SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

 

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ I, NĂM HỌC 2019 - 2020

MÔN: NGỮ VĂN 11

 

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)

      Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

      Điện thoại đã được cấm sử dụng trong các giờ học ở Pháp, tuy nhiên vào năm học tới, học sinh nước này còn bị cấm sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi, giờ ăn trưa và thời gian luân chuyển giữa các tiết học.

      Phản ứng của giáo viên và phụ huynh trước lệnh cấm này được chia thành 2 phe đối lập. Một số nói rằng, trẻ phải được “sống trong thời gian riêng của mình”. Ở Pháp, khoảng 93% trẻ từ 12-17 tuổi sở hữu điện thoại di động.

      “Ngày nay, trẻ không còn hứng thú với việc vui chơi chạy nhảy trong giờ ra chơi nữa. Tất cả chúng đều dán mắt vào điện thoại. Và dưới góc độ giáo dục thì đó là một vấn đề” – ông Jean-Michel Blanquer, Bộ trưởng Giáo dục Pháp nhận định.

      “Điều này là để đảm bảo rằng các quy định và điều luật được tôn trọng. Việc sử dụng điện thoại bị cấm trong lớp học. Với các hiệu trưởng, giáo viên và phụ huynh, chúng ta phải tìm ra cách để bảo vệ học sinh khỏi việc bị mất tập trung vì màn hình và điện thoại” – ông nói.

(Trích bài báo Trường học Pháp cấm điện thoại cả trong giờ ra chơi - dẫn theo Vietnamnet.vn 13/12/2017)

Câu 1: Xác định câu chủ đề của đoạn văn bản trên (0.5 điểm)

Câu 2: Lý do Bộ trưởng Giáo dục Pháp cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi là gì? (0.5 điểm)

Câu 3: Anh/chị hiểu “sống trong thời gian riêng của mình” là như thế nào? (1.0 điểm)

Câu 4: Là học sinh, anh/chị có đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Giáo dục Pháp hay không? Vì sao? (1.0 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)

       Cảm nhận của anh/chị về cách đợi tàu của hai chị em Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam (Ngữ văn 11, tập một, NXB giáo dục, 2017)

.............................................Hết.........................................

 

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Câu chủ đề: Điện thoại đã được cấm sử dụng trong các giờ học ở Pháp, tuy nhiên vào năm học tới, học sinh nước này còn bị cấm sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi, giờ ăn trưa và thời gian luân chuyển giữa các tiết học.

Câu 2:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Lý do: Ngày nay, trẻ không còn hứng thú với việc vui chơi chạy nhảy trong giờ ra chơi nữa. Tất cả chúng đều dán mắt vào điện thoại. Và dưới góc độ giáo dục thì đó là một vấn đề.

Câu 3:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Câu nói “sống trong thời gian riêng của mình” nghĩa là được có thời gian riêng, dành cho những vấn đề cá nhân mà không ai can thiệp.

Câu 4:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Học sinh nêu lên quan điểm mình cho là phù hợp. Gợi ý:

- Đồng ý.

- Vì đây là quan điểm tiến bộ, mong học sinh tiếp cận được những điều tốt đẹp:

+ Trẻ em hòa nhập với thầy cô, bạn bè nhiều hơn.

+ Trẻ em có thể năng động, vận động cơ thể hơn vào mỗi giờ giải lao

+ Trẻ em có nhiều thời gian học hỏi và sống với đời thực hơn.

II.LÀM VĂN

*Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm

 - Giới thiệu khái quát về Thạch Lam: nổi tiếng với văn phong lãng mạn, giọng văn đầy chất thơ nhưng không ủy mị, thảm sầu như những nhà văn lãng mạn cùng thời. Ông thường viết những truyện không có chuyện, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những cảm xúc mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày. Mỗi truyện của Thạch Lam như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm mến yêu chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người.

- Giới thiệu chung về truyện ngắn Hai đứa trẻ: Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, in trong tập Nắng trong vườn

* Tâm trạng của hai chị em Liên trong cảnh đợi tàu

Trước khi tàu đến:

- An dù buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn dặn chị tàu đến nhớ đánh thức em

- Liên ngồi yên ngắm sao trời,..

Khi tàu đến:

- Nhìn thấy ánh đèn ghi từ xa, nghe tiếng còi vọng lại Liên đã vội vã gọi em dậy.

- Rồi tàu đến Liên dắt em đứng dậy nhìn đoàn xe vụt qua.

Hình ảnh đoàn tàu:
– Chuyến tàu đêm qua phố huyện là niềm vui duy nhất trong ngày của chị em Liên.
+ Mang đến một thế giới khác: ánh sáng xa lạ, âm thanh nao nức, tiếng ồn ào của khách và đối lập với nhịp điệu buồn tẻ nơi phố huyện.
+ Chuyến tàu ở Hà Nội về: trở đầy ký ức tuổi thơ của hai chị em Liên, mang theo một thứ ánh sáng duy nhất, như con thoi xuyên thủng màn đêm, dù chỉ trong chốc lát cũng đủ xua tan cái ánh sáng mờ ảo nơi phố huyện.
– Việc chờ tàu trở thành một nhu cầu như cơm ăn nước uống hàng ngày của chị em Liên. Liên chờ tàu không phải vì mục đích tầm thường là đợi khách mua hàng mà vì mục đích khác:
+ Được nhìn thấy những gì khác với cuộc đời mà hai chị em Liên đang sống.
+ Con tàu mang đến một kỷ niệm, đánh thức hồi ức về kỷ nịêm mà chị em cô đã từng được sống.
+ Giúp Liên nhìn thầy rõ hơn sự ngưng đọng tù túng của cuộc sống phủ đầy bóng tối hèn mọn, nghèo nàn của cuộc đời mình
Ý nghĩa biểu tượng của chuyến tàu đêm:

– Hình ảnh con tàu lặp nhiều lần trong tác phẩm.
– Là biểu tượng của một thế giới thật đáng sống với sự giàu sang và sự rực rỡ ánh sáng. Nó đối lập với cuộc sống mòn mỏi, nghèo nàn, tối tăm và quẩn quanh với người dân phố huyện.

- Niềm vui đợi tàu của hai chị em Liên là niềm hạnh phúc thiêng liêng, giúp họ quên đi cuộc sống tăm tối. Nó xuất phát từ nhu cầu của đời sống tinh thần.
→ Qua tâm trạng của Liên tác giả thể hiện thái độ vừa cảm thương xót xa trước cuộc sống lay lắt, bế tắc của những kiếp người nhỏ bé vừa nâng niu trân trọng những khát vọng đổi đời ở những con người này.
Khi con tàu đi qua:

- Khi con tàu đi qua, hai chị em Liên trở về với cuộc sống hiện tại: trở về với bóng đêm, tĩnh lặng với nỗi buồn, tiếc nuối.

Nghệ thuật:

- Bút pháp tương phản đối lập

- Miêu tả sinh động những biến đổi tinh tế của cảnh vật và tâm trạng của con người

- Ngôn ngữ tượng trưng, giàu hình ảnh

- Giọng điệu nhẹ nhàng, thấm đượm chất thơ, chất trữ tình sâu sắc

* Tổng kết

soanvan.me