Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu anh trai của em
Thân bài:
a. Tả bao quát
- Anh trai em là con thứ mấy trong nhà?
- Năm nay anh bao nhiêu tuổi?
- Anh đang học hay đi làm? Ở đâu?
b. Tả ngoại hình
- Anh trai em có dáng người thế nào?
- Làn da của anh màu gì?
- Khuôn mặt của anh có hình dáng gì?
- Tóc của anh em như thế nào?
- Đôi mắt của anh em ra sao?
- Trang phục anh trai em thường mặc thế nào?
c. Tả tính cách, hoạt động
- Sở thích của anh trai em là gì?
- Anh em là người như thế nào?
- Anh trai em đối xử với mọi người thế nào?
- Anh trai thường làm gì giúp đỡ em?
- Kể lại một kỉ niệm đáng nhớ của em và anh trai
Kết bài:
- Tình cảm của em dành cho anh trai
- Mong muốn, kì vọng của em ở anh trai
Bài siêu ngắn
Anh Lợi là học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Yên Hoà. Năm nay anh 15 tuổi, anh ăn rất khoẻ, học rất chăm. Mẹ em hay đùa: ‘‘Nhà ta có ông Trạng Cơm”. Anh chỉ cười khì.
Tóc anh cắt ngắn, vầng trán cao, cặp mắt đen lay láy, lúc nào cũng mở to. Anh có nước da trắng hồng, rất đẹp. Anh ham đọc sách, rất giỏi Toán và giỏi Tiếng Anh. Tủ sách của anh có hơn 200 quyển, anh xếp cẩn thận, giữ gìn, nâng niu từng cuốn một. Anh đang tích cực học và ôn luyện để thi vào lớp 10 chuyên Toán trường Trung học phổ thông Chu Văn An. Tối nào anh cũng học đến 11 giờ. Sáng nào anh cũng dậy lúc 6 giờ. Hễ chuông đồng hồ báo thức reo lên là anh dậy gấp chăn màn, tập thể dục rồi ôn bài,.. chuẩn bị đi học.
Anh có một số bạn tâm giao, học giỏi. Tiếng ồ ồ nhưng anh lại hay hát. Anh bảo luyện giọng để thi đơn ca toàn quốc! Mẹ và em cùng cười khi nghe anh nói thế. Em rất yêu quý người anh trai của mình.
Các bài mẫu
Bài tham khảo 1:
Tháng 2 năm 2007, anh Đức trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ hải quân đóng ở quần đảo Trường Sa, mảnh đất nổi tiếng của Tổ quốc Việt Nam bao đời nay vẫn đứng hiên ngang giữa muôn trùng sóng gió. Từ ngày anh đi xa, cả nhà rất nhớ và mong được gặp anh. Mơ ước ấy của cả nhà đã được thực hiện vào dịp cuối năm vừa qua, khi anh Đức được vào đất liền để dự Hội nghị thanh niên tiên tiến toàn quốc tổ chức tại thành phố Nha Trang.
Không gì có thể diễn tả được niềm vui của gia đình em lúc ấy. Bố em ngạc nhiên đến sững sờ trước sự xuất hiện của một anh lính hải quân cao to, vạm vỡ, nước da nâu bóng như đồng hun, đang tươi cười đứng trước mặt. Anh dập chân đứng nghiêm rồi giơ tay chào kiểu nhà binh:
- Con chào bố!
Em vừa đi học về, chỉ kịp ơ ơ... lên một tiếng thì đã được siết chặt trong vòng tay mạnh mẽ của anh. Ôi! Anh trai của em! Người anh thân thiết nay đã trở về! Em ngắm mãi gương mặt rám nắng, nụ cười tươi rói và đôi mắt đen sáng của anh. Căn nhà nhỏ xôn xao tiếng chào hỏi. Bà con hàng xóm đã kéo sang chia vui cùng gia đình em.
Trong bữa cơm tối hôm ấy, mẹ làm những món mà anh ưa thích. Vừa ăn, anh Đức vừa kể chuyện về cuộc sống trong quân ngũ nơi đảo xa và những thành tích mà anh đã đạt được. Qua câu chuyện của anh, em hình dung ra cảnh trời biển mênh mông, những đàn hải âu chao liệng trên mặt nước, tiếng sóng vỗ dạt dào và những người lính trẻ ngày đêm nâng cao cảnh giác, chuyên cần luyện tập, nắm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc thân yêu.
Anh Đức ân cần hỏi thăm bố mẹ về chuyện làm ăn, hỏi em về chuyện học hành vả hướng dẫn em cách học môn Toán sao cho có hiệu quả. Hồi học lớp 12, anh đã đoạt giải nhất trong kì thi học sinh giỏi Toán cấp thành phố. Em rất phục trí thông minh và tính linh hoạt, năng động của anh.
Sáng hôm sau, anh Đức dậy rất sớm tập thể dục rồi chạy bộ quanh những con đường quen thuộc. Nhìn chăn màn gấp gọn gàng xếp ở đầu giường, em cảm thấy tính kỉ luật mà quân đội rèn giũa cho anh được thể hiện rõ trong từng hành động. Anh chọn bộ quân phục đẹp nhất để đi dự Hội nghị. Trông anh mới đẹp đẽ và chững chạc làm sao!
Sau đó, anh Đức còn được ở nhà thêm hai ngày nữa. Anh đã đóng cho em một chiếc bàn xinh xắn và sắp xếp lại góc học tập của em thật ngăn nắp, gọn gàng. Công việc xong xuôi, anh ngồi trên thềm, vừa gảy đàn ghita vừa hát Bài ca người lính biển. Giọng hát của anh ấm và vang, ngân nga trong bóng chiều đang sẫm lại.
Hôm anh Đức lên đường trở về đơn vị, cả nhà lưu luyến tiễn đưa. Mẹ em cứ dặn đi dặn lại là đến nơi anh phải viết thư về ngay cho gia đình yên tâm. Anh khoác vai em, căn dặn hãy thay anh giúp đỡ bố mẹ. Em hứa sẽ làm theo lời anh dặn. Đêm ấy, em thao thức nhớ anh, người bạn lớn gần gũi và thân thiết. Em ước mơ sau này trưởng thành cũng sẽ khoẻ mạnh chững chạc giống như anh.
Bài tham khảo 2:
Anh Vũ là anh trai ruột của em. Anh là học sinh lớp 12 chuyên Toán trường Trung học Năng khiếu Trần Phú, Hải Phòng.
Anh 16 tuổi, tuổi Mão. Bà nội vẫn yêu quý gọi anh là "thầy của hổ". Anh biết đọc, biết viết năm lên 6 tuổi, do bà nội dạy anh ở nhà. Từ lớp 6 đến lớp 12, anh là học sinh các lớp chuyên Toán. Năm nào anh cũng là học sinh giỏi. Năm lớp 9, anh giật giải Nhì toàn thành phố về môn Toán. Năm học lớp 11, thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán, anh thi vượt cấp giành được giải Ba. Bà nội và bố mẹ em rất tự hào về anh. Anh khiêm tốn, chu đáo nên ai cũng quý mến. Anh có nhiều bạn thân, bạn từ hồi học Tiểu học.
Anh Vũ thích mặc quần âu ka ki màu xanh, màu cỏ và áo sơ mi trắng. Gương mặt thanh tú, vầng trán rộng, cặp mắt tinh anh, hàm răng trắng đều. Nhiều người khen anh đẹp trai. Anh cao hơn bố, cách đi đứng, cách ăn cơm uống nước và tính nết rất giống bố. Chỉ có dáng người, cặp mặt và nụ cười, tóc và nước da là giống mẹ. Mẹ nói: "Từ nhỏ đến giờ, anh Vũ của em đã có tinh thần độc lập rồi, nhất là trong học hành và lao động". Lên lớp 6, anh tự giặt quần áo. Mọi việc vặt trong nhà như là quần áo, quét nhà lau nhà, thu dọn vệ sinh, anh đều làm nhanh, làm khéo giúp bố, mẹ. Anh rất hiền, tuy hơn em 6 tuổi, nhưng vẫn bị em "bắt nạt". Anh vẫn dạy em học Toán, học tiếng Anh, dạy về phương pháp tự học và đọc sách. Bàn học của anh, sách vở và mọi thứ, anh xếp đặt rất đẹp. Bên cạnh đồng hồ báo thức là một con mèo bằng sứ, tặng phẩm của bạn anh nhân ngày sinh nhật 15 tuổi.
Anh sống rất chu đáo, hiếu thảo. Một chục cam ngọt biếu bà, cái kính lão biếu bố, bó hoa hồng và đôi bít tất biếu mẹ, cái bút máy Hê-rô mạ vàng, tuyển tập truyện cổ Gơ-rim tặng em gái, là những tặng phẩm sinh nhật gần đây nhất anh mua biếu bà, biếu bố mẹ và tặng em gái - "Con chim chích chòe", anh đặt tên cho em. Mẹ cảm động khi nhận bó hoa anh biếu.
Lịch học tập ở trường, ở lớp, ở nhà, anh sắp xếp rất khoa học. Giờ chơi, giờ giải trí... anh bố trí đâu vào đó. Anh thích đọc sách, ham học tiếng Anh, sử dụng thành thạo máy tính nhưng anh không chơi điện tử.
Bố em là kĩ sư đóng tàu, mẹ em là bác sĩ Bệnh viện Việt Tiệp. Nhà có 5 nhân khẩu ở trong ngôi nhà tập thể cấp 4, nhưng anh giúp bố mẹ sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ.
Cách sống giản dị, tiết kiệm, tinh thần học tập chăm chỉ của anh đã trở thành gương sáng cho em gái noi theo.
Nhiều tối, quá 12 giờ khuya, anh vẫn chong đèn bàn ngồi học. Bà và mẹ lại nhắc: "Vũ ơi, khuya rồi, đi ngủ đi cháu... Vũ ơi, 12 giờ rồi, ngủ đi, mai còn đi học đi con...".
Anh trai của em là như thế đó. Em nhớ lời anh dặn: "Học hôm nay cho Ngày mai...".
Bài tham khảo 3:
Buổi tối, cả nhà em đang ăn cơm bỗng nghe có tiếng gọi cửa. Em buông đũa chạy ra mở thì hoá ra là anh Minh. Em reo lên: “Mẹ ơi! Anh Minh đã về!” và em ôm chầm lấy anh.
Anh Minh em nhập ngũ đã được hai năm, hôm nay anh được thưởng phép về thăm nhà (sau một đợt huấn luyện và công tác, anh đạt thành tích xuất sắc). Anh hiện ra trước mắt em trong bộ quân phục màu xanh rêu, cúc áo, cúc túi cài khuy cẩn thận, hai bên ve cổ áo có đeo quân hàm binh nhất nền đỏ thắm, có hình nổi hai ngôi sao và hình hai khẩu pháo đan chéo nhau. Anh đội chiếc mũ cối có đính quân hiệu tròn đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng. Trông anh thật chững chạc, oai vệ. So với khi còn ở nhà, anh khoẻ ra nhiều. Khổ người anh vạm vỡ, bộ ngực nở nang cân đối, tay chân rắn chắc. Anh đi đôi giày vải bạc màu cỏ úa có dây buộc chặt. Bước vào nhà, bỏ mũ, trút khỏi vai cái ba lô con cóc to bè, anh ngồi xuống nói chuyện với bố mẹ. Bây giờ em nhìn kĩ, thấy anh có nước da bánh mật của người quen với nắng gió ở thao trường và vùng ven biển, nơi anh đóng quân. Bàn tay anh đã có đôi chỗ thô, ráp và chai cứng. Đôi mắt anh sáng long lanh hơn xưa, chắc khi đứng gác, anh không để lọt một dấu hiệu khả nghi nào.
Sáng hôm sau anh dậy rất sớm. Chỉ trong vài phút anh đã gấp gọn chăn màn và giục em cùng chải răng, rửa mặt. Rồi anh mặc quần áo chỉnh tề, dẫn em đi chào bà con. Đến nhà nào anh cũng thăm hỏi tình hình sức khoẻ và công việc làm ăn của từng người, nhất là các cụ già. Một lần đứng trước cửa, chợt thấy một bà cụ đi qua, lưng còng mà xách cái bị nặng, anh liền chạy ra mang đỡ cụ về tận nhà. Đối với bọn trẻ chúng em, anh ân cần hỏi han tình hình học hành và tặng “quà”: những vỏ đạn bằng đồng đỏ mới tinh, những vỏ ốc hến lạ, những thỏi đá màu sắc đẹp anh lượm ở bãi biên gần doanh trại. Thảo nào chiếc ba lô của anh nặng thế! Chúng em thích nhất là buổi tối, học xong ngồi quây quanh anh để nghe anh nói chuyện về những nơi anh đã đi qua, phong cảnh và đời sống của nhân dân có những nét khác hẳn quê nhà. Những mẩu chuyện anh kể về sinh hoạt trong đơn vị anh rất hấp dẫn. Bộ đội ta sống thật gian khổ mà dũng cảm biết bao! Vốn khéo tay hay làm từ lúc còn ở nhà, nay anh học thêm được nhiều “nghề" mới. Có mấy ngày phép mà anh chẳng mấy lúc chịu ngơi tay, hết chữa cái chạn đựng bát lại đem xe đạp của bố mẹ em ra lau dầu trơn, sạch. Có lần anh còn cặm cụi khâu vá cho em những quần áo bị sứt chỉ, tuột khuy... Thật đúng là “lính Cụ Hồ” như anh thường nói.
Thấm thoắt đã đến ngày anh phải trờ về đơn vị. Tiễn anh di ra bến xe, em bồi hồi xúc dộng, cứ muốn níu mãi tay anh. Cô giáo vẫn nói nhờ các anh bộ đội đang nắm chắc tay súng ờ tiền tuyến, học sinh mới được yên vui dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Em lấy làm vinh dự vì gia đinh em cũng có anh Minh góp phần làm nghĩa vụ vẻ vang ấy.