Đề thi
Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Câu 1. Ý nào dưới đây không thể hiện đặc điểm của nhân vật truyền thuyết?
A. Thường có những đặc điểm khác lạ về lai lịch, phẩm chất, tài năng, sức mạnh…
B. Nhân vật là những người bình thường, nghèo khổ
C. Thường gắn với sự kiện lích sử và có công lớn đối với cộng đồng
D. Được cộng đồng truyền tụng, tôn thờ
Câu 2. Đặc điểm nào dưới đây không phải là đặc điểm của cốt truyện truyền thuyết?
A. Thường xoay quanh công trạng, kì tích của nhân vật mà cộng đồng truyền tụng, tôn thờ
B. Thường sử dụng yếu tố kì ảo nhằm thể hiện tài năng, sức mạnh khác thường của nhân vật
C. Thường kết cúc có hậu: thưởng phạt phân minh
D. Cuối truyện thường gợi nhắc các dấu tích xưa còn lưu lại đến hiện tại
Câu 3. Xác định từ đơn, từ ghép, từ láy trong các đoạn văn sau:
a. Một đêm nằm trằn trọc mãi không sao ngủ được, Thái tử định sang thư phòng xem sách, khi đi ngang qua vườn thượng uyển, bỗng thấy một cô gái trẻ, đẹp đang dạo chơi ở đó. Nghe tiếng động, cô gái vội vàng chạy về phía hoàng cung rồi biến mất. Nhưng vào một đêm khác, cô gái xuất hiện. (Truyền thuyết về Ngọc Bà Thiên Y A Na)
b. Lang Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Bèn làm theo lời thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng, cho nên gọi là bánh chưng. Rồi giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là bánh giầy. Còn lá xanh bọc ngoài và nhân ở trong ruột là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. (Bánh chưng, bánh giầy)
Câu 4. Trong câu văn “Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem đủ thứ của ngon vật lạ bày trên mâm cỗ mình làm để dự thi”, cụm từ “của ngon vật lạ” có phải thành ngữ không? Tìm một cụm từ có nghĩa tương tự để thay thế cho cụm từ “của ngon vật lạ” mà không làm cho nghĩa của câu thay đổi.
Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Viết một đoạn văn (khoảng 150 đến 200 chữ) trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp một công trình văn hóa ở địa phương (một ngôi chùa, một ngọn tháp, một tượng đài nghệ thuật…). Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất hai từ đơn, hai từ phức.
Câu 2. Trong bài thơ Chuyện cổ nước mình có câu:
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì gặp người tiên độ trì
(Lâm Thị Mỹ Dạ)
Câu thơ trên gợi cho em nhớ đến truyện cổ tích nào nhiều nhất? Hãy kể lại truyện đó.
Đáp án
Phần I:
Câu 1 (0.5 điểm):
Ý nào dưới đây không thể hiện đặc điểm của nhân vật truyền thuyết? A. Thường có những đặc điểm khác lạ về lai lịch, phẩm chất, tài năng, sức mạnh… B. Nhân vật là những người bình thường, nghèo khổ C. Thường gắn với sự kiện lích sử và có công lớn đối với cộng đồng D. Được cộng đồng truyền tụng, tôn thờ |
Phương pháp giải:
Dựa vào đặc trưng thể loại truyền thuyết
Lời giải chi tiết:
“Nhân vật là những người bình thường, nghèo khổ” không thể hiện đặc điểm của nhân vật truyền thuyết
=> Đáp án: B
Câu 2 (0.5 điểm):
Đặc điểm nào dưới đây không phải là đặc điểm của cốt truyện truyền thuyết? A. Thường xoay quanh công trạng, kì tích của nhân vật mà cộng đồng truyền tụng, tôn thờ B. Thường sử dụng yếu tố kì ảo nhằm thể hiện tài năng, sức mạnh khác thường của nhân vật C. Thường kết cúc có hậu: thưởng phạt phân minh D. Cuối truyện thường gợi nhắc các dấu tích xưa còn lưu lại đến hiện tại |
Phương pháp giải:
Dựa vào đặc trưng thể loại truyền thuyết
Lời giải chi tiết:
“Thường kết cúc có hậu: thưởng phạt phân minh” không phải là đặc điểm của cốt truyện truyền thuyết
=> Đáp án: C
Câu 3 (1.0 điểm):
Xác định từ đơn, từ ghép, từ láy trong các đoạn văn sau: a. Một đêm nằm trằn trọc mãi không sao ngủ được, Thái tử định sang thư phòng xem sách, khi đi ngang qua vườn thượng uyển, bỗng thấy một cô gái trẻ, đẹp đang dạo chơi ở đó. Nghe tiếng động, cô gái vội vàng chạy về phía hoàng cung rồi biến mất. Nhưng vào một đêm khác, cô gái xuất hiện. (Truyền thuyết về Ngọc Bà Thiên Y A Na) b. Lang Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Bèn làm theo lời thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng, cho nên gọi là bánh chưng. Rồi giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là bánh giầy. Còn lá xanh bọc ngoài và nhân ở trong ruột là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. (Bánh chưng, bánh giầy) |
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức từ đơn, từ ghép, từ láy
Lời giải chi tiết:
a.
- Từ đơn: một, đêm, nằm, ngủ, vườn, bỗng, thấy, ở, đó, một, trẻ, đẹp,...
- Từ ghép: Thái tử, thư phòng, thượng uyển, cô gái, dạo chơi, hoàng cung,
xuất hiện,...
- Từ láy: trằn trọc, vội vàng.
b.
- Từ đơn: tỉnh, dậy, vô, cùng, làm, theo, lời, thần, dặn, chọn, thật, tốt, bánh, vuông, bỏ, vào, chõ, chưng,...
- Từ ghép: Lang Liêu, gạo nếp, mừng rỡ, bánh chưng, bánh giầy, lá xanh, cha mẹ, yêu thương, đùm bọc,...
- Từ láy: không có
Câu 4 (1 điểm):
Trong câu văn “Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem đủ thứ của ngon vật lạ bày trên mâm cỗ mình làm để dự thi”, cụm từ “của ngon vật lạ” có phải thành ngữ không? Tìm một cụm từ có nghĩa tương tự để thay thế cho cụm từ “của ngon vật lạ” mà không làm cho nghĩa của câu thay đổi. |
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức về thành ngữ
Lời giải chi tiết:
- Trong câu văn “Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem đủ thứ của ngon vật lạ bày trên mâm cỗ mình làm để dự thi”, cụm từ “của ngon vật lạ” là một thành ngữ.
- Cụm từ có thể thay thế cho “của ngon vật lạ” mà không làm cho nghĩa của câu thay đổi là: “sơn hào hải vị”, “món ăn quý hiếm”,...
Phần II (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm):
Viết một đoạn văn (khoảng 150 đến 200 chữ) trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp một công trình văn hóa ở địa phương (một ngôi chùa, một ngọn tháp, một tượng đài nghệ thuật…). Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất hai từ đơn, hai từ phức. |
Cách làm:
- Chọn một công trình văn hoá ở địa phương, tìm thông tin về công trình đó.
- Viết đoạn văn trình bày cảm nhận của mình về công trình.
- Chú ý sử dụng từ đơn, từ phức khi viết.
Lời giải chi tiết:
Quê hương em gắn liền với vùng Đất Đỏ nơi mà chị Võ Thị Sáu đã sinh ra. Thật tự hào khi được sinh ra tại quê hương của vị nữ anh hùng đáng kính này bởi chị chính là niềm tự hào của người dân Đất Đỏ nói riêng, Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung. Tấm gương bất khuất của chị Võ Thị Sáu đã được nhân dân và Nhà nước tôn vinh như một biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Được dịp đến thăm tượng đài chị Võ Thị Sáu mới cảm nhận được những dấu tích lịch sử cao cả trong sự nghiệp cách mạng của chị. Tượng đài chị được đúc bằng đồng, cao 7m, tạo theo thế chị Sáu ung dung ra pháp trường, tà áo vẫn tung bay trong gió. Một con người hiên ngang, bất khuất, kiên cường, và không bao giờ đầu hàng trước gian khó, hiểm nguy. Hình ảnh hiên ngang của người con gái ấy khiến cho ta không khỏi bồi hồi về cuộc đời của chị, về những gì chị cống hiến cho cách mạng, đất nước, dân tộc. Hiện nay, đền thờ là nơi cho dân chúng đến phúng viếng, tưởng niệm anh hùng và là nơi trưng bày hiện vật, giới thiệu hình ảnh về cuộc đời hoạt động của anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu cùng một số hình ảnh về quê hương Đất Đỏ. Chị đã ra đi mãi mãi nhưng những gì chị đã hi sinh vẫn sẽ còn lưu lại trong sử sách và trong trái tim hàng triệu con người Việt Nam. Tấm gương chị Võ Thị Sáu mãi là biểu tượng của thế hệ trẻ về một lòng nồng nàn yêu nước.
Chú thích:
- Từ đơn: nơi, nước, người, thăm,...
- Từ phức:
Từ ghép: trưng bày, cách mạng, anh hùng,...
Từ láy: bồi hồi
Câu 2 (5 điểm):
Trong bài thơ Chuyện cổ nước mình có câu: Ở hiền thì lại gặp hiền Người ngay thì gặp người tiên độ trì (Lâm Thị Mỹ Dạ) Câu thơ trên gợi cho em nhớ đến truyện cổ tích nào nhiều nhất? Hãy kể lại truyện đó. |
Phương pháp giải:
- Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện (nêu tên truyện, nội dung chính của truyện, các nhân vật trong truyện)
- Thân bài: Kể lại diễn biến câu chuyện
- Kết bài: Ý nghĩa của câu chuyện, cảm nghĩ về câu chuyện.
Lời giải chi tiết:
Phú ông luôn luôn nói và hứa với anh trai cày: "Mày hãy chăm chỉ làm ăn thì tao sẽ gả cô mày cho”.
Anh trai cày mừng lắm, chẳng quản nắng mưa, ra sức cày sâu cuốc bẫm. Qua ba năm, phú ông ngày một giàu thêm. Cô con gái của phú ông ngày một thêm xinh đẹp. Anh trai cày phấp phóng mừng thầm. Nhưng phú ông đã nuốt lời hứa đem cô gái gả cho con trai một gia đình giàu có nhất nhì trong làng. Đến hôm sắp cưới, phú ông còn lừa anh trai cày một mẻ nữa:
- Mọi việc đã sẵn sàng. Bây giờ mày hãy lên rừng đốn một cây tre trăm đốt đem về làm đũa ăn cưới thì ta cho mày lấy cô mày ngay. Đi nhanh lên!
Tin là thật, anh trai cày vác dao đi vào rừng. Anh ta lặn lội từ rừng nọ qua rừng kia, từ lũng này qua lũng khác, bụng đói, miệng khát, chân mỏi mà vẫn không tìm được một cây tre trăm đốt nào! Thất vọng quá, anh ta ngồi khóc hu hu. Bỗng có một cụ già râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào chống gậy trúc đi tới.
- Làm sao mà cháu khóc? Hãy nói cho lão nghe.
Anh trai cày lễ phép thưa rõ đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, ông lão bảo anh đi chặt ngay một trăm đốt tre đem lại. Ông lão bảo anh đọc ba lần: “Khắc nhập! Khắc nhập! Khắc nhập!”. Tức thì các đốt tre tự nhiên dính vào nhau thành một cây tre dài trăm đốt. Cụ già đã biến mất lúc nào. Anh trai cày hí hoáy mãi rồi lại ngồi khóc, vì anh ta không thể nào đưa cây tre dài ra khỏi rừng. Cụ già lại hiện lên, nhẹ nhàng bảo anh đọc ba lần: “Khắc xuất! Khắc xuất! Khắc xuất!”. Cây tre lại rời ra từng đốt một. Anh chưa kịp nói lời cảm ơn thì ông lão đã biến mất.
Anh vội vàng bó các đốt tre lại thành hai bó lớn rồi gánh chạy như bay về nhà phú ông. Anh ngạc nhiên thấy hai họ nhà trai, nhà gái đang ăn uống linh đình và sắp rước dâu. Anh giận lắm! Phú ông cười nói với anh: “Tôi cần cây tre trăm đốt, chứ không cần hai bó ống tre này!” Anh trai cày liền xếp các ống tre lại, rồi khẽ đọc: “Khắc nhập!”. Tức thì cây tre dài trăm đốt có ngay. Phú ông thấy lạ chạy đến, anh lại khẽ đọc câu thần chú, lão ta liền bị dính chặt vào cây tre, sợ quá, kêu toáng lên. Lão thông gia vội chạy đến cứu. Anh lại khẽ đọc: “Khắc nhập!”, thế là lão này cũng bị dính chặt vào cây tre, kêu trời lên ầm ĩ. Quan khách hai họ sợ quá! Người thì bỏ về, người thì chạy đến van lạy anh trai cày. Phú ông van lạy hết lời xin tha và hứa cho anh trai cày làm lễ cưới con gái mình.
Lúc bấy giờ, anh trai cày mới khẽ đọc: “Khắc xuất! Khắc xuất! Khấc xuất". Cây tre trăm đốt rời ra. Hai lão kia được giải thoát.
Về truyện này mà trong dân gian đến nay vẫn lưu truyền câu ca:
“Chê ta rồi lại lấy ta.
Tuy là đứa ở nhưng mà có công"