Bài làm 1
Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Mĩ Ô Hen-ri là một trong những truyện nổi tiếng trên toàn thế giới về tình yêu thương con người. Và hình tượng “chiếc lá” chính là hình tượng xuyên suốt đã làm nên thành công cho tác phẩm. “Chiếc lá cuối cùng” tác giả gửi thông điệp về tình bạn cao quý, nhắn nhủ mọi người hãy biết yêu thương nhau. Xu và Bơ-mơn là hai nhân vật làm nổi bật tình cảm cao đẹp trên. Hai họa sĩ nghèo này khác nhau về tuổi tác nhưng lại có chung một mối điều quan tâm đó là làm sao cứu sống được Giôn-xi. Xu đã phải làm việc kiếm tiền mua thuốc, chăm sóc bạn. Xu là một người bạn thủy chung, hết lòng giúp đỡ bạn bè trong những lúc khó khăn nhất. Chỉ như vậy thôi chưa đủ bệnh viêm phổi của Giôn-xi ngày càng nặng hơn và có thể tước đi mạng sống của cô bất cứ khi nào. Bệnh thì có thể chữa trị nhưng tinh thần thì không, Giôn-xi tuyệt vọng với cái chết đang đến gần, cụ Bơ-mơn đã nhận ra điều đó và chính cụ đã mang lại niềm hi vọng cho Giôn-xi. Bằng tài năng của mình, cụ đã vẽ lên bức kiệt tác của mình bức tranh cuối cùng mang lại niềm tin, hy vọng sống cho Giôn-xi. Chiếc lá cuối cùng và sự hy sinh thầm lặng của cụ Bơ-mơn thật đáng trân trọng, hy sinh bản thân vì cuộc sống của người khác, qua hình ảnh chiếc lá cuối cùng tác giả còn muốn nói đến mục đích cao quý của nghệ thuật trong cuộc sống. Câu chuyện đơn giản nhưng lại có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, hình ảnh chiếc lá cuối cùng chính là điểm nhấn quan trọng trong truyện giúp mang lại hy vọng, niềm tin cho Giôn-xi vượt qua bệnh tật và ca ngợi sự hi sinh thầm lặng của cụ Bơ-mơn.
Bài làm 2
Chi tiết chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Ô Hen-ri là một chi tiết khiến truyện trở nên hấp dẫn, đặc sắc hơn bao giờ hết. Chi tiết chiếc lá mang đến thông điệp vô cùng sâu sắc. Xu và Bơ-mơn là hai nhân vật bổ sung cho nhau nhằm làm nổi bật tình cảm cao đẹp về lòng yêu thương con người. Là người chứng kiến Giôn-xi ốm bệnh, Xu luôn ở bên cạnh tận tình chăm sóc, cô coi Giôn-xi như em gái ruột. Cụ Bơ-mơn cũng là một họa sĩ nghèo thuê phòng ở tầng dưới, ông nghe được chuyện Giôn-xi phó mặc đời mình vào một chiếc thường xuân nên đã buồn lòng rất nhiều. Xu và Giôn-xi đều bị ảnh hưởng bởi chiếc lá thường xuân cuối cùng sẽ rụng trong đêm đồng nghĩa với việc Giôn-xi cũng sẽ chết. Nhưng chiếc lá “hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa” vẫn dũng cảm đeo bán vào cành đã khiến Giôn-xi thức tỉnh, cô như có động lực để sống. Thế nhưng, để đổi lại sự sống cho Giôn-xi, cụ Bơ-mơn đã chết vì căn bệnh sưng phổi ngay sau đó. Dù không khẳng định trực tiếp nhưng cả Xu và độc giả đều có thể thấy rằng tác giả của chiếc lá được vẽ trên cây kia chính là cụ Bơ-mơn. Hành động cao cả đó của cụ đã thể hiện một tấm lòng cao cả, vĩ đại sẵn sàng hi sinh cho những người mình yêu thương. Chiếc lá cuối cùng là bức tranh kiệt tác mà cụ đã từng mơ vẽ được lúc cụ còn sống, và nó cũng làm sống lại ước mơ được vẽ vịnh Na-plơ đẹp nổi tiếng của Giôn-xi. Thắp lên niềm tin và hy vọng không chỉ cho ba người họ mà còn cho tất cả mọi người.