia thành 15 thứ quân. Mỗi thứ quân có từ 100 đến 500 người, phân bố trên địa bàn 4 tỉnh. Họ được trang bị súng trường theo kiểu Pháp tự chế tạo
…
Đáp án D: lãnh đạo khởi nghĩa Hương Khê cũng giống như các cuộc khởi nghĩa khác trong phong trào Cần Vương đều là các văn thân, sĩ phu yêu nước
Câu hỏi 11 :
Nội dung nào không phản ánh đúng tình hình Việt Nam sau Hiệp ước Giáp Tuất (1874)?
- A
Cuộc sống nhân dân đói khổ.
- B
Nền kinh tế đất nước kiệt quệ.
- C
Các đề nghị cải cách được triển khai.
- D
Giặc cướp nổi lên khắp nơi.
Đáp án: C
Lời giải chi tiết:
Tình hình Việt Nam sau Hiệp ước Giáp Tuất (1874) mang những nét nổi bật sau đây:
- Kinh tế: ngày càng kiệt quệ.
- Xã hội: nhân dân đói khổ, giặc cướp nổi lên khắp nơi
- Chính trị: các đều nghị cải cách duy tân bị khước từ, có lúc phải triều đình phải cầu cứu cả quân Pháp và quân Thanh.
=> Tình hình rối loạn cực độ.
=> Loại trừ đáp án: C
Câu hỏi 12 :
Vào giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam đang ở trong tình trạng như thế nào?
- A
hình thành và hoàn thiện mô hình bước đầu.
- B
đang ở trong giai đoạn khủng hoảng suy yếu nghiêm trọng.
- C
được củng cố vững chắc và phát triển hưng thịnh.
- D
một lực lượng sản xuất mới – tư bản chủ nghĩa đang hình trong lòng xã hội phong kiến.
Đáp án: B
Phương pháp giải:
Dựa vào tình hình Việt Nam đến giữa thế kỉ XIX để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Vào giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng và suy yếu nghiêm trọng. Biểu hiện là:
- Nông nghiệp: sa sút.
- Công thương nghiệp: đình đốn.
- Khởi nghĩa nông dân chống triều đình: nổ ra ở khắp nơi
Câu hỏi 13 :
Tầng lớp tư sản Việt Nam có nguồn gốc từ
- A
một số người đứng ra hoạt động công thương nghiệp.
- B
một số người nông dân giàu có chuyển hướng kinh doanh.
- C
một số tiểu tư sản vốn có ít vốn chuyển hướng kinh doanh.
- D
từ Pháp du nhập vào Việt Nam.
Đáp án: A
Lời giải chi tiết:
Mầm mống ra đời của tầng lớp tư sản Việt Nam xuất phát từ một số người đứng ra hoạt động công thương nghiệp. Trong quá trình khai thác thuộc địa, thực dân Pháp cần có những người làm trung gian, đại lý tiêu thụ hoặc thu mua hàng hóa, cung ứng nguyên vật liệu. Nhờ buôn bán họ trở tên giàu có. Đó chính là những lớp người đầu tiên của tư sản Việt Nam
Câu hỏi 14 :
Ai là người đứng đầu Liên bang Đông Dương?
- A
Toàn quyền người Pháp
- B
Khâm sứ người Pháp
- C
Thống sứ người Pháp
- D
Thống đốc người Pháp
Đáp án: A
Lời giải chi tiết:
Thực dân Pháp thành lập Liên bang Đông Dương gồm Việt Nam, Campuchia và Lào, đứng đầu là viên toàn quyền người Pháp.
Câu hỏi 15 :
Phan Bội Châu chủ trương cứu nước bằng các dựa vào
- A
Nga
- B
Nhật Bản
- C
Pháp
- D
Mĩ
Đáp án: B
Lời giải chi tiết:
Nhật Bản được xem là nước cùng màu da, cùng văn hóa Hán học, lại đi theo con đường tư bản châu Âu, đã giàu mạnh lên và đánh thắng đế quốc Nga nên Phan Bội Châu tin tưởng có thể nhờ cậy được.
Câu hỏi 16 :
Đâu không phải nguyên nhân một số nhà yêu nước Việt Nam chủ trương cứu nước bằng con đường cải cách?
- A
Do sự thất bại liên tiếp của các phong trào đấu tranh vũ trang trước đó
- B
Do ảnh hưởng yếu tố quê hương
- C
Do thất bại của phong trào Đông Du
- D
Do tư tưởng cải cách trên thế giới lúc bấy giờ xâm nhập mạnh vào Việt Nam
Đáp án: C
Phương pháp giải:
Dựa vào hoàn cảnh lịch sử Việt Nam để suy luận trả lời
Lời giải chi tiết:
Sở dĩ một số nhà yêu nước Việt Nam chủ trương cải cách là do:
- Chứng kiến sự thất bại liên tiếp của các phong trào đấu tranh vũ trang trước đó
- Tư tưởng cải cách trên thế giới xâm nhập mạnh vào Việt Nam, đặc biệt là từ Nhật Bản với thành công của cuộc cách cách Duy tân Minh Trị.
=> Loại trừ đáp án C.
Câu hỏi 17 :
Ngày 5-6-1911, ở Việt Nam đã diễn ra sự kiện lịch sử gì quan trọng?
- A
Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước
- B
Việt Nam Quang phục hội được thành lập
- C
Phong trào kháng thuế ở Trung Kì bùng nổ
- D
Trường Đông Kinh nghĩa thục được thành lập
Đáp án: A
Lời giải chi tiết:
Ngày 5-6-1911, tại bến cảng nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Việt Nam, ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu La-tu-sơ-Tơ-rê-vin
Câu hỏi 18 :
Hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862) không bao gồm nội dung nào sau đây?
- A
Thừa nhận quyền cai quản của Pháp ở ba tỉnh Đông Nam Kì.
- B
Cho phép người Pháp và Tây Ban Nha tự do truyền đạo Giatô.
- C
Thừa nhận chủ quyền của Pháp ở Nam Kì.
- D
Mở ba cửa biển (Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên) cho Pháp tự do vào buôn bán.
Đáp án: C
Lời giải chi tiết:
Nội dung cơ bản của Hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862):
Ngày 5-6-1862, triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất gồm những nội dung cơ bản sau:
- Thừa nhận quyền cai quản của Pháp ở 3 tỉnh miền Đông Nam Kì (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và đảo Côn Lôn.
- Mở ba cửa biển (Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên) cho Pháp vào buôn bán.
- Cho phép người Pháp và người Tây Ban Nha tự do truyền đạo Gia Tô, bãi bỏ lệnh cấm đạo trước đây.
- Bồi thường cho Pháp một khoản chiến phí tương đương 280 vạn lạng bạc.
- Pháp sẽ “trả lại” thành Vĩnh Long cho triều đình Huế chừng nào triều đình buộc được dân chúng ngừng kháng chiến.
=> Loại trừ đáp án D: Triều đình Huế thừa nhận sự bảo hộ của Pháp ở 6 tỉnh Nam Kì là nội dung cua Hiệp ước Giáp Tuất (1874).
Câu hỏi 19 :
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam cuối thế kỉ XIX thất bại xuất phát từ nguyên nhân khách quan nào?
- A
Cuộc kháng chiến diễn ra thiếu sự chuẩn bị chu đáo
- B
Không tập hợp đoàn kết được đông đảo nhân dân tham gia đấu tranh
- C
So sánh tương quan lực lượng chênh lệch bất lợi cho Việt Nam
- D
Thiếu sự đoàn kết quốc tế
Đáp án: C
Phương pháp giải:
Dựa vào bối cảnh lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỉ XIX để suy luận trả lời.
Lời giải chi tiết:
Nguyên nhân khách quan dẫn đến sự thất bại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam cuối thế kỉ XIX là do so sánh tương quan lực lượng chênh lệch bất lợi cho Viêt Nam. Thực dân Pháp mang theo sức mạnh của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, quân đội thiện chiến. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một nước phong kiến lạc hậu nên trong quá trình kháng chiến tất yếu sẽ gặp phải những khó khăn.
Câu hỏi 20 :
Hiệp ước nào đánh dấu triều đình Huế chính thức thừa nhận sáu tỉnh Nam Kì hoàn toàn thuộc Pháp?
- A
Hiệp ước Nhâm Tuất.
- B
Hiệp ước Giáp Tuất.
- C
Hiệp ước Hác măng.
- D
Hiệp ước Patơnốt.
Đáp án: B
Lời giải chi tiết:
Ngày 15-3-1874, triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Giáp Tuất. Theo đó, Pháp sẽ rút quân khỏi Bắc Kì, còn triều đình thì chính thức thừa nhận sáu tỉnh Nam Kì hoàn toàn thuộc Pháp.
Câu hỏi 21 :
Năm 1858, Pháp tấn công Đà Nẵng trước tiên không xuất phát từ lí do nào sau đây?
- A
Gần Huế, dễ dàng thực hiện ý đồ “đánh nhanh thắng nhanh”
- B
Có giáo dân và gián điệp hoạt động mạnh
- C
Có cảng nước sâu, tàu chiến dễ ra vào
- D
Cắt đứt đường tiếp tế lương thực cho triều đình
Đáp án: D
Phương pháp giải:
Dựa vào đặc điểm vị trí địa lí và dân cư của Đà Nẵng để suy luận trả lời.
Lời giải chi tiết:
Đà Nẵng là một hải cảng sâu và rộng, tàu chiến có thể ra vào dễ dàng. Hơn nữa Đà Nẵng chỉ cách Huế khoảng 100 km, phù hợp với ý đồ “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp. Tại đây có nhiều người theo đạo Thiên Chúa và một số gián điệp đội lốt thầy tu đã dọn đường cho cuộc chiến tranh của quân Pháp…=> Pháp quyết định chọn Đà Nẵng làm điểm mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam
=> Loại trừ đáp án: D
Câu hỏi 22 :
Theo anh (chị) có phải triều đình Nguyễn đã đầu hàng thực dân Pháp ngay từ đầu hay không? Vì sao?
- A
Có. Vì triều đinh đã chủ động kí với Pháp hiệp ước Nhâm Tuất
- B
Có. Vì triều đình đã thực hiện thủ hiểm, bỏ qua cơ hội kháng chiến chống Pháp
- C
Không. Vì triều đình đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến ngay từ khi Pháp nổ súng xâm lược
- D
Không. Vì nhà Nguyễn chú ý phòng thủ đất nước khiến Pháp không dễ dàng chiếm được Nam Kì
Đáp án: C
Phương pháp giải:
Dựa vào diễn biến cuộc kháng chiến từ 1858- 1873 để phân tích, đánh giá
Lời giải chi tiết:
Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, triều đình Nguyễn đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chứ không hề đầu hàng giặc:
- Ở mặt trận Đà Nẵng, triều đình cử Nguyễn Tri Phương làm tổng chỉ huy đã bước đầu làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp
- Ở mặt trận Gia Định, khi quân Pháp tấn công, quân triều đình vẫn kiên quyết tổ chức tấn công. Kể cả hành động thủ hiểm ở đại đồn Chí Hòa cũng không phải là hành động đầu hàng. Vì đại đồn Chí Hòa được xây dựng theo tư duy quân sự phong kiến để phòng thủ trước cuộc tấn công của kẻ thù
- Phải đến hiệp ước Nhâm Tuất (1862) mới bắt đầu đánh dấu quá trình đầu hàng từng bước của nhà Nguyễn trước thực dân Pháp
Câu hỏi 23 :
Lý do nào thúc đẩy thực dân Pháp quyết tâm xâm chiếm bằng được Bắc Kì lần thứ hai (1883)?
- A
Nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ
- B
Thị trường tiêu thụ rộng lớn
- C
Nguồn than đá dồi dào
- D
Thực dân Anh đang nhòm ngó Bắc Kì
Đáp án: C
Lời giải chi tiết:
Từ nửa sau thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản Pháp tiến dần lên giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, nhu cầu về nguồn nguyên liệu, thị trường, nhân công ngày càng tăng. Trong khi đó, thực dân Pháp lại phát hiện ra nguồn than đá dồi dào phục vụ cho sản xuất công nghiệp Pháp ở Bắc Kì.
=> Thực dân Pháp quyết tâm xâm chiếm bằng được Bắc Kì lần thứ hai (1883)
Câu hỏi 24 :
Sự thất bại của phong trào Cần Vương (1885-1896) đã chứng tỏ điều gì?
- A
văn thân, sĩ phu xác dịnh không đúng đối tượng đấu tranh.
- B
độc lập dân lộc không gắn liền với chế độ phong kiến.
- C
thực dân Pháp đã cơ bản hoàn thành quá trình xâm lược.
- D
văn thân, sĩ phu xác định không đúng nhiệm vụ đấu tranh.
Đáp án: B
Lời giải chi tiết:
Phong trào Cần Vương là phong trào theo khuynh hướng cứu nước phong kiến, mục tiêu đấu tranh của phong trào này là đánh Pháp giành lại độc lập, xây dựng chế độ phong kiến với vua hiền tôi giỏi. Tuy nhiên sự thất bại của phong trào Cần Vương cũng đồng nghĩa với sự sự thất bại của khuynh hướng cứu nước phong kiến - Độc lập dân tộc không gắn liền với chế độ phong kiến.
Câu hỏi 25 :
So với các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương (1885 – 1896), khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 1913) có sự khác biệt căn bản là
- A
mục tiêu đấu tranh và lực lượng tham gia
- B
đối tượng đấu tranh và hình thức đấu tranh
- C
hình thức, phương pháp đấu tranh
- D
đối tượng đấu tranh và quy mô phong trào
Đáp án: A
Phương pháp giải:
Dựa vào đặc điểm các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương và khởi nghĩa nông dân Yên Thế để so sánh, nhận xét.
Lời giải chi tiết:
Các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương (1885 – 1896) và khởi nghĩa Yên Thế có sự khác nhau về mục tiêu đấu tranh và lực lượng tham gia phong trào. Cụ thể là:
*Mục tiêu đấu tranh:
- Phong trào Cần Vương: đánh Pháp giành độc lập dân tộc, khôi phục lại chế độ phong kiến.
- Khởi nghĩa nông dân Yên Thế: đánh Pháp để tự vệ, giành quyền lợi thiết thực, giữ đất, giữ làng.
=> Mục tiêu đấu tranh cũng quy định tính chất:
- Phong trào Cần Vương mang tính chất là phong trào theo khunh hướng phong kiến mang tính dân tộc sâu sắc.
- Khởi nghĩa nông dân Yên Thế mang tính tự vệ.
*Lực lượng tham gia:
- Phong trào Cần Vương: văn thân, sĩ phu, nông dân.
- Khởi nghĩa nông dân Yên Thế: chỉ có nông dân.
Câu hỏi 26 :
Sự chuyển biến về kinh tế - xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX đã tác động như thế nào đến phong trào yêu nước Việt Nam thời kì này?
- A
Làm cho mâu thuẫn dân tộc phát triển gay gắt
- B
Thúc đẩy phong trào đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản và vô sản phát triển
- C
Tạo điều kiện để Nguyễn Tất Thành có những nhận thức mới về thời đại
- D
Tạo cơ sở bên trong cho sự bùng nổ của một khuynh hướng đấu tranh mới
Đáp án: D
Phương pháp giải:
Dựa vào tác động của sự chuyển biến kinh tế - xã hội đầu thế kỉ XX để nhận xét, đánh giá
Lời giải chi tiết:
Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, phương thức sản xuất tư bản được du nhập làm cho cơ cấu kinh tế - xã hội Việt Nam có sự chuyển biến. Đặc biệt nhất là sự ra đời của các giai cấp tầng lớp mới. Đây chính là cơ sở bên trong, mảnh đất màu mỡ để tư tưởng dân chủ tư sản có thể du nhập vào và làm bùng lên một phong trào đấu tranh theo khuynh hướng này ở Việt Nam
Câu hỏi 27 :
Yếu tố nào quyết định sự xuất hiện của khuynh hướng tư sản ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XX?
- A
Những chuyển biến về kinh tế, xã hội, tư tưởng
- B
Sự xuất hiện của giai cấp tư sản và tiểu tư sản
- C
Sự lỗi thời của hệ tư tưởng phong kiến
- D
Sự khủng hoảng suy yếu của chế độ phong kiến
Đáp án: A
Phương pháp giải:
Sự khủng hoảng suy yếu của chế độ phong kiến
Lời giải chi tiết:
Yếu tố quyết định sự xuất hiện của khuynh hướng tư sản ở Việt Nam đầu thế kỉ XX là những chuyển biến về kinh tế, xã hội, tư tưởng
- Kinh tế: trong quá trình tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã được du nhập vào Việt Nam và dẫn tới sự chuyển biến cơ cấu kinh tế.
- Xã hội: chuyển biến kinh tế đã dẫn tới chuyển biến xã hội. Phân hóa giai cấp bắt đầu diễn ra. Bên cạnh các giai cấp cũ là nông dân, địa chủ phong kiến, xuất hiện các giai cấp, tầng lớp mới là giai cấp công nhân, tầng lớp tư sản, tiểu tư sản.
- Tư tưởng: tư tưởng dân chủ tư sản được du nhập vào Việt Nam.
Câu hỏi 28 :
Từ sự thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỉ XIX, bài học quan trọng nhất rút ra cho các phong trào đấu tranh ở giai đoạn sau là gì?
- A
Vấn đề tập hợp đoàn kết lực lượng
- B
Vai trò của giai cấp lãnh đạo
- C
Vấn đề đoàn kết quốc tế
- D
Phương thức tác chiến
Đáp án: B
Phương pháp giải:
Dựa vào diễn biến cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỉ XIX (1858 – 1884) để phân tích, đánh giá
Lời giải chi tiết:
Phát huy vai trò của giai cấp lãnh đạo là bài học quan trọng nhất rút ra từ sự thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỉ XIX. Vì không có một giai cấp lãnh đạo tiên tiến thì không thể đề ra được đường lối kháng chiến, tổ chức, đoàn kết nhân dân cả nước đấu tranh chống lại kẻ thù
Câu hỏi 29 :
Nội dung nào không phải nguyên nhân phong trào nông dân Yên Thế diễn ra dài hơn so với các cuộc khởi nghĩa cùng thời?
- A
Thực dân Pháp đang bận đàn áp phong trào Cần Vương
- B
Phong trào diễn ra ở một vị trí địa lý thuận lợi
- C
Phương thức tác chiến linh hoạt
- D
Trình độ tổ chức cao, đã chế tạo được súng trường kiểu Pháp
Đáp án: D
Phương pháp giải:
Dựa vào bối cảnh lịch sử và đặc điểm của phong trào để phân tích, đánh giá
Lời giải chi tiết:
Sở dĩ phong trào nông dân Yên Thế có thể diễn ra trong hơn 30 năm, dài hơn hẳn các cuộc khởi nghĩa cùng thời là do:
- Cùng thời gian diễn ra cuộc khởi nghĩa Yên Thế còn có các cuộc đấu tranh chống Pháp khác như phong trào Cần Vương, hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…nên thực dân Pháp khó có điều kiện tập trung lực lượng để đàn áp
- Phong trào diễn ra trên một địa bàn có vị trí địa lý thuận lợi- vùng trung du, miền núi phía BắC. Nơi đây có những cánh rừng rậm rạp có thể che chở cho nghĩa quân và cơ động di chuyển sang các vùng khác một cách dễ dàng
- Phương thức tác chiến linh hoạt, sử dụng lối đánh du kích, đặc biệt là biết khai thác thời gian hòa hoãn để củng cố phát triển lực lượng
- Ngoài ra còn có vai trò của giai cấp lãnh đạo - tiêu biểu là Đề Thám, sự đoàn kết giữa những người nông dân ở các vùng…
=> Đáp án D: là đặc điểm của khởi nghĩa Hương Khê, thuộc phong trào Cần Vương.
Câu hỏi 30 :
“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre”.
(Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)
Những câu thơ trên nhắc đến sự kiện lịch sử nào?
- A
Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước
- B
Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời
- C
Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc
- D
Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam
Đáp án: A
Phương pháp giải:
Liên hệ những hiểu biết của bản thân để trả lời
Lời giải chi tiết:
Những câu thơ trên nằm trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên, nhắc đến sự kiện ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước