Đề bài
A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)
GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.
1. Một vụ đắm tàu (Trang 179 - TV5/ Tập 2)
2. Con gái (Trang 189 - TV5/Tập 2)
3. Thuần phục sư tử (Trang 198 - TV5/Tập 2)
4. Tà áo dài Việt Nam (Trang 207 - TV5/Tập 2)
5. Công việc đầu tiên (Trang 215 - TV5/Tập 2)
6. Út Vịnh (Trang 232 - TV5/Tập 2)
7. Những cánh buồm (Trang 241 - TV5/Tập 2)
8. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Trang 249 -TV5/Tập 2)
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Vua Lý Thái Tông đi cày
Lý Thái Tông (1000 – 1054) là một ông vua có nhiều chiến công hiển hách, đồng thời rất quan tâm phát triển sản xuất, mở mang văn hóa, chăm lo đời sống nhân dân.
Nhiều lần, vào đầu xuân, vua đi thăm ruộng và tự cày ruộng. Có vị quan thấy vua cầm cày, nói: “Bệ hạ cần gì phải làm công việc của nông phu?” Vua bảo : Trẫm không tự cày thì lấy gì để trăm họ noi theo?”
Để khuyến khích dùng hàng trong nước, năm 1040, vua dạy cho cung nữ dệt gấm vóc. Tháng hai âm lịch, vua cho đem gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra may áo phát cho các quan. Nhà vua làm vậy để tỏ ý từ nay vua sẽ dùng gấm vóc tự dệt, không dùng hàng nước Tống nữa.
Năm 1044, cả nước được mùa, vua xuống chiếu giảm một nửa tiền thuế cho dân. Nhà vua bảo : “ Trăm họ đã no đủ thì trẫm lo gì không no đủ?”.
Suốt một đời làm vua, Lý Thái Tông được ca ngợi là vị vua hiền, nhưng ông cũng tự răn mình là người ít đức. Thấy các quan xử án làm nhiều người oan uổng, vua cho soạn một bộ luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đó là bộ luật đầu tiên của nước ta.
Năm 1049, vua chiêm bao thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen và dắt vua lên tòa. Tỉnh dậy, vua đem việc ấy bàn với triều đình rồi cho xây một ngôi chùa hình tòa sen đặt trên một cột đá ở giữa hồ sen. Đó là Chùa Một Cột có kiến trúc rất độc đáo nằm ở thủ đô Hà Nội ngày nay.
Theo ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ
1. Em hiểu câu nói của vua Lý Thái Tông “Trẫm không tự cày thì lấy gì để trăm họ noi theo”? (0.5 điểm)
A. Vua đi cày để sử sách ngàn đời sau còn lưu lại.
B. Vua đi cày để hưởng thụ thú vui ruộng vườn.
C. Vua đi cày để khuyến khích trăm họ noi theo, chăm lo việc nhà nông.
D. Vua đi cày để được trăm họ ca ngợi, thu được lòng người.
2. Để khuyến khích dùng hàng trong nước và tỏ ý không muốn dùng hàng ngoại vua Lý Thái Tông đã làm gì? (0.5 điểm)
A. Dạy cung nữ dệt gấm vóc, đem gấm vóc của nước ngoài ở trong kho để thưởng cho quan.
B. Ban lệnh cấm nhập vải vóc từ nước ngoài.
C. Đem hết gấm vóc của nước ngoài ở trong kho ban thưởng cho các cung nữ
D. Đem hết gấm vóc của nước ngoài ở trong kho ban thưởng cho các quan.
3. Việc làm nào cho thấy vua Lê Thái Tông rất yêu thương và chăm lo cho dân chúng? (0.5 điểm)
A. Thường xuyên đi vi hành để có cái nhìn thực tế về cuộc sống của người dân.
B. Cưu mang, giúp đỡ những người nghèo khó, gặp nhiều khó khăn.
C. Dạy cung nữ dệt vải, ban thưởng vải vóc cho những gia đình nghèo khó.
D. Giảm thuế cho dân, cho soạn bộ luật để giảm án oan.
4. Việc làm nào cho thấy vua rất quan tâm mở mang văn hóa? (0.5 điểm)
A. Vua thường xuyên cho quan đi sứ nước ngoải để mở rộng hiểu biết.
B. Vua cho xây dựng công trình kiến trúc độc đáo Chùa Một Cột
C. Vua dạy cho cung nữ cách dệt vải.
D. Vua yêu cầu trẻ con phải học để biết chữ.
5. Từ những việc làm trên em thấy được vua Lý Thái Tông là người như thế nào? (0.5 điểm)
A. Là người có công lớn trong việc phát triển kinh tế đất nước.
B. Là vị vua hiền đức, tư tưởng phóng khoáng, tự do
C. Là người rất quan tâm phát triển sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân và mở mang văn hóa.
D. Là người nhân hậu và yêu thương nhân dân như con.
6. Trong các câu dưới đây, câu nào là câu ghép? (0.5 điểm)
A. Năm 1049, vua chiêm bao thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen và dắt vua lên tòa.
B. Nhiều lần, vào đầu xuân, vua đi thăm ruộng và tự cày ruộng.
C. Thấy các quan xử án làm nhiều người oan uổng, vua cho soạn một bộ luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
D. Trăm họ đã no đủ thì trẫm lo gì không no đủ.
7. Hãy đọc lại bài văn và tìm ra một câu ghép có quan hệ tương phản, chỉ ra quan hệ từ trong câu đó. (1 điểm)
8. Xác định tác dụng của dấu hai chấm trong đoạn văn sau? (1 điểm)
Nhiều lần, vào đầu xuân, vua đi thăm ruộng và tự cày ruộng. Có vị quan thấy vua cầm cày, nói: “Bệ hạ cần gì phải làm công việc của nông phu?” Vua bảo : Trẫm không tự cày thì lấy gì để trăm họ noi theo?”
9. Xác định tác dụng của dấu ngoặc kép trong câu sau? (1 điểm)
Năm 1044, cả nước được mùa, vua xuống chiếu giảm một nửa tiền thuế cho dân. Nhà vua bảo : “ Trăm họ đã no đủ thì trẫm lo gì không no đủ?”.
B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)
I/ Chính tả (4 điểm)
Chiều ngoại ô
Nhưng có lẽ thú vị nhất trong chiều hè ngoại ô là được thả diều cùng lũ bạn. Khoảng không gian vắng lặng nơi bãi cỏ gần nhà tự nhiên chen chúc những cánh diều. Diều cốc, diều tu, diều sáo đua nhau bay lên cao. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Những cánh diều mềm mại như cánh bướm. Những cánh diều như những mảnh hồn ấu thơ bay lên với biết bao khát vọng. Ngồi bên nơi cắm diều, lòng tôi lâng lâng, tôi muốn gửi ước mơ của mình theo những cánh diều lên tận mây xanh.
Theo Nguyễn Thụy Kha
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Tả một người thân trong gia đình em.
Lời giải chi tiết
A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.
- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
1. (0.5 điểm) C. Vua đi cày để khuyến khích trăm họ noi theo, chăm lo việc nhà nông.
2. (0.5 điểm) A. Dạy cung nữ dệt gấm vóc, đem gấm vóc của nước ngoài ở trong kho để thưởng cho quan.
3. (0.5 điểm) D. Giảm thuế cho dân, cho soạn bộ luật để giảm án oan.
4. (0.5 điểm) B. Vua cho xây dựng công trình kiến trúc độc đáo Chùa Một Cột
5. (0.5 điểm) C. Là người rất quan tâm phát triển sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân và mở mang văn hóa.
6. (0.5 điểm) D. Trăm họ đã no đủ thì trẫm lo gì không no đủ.
7. (1 điểm) Câu ghép có quan hệ tương phản là:
Suốt một đời làm vua, Lý Thái Tông được ca ngợi là vị vua hiền, nhưng ông cũng tự răn mình là người ít đức
Quan hệ từ được dùng trong câu là: nhưng
8. (1 điểm) Tác dụng của dấu hai chấm trong đoạn văn là: Đặt cuối câu để dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật
9. (1 điểm) Tác dụng của dấu ngoặc kép trong câu là: Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.
B. KIỂM TRA VIẾT
I/ Chính tả (4 điểm)
- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm
- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm
- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
* Về nội dung: (4 điểm)
A. Mở bài (0.75 điểm)
Giới thiệu về đối tượng được miêu tả
B. Thân bài (2.5 điểm)
- Tả những nét tiêu biểu của ngoại hình (tóc, làn da, hàm răng, dáng đi,…)
- Tả về hoạt động thường ngày, tính tình của người đó. Ví dụ:
+Chăm sóc vườn rau
+Cặm cùi làm việc nhà
+Nấu ăn
+Thường xuyên trò chuyện và kể cho em nghe những câu chuyện lí thú
…
C. Kết bài (0.75 điểm)
- Tình cảm của em đối với người đó
* Về hình thức: (2 điểm)
- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm
- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm
- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm
Bài viết tham khảo:
Trong gia đình, người gần gũi và thân thiết nhất với em là bà nội. Ngay từ khi còn nhỏ, tuổi thơ của em đã luôn có bà bên cạnh. Mỗi một kỉ niệm, mỗi một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời em đều có hình bóng bà kề bên.
Bà nội em năm nay đã gần 80 tuổi. Đôi mắt bà đã mờ đục, mái tóc đã bạc và mỏng đi nhiều. Mỗi lần chải tóc cho bà em đều cảm thấy xót xa, cố gắng chải nhẹ nhàng nhất có thể. Làn da của bà đã hằn in bao dấu vết của thời gian, nhăn nheo, chảy xệ và điểm cả những đốm đồi mồi.
Tuy đã nhiều tuổi rồi nhưng bà vẫn rất thích làm việc nhà. Mới sáng sớm, khi em còn chìm đắm trong giấc ngủ bà đã thức dậy dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn rau sau nhà. Vườn rau nhỏ xinh đầy những rau xanh như rau muống, rau cải, mướp, cải bắp, su hào,… đều do một tay bà và mẹ em vun trồng và chăm sóc. Đối với mỗi công việc nhà, bà đều tỉ mỉ, cẩn thận làm từng chút một. Những lúc không phải học bài em thường thích loanh quanh bên bà, phụ giúp bà những công việc nhà. Em rất thích ngồi hàng giờ trò chuyện với bà. Phần vì em biết người già rất thích có người bên cạnh trò chuyện cùng, phần vì em cũng rất thích lắng nghe bà nói. Bà hay kể cho em nghe những câu chuyện xa xưa, em ngoan ngoãn ngồi bên bà như chú mèo nhỏ. Mỗi lúc như thế đôi mắt đục mờ của bà lại nhìn xa xăm vào khoảng không phía trước, có chút gì đó rưng rưng. Em có thể thấy được từ trong đôi mắt đó bao nhiêu cảm xúc đang ùa về. Nhưng mỗi lúc em kể cho bà nghe những câu chuyện ở lớp với thầy cô, bạn bè của em thì đôi mắt ấy lại sáng và linh động tới kì lạ. Đôi mắt chuyển động theo từng lời kể của em, lúc thì dãn ra, khi lại híp lại, thỉnh thoảng bà lại bật cười xoa đầu em. Em thấy được từ trong đôi mắt ấy bao nhiêu là yêu thương và trìu mến mà bà dành cho em.
Những ngày ấu thơ em thích lười biếng nằm trong lòng bà, nắm đôi bàn tay nhăn nheo của bà. Cảm thấy ấm áp tới vô cùng. Bố mẹ thường xuyên đi làm xa, chỉ có bà ở bên cạnh bầu bạn, chăm chút cho em từng li từng tí một. Hình ảnh của bà bao trùm trọn vẹn cả tuổi thơ của em.
Bà là người mà em vô cùng yêu quý. Em mong bà mạnh khỏe, sống thật lâu với các con các cháu. Em sẽ học thật giỏi, thật ngoan, thường xuyên ở bên bà để bà vui lòng.
soanvan.me