Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Đọc lại mục Yêu cầu đối với kiểu bài trong SGK Ngữ văn 10 (bộ Chân trời sáng tạo, bài 1, tr.23) và trình bày hai yêu cầu đối với kiểu bài Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một truyện kể: chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (Gợi ý: yêu cầu về nội dung nghị luận và kĩ năng nghị luận).


Phương pháp giải:

- Nhớ lại kiến thức đã học từ đó rút ra được yêu cầu về nội dung và kĩ năng nghị luận


Lời giải chi tiết:

Yêu cầu đối với kiểu bài Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một truyện kể: chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật:

- Yêu cầu về nội dung nghị luận:

+ Xác định chủ đề và phân tích, đánh giá các khía cạnh trong chủ đề.

+ Phân tích, đánh giá được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật như cốt truyện, tình huống, sự kiện, nhân vật, lời của người kể chuyện và lời của nhân vật, người kể chuyện và điểm nhìn, … và tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể. 

- Yêu cầu về kĩ năng nghị luận:

+ Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, thể hiện được suy nghĩ, cảm nhận của người viết về truyện kể.

+ Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tin cậy lấy từ truyện kể.

+ Sử dụng các câu chuyển tiếp, các từ ngữ liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận (ví dụ: bên cạnh đó, mặt khác, hơn nữa, quan trọng hơn cả, thứ nhất, thứ hai, thưa ba,…)

+ Có các phần mở bài, thân bài, kết bài theo quy cách.

 Mở bài: Giới thiệu truyện kể (tên tác phẩm, tác giả, …). Nêu khái quát các nội dung chính hay định hướng của bài viết.

 Thân bài: Lần lượt trình bày các luận điểm làm nổi bật: (1) ý nghĩa, giá trị của chủ đề, các khía cạnh đáng lưu ý trong chủ đề; (2) những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.

 Kết bài: khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể; nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.


Câu 2

Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một trong những truyện kể sau:

Thần thoại Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng

Truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi

Truyện cười Đến chết vẫn hà tiện

Truyện cổ tích Sọ Dừa

Bạn hãy:

a. Xác định tác phẩm truyện mà bạn dự định phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật; mục đích viết và người sẽ đọc bài viết của bạn.

b. Hãy tìm ý cho bài văn nghị luận bằng cách điền vào bảng sau:


Câu hỏi

Câu trả lời

1. Chủ đề của truyện kể là gì?

 

2. Chủ đề này có gì đặc sắc, mới mẻ?

 

3. Có những truyện nào khác gần gũi với chủ đề này? Điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng là gì?

 

4. Tác phẩm thuộc thể loại nào? Thể loại ấy có những gì đáng lưu ý? (cốt truyện, nhân vật, lời kể,…)

 

5. Tác phẩm này có gì đặc sắc về hình thức nghệ thuật? (Cốt truyện, nhân vật, lời kể, điểm nhìn,…)

 

6. Những đặc sắc về hình thức đã góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm như thế nào?

 

7. Bài viết cần có mấy luận điểm? Các luận điểm đó là gì?

 

8. Đối với mỗi luận điểm, cần có những lí lẽ và bằng chứng nào để làm rõ?

 

c. Lập dàn ý cho thân bài bằng cách thực hiện các công việc sau:

- Triển khai lí lẽ và bằng chứng cho từng luận điểm.

- Sắp xếp các điểm theo trình tự phù hợp bằng cách chọn một trong những cách sau:

+ Cách 1: hình thức nghệ thuật trước, chủ đề sau;

+ Cách 2: chủ đề trước, hình thức nghệ thuật sau;

+ Cách 2: kết hợp phân tích, đánh giá chủ đề và hình thức nghệ thuật trong từng luận điểm.

d. Dựa vào dàn ý, viết đoạn mở bài và một trong số các đoạn thuộc phần thân bài; tự đánh giá, chỉnh sửa các đoạn văn đã viết;

đ. Viết tiếp các đoạn thân bài, kết bài và hoàn tất bài viết;

e. Sử dụng bảng kiểm (bài 1, tr.31) để chỉnh sửa bài viết; tự đánh giá những gì mình đã làm tốt và những gì cần điều chỉnh đề bài viết hoàn chình và hấp dẫn hơn. 


Phương pháp giải:

- Chọn 1 trong 4 văn bản trên

- Đọc kĩ văn bản vừa chọn, trả lời lần lượt các câu hỏi sau đó viết thành một bài văn hoàn chỉnh


Lời giải chi tiết:

a. Lựa chọn truyện cổ tích Sọ Dừa (HS có thể lựa chọn 1 trong 4 truyện ở trên)

b. 


Câu hỏi

Câu trả lời

1. Chủ đề của truyện kể là gì?

Truyện thể hiện ước mơ, nguyện vọng của nhân dân về sự đổi đời cho người thiệt thòi đau khổ, mơ ước cho sự công bằng xã hội. Người tài giỏi đức độ phải được sống hạnh phúc, còn kẻ ác tham lam sẽ bị trừng trị thích đáng.

2. Chủ đề này có gì đặc sắc, mới mẻ?

Chủ đề này hướng tới một thực trạng trong cuộc sống hiện nay đó là sự phân biệt giàu – nghèo, xấu – đẹp.

3. Có những truyện nào khác gần gũi với chủ đề này? Điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng là gì?

- Truyện cổ tích Tấm Cám, Thạch Sanh, …

- Giống nhau về chủ đề nhưng khác nhau về nhân vật, cốt truyện, các sự kiện,…

 

4. Tác phẩm thuộc thể loại nào? Thể loại ấy có những gì đáng lưu ý? (cốt truyện, nhân vật, lời kể,…)

- Tác phẩm thuộc thể loại truyện cổ tích. 

- Khi đọc cổ tích cần lưu ý cốt truyện, nhân vật, yếu tố kì ảo, đề tài, chủ đề, lời người kể chuyện và lời nhân vật, …

 

5. Tác phẩm này có gì đặc sắc về hình thức nghệ thuật? (Cốt truyện, nhân vật, lời kể, điểm nhìn,…)

- Cốt truyện có yếu tố hoang đường, kết thúc có hậu, được kể theo trình tự thời gian.

- Nhân vật: Sọ Dừa mang lốt vật xấu xí nhưng thông minh, tài giỏi.

- Chi tiết kì ảo: Người mẹ uống nước sọ dừa chứa nước mưa và mang thai; sinh ra một đứa bé tròn như quả dừa, không có tay, chân; cởi bỏ lốt vật trở thành chàng trai khôi ngô tuấn tú; …

 

6. Những đặc sắc về hình thức đã góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm như thế nào?

Những đặc sắc về hình thức đã góp làm rõ chủ đề và gia tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm.

7. Bài viết cần có mấy luận điểm? Các luận điểm đó là gì?

Bài viết cần có hai luận điểm:

- Luận điểm thứ nhất: giá trị của chủ đề: ước mơ về một xã hội công bằng, người tốt được hưởng hạnh phúc, kẻ ác bị trừng trị.

- Luận điểm thứ hai: những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (cốt truyện, nhân vật Sọ Dừa, chi tiết kì ảo)

 

8. Đối với mỗi luận điểm, cần có những lí lẽ và bằng chứng nào để làm rõ?

Lược dẫn từ truyện kể một số hình ảnh, chi tiết, biện pháp nghệ thuật tiêu biểu.

 c. Lập dàn ý:

1. Mở bài:

- Giới thiệu chung về truyện cổ tích Sọ Dừa 

- Dẫn dắt vào đề 

2. Thân bài 

* Chủ đề và giá trị của chủ đề:

- Chủ đề: Ứớc mơ về một xã hội công bằng, người tốt được hạnh phúc, kẻ xấu bị trừng trị.

- Giá trị của chủ đề này: Đây là chủ đề quen thuộc của thể loại truyện cổ tích nhưng được thể hiện thông qua cốt truyện và nhân vật đặc sắc (Sọ Dừa) với nhiều yếu tố hoang đường, kì ảo.

* Những đặc sắc về hình thức nghệ thuật

- Cốt truyện độc đáo

- Nhân vật đặc sắc

- Chi tiết kì ảo, phong phú, đặc sắc

+ Truyện kể về người mang lốt vật nhưng tài trí, thông minh.

+ Có nhiều chi tiết hoang đường, kì ảo.

+ Kiểu nhân vật người mang lốt vật (xuất thân khác lạ, ngoại hình xấu xí, trải qua nhiều thử thách để cởi bỏ lốt vật, đạt được hạnh phúc).

+ Được tập trung miêu tả thông qua hành động, phẩm chất chủ yếu được bộc lộ thông qua chuỗi hành động xuyên suốt tác phẩm.

+ Hỗ trợ cho nhân vật Sọ Dừa bộc lộ bản chất tốt đẹp ẩn trong vẻ xấu xí bên ngoài.

+ Thể hiện ước mơ của nhân dân về những người hiền lành, lương thiện sẽ gặp được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

+ Là một trong những đặc điểm của cốt truyện cổ tích, giúp cho truyện trở nên hấp dẫn, hứng thú với người đọc.

3. Kết bài 

- Khắng định lại ý nghĩa bài phân tích 

d. Viết đoạn mở bài và một trong số các đoạn thuộc phần thân bài

Đoạn mở bài: Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, truyện cổ tích Sọ Dừa là được xem như là một trong những câu chuyện ý nghĩa và cảm động nhất. Câu chuyện không chỉ hấp dẫn ở nội dung mà còn làm nổi bật lên giá trị nghệ thuật và chủ đề sâu sắc mà câu chuyện mang lại.

Đoạn thân bài: Có thể nói, Sọ Dừa đem đến cho chúng ta một câu chuyện hấp dẫn và đặc sắc, cũng như những truyện cổ tích thần kì khác, yếu tố kì ảo thường phong phú và tham gia vào sự phát triển của cốt truyện. Trong truyện Sọ Dừa, tác giả dân gian đã sử dụng nhiều yếu tố kì ảo: Bà mẹ uống nước trong cái sọ dừa, thụ thai rồi sinh ra Sọ Dừa không có đầu, mình, chân, tay, chỉ là một cục thịt tròn lăn lông lốc nhưng biết nói; Sọ Dừa có thể trút lốt thành một thanh niên khôi ngô, tuấn tú, thổi sáo giỏi, chăn bò khéo; hoá phép ra nhiều vàng bạc, lụa đào, biến ngôi nhà tồi tàn lụp sụp thành nhà cao cửa rộng, có kẻ hầu người hạ; hai con gà biết gáy tiếng người mách cho Sọ Dừa vào đảo đón vợ.

đ. Bài làm tham khảo

Truyện cổ tích Sọ Dừa là câu chuyện đặc sắc và hấp dẫn. Ở câu chuyện này nổi bật ở giá trị nghệ thuật và chủ đề sâu sắc mà câu chuyện mang lại.

Sọ Dừa là một truyện cổ tích thần kì, cũng như những truyện cổ tích thần kì khác, yếu tố kì ảo thường phong phú và tham gia vào sự phát triển của cốt truyện. Trong truyện Sọ Dừa, tác giả dân gian đã sử dụng nhiều yếu tố kì ảo: Bà mẹ uống nước trong cái sọ dừa, thụ thai rồi sinh ra Sọ Dừa không có đầu, mình, chân, tay, chỉ là một cục thịt tròn lăn lông lốc nhưng biết nói; Sọ Dừa có thể trút lốt thành một thanh niên khôi ngô, tuấn tú, thổi sáo giỏi, chăn bò khéo; hoá phép ra nhiều vàng bạc, lụa đào, biến ngôi nhà tồi tàn lụp sụp thành nhà cao cửa rộng, có kẻ hầu người hạ; hai con gà biết gáy tiếng người mách cho Sọ Dừa vào đảo đón vợ.

Những yếu tố kì ảo kể trên có tác dụng làm cho truyện thêm hấp dẫn người nghe. Hơn nữa, nó làm cho truyện phát triển và kết thúc theo mong ước của nhân dân. Chẳng hạn, nếu không có yếu tố kì ảo thì một người dị dạng như Sọ Dừa làm sao có thể bỗng chốc biến thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, hay ngôi nhà lụp sụp của hai mẹ con Sọ Dừa làm thế nào chỉ trong một đêm có thể trở thành một tòa nhà lớn và sang trọng được...

Mở đầu truyện Sọ Dừa, tác giả dân gian kể rằng, ở làng nọ có hai vợ chồng nghèo đi ở cho phú ông. Một hôm người vợ vào rừng hái củi, khát nước quá mà chẳng tìm đâu ra nước, chỉ có cái sọ dừa bên gốc cây đựng đầy nước mưa. Bà đành phải uống, thế rồi có mang và sinh ra Sọ Dừa. Đó là sự ra đời không bình thường, nhờ sự tham gia của yếu tố kì ảo. Sự ra đời đó thường báo hiệu một số phận khác thường của nhân vật cổ tích. Đằng sau nhân vật Sọ Dừa là cái nhìn đầy trắc ẩn và nhân đạo của nhân dân đối với những người có hình thức xấu xí và số phận không may mắn.

Sọ Dừa tuy là một người dị dạng, xấu xí, nhưng chàng cũng là một người có tài. Tài năng của chàng trước hết là lao động giỏi. Chàng chăn bò rất giỏi, thể hiện qua chi tiết: đàn bò của chàng, con nào con nấy ăn no béo tròn. Chàng cũng là người thổi sáo rất hay: tiếng sáo véo von khiến cô Ba ngạc nhiên và tò mò phải để ý và đem lòng yêu. Chàng cũng là người có phép lạ, tạo ra nhiều biến hoá kì dị. Những phép lạ đó vừa thể hiện ước mơ bay bổng của tác giả dân gian, vừa là sự thần thánh hoá, kì ảo hoá những thành công lao động của con người.

Giữa hình dạng xấu xí của Sọ Dừa với tài năng của chàng chưa tương xứng với nhau, nhất là theo quan niệm thẩm mĩ dân gian. Sọ Dừa là người có tài năng kì lạ và phẩm chất tốt đẹp của người lao động nhưng vẻ ngoài của chàng lại quá xấu xí. Sự không tương xứng ấy bộc lộ một triết lí dân gian sâu sắc. Đó là, không nên nhìn con người chỉ qua hình thức bên ngoài, cần phải nhìn nhận và đánh giá con người ở nội dung, ở phẩm chất và tài năng của họ. Tuy nhiên, cũng theo quan niệm thẩm mĩ dân gian, cái tốt luôn đi cùng với cái đẹp. Quan niệm đó là, người tốt người giỏi nhất định phải là người đẹp, đã là người đẹp thì nhất định phải đẹp từ phẩm chất đến hình thức và ngược lại. Trong truyện cổ tích không có người nào chỉ đẹp về nội dung hoặc chỉ đẹp về hình thức mà thôi. Vì vậy, hình thức xấu xí không cần trổ tài năng và hạnh phúc của Sọ Dừa, song tác giả dân gian vẫn không để cho một người giỏi như chàng phải mãi mang cái vỏ xấu xí như vậy. Cuối cùng, Sọ Dừa cũng trút bỏ vĩnh viễn cái lốt xấu xí để trở thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú phù hợp với quan niệm thẩm mĩ của nhân dân.

e. Chỉnh sửa bài viết; tự đánh giá