Đề 1
Phần I: Đọc hiểu (4 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
(Thương vợ - Trần Tế Xương)
1. Xác định phong cách ngôn ngữ chính được sử dụng trong văn bản trên?
2. Xác định thể thơ được sử dụng trong văn bản trên?
3. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong hai câu thơ sau? Nêu hiệu quả sử dụng của biện pháp nghệ thuật đó?
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Phần II: Làm văn (6 điểm)
Anh (chị) hãy phân tích bi kịch tha hoá của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao?
Đề 2
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con.
(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên (0,5 điểm)
Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn thơ (1 điểm)
Câu 3: Nêu hai biện pháp tu từ tác giả sử dụng chủ yếu trong đoạn thơ trên (0,5 điểm)
Câu 4: Hai dòng thơ: “Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con” biểu đạt vấn đề gì? Trả lời trong khoảng 5–7 dòng (1 điểm)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Phân tích cảnh cho chữ trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
Đề 3
PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc kĩ văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Còn gì đáng buồn hơn khi mà giàu có về vật chất thì lại nghèo nàn đến thảm hại về văn hóa tinh thần,... Một bộ phận thanh niên bây giờ nghĩ nhiều, nói nhiều đến tiền bạc, hưởng thụ. Ăn mặc đẹp, tiện nghi, hiện đại lắm nhưng con người thì vô cùng mỏng. Gió thổi nhẹ là bay biến tứ tán ngay. Ngày trước dân ta nghèo nhưng đức dày, nhân cách vững vàng, phong ba bão táp không hề gì,... chung quy tại giáo dục mà ra. Cha mẹ bây giờ chiều con quá, không để chúng thiếu thốn gì. Vì thế mà chúng rất mong manh, dễ vỡ, dễ hư hỏng…”
(Theo Nguyễn Khải, báo Đầu tư, sách Ngữ Văn 11 Nâng cao, NXB Giáo dục, 2014)
Câu 1: Văn bản trên nói về hiện tượng gì trong đời sống? (0,5 điểm)
Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 3: Trong văn bản trên có sử dụng thành ngữ. Hãy ghi lại chính xác và giải thích ý nghĩa của thành ngữ đó. (1,0 điểm)
Câu 4: Chữ “mỏng” trong văn bản được hiểu như thế nào? (1,0 điểm)
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm):
Anh/chị có đồng tình với quan điểm được nêu lên ở phần Đọc - hiểu: “Cha mẹ bây giờ chiều con quá, không để chúng thiếu thốn gì. Vì thế chúng rất mong manh, dễ vỡ, dễ hư hỏng”.
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 12-15 dòng) trình bày suy nghĩ của mình.
Câu 2: (5,0 điểm):
Về một phẩm chất mà anh/chị cho rằng nổi bật ở nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân.
Đề 4
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Hãy nhìn dòng người đang cuộn chảy trên đường phố trong cái ngột ngạt của trưa hè nóng bức, ai cũng nghẹt thở vì chất thải của động cơ xe máy, ô tô cho dù khẩu trang che kín mũi miệng. Hậu quả sẽ ra sao với sức khỏe của con người? Khó mà lường được. Nhưng trước mắt thì vẫn cứ phải tồn tại bằng cách thở hít vào phổi cái khói bụi độc hại đó để mà bươn chải với cuộc mưu sinh.
Ai đó mong có dịp về nông thôn để được hít thở không khí trong lành, sẽ khó tránh khỏi cảm giác thất vọng. Sự trong lành mà họ trông đợi đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi chất thải công nghiệp, chất thải vô tội vạ của làng nghề, chất thải từ “mạnh ai nấy được” trong nuôi trồng thủy sản…. Sông Cầu tiếp nhận thêm ít nhất 180.000 tấn phân hóa học, 1.500 tấn thuốc trừ sâu! Lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy bị nước thải đô thị xối thẳng trực tiếp làm nước sông đen ngòm và đang bốc mùi. Sông Thị Vải trong lưu vực sông Đồng Nai đã có đoạn bị chết kéo dài sau khu vực hợp lưu Suối Cả, Đồng Nai đến khu công nghiệp Mĩ Xuân…
Trở lại với chuyện thường ngày ở cái vạch dừng xe trên đường phố. Trong cái nóng thiêu đốt, tiếng gầm gào của các loại động cơ ô tô, xe máy làm cho bầu không khí càng thêm ngột ngạt. Rồi đây, “dân giàu” lên thêm, ô tô càng nhiều thêm, nơi vạch dừng xe của đường phố không thể mở rộng hơn để tương thích với sự phát triển đó sẽ càng thêm ngột ngạt và nghẹt thở.
(Theo Tương Lai, Môi trường và phát triển, báo điện tử Nguoidaibieu.com.vn)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên. (0.5 điểm)
Câu 2. Nội dung cơ bản của đoạn văn trên là gì? (0.5 điểm)
Câu 3. Theo tác giả bài viết, về nông thôn con người có tìm được không khí trong lành không? Vì sao? (1.0 điểm)
Câu 4. Hãy trả lời ngắn gọn câu hỏi của tác giả bài viết: Hậu quả sẽ ra sao với sức khỏe của con người khi môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề? (1.0 điểm)
II. LÀM VĂN: (7.0 điểm)
Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) từ khi bị thị Nở từ chối tình yêu đến khi đâm chết Bá Kiến và tự sát.
Đề 5
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Sáng 7-4, Công an thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông cho biết đã bắt hai trong số bốn đối tượng liên quan vụ trộm cắp đồ đạc của nhóm học viên Trường Trung cấp nghề Đắk Nông trong lúc nhóm học viên này lao xuống hồ nước cứu người bị đuối nước tại hồ trung tâm thị xã Gia Nghĩa chiều 5-4-2017.
Hai đối tượng bị bắt gồm Nguyễn Công Đoàn (19 tuổi, trú tại huyện Krông Ana, Đắk Lắk) và Văn Tiến Phong (33 tuổi, trú tại thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông). Tham gia trộm cắp tài sản trong vụ cứu người bị đuối nước chiều 5-4 còn có thêm hai đối tượng khác, hiện đang bỏ trốn.
Tại cơ quan công an, Đoàn và Phong khai nhận chiều 5-4 khi đang đứng ở gần hồ Gia Nghĩa thì thấy nhiều người tập trung theo dõi hiện trường nhóm học sinh đuối nước ở hồ. Nhìn thấy trên bờ có nhiều đồ đạc, ví, điện thoại của những người nhảy xuống hồ cứu các nạn nhân bỏ lại, nhóm đối tượng đã lợi dụng sơ hở lấy trộm rồi rời khỏi hiện trường.
Qua xác minh, Công an thị xã Gia Nghĩa xác định số tài sản mà các đối tượng trộm cắp là của anh Hoàng Trọng Hiệp và anh Hoàng Đức Thắng – đang là học viên của Trường Trung cấp nghề Đắk Nông. Theo trình báo của anh Thắng và anh Hiệp thì chiều 5-4, khi đang thực tập gần hồ Trung tâm thị xã Gia Nghĩa thì nghe thấy nhiều người kêu cứu. Thấy có người chới với dưới hồ nước, cả hai anh đã lao xuống để cứu nạn nhân. Khi lên bờ thì đồ đạc, tài sản bỏ lại trong lúc cứu người đã bị mất…
(Bắt hai kẻ trộm đồ của người xuống hồ cứu học sinh đuối nước - Tuoitre.vn. 07/04/2017)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ và thể loại của văn bản trên. (1.0 điểm)
Câu 2. Nêu ý kiến riêng của anh/chị về hành động trộm đồ của 4 đối tượng nêu trong văn bản (1.0 điểm) (vận dụng)
Câu 3. Trong thời gian gần đây, nạn ăn trộm đồ của một bộ phận người Việt ở trong và ngoài nước đã gây bức xúc trong cộng đồng xã hội. Theo anh/chị, đâu là nguyên nhân của tệ nạn trên? (1.0 điểm)
II. LÀM VĂN: (7.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về bức tranh phố huyện khi đêm về cho đến khi đoàn tàu đi qua trong tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam).
Đề 6
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:
TRĂNG NỞ NỤ CƯỜI
Đâu Thị Nở, đâu Chí Phèo,
Đâu làng Vũ Đại đói nghèo Nam Cao?
Vẫn vườn chuối gió lao xao
Sông Châu vẫn chảy nôn nao mạn thuyền...
Ả ngớ ngẩn. Gã khùng điên.
Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người!
Vườn xuông trăng nở nụ cười
Phút giây tan chảy vàng mười trong nhau.
Giữa đời vàng lẫn với thau
Lòng tin còn chút về sau để dành
Tình yêu nên vị cháo hành
Đời chung bát vỡ thơm lành lứa đôi!
(Lê Đình Cánh)
Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ gì? (0.5 điểm)
Câu 2. Đọc bài thơ trên, anh/chị liên tưởng đến tác phẩm văn học nào đã học trong chương trình Ngữ văn 11? Hãy chỉ ra 01 chi tiết nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm đó được tác giả Lê Đình Cánh nhắc tới trong bài thơ. (1.0 điểm)
Câu 3. Câu thơ: “Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người” có ý nghĩa gì? (0.5 điểm)
Câu 4. Trong khoảng 10 dòng, hãy bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của tình yêu thương (1.0 điểm)
II. Làm văn: (7.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân).
Đề 7
PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Một thái độ ứng xử tích cực, những thói quen tốt, cách nhìn lạc quan, khát khao theo đuổi những mục tiêu, vv… mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để đưa bạn đến thành công nếu vẫn còn thiếu sự trung thực và chính trực. Bạn sẽ chẳng bao giờ cảm nhận trọn vẹn những giá trị của bản thân khi chưa tìm thấy sự bình an trong tâm hồn mình. Viên đá đầu tiên và cần thiết nhất của nền tảng đó là sự trung thực.
Vì sao tôi lại xem trọng tính trung thực đến thế? Đó là bởi vì tôi đã phải mất một thời gian rất dài mới có thể nhận ra rằng sự trung thực chính là phần còn thiếu trong nỗ lực tìm kiếm sự thành công và hoàn thiện bản thân tôi. Tôi không phải là một kẻ hay nói dối, một kẻ tham lam, một tên trộm mà tôi thiếu tính trung thực mà thôi. Giống như nhiều người khác, tôi cũng quan niệm “Ai cũng thế cả mà”, một chút không trung thực không có gì là xấu cả. Tôi đã tự lừa dối mình. Dù muộn màng, nhưng rồi tôi cũng khám phá ra rằng không trung thực là một điều rất tệ hại và để lại một hậu quả khôn lường. Ngay sau đó, tôi quyết định sẽ ngay thẳng, chính trực trong tất cả mọi việc. Đó là một lựa chọn quan trọng làm thay đổi cuộc đời tôi.
(Theo Hal Urban, Những bài học cuộc sống, www.wattpad.com)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. (0,5 điểm)
Câu 2: Anh (chị) hiểu như thế nào về câu nói: “Sự trung thực là nền tảng cơ bản giữ cho những mối quan hệ được bền vững”? (0,5 điểm)
Câu 3: Theo anh (chị), vì sao tác giả lại cho rằng: Một thái độ ứng xử tích cực, những thói quen tốt, cách nhìn lạc quan, khát khao theo đuổi những mục tiêu,vv.. mới là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ để đưa bạn đến thành công nếu vẫn còn thiếu sự trung thực và chính trực? (1,0 điểm)
Câu 4: Thông điệp nào trong văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh, chị? Vì sao? (Trình bày trong khoảng 7 – 10 dòng) (1.0 điểm)
PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Phân tích quá trình tha hóa của nhân vật Chí Phèo từ người nông dân lương thiện trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại trong đoạn trích Chí Phèo của Nam Cao.
Đề 8
I. ĐỌC HIỂU (3 ĐIỂM)
1. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4
Ở làng quê nọ, trời đã hạn hán trong khoảng thời gian rất lâu. Các cánh đồng đều khô hạn, cỏ cây héo úa cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn. Hàng tháng đã trôi qua và mọi người dường như đã mất hết kiên nhẫn. Nhiều gia đình đã rời khỏi làng, còn những gia đình khác chỉ còn biết chờ đợi trong tuyệt vọng. Cuối cùng ông trưởng làng quyết định tổ chức một buổi cầu nguyện tập thể trên ngọn đồi cao nhất vùng. Ông thuyết phục tất cả mọi người trong làng đến dự và người phải mang theo một vật thể hiện lòng tin của mình.
Chiều thứ bảy, những người dân làng với vẻ mặt mệt mỏi tập trung trên ngọn đồi và đều quên mang theo những đồ vật thể hiện lòng tin. Có người mang theo một cái móng ngựa may mắn, có người mang theo chiếc mũ bảo vật của gia đình… Mặc dù chẳng ai tin chúng có thể thay đổi điều gì nhưng họ cũng đã mang theo rất nhiều thứ quý giá. Như thể có phép màu, mây đen kéo tới và trời đổ mưa – những giọt mưa đầu tiên sau bao tháng trời khô hạn. Mọi người đều hân hoan vui sướng và ngay lập tức nổ ra một cuộc tranh cãi xem đồ vật nào đã mang lại may mắn cho ngôi làng. Ai cũng cho rằng đồ vật của mình là linh thiêng nhất. Bỗng người ta nghe thấy tiếng một bé gái reo lên:
- Con đã biết thế nào trời cũng đổ mưa mà. Mẹ thấy không, con mang theo chiếc ô này, bây giờ thì mẹ con mình về nhà mà không bị ướt!
(Truyện ngụ ngôn – Sống đẹp.net)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản? (0,5đ)
Câu 2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản? (0,5đ)
Câu 3. Xác định nội dung chính của văn bản? (0,5đ) Đặt nhan đề cho văn bản? (0,5đ)
Câu 4. Theo em, trong câu chuyện trên ai là người có niềm tin nhất? (0,5đ). Từ đó, em rút ra được bài học gì? (0,5đ)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. Nghị luận xã hội (2,0 điểm)
Từ văn bản trong phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về niềm tin của con người trong cuộc sống.
Câu 2. Nghị luận văn học (5,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: Nhân vật Chí Phèo là hình ảnh của một con người lương thiện bị dồn đẩy vào con đường lưu manh, trở thành “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại.
Qua nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đề 9
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:
Một ông bố có niềm đam mê đặc biệt dành cho xe hơi, cũng vì để mua được chiếc xe yêu thích nên đã tích cóp tiền trong một thời gian rất lâu. Khi mua được xe, mỗi ngày, ông không ngại cực khổ, cặm cụi rửa xe, đánh sáp, công việc chăm sóc xe đã trở thành việc “hưởng thụ” của ông. Con trai Jake thấy bố yêu thích chiếc xe như vậy, cũng thường xuyên phụ rửa xe, hai bố con vô cùng vui vẻ. Một ngày, người bố về nhà sau một trận mưa lớn, chiếc xe dính đầy bùn đất, nhưng ông lại quá mệt mỏi, nên nói với con trai: “Hôm khác rửa xe nhé con!”. Jake thấy mình đang rảnh rỗi, liền xung phong muốn thay bố rửa xe, và được đồng ý. Tuy nhiên, người bố này lại quên là con trai mình mới có 5 tuổi, ông trở về phòng nghỉ ngơi mà quên không chuẩn bị dụng cụ gì cho cậu bé cả. Con trai hào hứng xông ra rửa xe, nhưng lại không tìm thấy khăn lau. Cậu bé chạy vào trong bếp, đột nhiên cậu nghĩ tới cái miếng chùi xoong mà mẹ vẫn thường dùng để chà nồi rất sạch sẽ, vì vậy cậu liền lấy ngay miếng thép ấy để dùng. Jake cầm miếng chùi xoong, chạy tới chỗ xe và ra sức chà, hết lần này tới lần khác. Sau khi cậu chà xe xong, cậu phát hiện trên xe có những vết nguệch ngoạc, cậu sờ lên chỗ đó, lại thấy sần sùi, lồi lõm. Jake sợ tới mức khóc toáng lên. Cậu chạy ngay tới phòng ngủ vừa khóc vừa nói: “Bố ơi, con xin lỗi bố, bố mau tới xem đi!”.
Ông bố vội vàng theo con trai chạy ra ngoài, chứng kiến chiếc xe “cưng” của mình thê thảm như vậy thật không dám tin là sự thật, ông ngẩn người nói không nên lời, sau cả nửa ngày mới kêu lên: “Ôi! Xe của ta, xe của ta!”. Ông cảm thấy tức giận tới cực điểm, xông vào trong phòng, ngửa mặt lên trời mà nói rằng: “Thượng đế! Đây là chiếc xe mà con dùng hết tài sản tích lũy mới mua được, chưa đến một tháng đã biến thành như vậy, thỉnh người cho con biết, con nên làm như thế nào? Con nên xử phạt đứa con này như thế nào đây?”. Lời cầu xin vừa chấm dứt, đầu óc của ông đột nhiên trở nên sáng suốt, một suy nghĩ chợt lóe lên: “Trên thế gian mọi chuyện đều không thể nhìn vào cái bên ngoài mà phải nhìn vào trái tim”.
Lúc này, nhìn đứa con trai nước mắt đầm đìa, ánh mắt sợ hãi cùng áy náy, ông bố từ từ lại gần khiến con trai phát run lên. Ông ôm đứa con trai nhỏ vào lòng, mắt đỏ hoe nói: “Cảm ơn con trai đã giúp ta rửa xe, ta yêu con, còn yêu hơn cả chiếc xe này!”
(Theo Kannewyork – Trích hạt giống tâm hồn)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0.5 điểm)
2. Anh/chị hãy đặt tên cho văn bản. (0.5 điểm)
3. Tại sao người bố không phạt con trai? Có phải Thượng đế đã giúp ông ta có câu trả lời sáng suốt? (1.0 điểm)
4. Anh/chị rút ra bài học gì từ câu chuyện trên? (1.0 điểm)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm):
Câu 1: (2.0 điểm).
Từ văn bản trong phần Đọc–hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) về ý nghĩa câu nói: “Trên thế gian mọi chuyện đều không thể nhìn vào cái bên ngoài mà phải nhìn vào trái tim”.
Câu 2: (5.0 điểm).
Có nhận định cho rằng: Sức mạnh của thiên lương có thể làm thay đổi tất cả. Anh/chị hãy phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân để làm sáng tỏ nhận định trên.
Đề 10
I. Đọc hiểu (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi phía dưới:
Cuộc đời ai cũng có những tấm lòng
Để làm giấy chứng minh
Để cầu mong thành đạt
Những tấm bằng như những bảng chỉ đường qua những đường phố hẹp
Để đến đại lộ cuộc đời ngày càng mở rộng thêm.
[…]
Những tấm bằng có đóng dấu kí tên
Chỉ là giấy thông hành đi vào cuộc sống
Nhưng quý giá hơn là cuộc đời ghi nhận
Mới là TẤM BẰNG – bằng – của – chính – ta.
(Trích Tấm bằng – Hoàng Ngọc Quý,
Tuyển tập đề và bài văn Nghị luận xã hội, Tập hai, NXB Giáo Dục, tr.32)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2. Nêu tên một biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ đầu của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 3. Anh chị hiểu thế nào về ý thơ: Những tấm bằng như những bảng chỉ đường qua những đường phố hẹp/ Để đến đại lộ cuộc đời ngày càng mở rộng thêm? (1.0 điểm)
Câu 4. Theo anh/chị, tác giả muốn nhắn gửi thông điệp gì ở khổ thơ thứ hai của đoạn trích? (1.0 điểm)
II. Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 100 chữ) để trả lời cho câu hỏi: Là một học sinh, bạn cần chuẩn bị hành trang gì để có được tấm bằng cuộc đời ghi nhận?
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận tâm trạng của nhân vật Liên vào buổi chiều tàn nơi phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Đề 11
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội
Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao
Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng
Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông.
(Trích Khát vọng – Phạm Minh Tuấn)
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2. Nêu chủ đề của đoạn trích trên.
Câu 3. Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 4. Đoạn trích đem đến cho anh/chị cảm xúc gì?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Bằng một đoạn văn (khoảng 100 chữ), anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm sống được nêu trong đoạn trích phần Đọc hiểu “sống để biết yêu nguồn cội”.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương.
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không
(Thương vợ, Tú Xương, SGK Ngữ văn 11, Tập 1, NXB Giáo dục, 2007,tr.29,30)
Đề 12
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Tại thế vận hội đặc biệt Seatte (dành cho những người tàn tật) có chín vận động viên đều bị tổn thương nặng nề về thể chất hoặc tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc đua 100m. Khi súng hiệu nổ, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ vấp té liên tục trên đường đua. Và cậu bật khóc. Tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và ngoái lại nhìn. Rồi họ quay trở lại. Tất cả, không trừ một ai! Một cô gái bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé: - Như thế này, em sẽ thấy tốt hơn. Cô gái nói xong, cả chín người cùng khoác tay nhau sánh bước về vạch đích. Khán giả trong sân vận động đồng loạt đứng dậy. Tiếng vỗ tay hoan hô vang dội nhiều phút liền. Mãi về sau, những người chứng kiến vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện cảm động này. Tận trong sâu thẳm, chúng ta luôn ý thức chiến thắng không phải là tất cả, ý nghĩa thật sự của cuộc sống là ở chỗ ta giúp đỡ người khác cùng chiến thắng, dù ta có phải chậm một bước.
(Theo Quà tặng cuộc sống)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn bản.
Câu 2. Đặt tiêu đề cho văn bản.
Câu 3. Chỉ ra những câu đặc biệt được sử dụng trong văn bản và nêu ngắn gọn tác dụng.
Câu 4. Thông điệp rút ra từ văn bản trên là gì?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Phân tích cảnh "đám ma gương mẫu" trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (Trích Số đỏ của Vũ Trọng Phụng).