Câu hỏi 1 :
Để có thêm thời gian chuẩn bị và củng cố lực lượng, Đề Thám đã có chủ trương gì?
- A
Di chuyển lực lượng để các vùng tự do
- B
Tổ chức phản công để phá vòng vây
- C
Chủ động giảng hòa với thực dân Pháp
- D
Chủ động liên lạc với các phong trào đấu tranh trên cả nước
Đáp án: C
Phương pháp giải:
Dựa vào diễn biến phong trào nông dân Yên Thế để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Trong bối cảnh so sánh tương quan lực lượng quá chênh lệch, để có thêm thời gian chuẩn bị và củng cố lực lượng, Đề Thám đã 2 lần chủ động xin giảng hòa với thực dân Pháp vào tháng 10-1894 và tháng 12-1897
Câu hỏi 2 :
Thực dân Pháp đã lợi dụng cơ hội gì để mở cuộc tấn công quyết định vào kinh đô Huế trong năm 1883?
- A
Triều Nguyễn nhượng bộ ngày càng nhiều quân Pháp.
- B
Nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi ở trận Cầu Giấy.
- C
Triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Hácmăng.
- D
Vua Tự Đức mất, triều đình lục đục tìm người kế vị.
Đáp án: D
Phương pháp giải:
Dựa vào tình hình Việt Nam trong năm 1883 để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Cuối tháng 7-1883, nhân cơ hội vua Tự Đức mới qua đời, nội bộ triều đình đang lục đục, chủ nghĩa tư bản Pháp trên đà phát triển, thực dân Pháp quyết định đem quân tấn công của biển Thuận An, cửa ngõ kinh thành Huế.
Câu hỏi 3 :
Đâu không phải luận điểm chứng minh khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1896) là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương?
- A
Thời gian diễn ra dài nhất
- B
Địa bàn hoạt động rộng lớn nhất
- C
Trình độ tổ chức tiến bộ nhất
- D
Lãnh đạo tiên tiến nhất
Đáp án: D
Phương pháp giải:
Dựa vào đặc điểm của khởi nghĩa Hương Khê để suy luận trả lời
Lời giải chi tiết:
Khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương vì:
- Thời gian diễn ra dài nhất trong 10 năm (1885-1895)
- Địa bàn hoạt động rộng lớn: khắp 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình
- Trình độ tổ chức tiến bộ nhất
+ Có hẳn 1 giai đoạn 3 năm chuẩn bị lực lượng
+ Nghĩa quân được chia thành 15 thứ quân. Mỗi thứ quân có từ 100 đến 500 người, phân bố trên địa bàn 4 tỉnh. Họ được trang bị súng trường theo kiểu Pháp tự chế tạo
…
Đáp án D: lãnh đạo khởi nghĩa Hương Khê cũng giống như các cuộc khởi nghĩa khác trong phong trào Cần Vương đều là các văn thân, sĩ phu yêu nước
Câu hỏi 4 :
Những hoạt động của phái chủ chiến trong triều đình Huế nhằm mục tiêu gì?
- A
Đưa Ưng Lịch lên ngôi vua
- B
Giành lại chủ quyền từ tay Pháp khi có điều kiện
- C
Thiết lập một triều đại mới tiến bộ
- D
Đưa Tôn Thất Thuyết lên ngôi
Đáp án: B
Lời giải chi tiết:
Sau hiệp ước 1883 và 1884, phe chủ chiến vẫn nuôi hy vọng giành lại chủ quyền từ tay Pháp nên vẫn bí mật tổ chức, xây dựng lực lượng, loại bỏ những người có tư tưởng thân Pháp
Câu hỏi 5 :
Nguyên nhân chủ yếu nào khiến nhà Nguyễn chấp nhận kí với Pháp bản Hiệp ước Nhâm Tuất (1862)?
- A
Lo sợ sự phát triển của phong trào đấu tranh của nhân dân
- B
Phái chủ hòa chiếm ưu thế trong triều đình
- C
Sai lầm trong nhận thức về kẻ thù
- D
Tạm thời hòa hoãn để chuẩn bị đánh lâu dài
Đáp án: C
Phương pháp giải:
Dựa vào thái độ của triều đình Nguyễn khi kí Hiệp ước Nhâm Tuất để phân tích, đánh giá.
Lời giải chi tiết:
Nguyên nhân chủ yếu khiến Triều đình Nguyễn chấp nhận kí hiệp ước Nhâm Tuất (1862) là do sai lầm trong nhận thức về kẻ thù. Ban đầu, triều đình Nguyễn đứng đầu là vua Tự Đức chỉ nghĩ rằng người Pháp đến Việt Nam chỉ để đòi những quyền lợi buôn bán nên chấp nhận đàm phán nhượng cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế, chứ chưa nhận thức được dã tâm xâm lược của chúng.
Câu hỏi 6 :
Giữa thế kỉ XIX, tình hình kinh tế - xã hội Bắc Kì có điểm gì nổi bật?
- A
Nông nghiệp sa sút, nông dân phải đi phiêu tán
- B
Nông nghiệp sa sút, thủ công nghiệp phát triển mạnh
- C
Hình thành các đô thị tập trung đông dân cư
- D
Kinh tế công thương nghiệp phát triển mạnh
Đáp án: A
Lời giải chi tiết:
Giữa thế kỉ XIX, sự sa sút về nông nghiệp đã khiến nhiều nông dân vùng đồng bằng Bắc Kì buộc phải rời quê hương đi tìm nơi khác sinh sống. Trong đó một bộ phận kéo lên Yên Thế, lập làng, tổ chức sản xuất
Câu hỏi 7 :
Đâu không phải là lý do khiến Nam Kì lại vắng bóng các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương?
- A
Do nhân dân Nam Kì không có tinh thần đấu tranh
- B
Do người Pháp đã bình định được Nam Kì từ rất sớm
- C
Do nhân dân Nam Kì không chịu ảnh hưởng nặng của tư tưởng trung quân ái quốc
- D
Tính cố kết cộng đồng ở Nam Kì không cao như những khu vực còn lại
Đáp án: A
Phương pháp giải:
Dựa vào đặc điểm kinh tế- chính trị- văn hóa ở Nam Kì để trả lời
Lời giải chi tiết:
Sở dĩ Nam Kì lại vắng bóng các cuộc khởi nghĩa lớn trong phong trào Cần Vương là do:
- Đất Nam Kì từ năm 1862 đã bị người Pháp chiếm đóng, bình định.
- Người dân Nam Kì ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng trung quân ái quốc
- Dân Nam Kì chủ yếu là dân di cư, điều kiện sinh sống tương đối thuận lợi nên tính cố kết cộng đồng làng xã thấp hơn so với Bắc và Trung Kì
Câu hỏi 8 :
Vì sao nông dân Yên Thế lại đứng lên đấu tranh chống Pháp?
- A
Hưởng ứng chiếu Cần vương do vua Hàm Nghi ban ra
- B
Chống lại chính sách bình định của thực dân Pháp, bảo vệ cuộc sống
- C
Phản ứng trước hành động đầu hàng thực dân Pháp của triều đình
- D
Khôi phục lại chế độ phong kiến, thiết lập lại ngôi vua phong kiến
Đáp án: B
Lời giải chi tiết:
Từ giữa thế kỉ XIX, tình trạng sa sút về nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng đã buộc những người nông dân phải bỏ làng đi phiêu tán. Trong đó, một bộ phận kéo lên Yên Thế, tổ chức khai hoang, lập ấp. Sau khi hoàn thành quá trình xâm lược, bước vào thời kì bình định quân sự, Yên Thế trở thành đối tượng bình định của thực dân Pháp. Để bảo vệ cuộc sống của mình, những người nông dân ở đây đã tự động đứng lên đấu tranh
=> Nông dân Yên Thế đứng lên chống Pháp vì muốn chống lại chính sách cướp bóc, bình định của thực dân Pháp, bảo vệ cuộc sống của mình.
Câu hỏi 9 :
Đứng trước cơ hội phản công vào giữa năm 1860, nhà Nguyễn đã có chủ trương gì?
- A
Xây dựng đại đồn Chí Hòa trong tư thế “thủ hiểm”.
- B
Tập trung lực lượng phản công quân Pháp.
- C
Kêu gọi nhân dân giúp vua cứu nước.
- D
Kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất.
Đáp án: A
Phương pháp giải:
Dựa vào diễn biến chiến sự ở Gia Định năm 1960 để trả lời
Lời giải chi tiết:
Tháng 7 – 1860, phần lớn quân Pháp đều bị điều động sang các chiến trường châu Âu và Trung Quốc. Số quân còn lại ở Gia Định chưa đến 1000 tên, phải dàn mỏng trên 1 phòng tuyến dài hơn 10km.Tuy nhiên, triều đình nhà Nguyễn vẫn đóng ở đại đồn Chí Hòa mới xây dựng trong tư thế “thủ hiểm”.
Câu hỏi 10 :
Vào năm 1877 và 1882, Nguyễn Lộ Trạch đã dâng lên vua Tự Đức bản điều trần có tên là
- A
Thời vụ sách
- B
Bình Ngô sách
- C
Dương vụ
- D
Canh tân
Đáp án: A
Lời giải chi tiết:
Vào các năm 1877 và 1882, Nguyễn Lộ Trạch dâng hai bản “thời vụ sách” lên vua Tự Đức, đề nghị chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, bảo vệ đất nước
Câu hỏi 11 :
Tại sao trong trận chiến ở thành Hà Nội (năm 1873), quân triều đình dù đông nhưng vẫn bị quân Pháp đánh bại?
- A
Nhân dân không ủng hộ cuộc kháng chiến.
- B
Nhà Nguyễn không còn tướng tài.
- C
Quân triều đình vũ khí thô sơ, tổ chức kém.
- D
Không có sự ủng hộ của quý tộc nhà Nguyễn.
Đáp án: C
Phương pháp giải:
Dựa vào cách thức tác chiến của quân đội nhà Nguyễn khi Pháp tấn công Bắc Kì lần thứ nhất để suy luận trả lời
Lời giải chi tiết:
Khi thực dân Pháp tiến đánh Bắc Kì lần thứ nhất, quân triều đình dù đông vẫn không đánh thắng được Pháp do:
- Sự chênh lệch lực lượng lớn giữa quân triều đình với quân Pháp là: 7.000 quân triều đình và hơn 200 quân Pháp.
- Tuy nhiên, quân triều đình được trang bị vũ khí thô sơ, tổ chức kém, chiến đấu đơn lẻ và không tổ chức cho nhân dân kháng chiến. Trong khi quân đội Pháp là đội quân mạnh, trang bị vũ khí hiện đại.
Câu hỏi 12 :
Lực lượng chủ yếu tham gia trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX là
- A
Quan lại, sĩ phu yêu nước
- B
Nông dân
- C
Bình dân thành thị
- D
Tư sản
Đáp án: A
Lời giải chi tiết:
Trước tình trạng đất nước ngày càng nguy khốn, đồng thời xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, một số quan lại, sĩ phu yêu nước đã mạnh dạn đưa ra những đề nghị cải cách
Câu hỏi 13 :
Những đề nghị cải cách duy tân ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX không mang hạn chế nào sau đây?
- A
Rời rạc, lẻ tẻ, thiếu hệ thống
- B
Thiếu tính khả thi nếu áp dụng vào thực tế.
- C
Chưa đụng chạm tới những vấn đề cơ bản của đất nước
- D
Chỉ chú trọng các vấn đề chính trị, xem nhẹ kinh tế - văn hóa - giáo dục
Đáp án: D
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung các đề nghị cải cách để suy luận, loại trừ.
Lời giải chi tiết:
Hạn chế của các đề nghị cải cách ở Việt Nam trong nửa cuối thế kỉ XIX:
- Mang tính rời rạc, lẻ tẻ, rời rạc, thiếu tính hệ thống (mỗi người lại đề ra một giải pháp trên một lĩnh vực mà không có tính đồng bộ)
- Chưa xuất phát từ những cơ sở bên trong nên đưa ra những giải pháp thiếu tính khả thi
- Chưa đụng chạm tới những vấn đề cơ bản của đất nước là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến
=> Loại trừ đáp án: D
Câu hỏi 14 :
Ngày 1-9-1858, ở Việt Nam đã diễn ra sự kiện lịch sử gì quan trọng?
- A
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha dàn trận trước cửa biển Đà Nẵng
- B
Quân Pháp tấn công Bắc Kì lần thứ nhất
- C
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam
- D
Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai
Đáp án: C
Lời giải chi tiết:
Sáng ngày 1-9-1858, sau khi đưa thư buộc quân triều đình nộp thành nhưng không đợi trả lời, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã nổ súng và đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà, chính thức mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Câu hỏi 15 :
Lý do nào thúc đẩy thực dân Pháp quyết tâm xâm chiếm bằng được Bắc Kì lần thứ hai (1883)?
- A
Nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ
- B
Thị trường tiêu thụ rộng lớn
- C
Nguồn than đá dồi dào
- D
Thực dân Anh đang nhòm ngó Bắc Kì
Đáp án: C
Lời giải chi tiết:
Từ nửa sau thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản Pháp tiến dần lên giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, nhu cầu về nguồn nguyên liệu, thị trường, nhân công ngày càng tăng. Trong khi đó, thực dân Pháp lại phát hiện ra nguồn than đá dồi dào phục vụ cho sản xuất công nghiệp Pháp ở Bắc Kì.
=> Thực dân Pháp quyết tâm xâm chiếm bằng được Bắc Kì lần thứ hai (1883)
Câu hỏi 16 :
Vì sao thái độ của thực dân Pháp sau thất bại ở trận Cầu Giấy lần thứ hai (1883) lại có sự khác biệt so với lần thứ nhất (1873)?
- A
Do vấn đề nhanh chóng hoàn thành xâm lược Việt Nam đã trở thành đường lối chung của chính phủ Pháp
- B
Do thiệt hại của Pháp trong trận Cầu Giấy lần hai ít nặng nề hơn so với lần thứ nhất
- C
Do chính phủ Pháp đã gửi viện binh kịp thời sang Việt Nam
- D
Do triều đình Huế đang ra sức tập hợp lực lượng chống Pháp
Đáp án: A
Phương pháp giải:
Dựa vào bối cảnh lịch sử nước Pháp cuối thế kỉ XIX để đánh giá, nhận xét
Lời giải chi tiết:
Từ nửa sau thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản Pháp tiến dần lên giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, vấn đề xâm lược thuộc địa đặt ra vô cùng cấp thiết. Đặc biệt vấn đề nhanh chóng hoàn thành xâm lược Việt Nam không còn là đường lối của một nhóm thực dân hiếu chiến mà đã trở thành đường lối chung của chính phủ Pháp. Do đó, sau thất bại ở trận Cầu Giấy lần hai (1883), thay vì hoang mang, dao động, tìm cách thương thuyết với triều đình Huế thì thực dân Pháp lại gấp rút gửi viện binh sang và chuẩn bị mở cuộc tấn công quyết định vào kinh đô Huế, buộc nhà Nguyễn phải đầu hàng
Câu hỏi 17 :
Bản chất của phong trào nông dân Yên Thế là
- A
Phong trào yêu nước theo khuynh hướng tư sản
- B
Cuộc đấu tranh tự phát của nông dân
- C
Phong trào yêu nước đứng trên lập trường phong kiến
- D
Phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản
Đáp án: B
Phương pháp giải:
Dựa vào mục tiêu đấu tranh của phong trào để phân tích, đánh giá.
Lời giải chi tiết:
Khởi nghĩa nông dân Yên Thế nổ ra với nhiệm vụ mục tiêu là: đánh Pháp để tự vệ, giành quyền lợi thiết thực, giữ đất, giữ làng do những người nông dân tiến hành
=> Khởi nghĩa Yên Thế là cuộc đấu tranh mang tính tự phát của nông dân
Câu hỏi 18 :
Nhận xét nào sau đây không đúng về trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX?
- A
Các cải cách đều chấp nhận sự tồn tại chế độ phong kiến
- B
Yếu tố duy tân, học tập làm theo cái mới được chú trọng
- C
Các đề nghị cải cách còn tản mạn, rời rạc, thiếu tính hệ thống, khả thi
- D
Ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng
Đáp án: D
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung các cải cách để nhân xét, đánh giá
Lời giải chi tiết:
- Các đề nghị cải cách duy tân đều xuất phất từ yêu cầu sống còn của đất nước nhằm cải thiện tình hình để có thể đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp => đều chú trọng học tập làm theo cái mới, đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu.
- Tuy nhiên những đề nghị cải cách này vẫn chấp nhận sự tồn tại của chế độ phong kiến; rời rạc, lẻ tẻ, chưa mang tính hệ thống và chỉ dừng lại ở các bản điều trần chứ không có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng như phong trào Duy tân đầu thế kỉ XX
Câu hỏi 19 :
Từ sự thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỉ XIX, bài học quan trọng nhất rút ra cho các phong trào đấu tranh ở giai đoạn sau là gì?
- A
Vấn đề tập hợp đoàn kết lực lượng
- B
Vai trò của giai cấp lãnh đạo
- C
Vấn đề đoàn kết quốc tế
- D
Phương thức tác chiến
Đáp án: B
Phương pháp giải:
Dựa vào diễn biến cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỉ XIX (1858 – 1884) để phân tích, đánh giá
Lời giải chi tiết:
Phát huy vai trò của giai cấp lãnh đạo là bài học quan trọng nhất rút ra từ sự thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỉ XIX. Vì không có một giai cấp lãnh đạo tiên tiến thì không thể đề ra được đường lối kháng chiến, tổ chức, đoàn kết nhân dân cả nước đấu tranh chống lại kẻ thù
Câu hỏi 20 :
Đâu là thách thức chung lớn nhất đặt ra cho Việt Nam và các quốc gia ở khu vực châu Á từ giữa thế kỉ XIX?
- A
Tiến hành cải cách duy tân đất nước hay giữ nguyên tình trạng khủng hoảng.
- B
Đương đầu với nguy cơ bị biến thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân phương Tây
- C
Khôi phục chế độ phong kiến đang trên đường khủng hoảng suy vong
- D
Xoa dịu những mâu thuẫn trong lòng xã hội đang phát triển gay gắt
Đáp án: B
Phương pháp giải:
Liên hệ hoàn cảnh lịch sử khu vực và trong nước giữa thế kỉ XIX để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Từ giữa thế kỉ XIX, xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm thị trường và thuộc địa, các nước thực dân phương Tây đã đẩy mạnh quá trình xâm lược thuộc địa. Châu Á là một khu vực hội tụ đẩy đủ các yếu tố “hấp dẫn” cả về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và nguồn nhân công rẻ mạt. Chính vì thế, khu vực này là một trong những đối tượng hàng đầu trong quá trình xâm lược thuộc địa của thực dân phương Tây.
=> Thức chung lớn nhất mà Việt Nam và các quốc gia ở khu vực châu Á phải đối mặt từ giữa thế kỉ XIX là đương đầu với cuộc xâm lược vũ trang và nguy cơ bị biến thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân phương Tây.