Đề bài

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Chuyện một khu vườn nhỏ (Trang 102 – TV5/T1)

2. Tiếng vọng (Trang 108 – TV5/T1)

3. Hành trình của bầy ong (Trang 117 – TV5/T1)

4. Người gác rừng tí hon (Trang 124 – TV5/T1)

5. Chuỗi ngọc lam (Trang 134 – TV5/T1)

6. Buôn Chư Lênh đón cô giáo (Trang 144 – TV5/T1)

7. Thầy cúng đi viện (Trang 158 – TV5/T1)

8. Ca dao về lao động sản xuất (Trang 168 – TV5/T1)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

ĐƯỜNG VÀO BẢN

         Tôi sinh ra và lớn lên ở một bản hẻo lánh gần biên giới phía bắc. Con đường từ huyện lị vào bản tôi rất đẹp.

         Đoạn đường dành riêng cho dân bản tôi đi về phải vượt qua một con suối to. Nước suối bốn mùa trong veo, rào rạt. Nước trườn qua kẽ đá, lách qua những mỏm đá ngầm tung bọt trắng xoá. Hoa nước bốn mùa xoè cánh trắng như trải thảm hoa đón mời khách gần xa đi về thăm bản.

         Những ngày nắng đẹp, người đi trên đường nhìn xuống suối sẽ bắt gặp những đàn cá nhiều màu sắc tung tăng bơi lội. Cá như vẽ hoa, vẽ lá giữa dòng... Bên trên đưòng là sườn núi thoai thoải. Núi cứ vươn mình lên cao, cao mãi. Con đường men theo một bãi rừng vầu, cây mọc san sát, thẳng tắp, dày như ống đũa. Đi trên đường, thỉnh thoảng khách còn gặp những cây cổ thụ. Có cây trám trắng, trám đen thân cao vút như đến tận trời…Những con lợn ục ịch đi lại ở ven đường, thấy người, giật mình hộc lên những tiếng dữ dội rồi chạy lê cái bụng quét đất. Những con gà mái dẫn con đi kiếm ăn cạnh đường gọi con nháo nhác...

          Con đường đã nhiều lần đưa tiễn người bản tôi đi công tác và cũng đã từng đón mừng cô giáo về bản dạy chữ. Nhưng dù ai đi đâu về đâu, khi bàn chân đã bén hòn đá, hòn đất trên con đường thân thuộc ấy, thì chắc chắn sẽ hẹn ngày quay lại.

(Vi Hồng – Hồ  Thuỷ Giang)

 

1. Đoạn đường dành riêng cho dân bản đi về có gì đặc biệt? (0.5 điểm)

A. Phải vượt qua một con thác bọt tung trắng xóa

B. Phải vượt qua một con suối to, nước bốn mùa trong veo, rào rạt

C. Phải băng qua sườn núi thoai thoải, hoa cỏ mọc đầy hai bên đường

D. Phải đi qua một con đường đầy hoa thơm, cỏ lạ, bướm bay rập rờn, chim hót líu lo

 

2. Con đường vào bản có những cảnh vật gì? (0.5 điểm)

A. Con suối, núi, rừng vầu, rừng trám, trâu bò

B. Con thác, núi, rừng trám, rừng vầu, lợn gà

C. Con suối, núi, rừng vầu, cây trám, lợn gà

D. Con thác, rừng thảo quả, lợn gà, hoa thơm

 

3. Những cây cổ thụ mà khách gặp trên đường đi vào bản là những cây nào? (0.5 điểm)

A. Cây vầu, cây trám đen, cây trám trắng

B. Cây vầu, cây đa, cây lim, cây chò

C. Cây vầu, cây trám, cây hoa ban

D. Cây sung, cây vầu, cây sấu

 

4. Câu “Cá như vẽ hoa, vẽ lá giữa dòng…” ý nói? (0.5 điểm)

A. Đàn cá nhiều màu sắc bơi lội dưới suối đẹp như hoa như lá

B. Đàn cá biết vẽ hoa vẽ lá

C. Đàn cá nhiều màu sắc hình thù giống hoa giống lá

D. Đàn cá giống những cành cây bên bờ suối

 

5. Những con vật nào được nhắc đến trong bài văn? (0.5 điểm)

A. Con vịt, con bò, con lợn

B. Con lợn, con chó, con sư tử

C. Con lợn, con cá, con gà mái

D. Con lợn, con bò, con trâu

 

6. Bài văn miêu tả cảnh gì? (0.5 điểm)

A. Cảnh vật núi rừng biên giới phía bắc

B. Cảnh cuộc sống của người dân bản vùng biên giới phía bắc

C. Cảnh vật trên con đường vào bản vùng núi phía bắc

D. Cảnh nương rẫy vào một buổi sớm đầu đông

 

7. Đặt hai câu có chứa từ bản là từ đồng âm. (1 điểm)

 

8. Đặt một câu có cặp từ trái nghĩa xấu – đẹp

 

9. Xác định chủ ngữ và vị ngữ trong câu “Đoạn đường dành riêng cho dân bản tôi đi về phải vượt qua một con suối to.”? (1 điểm)

 

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Trồng rừng ngập mặn

         Nhờ phục hồi rừng ngặp mặn mà ở nhiều địa phương, môi trường đã có những thay đổi rất nhanh chóng. Đê xã Thái Hải (Thái Bình), từ độ có rừng, không còn bị xói lở, kể cả khi bị cơn bão số 2 năm 1996 tràn qua. Lượng cua con trong vùng rừng ngập mặn phát triển, cung cấp đủ giống không chỉ cho hàng nghìn đầm cua ở địa phương mà còn cho hàng trăm đầm cua ở các vùng lân cận. Tại xã Thạch Khê (Hà Tĩnh), sau bốn năm trồng rừng, lượng hải sản tăng nhiều và các loài chim nước cũng trở nên phong phú. Nhân dân các địa phương đều phấn khởi vì rừng ngập mặn phục hồi đã góp phần đáng kể tăng thêm thu nhập và bảo vệ vững chắc đê điều.


II/ Tập làm văn (6 điểm)

Viết bài văn tả một em bé đang tuổi tập nói tập đi

Lời giải chi tiết

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

1. (0.5 điểm) B. Phải vượt qua một con suối to, nước bốn mùa trong veo, rào rạt

2. (0.5 điểm) C. Con suối, núi, rừng vầu, cây trám, lợn gà

3. (0.5 điểm) A. Cây vầu, cây trám đen, cây trám trắng

4. (0.5 điểm) A. Đàn cá nhiều màu sắc bơi lội dưới suối đẹp như hoa như lá

5. (0.5 điểm) C. Con lợn, con cá, con gà mái

6. (0.5 điểm) C. Cảnh vật trên con đường vào bản vùng núi phía bắc

7. (1 điểm)

a) Con đường từ huyện lị vào bản tôi rất đẹp.

b) Phô tô cho tôi thành 2 bản nhé!

8. (1 điểm)

Chiếc áo này xấu, chiếc áo bên kia đẹp hơn!

9. (1 điểm)

Đoạn đường dành riêng cho dân bản tôi đi về // phải vượt qua một con suối to.

                         CN                                                             VN

 

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả (4 điểm)

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung:

A. Mở bài (0.75 điểm)

Giới thiệu chung về em bé mà em muốn miêu tả

B. Thân bài (2.5 điểm)

- Tả hình dáng của em bé

- Tả hoạt động ngày thường của em bé

C. Kết bài (0.75 điểm)

Tình cảm của em đối với em bé

* Về hình thức:

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo:

        “ba…ba…ba” vừa về đến nhà em đã nghe thấy giọng nói lanh lảnh của Bống. Bống là em gái của em.

        Năm nay Bống mới 2 tuổi. Dáng người bụ bẫm, dễ thương. Chỉ cần nhìn thấy Bống là mộ người sẽ lập tức muốn ôm em ấy vào lòng. Đôi má phúng phính, trắng hồng, lúc cười lộ ra mấy cái răng sữa khiến ai nhìn cũng muốn nựng má. Đôi mắt đen to, linh động nhìn đông ngó tây khiến ai cũng phải bật cười. Bống đang độ tuổi tập đi, mỗi bước đi chập chững của em khiến mọi người trong nhà đều phải dõi theo. Tối nào bé cũng thích đi vòng quanh nhà, có lẽ Bống biết mọi người trong nhà đều dõi theo bước đi của mình nên quyết tâm đi thật tốt. Đang đi mỏi chân quá, em ngồi bệt xuống đất quay ra nhìn cả nhà cười hì hì vô cùng đáng yêu. Như bao đứa trẻ nhỏ khác, Bống rất thích chơi búp bê, em ấy có thể ngồi hàng giờ bên những con búp bê, nghiêm túc chơi, nghiêm túc bế và ru em búp bê ngủ như thể đó là em của mình. Bống rất ngoan, mẹ dặn Bống khi chơi xong thì phải xếp đồ chơi gọn gàng vào rổ đồ chơi, em đều nhớ và làm theo. Trong nhà, Bống quấn mẹ nhất, chỉ ở bên cạnh những người thân trong gia đình, em mới tỏ vẻ nũng nịu, phụng phịu đáng yêu. Khi ở cạnh những khác em cũng không hề khóc, nhưng lại lộ ra vẻ tự lập hiếm có. Mỗi tối đi ngủ Bống đều phải có gấu bông nằm bên cạnh mới có thể ngủ ngon được.

          Em rất yêu Bống, lúc rảnh rỗi em chỉ muốn chơi và trông Bống để mẹ có thêm thời gian làm việc nhà.

soanvan.me