Bài làm 1
Qua ngòi bút của Vũ Bằng, mùa xuân ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng vừa đẹp, vừa mang đặc trưng riêng của một vùng đất có khí hậu, thời tiết khá đặc trưng cho tiết xuân, khí xuân. Đưa lại cho người đọc những rung cảm đặc biệt trước thiên nhiên, đất trời và gợi lên trong mỗi chúng ta một niềm mong nhớ về mùa xuân, mong nhớ về những nét đẹp của thiên nhiên cũng là cách làm cho tâm hồn của chúng ta thêm đẹp hơn. Mở đầu văn bản, nhà văn khẳng định cảm xúc trước thiên nhiên bốn mùabằng câu văn chắc nịch: Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Viết một câu văn có 9 chữ mà ngắt thành hai vế như thế với cây bút tài hoa Vũ Bằng là cả một sự trăn trở, cái trăn trở của con người sinh ra từ Hà Nội, gắn bó với Hà Nội từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, nhớ nhung Hà Nội trong khắc khoải. Sang đoạn 2 của văn bản, sắc xuân, cảnh xuân, tình xuân đan xen trong nhau, hoà quyện cùng nhau, gắn bó, tha thiết. Biết bao nhiêu tính từ, bao nhiêu từ so sánh, từ miêu tả, từ biểu cảm được tác giả sử dụng khéo léo trong đoạn 2 này, thể hiện một tình yêu nồng nhiệt với mùa xuân. Điệp ngữ mùa xuân nhắc lại 3 lần với 3 phạm vi khác nhau: Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân Hà Nội. Để khẳng định mùa xuân của tôi, nhà văn đi từ không gian rộng, mơ hồ - mùa xuân Bắc Việt đến hẹp, cụ thể - mùa xuân Hà Nội. Cả không gian thương nhớ đó đã thu gọn trong trái tim của nhà văn, những câu văn tùy bút như có thơ, có nhạc, có cả tâm tình thương nhớ. Chỉ có người Hà Nội mới cảm nhận được khí hậu, thời tiết mang đặc trưng riêng của Hà Nội: mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh... Riêu riêu, lạnh lạnh là những từ láy tính từ miêu tả cảm giác, cảm nhận của tác giả. Miêu tả rõ nét và tinh tế như thế mới thấy tác giả gắn bó, yêu quý Hà Nội đến nhường nào. Có yêu quý, thương nhớ thì dù xa cách vẫn cảm nhận chi li từng thời khắc của trời xuân như thế.
Bài làm 2
Qua ngòi bút của Vũ Bằng mùa xuân ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng vừa đẹp, vừa mang đặc trưng riêng của một vùng đất có khí hậu, thời tiết khá đặc trưng cho tiết xuân, khí xuân. Đất trời mùa xuân biến chuyển theo hướng mát mẻ, tươi tắn, lung linh, rạng ngời, có sắc màu, có âm thanh, có con người, có cảnh vật… Bức tranh mùa xuân được miêu tả vừa tinh tế, vừa nhẹ nhàng, vừa đằm thắm, vừa lắng sâu. Người viết không chỉ cảm xuân, hiểu xuân mà còn nhớ xuân. Vũ Bằng đã đưa lại cho người đọc những rung cảm đặc biệt trước thiên nhiên, đất trời và gợi lên trong mỗi chúng ta một niềm mong nhớ về mùa xuân, mong nhớ về những nét đẹp của thiên nhiên cũng là cách làm cho tâm hồn của chúng ta thêm đẹp hơn
(Nguồn: sưu tầm)