Câu hỏi 1 :
Đâu không phải cơ sở làm xuất hiện trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX?
- A
Đất nước khủng hoảng
- B
Thực dân Pháp mở rộng xâm lược Việt Nam
- C
Lòng yêu nước thương dân của các sĩ phu
- D
Mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa xuất hiện và phát triển
Đáp án: D
Lời giải chi tiết:
Những cơ sở dẫn tới sự ra đời của trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX bao gồm:
- Đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế- chính trị- xã hội
- Thực dân Pháp đang ráo riết mở rộng quá trình xâm lược Việt Nam
- Xuất phát từ lòng yêu nước thương dân, muốn cho đất nước giàu mạnh của các văn thân, sĩ phu
=> Một số quan lại, sĩ phu yêu nước đã mạnh dạn đưa ra những đề nghị, yêu cầu đổi mới công việc nội trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa...của nhà nước phong kiến
Câu hỏi 2 :
Tại sao trong trận chiến ở thành Hà Nội (năm 1873), quân triều đình dù đông nhưng vẫn bị quân Pháp đánh bại?
- A
Nhân dân không ủng hộ cuộc kháng chiến.
- B
Nhà Nguyễn không còn tướng tài.
- C
Quân triều đình vũ khí thô sơ, tổ chức kém.
- D
Không có sự ủng hộ của quý tộc nhà Nguyễn.
Đáp án: C
Phương pháp giải:
Dựa vào cách thức tác chiến của quân đội nhà Nguyễn khi Pháp tấn công Bắc Kì lần thứ nhất để suy luận trả lời
Lời giải chi tiết:
Khi thực dân Pháp tiến đánh Bắc Kì lần thứ nhất, quân triều đình dù đông vẫn không đánh thắng được Pháp do:
- Sự chênh lệch lực lượng lớn giữa quân triều đình với quân Pháp là: 7.000 quân triều đình và hơn 200 quân Pháp.
- Tuy nhiên, quân triều đình được trang bị vũ khí thô sơ, tổ chức kém, chiến đấu đơn lẻ và không tổ chức cho nhân dân kháng chiến. Trong khi quân đội Pháp là đội quân mạnh, trang bị vũ khí hiện đại.
Câu hỏi 3 :
Thực dân Pháp đã lợi dụng cơ hội gì để mở cuộc tấn công quyết định vào kinh đô Huế trong năm 1883?
- A
Triều Nguyễn nhượng bộ ngày càng nhiều quân Pháp.
- B
Nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi ở trận Cầu Giấy.
- C
Triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Hácmăng.
- D
Vua Tự Đức mất, triều đình lục đục tìm người kế vị.
Đáp án: D
Phương pháp giải:
Dựa vào tình hình Việt Nam trong năm 1883 để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Cuối tháng 7-1883, nhân cơ hội vua Tự Đức mới qua đời, nội bộ triều đình đang lục đục, chủ nghĩa tư bản Pháp trên đà phát triển, thực dân Pháp quyết định đem quân tấn công của biển Thuận An, cửa ngõ kinh thành Huế.
Câu hỏi 4 :
Giữa thế kỉ XIX, tình hình kinh tế - xã hội Bắc Kì có điểm gì nổi bật?
- A
Nông nghiệp sa sút, nông dân phải đi phiêu tán
- B
Nông nghiệp sa sút, thủ công nghiệp phát triển mạnh
- C
Hình thành các đô thị tập trung đông dân cư
- D
Kinh tế công thương nghiệp phát triển mạnh
Đáp án: A
Lời giải chi tiết:
Giữa thế kỉ XIX, sự sa sút về nông nghiệp đã khiến nhiều nông dân vùng đồng bằng Bắc Kì buộc phải rời quê hương đi tìm nơi khác sinh sống. Trong đó một bộ phận kéo lên Yên Thế, lập làng, tổ chức sản xuất
Câu hỏi 5 :
“Bao giờ người Tây nhỏ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” là câu nói của nhân vật lịch sử nào?
- A
Nguyễn Trung Trực.
- B
Nguyễn Hữu Huân.
- C
Phan Tôn.
- D
Phan Liêm.
Đáp án: A
Phương pháp giải:
Dựa vào cuộc kháng chiến của nhân dân 3 tỉnh miền Tây Nam Kì để trả lời
Lời giải chi tiết:
Nguyễn Trung Trực trước kháng chiến ở miền Đông, sau sang miền Tây lập căn cứ ở Hòn Chông (Rạch Giá). Khi bị giặc bắt đem ra chém, ông đã khảng khái nói: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
Câu hỏi 6 :
Lực lượng chủ yếu tham gia trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX là
- A
Quan lại, sĩ phu yêu nước
- B
Nông dân
- C
Bình dân thành thị
- D
Tư sản
Đáp án: A
Lời giải chi tiết:
Trước tình trạng đất nước ngày càng nguy khốn, đồng thời xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, một số quan lại, sĩ phu yêu nước đã mạnh dạn đưa ra những đề nghị cải cách
Câu hỏi 7 :
Nội dung nào không phải hành động của thực dân Pháp nhằm củng cố nền thống trị ở Nam Kì trong giai đoạn 1867-1873?
- A
Xây dựng bộ máy cai trị có tính chất quân sự từ trên xuống dưới.
- B
Hoàn thành xâm lược Campuchia và Lào.
- C
Ra sức vơ vét lúa gạo để xuất khẩu.
- D
Cướp đoạt ruộng đất của nông dân.
Đáp án: B
Lời giải chi tiết:
Những hành động của Pháp sau năm 1867 và trước khi tiến hành tiến đánh Bắc Kì lần thứ nhất bao gồm:
- Xây dựng bộ máy cai trị có tính chất quân sự từ trên xuống dưới.
- Đẩy mạnh chính sách bóc lột bằng tô thuế, cướp đoạt ruộng đất của nông dân.
- Ra sức vơ vét lúa gạo để xuất khẩu, mở trường đào tạo tay sai.
- Xuất bản báo chí nhằm tuyên truyền cho kế hoạch xâm lược sắp tới.
Đáp án B: Thời điểm này Pháp vẫn chưa hoàn thành xâm lược Campuchia và Lào.
Câu hỏi 8 :
Sau thất bại của cuộc phản công ở kinh thành Huế, Tôn Thất Thuyết đã có chủ trương gì?
- A
Đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị) tiếp tục đấu tranh
- B
Tiếp tục xây dựng hệ thống sơn phòng
- C
Bổ sung lực lượng quân sự
- D
Đưa vua Hàm Nghi đến sơn phòng Âu Sơn (Hà Tĩnh)
Đáp án: A
Lời giải chi tiết:
Sau cuộc phản công quân Pháp của phái chủ chiến thất bại, Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi và Tam cung rời khỏi hoàng thành đến sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị). Tại đây, nhân danh vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi các văn thân và nhân dân đứng lên giúp vua cứu nước
Câu hỏi 9 :
Ngày 1-9-1858, ở Việt Nam đã diễn ra sự kiện lịch sử gì quan trọng?
- A
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha dàn trận trước cửa biển Đà Nẵng
- B
Quân Pháp tấn công Bắc Kì lần thứ nhất
- C
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam
- D
Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai
Đáp án: C
Lời giải chi tiết:
Sáng ngày 1-9-1858, sau khi đưa thư buộc quân triều đình nộp thành nhưng không đợi trả lời, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã nổ súng và đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà, chính thức mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Câu hỏi 10 :
Đặc điểm nổi bật của phong trào Cần Vương trong giai đoạn 1885-1888 là
- A
diễn ra trên khắp cả nước, đặt dưới dự chỉ huy của triều đình kháng chiến
- B
quy tụ thành những cuộc khởi nghĩa lớn, có trình độ tổ chức cao
- C
vắng bóng vai trò của triều đình, chỉ xuất hiện vai trò của văn thân, sĩ phu
- D
diễn ra lẻ tẻ, thiếu sự thống nhất
Đáp án: A
Lời giải chi tiết:
Phong trào Cần Vương diễn ra qua 2 giai đoạn với đặc điểm cơ bản sau:
- Giai đoạn 1885-1888: phong trào diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, nhất là ở Bắc Kì và Trung Kì. Thời kì này phong trào vẫn còn đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của 1 triều đình phong kiến đứng đầu là vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết
- Giai đoạn 1888-1896: vua Hàm Nghi bị bắt (11-1888) nhưng phong trào vẫn được duy trì và dần quy tụ thành những cuộc khởi nghĩa lớn, có quy mô và trình độ tổ chức cao hơn trong giai đoạn 1888-1896
Câu hỏi 11 :
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở Đà Nẵng đã tác động như thế nào đến kế hoạch xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp?
- A
Bước đầu làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp
- B
Cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân ta
- C
Làm thất bại hoàn toàn kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp
- D
Buộc thực dân Pháp phải chuyển sang đánh lâu dài với ta
Đáp án: A
Lời giải chi tiết:
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở Đà Nẵng đã bước đầu làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp. Pháp bị gian chân ở bán đảo Sơn Trà. Sau 5 tháng xâm lược, Pháp chỉ chiếm được bán đảo Sơn Trà.
Câu hỏi 12 :
Đâu không phải luận điểm chứng minh khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1896) là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương?
- A
Thời gian diễn ra dài nhất
- B
Địa bàn hoạt động rộng lớn nhất
- C
Trình độ tổ chức tiến bộ nhất
- D
Lãnh đạo tiên tiến nhất
Đáp án: D
Phương pháp giải:
Dựa vào đặc điểm của khởi nghĩa Hương Khê để suy luận trả lời
Lời giải chi tiết:
Khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương vì:
- Thời gian diễn ra dài nhất trong 10 năm (1885-1895)
- Địa bàn hoạt động rộng lớn: khắp 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình
- Trình độ tổ chức tiến bộ nhất
+ Có hẳn 1 giai đoạn 3 năm chuẩn bị lực lượng
+ Nghĩa quân được chia thành 15 thứ quân. Mỗi thứ quân có từ 100 đến 500 người, phân bố trên địa bàn 4 tỉnh. Họ được trang bị súng trường theo kiểu Pháp tự chế tạo
…
Đáp án D: lãnh đạo khởi nghĩa Hương Khê cũng giống như các cuộc khởi nghĩa khác trong phong trào Cần Vương đều là các văn thân, sĩ phu yêu nước
Câu hỏi 13 :
Vào năm 1877 và 1882, Nguyễn Lộ Trạch đã dâng lên vua Tự Đức bản điều trần có tên là
- A
Thời vụ sách
- B
Bình Ngô sách
- C
Dương vụ
- D
Canh tân
Đáp án: A
Lời giải chi tiết:
Vào các năm 1877 và 1882, Nguyễn Lộ Trạch dâng hai bản “thời vụ sách” lên vua Tự Đức, đề nghị chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, bảo vệ đất nước
Câu hỏi 14 :
Vị tướng chỉ huy quân Pháp tấn công ra Bắc Kì lần thứ hai (1883) là ai?
- A
Gácniê
- B
Bôlaéc
- C
Rivie
- D
Rơve
Đáp án: C
Lời giải chi tiết:
Để chuẩn bị cho cuộc đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai (1883), thực dân Pháp ở Sài Gòn đã phái đại tá Rivie làm chỉ huy đưa quân ra Bắc.
Câu hỏi 15 :
Nét nổi bật của phong trào nông dân Yên Thế trong giai đoạn 1884-1892 là
- A
Các toán quân hoạt động riêng rẽ, thủ lĩnh có uy tín nhất là Đề Nắm
- B
Vừa chiến đấu, vừa xây dựng cơ sở
- C
Liên tiếp phải chống lại các cuộc càn quét lớn của thực dân Pháp
- D
Giảng hòa để chuẩn bị lực lượng đấu tranh
Đáp án: A
Lời giải chi tiết:
- Từ năm 1884 đến 1892: nhiều toán nghĩa quân hoạt động riêng rẽ ở Yên Thế, chưa có sự chỉ huy thống nhất. Thủ lĩnh có uy tín nhất lúc đó là Đề Nắm. Sau khi Đề Nắm mất, Đề Thám trở thành chỉ huy tối cao của phong trào (đáp án A)
- Từ năm 1893 đến 1908: thời kì nghĩa quân vừa chiến đấu, vừa xây dựng cơ sở (Đáp án B, D)
- Từ năm 1909 đến 1913: Pháp tập trung lực lượng tổ chức tấn công lên Yên Thế. Trải qua nhiều trận càn liên tiếp, lực lượng nghĩa quân ngày càng hao mòn. Đầu năm 1913, Đề Thám bị sát hại, phong trào tan rã (Đáp án C)
Câu hỏi 16 :
Theo anh (chị) có phải triều đình Nguyễn đã đầu hàng thực dân Pháp ngay từ đầu hay không? Vì sao?
- A
Có. Vì triều đinh đã chủ động kí với Pháp hiệp ước Nhâm Tuất
- B
Có. Vì triều đình đã thực hiện thủ hiểm, bỏ qua cơ hội kháng chiến chống Pháp
- C
Không. Vì triều đình đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến ngay từ khi Pháp nổ súng xâm lược
- D
Không. Vì nhà Nguyễn chú ý phòng thủ đất nước khiến Pháp không dễ dàng chiếm được Nam Kì
Đáp án: C
Phương pháp giải:
Dựa vào diễn biến cuộc kháng chiến từ 1858- 1873 để phân tích, đánh giá
Lời giải chi tiết:
Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, triều đình Nguyễn đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chứ không hề đầu hàng giặc:
- Ở mặt trận Đà Nẵng, triều đình cử Nguyễn Tri Phương làm tổng chỉ huy đã bước đầu làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp
- Ở mặt trận Gia Định, khi quân Pháp tấn công, quân triều đình vẫn kiên quyết tổ chức tấn công. Kể cả hành động thủ hiểm ở đại đồn Chí Hòa cũng không phải là hành động đầu hàng. Vì đại đồn Chí Hòa được xây dựng theo tư duy quân sự phong kiến để phòng thủ trước cuộc tấn công của kẻ thù
- Phải đến hiệp ước Nhâm Tuất (1862) mới bắt đầu đánh dấu quá trình đầu hàng từng bước của nhà Nguyễn trước thực dân Pháp
Câu hỏi 17 :
Sự thất bại của phong trào Cần Vương (1885-1896) đã chứng tỏ điều gì?
- A
văn thân, sĩ phu xác dịnh không đúng đối tượng đấu tranh.
- B
độc lập dân lộc không gắn liền với chế độ phong kiến.
- C
thực dân Pháp đã cơ bản hoàn thành quá trình xâm lược.
- D
văn thân, sĩ phu xác định không đúng nhiệm vụ đấu tranh.
Đáp án: B
Lời giải chi tiết:
Phong trào Cần Vương là phong trào theo khuynh hướng cứu nước phong kiến, mục tiêu đấu tranh của phong trào này là đánh Pháp giành lại độc lập, xây dựng chế độ phong kiến với vua hiền tôi giỏi. Tuy nhiên sự thất bại của phong trào Cần Vương cũng đồng nghĩa với sự sự thất bại của khuynh hướng cứu nước phong kiến - Độc lập dân tộc không gắn liền với chế độ phong kiến.
Câu hỏi 18 :
Bản chất của phong trào nông dân Yên Thế là
- A
Phong trào yêu nước theo khuynh hướng tư sản
- B
Cuộc đấu tranh tự phát của nông dân
- C
Phong trào yêu nước đứng trên lập trường phong kiến
- D
Phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản
Đáp án: B
Phương pháp giải:
Dựa vào mục tiêu đấu tranh của phong trào để phân tích, đánh giá.
Lời giải chi tiết:
Khởi nghĩa nông dân Yên Thế nổ ra với nhiệm vụ mục tiêu là: đánh Pháp để tự vệ, giành quyền lợi thiết thực, giữ đất, giữ làng do những người nông dân tiến hành
=> Khởi nghĩa Yên Thế là cuộc đấu tranh mang tính tự phát của nông dân
Câu hỏi 19 :
Từ sự thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỉ XIX, bài học quan trọng nhất rút ra cho các phong trào đấu tranh ở giai đoạn sau là gì?
- A
Vấn đề tập hợp đoàn kết lực lượng
- B
Vai trò của giai cấp lãnh đạo
- C
Vấn đề đoàn kết quốc tế
- D
Phương thức tác chiến
Đáp án: B
Phương pháp giải:
Dựa vào diễn biến cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỉ XIX (1858 – 1884) để phân tích, đánh giá
Lời giải chi tiết:
Phát huy vai trò của giai cấp lãnh đạo là bài học quan trọng nhất rút ra từ sự thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỉ XIX. Vì không có một giai cấp lãnh đạo tiên tiến thì không thể đề ra được đường lối kháng chiến, tổ chức, đoàn kết nhân dân cả nước đấu tranh chống lại kẻ thù
Câu hỏi 20 :
Sự thất bại của phong trào Cần Vương đã đặt ra yêu cầu cấp thiết gì đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam?
- A
Phải có giai cấp tiên tiến lãnh đạo với đường lối đấu tranh phù hợp
- B
Huy động kháng chiến của toàn dân để giành độc lập
- C
Phải liên kết các phong trào đấu tranh thành một khối thống nhất
- D
Phải tăng cường sức mạnh quân sự để có thể đương đầu với Pháp
Đáp án: A
Phương pháp giải:
Dựa vào ý nghĩa của phong trào Cần Vương để suy luận trả lời
Lời giải chi tiết:
Xuất phát từ nguyên nhân thất bại của phong trào Cần Vương là:
- Các cuộc khởi nghĩa diễn ra lẻ tẻ, tự phát
- Thiếu sự lãnh đạo và đường lối cách mạng đúng đắn
- Phương tiện, vũ khí còn thô sơ, lạc hậu
- Hạn chế của ý thức hệ phong kiến, Khẩu hiệu Cần Vương- Giúp vua cứu nước, khôi phục lại vương triều phong kiến, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ lợi ích trước mắt của giai cấp phong kiến, về thực chất không đáp ứng được một cách triệt để yêu cầu khách quan của sự phát triển xã hội và nguyện vọng của nhân dân là xóa bỏ giai cấp phong kiến, chống thực dân Pháp giành độc lập dân tộc.
Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là chưa có giai cấp tiên tiến lãnh đạo với đường lối cách mạng đúng đắn. Điều này cho thấy xã hội Việt Nam đang lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối và giai cấp lãnh đạo
=> Yêu cầu cấp thiết đối với cuộc đấu tranh của giải phóng dân tộc của nhân dân ta là cần có giai cấp tiên tiến lãnh đạo với đường lối đấu tranh phù hợp.