? trang 117
Trả lời câu hỏi trang 117 SGK Địa lí 10
Đọc thông tin và quan sát hình 29.1, hình 29.2, hãy:
- Nêu khái niệm và đặc điểm của môi trường.
- Tìm ví dụ chứng minh vai trò của môi trường đối với sự phát triển của xã hội loài người.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin trong mục "Môi trường", quan sát hình 29.1, 29.2.
Lời giải chi tiết:
- Khái niệm: Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.
- Đặc điểm:
+ Môi trường có quan hệ mật thiết và tác động qua lại với con người.
+ Môi trường có thể tác động và ảnh hưởng đến con người.
- Ví dụ về vai trò của môi trường: Than đá là tài nguyên khoáng sản hình thành bởi môi trường tự nhiên, được con người khai thác và sử dụng để sản xuất điện phục vụ đời sống hàng ngày.
? trang 118
Trả lời câu hỏi trang 118 SGK Địa lí 10
Đọc thông tin và quan sát hình 29.3, hãy:
- Nêu khái niệm và đặc điểm của tài nguyên thiên nhiên.
- Tìm ví dụ chứng minh vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển của xã hội loài người.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin trong "Tài nguyên thiên nhiên" và quan sát hình 29.3.
Lời giải chi tiết:
- Khái niệm: tài nguyên thiên nhiên bao gồm tất cả các dạng vật chất tồn tại khách quan trong tự nhiên mà con người có thể sử dụng phục vụ cuộc sống cá nhân và sự phát triển của xã hội loài người.
- Đặc điểm:
+ Phân bố không đồng đều theo không gian lãnh thổ.
+ Phần lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị kinh tế được hình thành qua quá trình phát triển lâu dài của tự nhiên và lịch sử.
+ Tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất rất phong phú, đa dạng nhưng có giới hạn nhất định. Nhiều loại tài nguyên đang bị cạn kiệt, nhất là tài nguyên khoáng sản, trong khi nhu cầu cho sự phát triển kinh tế không ngừng tăng lên.
- Ví dụ chứng minh vai trò của tài nguyên thiên nhiên: Nông nghiệp là ngành kinh tế có quan hệ mật thiết không thể tách rời tài nguyên thiên nhiên, với đất trồng là tư liệu sản xuất, các điều kiện và khí hậu, thời tiết quy định sự có mặt của các loại cây trồng.
Luyện tập
Giải bài luyện tập 1 trang 118 SGK Địa lí 10
Hãy phân tích mối quan hệ giữa môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức đã học về môi trường và tài nguyên thiên nhiên để phân tích.
Lời giải chi tiết:
Mối quan hệ giữa môi trường và tài nguyên thiên nhiên:
- Môi trường và tài nguyên thiên nhiên có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống con người, tạo nên cơ sở vật chất để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo cho con người phương tiện sinh sống, phát triển trí tuệ, đạo đức, tinh thần.
- Tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt dẫn đến môi trường bị hủy hoại.
Ví dụ: Việc chặt phá rừng bừa bãi dẫn đến mất cân bằng sinh thái, suy giảm nguồn nước ngầm,...
- Môi trường bị huỷ hoại và ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên thiên nhiên.
Ví dụ: Ô nhiễm môi trường không khí gây ra những trận mưa axit làm giảm khả năng sống, phát triển của các sinh vật sống dưới nước.
Giải bài luyện tập 2 trang 118 SGK Địa lí 10
Vì sao phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lí.
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức đã học về "Tài nguyên thiên nhiên".
Lời giải chi tiết:
Cần sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lí vì:
- Tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất rất phong phú, đa dạng nhưng có giới hạn nhất định.
- Nhiều loại tài nguyên đang dần bị cạn kiệt, nhất là tài nguyên khoáng sản, trong khi nhu cầu cho sự phát triển kinh tế không ngừng tăng lên.
Vận dụng
Giải bài vận dụng trang 118 SGK Địa lí 10
Hãy thu thập thông tin về tài nguyên thiên nhiên ở địa phương em.
Phương pháp giải:
Thu thập thông tin internet.
Lời giải chi tiết:
Ví dụ: Tài nguyên thiên nhiên ở Tây Nguyên.
- Tây nguyên là một trong những vùng có tính đa dạng sinh học rất cao của Việt Nam. Rừng Tây Nguyên giàu về trữ lượng, đa dạng về chủng loại. Diện tích rừng Tây Nguyên là 3 015,5 nghìn ha, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước. Các cây dược liệu quí được tìm thấy ở đây như sâm bổ chỉnh, sa nhân, địa liền, thiên niên kiện, hà thủ ô trắng,... và các cây thuốc quí có thể trồng được ở đây như atisô, bạch truật, tô mộc, xuyên khung...
- Hệ động vật hoang dã cũng rất phong phú có ý nghĩa kinh tế và khoa học. Có tới 32 loài động vật quí hiếm như voi, bò tót, trâu rừng, hổ, gấu, công, gà lôi...