Tác giả
Tác giả Trịnh Xuân Thuận
- Trịnh Xuân Thuận sinh ngày 20 tháng 8 năm 1948 là nhà khoa học người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn.
- Ông đồng thời là một nhà văn đã viết nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của bản thân trong mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông còn là một nhà thơ, một triết gia, một Phật tử và một nhà hoạt động vì môi trường và hòa bình. Hiện ông đang là giáo sư ngành vật lý thiên văn tại đại học Virginia, Hoa Kỳ.
- Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã được độc giả trong nước biết đến qua những tác phẩm nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt như: Giai điệu bí ẩn, Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến giác ngộ), Những con đường của ánh sáng, Nguồn gốc…
- Với sự say mê dành cả cuộc đời để nghiên cứu khoa học thiên văn và đem bầu trời đến với mọi người, đặc biệt tư tưởng Phật giáo xuyên suốt các tác phẩm đã tạo cho chúng nét hấp dẫn riêng. Các tác phẩm này đã đem lại cho ông nhiều giải thưởng về sách như: giải thưởng lớn Moron của Viện Hàn Lâm Pháp (2007), giải Kalinga năm 2009 của UNESCO nhờ đóng góp trong công cuộc đại chúng hóa khoa học; giải thưởng thế giới Cino del Duca uy tín của Viện Pháp quốc (2012) và giải Louis Pauwels (2012).
Tác phẩm
Sự sống và cái chết
I. Tìm hiểu chung
1. Thể loại: Văn bản thông tin
2. Xuất xứ: Trích Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao
3. Phương thức biểu đạt: Nghị luận
4. Tóm tắt:
Văn bản bàn về sự sống và cái chết của muôn loài trên Trái Đất, thông qua việc tái hiện tiến trình phát triển của các loài sinh vật, bài viết chỉ ra sự song hành của sự sống và cái chết cũng như ý nghĩa của cái chết đối với sự sống.
5. Bố cục: Chia văn bản thành 4 phần
- Đoạn 1: Từ đầu đến “các loài theo thời gian”: Khái quát về lịch sử sự sống trên Trái Đất.
- Đoạn 2: Tiếp theo đến “làm bạn sợ cứng người”: Sự sống trên Trái Đất cách đây 3 tỉ năm và 140 triệu năm thông qua sự có mặt của các sinh vật.
- Đoạn 3: Tiếp theo đến “các loài chiếm giữ”: Sự ra đời và tuyệt chủng của một số sinh vật.
- Đoạn 4: Còn lại: Tìm ra nguyên nhân vì sao các loài tiến hóa và tự hoàn thiện.
6. Giá trị nội dung:
- Văn bản đã giúp nhận ra sự hữu hạn và nhỏ bé của con người trong lịch sử sự sống của Trái Đất.
- Văn bản giúp người đọc suy ngẫm nhiều hơn đến ý nghĩa của cuộc sống, và bản thân cần làm gì để duy trì sự sống.
7. Giá trị nghệ thuật:
- Lập luận chặt chẽ, lí lẽ dẫn chứng sắc bén, chính xác cụ thể.
- Ngôn ngữ khoa học chính xác dễ hiểu
- Văn phong cô động, xúc tích
II. Tìm hiểu chi tiết
1. Sự sống trên Trái Đất
- Văn bản “Sự sống và cái chết” cung cấp thông tin khoa học về Trái Đất, lịch sử sự sống trên Trái Đất.
- Tính chính xác, khách quan thể hiện ở việc:
+ Trong văn bản “Sự sống và cái chết” có rất nhiều những thông tin xác thực: số liệu về thời gian (3 tỉ năm trước, 500 triệu năm, 140 triệu năm trước, 65 triệu năm, 300000 năm, 13,7 tỉ năm), tên các loài động vật, kỉ địa chất, vụ nổ Bích Beng
+ Ngôn ngữ của văn bản “Sự sống và cái chết” sáng rõ, đơn nghĩa, sử dụng nhiều câu đơn; thuật ngữ khoa học của các lĩnh vực sinh học, địa lý, hóa học…
- Các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận đã được phối hợp sử dụng làm tăng tính hiệu quả tác động đối với người đọc.
+ Tác giả kể lại một phần quá trình sự sống diễn ra trên Trái Đất thông qua các mốc thời gian và các sinh vật xuất hiện trong thời điểm đó.
+ Tác giả miêu tả sự sống trên Trái Đất (như trong đoạn “cảnh tượng đa sắc của hoa … len lỏi trong rừng rậm”)
+ Yếu tố biểu cảm lồng ghép trong những cụm từ chỉ thái độ (được chiêm ngưỡng, được nghe, thích thú, sợ cứng người…) và trong giọng điệu của từng đoạn văn.
+ Yếu tố nghị luận thể hiện ở những lí lẽ đưa ra để lập luận, làm sáng tỏ vấn đề (đặc biệt ở đoạn 3 – bàn về thực trạng xuất hiện và tuyệt chủng của sinh vật, và đoạn 4 – bàn về mối quan hệ giữa sự sống và cái chết), thể hiện ở những dẫn chứng xác đáng, tiêu biểu (các con số cụ thể, tên các loài động vật).
2. Bài học
- Văn bản đã giúp người đọc nhận ra sự hữu hạn và nhỏ bé của con người trong lịch sử sự sống của Trái Đất.
- Đồng thời, giúp người đọc hiểu rằng con người cũng nằm trong trật tự của vạn vật, bị cái chết – sự tuyệt chủng đe dọa. Con người không phải sinh vật sẽ vĩnh viễn tồn tại.