Một giờ tắt hết những bóng đèn và những thứ đồ cần dùng đến điện. Để rồi khi hòa vào bầu trời trăng sao và gió, chúng- ta nghĩ về điều gì? Về những biến đổi khí hậu, về mùa đông-không lạnh ở những nơi từng giá rét về những nơi mực nước biển dâng cao, về những trận bão lũ kinh hoàng?

Một giờ, là hồi chuông cảnh tỉnh,là biểu tượng để in vào ý thức của mỗi người trong cách cư xử để biết hành động thân thiện hơn với môi trường. Một giờ không hẳn là một giờ... Bởi vào thời điểm đó, vẫn có những nơi không thể tắt điện và không ai có thể trách.

Vấn đề tắt điện trong một giờ không hẳn là để tiết kiệm được giá trị vật chất trong khoảng một giờ đó. Những nhà máy không thể ngắt cầu dao bởi cần điện để khởi động máy và lượng hàng hóa không được làm ra trong khoảng thời gian đó có thể gây thiệt hại nặng nề cho doanh thu. Những bệnh viện không thể cắt cầu dao điện bởi những bệnh nhân phải dựa hẳn nhịp sống vào máy móc. Và trên đường, người người vẫn phải lưu thông...

Một giờ nằm trong ý thức của mỗi người và thể hiện ở mỗi ngày. Đơn giản là em tôi đang tắt đi những bóng đèn không cần thiết, đơn giản là anh tôi thức miệt mài trong đêm đó thiết kế những không gian nhà tận dụng được ánh sáng tự nhiên và tiết kiệm điện... Một giờ tự tâm.

Nhưng sự biến đổi quá nhanh của khí hậụ và sự tàn phá môi sinh quá mức của con người làm chúng ta khó có thể chờ đợi. Hoa trái từ tâm chầm chậm trổ, bao giờ thì đến khi tất cá mọi người đều hiểu rằng để phát triển bền vững thì phải song song với việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện là bảo vệ môi trường, là chia sẻ mối lo cùng xã hội, là tiết kiệm chung để ánh sáng được đến những vùng sâu vùng xa...

Bởi vậy mà cần tiếng chuông. Một giờ tắt điện để sáng lên trong nhận thức mỗi người. Những lời kêu gọi, những hành động thiết thực không cho riêng một giờ khi chúng ta tắt diện. Và khi tắt điện, tôi bước ra đứng giữa bầu trời đêm, tôi như thuộc về ngàn xưa trong trẻo, được hòa mình vào cuộc du hành của những chòm sao.

 Trích: soanvan.me