Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Nói và nghe

1. Các bạn trong tranh đang làm gì?

2. Vào giờ chơi, em thường làm gì? 

Phương pháp giải:

Em quan sát tranh và trả lời câu hỏi. 

Lời giải chi tiết:

1. Các bạn trong tranh đang vui chơi trên sân trường: nhảy dây, đá bóng, đá cầu

2. Vào giờ chơi, em thường cùng bạn trò chuyện, chơi đuổi bắt, đọc truyện tranh, trò chuyện, nhảy dây... 

Đọc

Cùng vui chơi

Chuông kêu reng reng

Giờ chơi đến rồi

Nhanh chân các bạn 

Ra sân cùng vui.

Bạn gái nhảy dây

Dây bay vun vút

Bạn trai đá bóng

Bóng lăn xoay tròn.

Này các bạn ơi

Chơi cho khỏe người

Cùng cười, cùng hát

Chơi vui, học vui.

Ngọc Khôi

- Tìm trong bài thơ tiếng có vần eng, ơi, ươi

- Tìm ngoài bài thơ từ ngữ chứa tiếng có vần ơi, ươi, ưi

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.  

Lời giải chi tiết:

Tìm trong bài thơ tiếng có vần

- eng: reng

- ơi: chơi, ơi

- ươi: cười

Tìm ngoài bài thơ từ ngữ chứa tiếng có vần

- ơi: bơi lội, con dơi, đợi chờ, nơi ở, tới trường, vơi bớt...

- ươi: quả bưởi, tưới nước, lười nhác, sưởi ấm, mười tuổi, người lớn, đám cưới...

- ưi: ngửi mùi, khung cửi,… 

Tìm hiểu bài

1. Tìm từ chỉ âm thanh của tiếng chuông báo giờ ra chơi.

2. Các bạn học sinh làm gì khi chuông báo giờ ra chơi?

3. Nêu tên các trò chơi được nhắc đến trong bài thơ. 

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài thơ để trả lời các câu hỏi. 

Lời giải chi tiết:

1. Từ chỉ âm thanh tiếng chuông báo giờ ra chơi: reng reng

2. Các bạn học sinh nhanh chân chạy ra sân cùng vui, khi chuông báo giờ ra chơi.

3. Các trò chơi được nhắc đến trong bài thơ: nhảy dây, đá bóng. 

Nói và nghe

Hỏi đáp với bạn về hoạt động em thích trong giờ ra chơi. 

Phương pháp giải:

Em tự liên hệ bản thân để cùng hỏi đáp với bạn. 

Lời giải chi tiết:

Em chủ động hoàn thành bài tập.

Em có thể tham khảo một số hoạt động trong giờ ra chơi như: nhảy dây, kéo co, đọc sách báo, đá cầu, đá bóng,… 

Hoạt động mở rộng

Nói với bạn bài thơ hoặc câu chuyện về bạn bè mà em đã đọc theo các gợi ý sau:

- Tên bài thơ hoặc tên câu chuyện.

- Nội dung của bài thơ hoặc câu chuyện. 

Phương pháp giải:

Em tự liên hệ bản thân và kể cho bạn nghe về câu chuyện hoặc bài thơ mà em đã đọc. 

Lời giải chi tiết:

Tham khảo:

Hôm nay, mình sẽ kể lại cho các bạn nghe câu chuyện “Không nên phá tổ chim”:

Chuyện kể rằng có một cậu bé rất thích chơi với chim. Sáng ấy, cậu lang thang sau vườn nhà, tình cờ nhìn lên cây mít, phát hiện một tổ chim chích chòe. Trong tổ có ba con chim non mới nở. Cậu mừng lắm, vội trèo lên cây, hốt luôn cả ổ chim non đem xuống, hí hửng đi vào nhà. Lúc ấy, người chị của cậu ấy đang học bài ở phía trong, nghe tiếng chim kêu “chiu, chiu” vội đi ra. Thấy cậu em trai đang phấn khỏi nô đùa với ba con chim còn đỏ hỏn, người chị đến bên em, nhẹ nhàng bảo:

- Chim non đang sông với mẹ, sao em nỡ bắt nó? Lát nữa chim mẹ về, không thấy con, sẽ buồn lắm đấy. Còn lũ chim non xa mẹ, chúng sẽ chết.

- Nhưng em thích chơi với lũ chim này. Chị thấy không, chúng thật đáng yêu!

- Ừ, chúng đáng yêu lắm. Nhưng chúng đáng yêu hơn nữa khi chúng lớn, chúng sẽ hát ca bay lượn, chúng sẽ ăn sâu bọ giúp ích cho con người. Nghe chị đi. Hãy đặt lại chim vào tổ.

Lưỡng lự một lúc, cậu bé đã đem những chú chim non đặt lại vào tổ. 

Chuyện mà mình kể chỉ có vậy. Mình rất cảm phục cậu bé. Cậu nghe lời chị, thương mấy chú chim non, sợ chúng chết nên trả lại tổ cho chúng. Đấy là một hành động đẹp.