Viết bài văn tả một di tích lịch sử ở địa phương em.
Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu cảnh đẹp, di tích lịch sử quê em
- Di tích đó có tên là gì?
- Có từ bao giờ?
Thân bài:
a. Tả bao quát:
- Di tích được xây từ năm nào?
- Nhìn từ xa, di tích đó như thế nào?
b. Tả chi tiết:
- Tả từng bộ phận của di tích: cổng, mái, sân
- Khi bước vào trong, di tích đó như thế nào?
- Di tích đó gắn với câu chuyện lịch sử nào?
Kết bài: Nêu suy nghĩ của em về di tích lịch sử đó
Bài siêu ngắn
Huế có tất cả 99 ngôi chùa; nhiều chùa được nhắc đến trong dân ca; tô điểm cho Huế "đẹp và thơ":
"Đông Ba, Gia Hội hai cầu,
Có chùa Diệu Đế bốn lầu hai chuông".
Nhưng đẹp nhất, cổ kính nhất, kì vĩ nhất là chùa Thiên Mụ. Chùa được xây dựng trên Thiên Mụ Sơn (núi Bà Trời) từ đầu thế kỉ XVII, sau đó được trùng tu nhiều lần. Đứng trên cầu Tràng Tiền, du khách nhìn thấy tháp Phước Duyên hình bát giác, bảy tầng, cao 22 mét vút lên giữa trời xanh. Chuông chùa Thiên Mụ được đúc vào năm 1710 nặng trên 3 tấn; tiếng chuông ngân buông vào lúc sáng sớm, lúc hoàng hôn làm cho bài thơ tình xứ Huế thêm diễm lệ.
Nhớ đến thăm vườn chùa, nhiều loài hoa đẹp và quý bao bọc lấy những bia đá cẩm thạch dựng trên lưng rùa đồ sộ, được chạm trổ tinh vi. Và còn có hàng trăm, hàng nghìn pho tượng bằng đồng, bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng bày đặt trong các điện Đại Hùng, Địa Tạng, Quan Âm,...
Chùa Thiên Mụ đã soi bóng xuống Hương Giang hơn 400 năm. Nhưng chùa xưa ngày một thêm huy hoàng, tráng lệ.
Các bài tham khảo
Bài tham khảo 1:
Em đã đi thăm nhiều nơi, đến nhiều đình chùa trong thành phố, nhưng có lẽ đẹp hơn cả, đáng tự hào hơn vẫn là ngôi đình Kiền Bái làng em.
Đình Kiền làng em đẹp lắm! Đình nằm ngay giữa làng, bên con đường quốc lộ, đối diện với ngôi trường tiểu học thân yêu của em. Nghe các cụ kể lại đình xây từ lắm rồi. Trải qua bao mưa nắng, ngôi đình trở nên cổ kính. Mái ngói rêu phong, cong cong như một cánh diều sắp bay lên trời cao. Vách đình được làm làm bằng gỗ lim có chạm khắc những hình thù tinh xảo. Đình quay hướng nam về mùa hè thật mát. Cột đình to lắm, hai đứa ôm cũng không vừa. Trước đình sân gạch cổ đỏ au. Trên sân là hai chiếu đá to và rộng để vào hội dân làng rước hai vị thành hoàng ra tắm. Hai con ngựa đá uy nghi ngay phía cổng.
Bước vào trong đình, em thấy mát lạnh. Đình có ba gian và một hậu cung. Hai gian bên lát sàn gỗ thật đẹp. Gian giữa thật uy nghi. Những hoành phi , câu đối được sơn son thiếp vàng. Những hình thù điêu khắc thật ngộ nghĩnh làm em cứ tự hỏi sao người dân làng em ngày xưa tài thế. Đây là những con rồng đang vờn mây. Kia là cảnh người cưỡi lợn. Những hoa sen, hoa cúc được khắc tinh xảo. Phía trong hậu cung là nơi thờ hai vị thành hoàng. Hương trầm bay nghi ngút. Vị mặt đỏ , vị mặt trắng ngồi uy nghi trên ngai vàng.
Mỗi năm , đình mở hội vào cuối tháng chạp. Trong ba ngày hội, cả làng em háo hức chờ xem. Nào cảnh múa lân, nào cảnh rước nước, nào cảnh tế vua...tất cả đều nhộn nhịp cuốn hút chúng em. Hôm đó , đình đông nghịt người.
Đình làng em là thế đó! Em rất tự hào về ngôi đình làng. Em mong mọi người dân làng em cùng nhauchung tay giữ gìn đìnhcho đẹp hơn. Dù mai này, em có đi xa, em vẫn nhớ về quê hương, nhớ ngôi đình làng.
Bài tham khảo 2:
Quê gốc của em là ở thủ đô Hà Nội, thế nhưng vì cha mẹ đã vào miền Nam sinh sống nhiều năm thế nên em cũng không có nhiều dịp về thăm quê. Cho đến kỳ nghỉ hè vừa rồi, nhân dịp cưới chú, thế nên em đã theo bố về quê chơi. Hà Nội là mảnh đất đã trải qua bốn ngàn năm văn hiến thế nên có rất nhiều các di tích lịch sử, ghi dấu ấn của ông cha một thời. Trong đó em có hứng thú nhất chính là Hồ Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết trả gươm của vua Lê Lợi.
Em và bố ra thăm Hồ Gươm vào một buổi chiều thu mát mẻ, không khí của Hà Nội rất thoải mái, người ta có thể cảm nhận được cái se se lạnh của gió heo may, thấy thoang thoảng mùi hoa sữa đâu đây và thấy cả những chiếc xe đạp đơn sơ chở đầy cúc họa mi trắng. Chỉ nhưng điều đó thôi đã làm cho em yêu Hà Nội hơn rất nhiều. Hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, nhìn từ trên cao nó tựa như một tấm gương khổng lồ phản chiếu những hàng tre, hàng trúc, những rặng liễu, những hàng cây cổ thụ chẳng biết có từ bao giờ bên ven hồ. Nước hồ Gươm rất trong và sáng, in bóng nền trời xanh thẳm với những đám mây trắng bay lửng như những cục bông gòn xinh xắn. Mặt hồ phẳng lặng, thi thoảng lại thấy có tiếng cá đớp nước, tạo thành những vết loang tròn tỏa ra khắp mặt nước. Những chiếc lá vàng lặng lẽ rơi xuống mặt hồ dập dềnh trên sóng nước, khiến người ta có một cảm giác an yên lạ thường. Nhìn ra xa xa trước mặt chính là Tháp Rùa, ngự giữa trên một gò đất giữa lòng hồ phẳng lặng với lối kiến trúc Pháp gồm 4 tầng. Mang vẻ trầm lắng, cô tịch với những mảng rêu phong xanh nhạt, làm nổi bật lên cuộc đời vốn nhiều sương gió, chứng kiến biết bao đổi thay của lịch sử. Nhìn sang hướng Bắc của hồ là đền Ngọc Sơn với cầu Thê Húc sơn đỏ, rực rỡ dưới ánh mặt trời. Nhìn sang hướng Đông Bắc là Tháp Bút gồm 5 tầng đứng sừng sững chỉ ngọn bút lên trời cao, bên cạnh là Đài Nghiên, cùng kết hợp thể hiện vẻ đẹp văn hóa và tinh thần hiếu học của nhân dân ta bao đời nay. Trong lúc dạo chơi em còn may mắn được gặp gỡ một cụ già, đã sinh sống tại Hà Nội này cả đời người, cụ kể rằng Hồ Gươm này đã từng là nơi duyệt quân, luyện binh của quân đội nhà Nguyễn, còn có tên gọi khác là hồ Thủy Quân, với hai phần Tả Vọng và Hữu Vọng, điều ấy làm em thấy rất thú vị. Từ biệt cụ em lại cùng bố đi dạo bên ven hồ, ở đây chúng em gặp rất nhiều người đi dạo mát, có những đôi lứa yêu nhau, có những gia đình hạnh phúc, có những cụ già đi tập thể dục, tạo nên một quang cảnh nhộn nhịp và đông vui vô cùng.
Kết thúc chuyến thăm Hồ Gươm đã để lại cho em những kỷ niệm sâu sắc về một di tích lịch sử mang dấu ấn ngàn năm, chứng kiến tất thảy mọi đổi thay của Hà Nội suốt 4000 năm văn hiến. Nếu có dịp về thăm Hà Nội, đừng quên một lần ghé thăm Hồ Hoàn Kiếm, để một lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, âm thầm, đầy hoài niệm, ngự giữa lòng thủ đô này.