Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như ngày nay, đối với người học sinh, ngoài những người bạn thân quen như sách vở, bút thước... chúng em còn có thêm một người bạn đặc biệt khác: máy vi tính.

      Chiếc máy vi tính đầu tiên ra đời năm 1956. Ban đầu, chiếc máy vi tính có kích thước rất lớn, nó to bằng cả một căn phòng và chỉ thực hiện được một số phép tính đơn giản. Theo thời gian, bằng sự nỗ lực của các nhà khoa học, kích thước chiếc máy tính đã được thu gọn lại như ngày nay.

      Máy vi tính để bàn gồm hai bộ phận lớn tách rời nhau là CPU và màn hình. CPU là bộ phận quan trọng nhất của máy vi tính, đó là nơi xử lí các thông tin dữ liệu rất tinh vi. CPU có hình hộp chữ nhật, kích thước thường là 50 cm * 10 cm * 40 cm. Vỏ ngoài được làm bằng kim loại có phủ sơn cách điện. Bên trong là ổ cứng, bộ vi xử lí, các mạch điện, dây dẫn... Mặt trước của máy vi tính là hình chữ nhật kích thước 10 cm * 40 cm. Tại đây có các bộ phận nhỏ để nhận đĩa mềm, kết nối USB và máy, hệ thống nút điều khiển máy... Mặt sau của CPU là ổ cắm dây nối CPU với nguồn điện, màn hình, bàn phím và con trỏ chuột.

      Màn hình máy vi tính thường có kích thước và hình dáng tương đương một chiếc ti vi 21 inch. Nhưng ngày nay do sự phát triển của công nghệ, màn hình máy vi tính chỉ mỏng chừng 2 cm đến 3 cm và được làm bằng tinh thể lỏng.

      Ngoài hai bộ phận trên còn cần có bàn phím và con trỏ chuột mới có thể hoàn chỉnh một chiếc máy vi tính. Bàn phím có hình chữ nhật, kích thước vào khoảng 16 cm * 25 cm, có các phím chữ nổi lên giúp nhập thông tin vào máy. Con trỏ chuột thon nhỏ, vừa tay nắm, có ba nút để điều khiển các lệnh trên màn hình.

      Việc sử dụng máy tính khá đơn giản. Với người học sinh, công dụng chủ yếu là tạo lập văn bản, sử dụng các phần mềm ứng dụng, khai thác Internet và ... chơi game!

      Để sử dụng máy, trước tiên, ta phải cắm phích vào ổ điện, bật máy CPU và bật máy màn hình. Tiếp đó, nếu tạo lập văn bản, ta nhấn hai lần chuột trái vào biểu tượng “W” (microsolf word) trên màn hình rồi sử dụng các phím chữ, đấu... nhập thông tin vào trang trắng trên màn hình. Để sử dụng các chương trình khác, ta cũng mở máy rồi sử dụng bàn phím và con chuột để nhập thông tin và tạo các lệnh.

      Nhờ chiếc máy vi tính, người học sinh có thể trao đổi thông tin học tập, tâm tư tình cảm nhanh chóng, tiện dụng, có thể xem và thực hiện các thí nghiệm vật lí, hóa học, có thể tìm kiếm các thông tin cần thiết cho việc học tập... Ngoài ra, ta có thể giải trí bằng cách chơi trò chơi trên máy tính...

      Chiếc máy vi tính là người bạn vô cùng hữu ích đối với người học sinh. Để bảo vệ người bạn đặc biệt này, chúng ta cần thường xuyên vệ sinh bàn phím, phủi bụi cho các bộ phận của máy. Ngoài ra, ta cần để máy nơi khô ráo, tránh ẩm ướt. Đặc biệt, nên cài một chương trình diệt “virus” - tác nhân có thể phá hoại dữ liệu trong máy.

 soanvan.me