Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Viết bài văn tả một cảnh đẹp ở địa phương mà em thích nhất

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu cảnh đẹp ở quê hương mà em định tả

- Đó là cảnh gì?

- Cảnh đó ở đâu?

Thân bài:

a. Tả bao quát:

Nêu đặc điểm nổi bật của cảnh

b. Tả chi tiết:

- Cảnh bao gồm địa hình gì? 

- Nhìn xa cảnh như thế nào?

- Khi đến gần cảnh thế nào?

- Cảnh vật nơi đó như thế nào?

- Con người sinh hoạt thế nào?

Kết bài: Cảm nghĩ của em về cảnh đẹp đó

Bài siêu ngắn

Bài tham khảo 1:

Tháng mười nắng vàng hoe. Ban đêm sao lấp lánh bầu trời xanh. Trăng sáng vằng vặc. Mọi người, mọi nhà trong làng em đều náo nức sửa soạn. Các mẹ các chị đi chợ về sớm hơn. Liềm hái, xe công nông được sửa sang. Lúa ngoài đồng ửng vàng lên. Sớm nay, tiếng gà gáy sáng vừa râm ran, cả làng Bàng đã tấp nập kéo ra đồng đông vui như ngày hội. Vụ gặt đã bắt đầu.

"Ba tháng trồng cây không bằng một ngày trông quả". Một vụ mùa bội thu. Năm năm liền được mùa. Niềm vui hiện lên từng khuôn mặt rạng rỡ. Cây rơm chất đầy, cao ngất, vàng ươm. Lúa vàng óng, khô giòn phơi đầy sân, đóng bao xếp đầy nhà. Tiếng điếu cày của bố rít lên nghe giòn hơn mỗi sáng, mỗi chiều. Mẹ bán thêm lứa lợn, bàn với bố việc sửa nhà.

Cánh đồng làng sau một tuần chỉ còn trơ gốc rạ. Chúng em chuẩn bị thả diều. Sau mùa gặt cả làng vui. Nồi cơm gạo trắng thơm, mẹ xới đầy, giục đàn con mỗi đứa ăn thêm bát nữa.

Bài tham khảo 2:

Chân trời đằng đông ửng dần. Ánh xuân nhuốm hồng đất trời, lũy tre, ngọn đa làng và đồng lúa. Bầu trời bao la xanh thảm, cỏ cây đôi bờ kênh sáng ửng lên. Cánh đồng làng như một tấm lụa màu thiên lí căng tít tận chân đê. Lúa con gái xanh biêng biếc, phơi phới dâng lên dưới nắng xuân ấm ày. Gió nhè nhẹ thổi. Sóng lúa rập rờn.

      Người ra đồng mỗi lúc một đông. Nón trắng nhấp nhô: be bờ, bón phân, làm cỏ... Tiếng hát êm ái, ngọt ngào của các cô thôn nữ lan xa theo làn gió nhẹ:

"Bao giờ cho đến tháng hai,

Con gái làm cỏ, con trai be bờ".

                                       (Ca dao)

      Niềm vui xôn xao. Dòng kênh xanh trong cũng lao xao...

Trên đường đến trường đã bao lần em và các bạn dừng bước say sưa ngắm cảnh buổi sớm mùa xuân đồng làng, vẻ đẹp của đồng quê, nhất là màu xanh của lúa con gái gợi lên trong tâm hồn em bao cảm xúc xôn xao, dào dạt. Một mùa xuân yên vui, thanh bình, no ấm đang đến với mọi người, mọi nhà.

Chẳng bao lâu nữa một mùa gặt bội thu sẽ đến. Hương lúa đồng quê lâng lâng hồn em. Em rảo bước khi nghe tiếng trống trường từ xa vẳng lại.

 

Các bài tham khảo

Bài tham khảo 1:

Cánh đồng lúa là nơi mà em yêu thích nhất. Vào những ngày nghỉ, em thường ra thăm ruộng lúa, hít thở bầu không khí thơm lừng ở đó. Ruộng lúa quê em luôn xinh tươi trong mắt em, nhưng nó đẹp nhất chắc chính là vào những ngày mà lúa đã chín vàng.

Đó là những ngày mùa hè nóng bức, nắng đa già, chuyển màu vàng cam, gay gắt, chói lóa đến mức khó mà nhìn thẳng lên vòm mây trên kia. Phía dưới, cả cảnh đồng lúa rộng mênh mông cũng đã chín vàng, nhưng là màu vàng dịu, mát mắt và nồng nàn. Những cây lúa nay đã cao lớn và đầy đặn, chín vàng từ dưới gốc. Chúng chen chúc nhau trong từng thửa ruộng đến vô tình mà che cả lối đi. Nếu muốn di chuyển thì phải lấy tay gạt lúa. Thế nên, nhìn từ trên cao, cả cánh đồng như một thảm lụa đang được phơi giữa trời. Những hạt lúa mặc áo vàng, thân hình tròn đầy, bụ bẫm, hồn nhiên lúc lắc trên cây lúa, chờ ngày được đón về kho rộng. Vì gánh nhiều hạt lúa, thân lúa nào cũng cong trĩu xuống, giống cái lưỡi liềm. Cũng tại thân lúa cong xuống, nên thuở ruộng lại càng trở nên chật chội. Mỗi khi có gió thổi qua, những bông lúa lại đung đưa, chụm đầu vào nhau, tạo nên âm thanh xì xào như chúng đang bàn tán sôi nổi về điều gì đó vậy. Theo hương gió, là mùi thơm nồng nàn của lúa chín, thôi thúc người ta sớm rước chúng về nhà.

Dọc các thửa ruộng, thường được bắt gặp những cô chú nông dân ra thăm lúa. Họ xem xét, trò chuyện để hẹn ngày thu hoạch. Trên các cành cây, những chú chim sẻ ríu rít chờ đợi những bông lúa được hái xuống để có một chầu no nê. Đằng xa phía chân trời, mấy cánh cò trắng muốt bảng lảng lướt qua rồi mất hút phía cuối biển vàng.

Khung cảnh cánh đồng lúa chín thực sự là khung cảnh vô cùng xinh đẹp. Đó không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên, mà còn là vẻ đẹp của thành quả lao động. Nó đem đến niềm vui và hạnh phúc cho người nông dân.

Bài tham khảo 2:

Quê hương em có rất nhiều cảnh đẹp. Đó là con sông hiền hoà, cánh đồng thẳng cánh cò bay… Nhưng thân thuộc với em nhất có lẽ là con đường quen thuộc từ nhà đến trường.

Con đường tới trường là một con đường nhỏ được rải đá. Hai bên đường là hai hàng cây xanh mát. Buổi sáng con đường rộn rã hẳn lên. Hình như tất cả lũ trẻ trong xóm em đều có mặt trên đường. Chúng chia thành những nhóm nhỏ tung tăng đến trường. Tiếng nói chuyện ríu rít xen lẫn tiếng cười vui vẻ làm con đường thêm rộn rã, tươi vui.

Buổi trưa, đường lạnh lùng ít được hỏi han. Lúc ấy, con đường yên lặng như chìm trong giấc ngủ. Hai hàng cây đứng quạt cho con đường càng thêm yên giấc. Trên cành, mấy chú chim sâu đang chuyền cành để bắt những gã sâu phá hoại cây, làm cho hàng cây thêm tốt tươi. Những tia nắng li ti rải xuống mặt đường trông như dát bạc. Những mái nhà nằm thấp thoáng dưới bóng cây thưa. Từ mái nhà nào vọng ra tiếng ru em trầm bổng. Tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa buổi trưa hè làm cho con đường làng càng thêm vẻ yên tĩnh lạ lùng. Những đoạn đường bằng phẳng hay mấp mô, gập ghềnh em đều thuộc như lòng bàn tay. Chẳng có ngày nào lũ trẻ chúng em không đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên con đường thân thuộc ấy. Bởi vậy mà con đường trở thành một người bạn thân thiết với em.

Con đường tới trường đã khắc sâu vào trong tâm trí em. Mỗi buổi đến trường, con đường đã để lại trong em bao kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò. Mai ngày lớn lên em cũng không thể quên hình ảnh con đường thân yêu.

Bài tham khảo 3:

Chủ nhật vừa qua, ba đưa cả nhà đi chơi Thảo cầm Viên. Theo cách nói của ba thì là đi pic-nic.

Ăn sáng xong, ta-xi đưa cả nhà theo con đường Nguyễn Thị Minh Khai, rồi rẽ vào đường Nam Kì Khởi Nghĩa, đến trước dinh Thống Nhất thì rẽ theo đường Lê Duẩn. Thẳng theo đường Lê Duẩn, đến đầu đường đằng kia là Thảo Cầm Viên thành phố.

Như một hướng dẫn viên thực thụ, bố vừa đi vừa giới thiệu cho mẹ và em biết Thảo Cầm Viên nằm trên bờ sông Thị Nghè, xây dựng vào năm 1683, với diện tích khoảng 30 hec-ta. Bố chỉ cho xem những cây sao đen cao vút, thân thẳng tắp, ngọn ngất nghểu trên trời cao.

Dưới hồ, cây hoa súng lá lớn có gốc gác từ vùng Nam Mĩ. Đi men theo hồ, cây chuôi rẻ quạt trông thật đẹp. Nhìn đúng là một cái quạt đang xoè rộng ra. Bố cho biết loại cây này thường mọc ở sa mạc, thuộc loại cây hiếm. Em còn đang say ngắm cây hoa mai vàng nở hoa đẹp thì bé Hoa đã thích thú vừa kéo tay mẹ đến bên chuồng thú vừa kêu lên sung sướng: “Hổ! Mẹ ơi!" Một con hổ lông vàng với những vằn đen đang nằm ườn mình bên góc chuồng, giương cặp mắt lạnh lùng nhìn khách qua lại. Hổ ta ngoác mồm ra một cái, nhe những cái răng nhọn, to đùng, không biết là ngáp hay muôn trả lời bé Hoa làm bé sợ chết khiếp, ôm vội lấy người mẹ. Bố cười bảo bé Hoa: “Tại con gọi trống không nên ông hổ giận đây! Con phải gọi là ông hổ, biết chưa?" Ở những chuồng bên, những con sư tử có cái bờm xù ra, con gấu đen trũi chỉ còn cái mắt trắng dã, con báo với tấm thân lốm đốm đen trên bộ lông hung nhạt đưa mắt hiền từ nhìn theo bé Hoa, có ý an ủi: "Bé đừng sợ. Bọn ta không làm hại bé đâu!"

Qua khỏi khu thú vật hoang dã là khu chim lạ. Em cứ nghếch mắt lên để đọc tên các con chim trong từng chuồng. Này đây là kền kền, hồng hoàng, này đây là trĩ, là công ... Những con giang chân dài, những con bồ nông, rồi cò, sếu không bị nhốt trong chuồng mà được thả tự do đi lại quanh hòn đảo nhỏ nằm giừa hồ nơi trung tâm Thảo cầm Viên. Bé Hoa kêu mỏi chân và kéo bố mẹ lại ghế đá bên hồ. Cả nhà vừa ăn kem vừa ngắm nhìn đàn chim trên đả

Bố lấy máy ảnh chụp cho cả nhà. Bé Hoa đòi bố chụp riêng cho bé. Bé đòi lấy cho được hình con giang đang lội trên hồ. Bố cười và bảo: “Yên chí. Bố  sẽ cho con đứng lên con giang nhé!"

Cả nhà ăn uống xong thì mặt trời đã nghiêng về đằng chân trời. Trước khi ra về, bố còn đưa cả nhà vào thăm viện Bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật văn hoá đặc sắc của dân tộc.

Cả nhà không quên tạt vào đền vua Hùng thắp hương cầu xin may mắn cho cả gia đình trong năm Bính Tuất này.

Bé Hoa đòi bố chụp cho riêng bé đến 3 kiểu ở khu đền Hùng này. Bé nói lém lỉnh: “Con về thăm Tổ mà lị!"

Trên đường về nhà, bé Hoa không hiểu sao lại nói với bố mẹ đúng cái điều mà tôi đang định nói: “Chủ nhật sau, cả nhà ta lại đi pic-nic nữa, bố mẹ nhé!".

Bài tham khảo 4:

Mẹ đi thăm bà ngoại đã ba hôm chưa về. Ngôi nhà của ba bố con tưởng như trống trải hơn bao giờ hết. Bố đã đi nằm lúc 9 giờ tối. Em Thu học xong bài đã đi ngủ. Gần 10 giờ, em mới tắt đèn đi nghỉ.

Tiếng xe máy đi lại càng về đêm càng thưa vắng. Điện đã về quê ba năm nay. Nhưng cảnh xóm làng về đêm vẫn êm đềm, thanh vắng, nhất là những đêm mùa thu.

Nửa đêm, em chợt tỉnh giấc. Có lẽ vì em nhớ mẹ. Chiều nay, bé Thu chỉ ăn một bát cơm. Khi em buông đũa, bố hỏi: "Sao, con ăn ít thê" nó bảo: "Nhớ mẹ...". Cơn mưa thu về đêm nghe rì rầm... rì rầm... Khóm hoa và cây trắc bách diệp nơi bờ tường như đang thì thào, thì thầm với giọt mưa thu. Khóm chuối xòe những bàn tay xanh màu cẩm thạch đón mưa; giọt mưa liên tiếp gõ vào tàu lá chuối tơ nghe rất rõ. Em cứ nằm trong màn lắng nghe dư âm mưa đêm nơi vườn quê. Mưa rơi, gió thổi làm lay động cành cam, cành quất. Âm thanh trầm đục, mơ hồ từ khóm lựu vọng đến, em cảm thấy mấy trái lựu đang đung đưa trong màn đêm. Hương lựu, hương chanh, hương cam từ ngôi vườn dâng lên, tỏa ra như ướp lấy hồn em.

Tiếng đồng hồ báo thức nghe "tích... tích" rất rõ. Tiếng chép miệng "chắc chắc" của vợ chồng con thạch sùng sau cánh tủ. Tiếng chó sủa xa xa. Em mơ màng... ngủ tiếp lúc nào không biết.

Một đêm mưa thu.

Lại một đêm nữa mẹ vắng nhà.

Bài tham khảo 5:

Quê em là vựa lúa của tỉnh. Ngày xưa, các cụ nói quanh năm chỉ thấy cảnh "chiêm khê, mùa thôi", mất mùa đói kém triền miên, nhiều người phải đi ăn mày tứ xứ. Hơn mười năm nay, điện đã về làng, kênh mương tiêu úng chống hạn chạy dọc ngang, đường liên xã liên thôn được rải nhựa. Mùa màng được liên tiếp. Vụ xuống đồng, vụ gặt ở quê em đúng là ngày hội.

Đầu tháng Chạp ta cả làng ra quân bước vào ngày mùa: mùa cày cấy. Trời rét ngọt, nhưng cả làng đã dậy từ sáng sớm, đánh trâu bò, đưa nông cụ ra đồng. Già trẻ gái trai đều ra quân. Xe cải tiến, xe kéo công nông rầm rập chở phân ra ruộng. Máy bơm nước chạy thâu đêm. Trâu, bò ra sức cày bừa thi với máy. Cánh đồng Sim, cánh đồng Lủ, đồng Mô, từ sáng sớm đến chiều tối lúc nào cũng lô nhô người đông vui. Hàng trăm người, mỗi người một việc. Cày bừa, rải phân, nhổ mạ, cấy lúa.. nhấp nhô nón trắng trên đồng. Cò trắng từng đàn bay lượn, lúc đáp xuống, lúc bay lên, tha thẩn kiếm mồi, không còn sợ ai bắn ai bẫy nữa. Cùng với con trâu, giờ đây con cò là người bạn thân thiết của nhà nông. Nó cũng hiền lành, cần mẫn như bà con dân cày quê em.

Giống lúa mới, giống lúa dự, lúa tám thơm đặc sản được chia thành từng vùng, từng cánh đồng riêng biệt, không còn cấy tùm lum như trước nữa. Làm ngày không kịp thì làm đêm. Những nương mạ xanh non, xanh biếc bị thu hẹp dần. Những cánh đồng cày bừa nhuyễn, đục ngầu nước bùn, lúa mới cấy đều tăm tắp. Có nhìn các mẹ, các chị cấy lúa trên đồng mới cảm thấy phụ nữ làng em khéo tay và hay lam hay làm nổi tiếng xưa nay.

          Mấy năm nay, chim sơn ca sinh sản nhiều. Trong nắng vàng hoe cuối năm, tiếng chim hót ríu ran trên khắp các cánh đồng. Tiếng hát, tiếng hò của thợ cày, thợ cấy văng vẳng dưới đồng sâu, trên đồng cạn. Có nhiều gia đình gánh cơm, đưa nước uống ra tận đồng đế tranh thủ cấy cày xong trước Tết.

Không đầy mười ngày, làng em đã cấy xong. Nhìn cánh đồng mới cấy mới cảm thấy vẻ đẹp "bát ngát mênh mông, mênh mông bát ngát” của đồng quê mà cò bay thẳng cánh. Tết sắp đến rồi. Mặt người hớn hở, lòng phơi phới vui. Mẫu ba sào lúa dự, mẹ và chị dâu đã cấy xong. Mẹ nói ngày mai, mẹ sẽ đi chợ mua áo len cho con gái. Vụ xuống đồng năm nay, đối với mẹ con em là ngày vui rồi. Em nằm mơ thấy mình mặc áo len đỏ đi học qua cánh đồng lúa con gái bát ngát màu xanh.

Bài tham khảo 6:

Tháng giêng, cả làng em, sau một đêm dài ngủ say đã tỉnh giấc. Đêm qua, tiếng trống chèo vang động mãi đến gần nửa đêm. Tiếng trống chèo bên Vạn Ngang đó.

Làng ven biển, hàng phi lao, mái nhà, bãi sú... đang thấp thoáng hiện rõ dần trong màn sương trắng bồng bềnh. Trong làn gió mặn mòi, tâm hồn trở nên lâng lâng. Chỉ có dân làng chài mới có cảm xúc đó.

Tiếng gà gáy lao xao hòa cùng tiếng sóng rì rầm của biển khơi cứ làm ta náo nức. Bếp nhiều nhà đã lập lòe ánh lửa, làn khói xanh lam quấn quýt trên mái nhà, trên các ngọn cây. Mẹ em đã dậy nấu bữa ăn sáng cho cả gia đình, cho đàn con thơ "chắc dạ" trước khi đến lớp. Bố em đã ngồi vào bộ xa-lông gỗ gụ bóng lên màu thời gian nâu thẫm đang rít thuốc lào; tiếng điếu cày giòn tan, khói thuốc lào làm cho bóng bố em chập chờn lay động trên bức tường cạnh cửa sổ. Anh Hà và em đã dậy học bài, ôn bài trước khi đến lớp.

Lúc ấy, con gà trống nhà em mới cất tiếng gáy "te te". Nó lười lắm, hay dậy muộn, sớm nào cũng thế, chỉ cất tiếng gáy sau khi gà hàng xóm đã gáy sôi lên đổ dồn gần xa. Mặt trời bắt đầu mọc. Sân nhà em hồng lên.

Khác với cảnh rạng đông tráng lệ của mùa hè, cảnh rạng đông miền biển ở quê ẹm vào những ngày tháng đầu năm chỉ phơn phớt hồng, cảnh vật được tắm trong một thứ ánh sáng vừa thực vừa mơ.

Khi mặt trời tròn to như một chiếc đĩa hồng ngọc thì cả làng chài náo nức, tất bật hẳn lên. Trên các nẻo đường, trẻ em khoác ba lô tíu tít đến trường. Các anh chị là học sinh Trung học thì đi xe đạp, phóng như bay về trường huyện, trường thị xã. Những chàng trai đánh cá tay xách, vai vác đủ các thứ lỉnh kỉnh đi ra bến đánh thức những con thuyền. Những cánh buồm nâu được kéo lên. Từng đàn hải âu mốc xám dệt nắng ban mai như những chiếc thoi đưa nhịp nhàng.

Các mẹ, các chị, các bà, người gánh cá, người gánh mọi thứ hải sản lên chợ thị xã, vừa đi vừa cười nói xôn xao. Áo quần ai cũng sáng tươi hơn, xanh đẹp hơn màu xanh nước biển.

Một ngày mới bắt đầu của làng chài quê em là một ngày vui, dào dạt sức sống và tràn đầy hi vọng: tôm cá đầy khoang thuyền, tiếng hát xa khơi cất lên rung động sớm chiều nơi hàng thông, bãi sú...