Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu hỏi tr 115

Mở đầu

Thế nào là trồng trọt công nghệ cao? Chúng có những ưu điểm và hạn chế gì? Trồng trọt công nghệ cao đã và đang được áp dụng ở Việt Nam như thế nào?

Lời giải chi tiết:

Trồng trọt công nghệ cao là trồng trọt được ứng dụng kết hợp với những công nghệ tiên tiến (còn gọi là công nghệ cao) để sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm trồng trọt, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Ưu điểm: 

- Nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng, tiết kiệm nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trồng trọt và đặc biệt là thân thiện với môi trường.

- Nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, do đố quy mô sản xuất được mở rộng.

- Giảm giá thành và đa dạng hóa sản phẩm, cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.

Hạn chế:

- Chi phí đầu tư cho trồng trọt công nghệ cao rất lớn.

- Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể vận hành hệ thống thiết bị trong trồng trọt công nghệ cao.

Trồng trọt công nghệ cao nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam. Nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết về nông nghiệp công nghệ cao đã được bàn thảo và ban hành. Trồng trọt công nghệ cao còn nhận được sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Câu hỏi tr 116

Câu hỏi

Trình bày một số đặc điểm của trồng trọt công nghệ cao.

Lời giải chi tiết:

Đặc điểm của trồng trọt công nghệ cao:

- Được ứng dụng kết hợp những công nghệ tiên tiến để sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm trồng trọt, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

- Một số công nghệ được ứng dụng nhiều trong trồng trọt là: cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ IoT, công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính,...

Kết nối năng lực

Tìm hiểu thêm về các các công nghệ cao được ứng dụng trong trồng trọt ở Việt Nam và trên thế giới.

Lời giải chi tiết:

Ví dụ công nghệ sinh học:

Công nghệ sinh học là tập hợp các kỹ thuật khác nhau của các ngành khoa học về sự sống có khả năng khai thác và biến đổi các cơ thể sinh vật, các hợp phần của cơ thể sống và các quá trình sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù ở quy mô  lớn. Công nghệ sinh học bao gồm: công nghệ tế bào và mô phôi; công nghệ enzym và protein.v.v… Công nghệ sinh học đã mang lại những hiệu quả to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, y tế,… đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp bằng việc tạo ra các công nghệ mới, các phương pháp chữa bệnh mới, các sản phẩm mới mà các giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vacxin vật nuôi,v.v… đã được ra đời.

Ngân hàng thế giới cũng đã tài trợ tổng cộng 2,3 tỷ USD cho 35 quốc gia để nghiên cứu về ứng dụng Công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Điều đó cho thấy công nghệ sinh học là yếu tố then chốt của ngành nông nghiệp mỗi quốc gia trong tương lai rất gần.

Một số ứng dụng công nghệ sinh học thành công trong nông nghiệp:

Nhiều chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học được ứng dụng rộng rãi như NPV, V-Bt để trừ sâu khoang, sâu xanh hại rau, màu, bông, đay, thuốc lá. Chế phẩm vi khuẩn huỳnh quang (Pseudomonas fluorescens) phòng trừ bệnh hại rễ cà phê, vải thiều, lạc.

Ngoài ra, nhiều kết quả nghiên cứu sử dụng nấm có ích diệt côn trùng đã đạt được kết quả tốt như: Metarhizium flavoviridae trừ mối, châu chấu hại mía (hiệu quả phòng trừ đạt 76%), Beauveria bassiana trừ sâu róm hại thông (hiệu quả phòng trừ đạt 93,6%), hay Beauveria bassiana và Metarhizium anisopliae phòng trừ sâu hại dừa đạt hiệu quả từ 56-97%; nấm đối kháng Trichoderma trừ bệnh khô vằn trên ngô đạt hiệu quả 45-50%, hạn chế bệnh lở cổ rễ đậu tương 51-58%. Hiện nay, các nhà khoa học đang hoàn thiện quy trình sử dụng nấm Exserohilum monoceras (nòi 85.1) để trừ cỏ lồng vực...


Câu hỏi tr 117

Kết nối năng lực

Em hãy cho biết vì sao trồng trọt công nghệ cao lại giúp nâng cao sử dụng đất, tiết kiệm nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật?

Lời giải chi tiết:

Trồng trọt công nghệ cao sử dụng những công nghệ tiên tiến nên có thể tính toán, kiểm soát tốt đất trồng, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo cho sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.


Câu hỏi tr 118

Kết nối năng lực

Kể tên một số doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào trồng trọt công nghệ cao. Những công nghệ mới nào đang được các doanh nghiệp áp dụng nhiều?

Lời giải chi tiết:

Một số doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào trồng trọt công nghệ cao: tập đoàn Lộc Trời, TH True Milk, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam thuộc Tập đoàn C.P (Charoen Pokphand),...

Một số công nghệ mới đang được các doanh nghiệp áp dụng nhiều:

- IoT và các loại cảm biến

- Robot và tự động hóa

- Công nghệ máy bay không người lái và giám cây trồng

- Học máy và phân tích

Luyện tập
Nêu một số công nghệ cao đang được áp dụng trong trồng trọt ở địa phương em. Những ưu điểm mà các công nghệ đó mang lại là gì?

Lời giải chi tiết:

Ví dụ: Địa phương em đang áp dụng cơ giới hóa trong chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng như tưới nước tự động, sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu...

Ưu điểm của công nghệ này là làm giảm nguy hại trực tiếp cho sức khỏe người lao động; giảm chi phí nhân công, tiết kiệm nước tưới và phân bón; mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Vận dụng
Theo em, những yếu tố nào cản trở việc áp dụng công nghệ cao trong trồng trọt tại địa phương em? Hãy đề xuất cách khắc phục.

Lời giải chi tiết:

Ví dụ: Một số cản trở việc áp dụng công nghệ cao trong trồng trọt là:

- Chi phí đầu tư cao

- Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể vận hành hệ thống thiết bị trong trồng trọt công nghệ cao.

Đề xuất một số biện pháp:

- Tăng cường đầu tư khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao lợi nhuận, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo ra sản phẩm hàng hóa và ổn định; đồng thời bảo tồn và phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của địa phương.

- Đổi mới tư duy về các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn gắn với tín hiệu thị trường trong nước và quốc tế. 

- Đẩy mạnh các mô hình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ.

Tăng cường cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình ứng dụng quy trình sản xuất theo hướng - bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các quy trình công nghệ, thiết bị kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

- Ưu tiên các đề tài ứng dụng , dự án liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm chủ lực của tỉnh; chú trọng các công nghệ, thiết bị chế biến sâu, công nghệ,...