Đề bài

Phần 1: Đọc - Hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

     Trong Diễn văn khai giảng năm học 2014 - 2015 ở trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), Giáo sư Văn Như Cương - Hiệu trưởng nhà trường có nói:

(1) Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất... Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô. Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ Việt Nam, tuy rất ngọt ngào nhưng được chắt lọc từ biết bao nhọc nhằn và cay đắng...

(2) Tình yêu thương đất nước và nhân dân sẽ là động lực lớn thúc đẩy các em làm tốt nhiệm vụ của mình trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường: Nhiệm vụ đó chính là học tập tốt về mọi mặt. Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình. Các em hãy nhớ lời của Bác Hồ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” mà một dân tộc yếu thì không làm chủ được chính mình, không bao giờ đạt được điều chúng ta mong muốn là “dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”.

(Theo http://www.tinmoi.vn ngày 4/9/2014)

Câu 1: Tìm những từ ngữ trong đoạn trích thể hiện rõ sự giàu đẹp của đất nước Việt Nam.

Câu 2: Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn (2).

Câu 3: Anh/chị hiểu thế nào về lời nhắn của thầy Văn Như Cương: Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà bằng cả trái tim mình.

Câu 4: Anh/chị có đồng ý với quan điểm: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, mà một dân tộc yếu thì không làm chủ được chính mình? Vì sao?

Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)

Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Lời giải chi tiết

Phần 1: Đọc – Hiểu

Câu 1:

- Những từ ngữ thể hiện sự giàu đẹp của đất nước Việt Nam: núi cao, sông dài, rừng xanh, biển bạc

Câu 2:

- Thao tác lập luận chính: Phân tích

Câu 3:

- Hãy học tập không chỉ bằng trí tuệ mà còn bằng cả tình yêu và trách nhiệm đối với Tổ quốc của mình.

- Hãy học tập với tất cả sự thông minh và niềm đam mê, khao khát của mình.

Câu 4:

- Học sinh bày tỏ rõ quan điểm cá nhân: đồng tình/không đồng tình; nêu lý do hợp lý, thuyết phục.

Phần 2: Làm văn

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, là một nhà văn có cá tính độc đáo, có thể coi ông là một định nghĩa về người nghệ sĩ.

- Nét nổi bật trong phong cách của Nguyễn Tuân là ở chỗ, Nguyễn Tuân luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hóa và mỹ thuật, nhìn con người ở phẩm chất nghệ sĩ và tài hoa. Sáng tác của Nguyễn Tuân thể hiện hài hòa màu sắc cổ điển và hiện đại. Đặc biệt, ông thường có cảm hứng mãnh liệt với cái cá biệt, phi thường, dữ dội và tuyệt mỹ.

- Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, in lần đầu tiên năm 1938 trên tạp chí Tao đàn, sau được lựa chọn vào tập truyện Vang và bóng một thời, 1940. Các lần tái bản sau, Vang và bóng một thời được đổi tên là Vang bóng một thờiDòng chữ cuối cùng được đổi tên là Chữ người tử tù.

2. Vẻ đẹp hình tượng nhân vật Huấn Cao

a. Vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ:

* Tài gắn liền với danh:

- Huấn Cao viết chữ đẹp nên nổi tiếng khắp một vùng rộng lớn: vùng Tỉnh Sơn.

- Viên quản ngục và thầy thơ lại cũng biết tiếng.

* Cái tài gắn với sự khao khát, nể trọng của người đời:

- Viên quản ngục khao khát có được chữ ông Huấn Cao để treo trong nhà.

- Viên quản ngục biệt nhỡn qua ánh nhìn, qua hành động biệt đãi

→ Đây không phải một tài năng bình thường mà đã đạt đến độ phi thường và siêu phàm.

b. Vẻ đẹp của thiên lương:

- “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”:

+ “Khoảnh”: có phần kiêu ngạo về tài năng viết chữ của mình, có ý thức về giá trị của tài năng ấy, tôn trọng tài năng, sử dụng nó như một món quà mà thượng đế trao cho mình nên chỉ trao nó cho những tấm lòng trong thiên hạ.

- “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ” → khí chất, quan điểm của Huấn Cao.

-“Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” → tấm lòng của Huấn Cao với những con người yêu cái đẹp, trọng cái tài.

c. Vẻ đẹp của khí phách:

* Tinh thần nghĩa hiệp:

- Là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản chống lại triều đình mà ông căm ghét.

* Tư thế đàng hoàng, hiên ngang, bất khuất:

- Hành động Huấn Cao cùng các bạn tù giỗ gông. Huấn Cao ở vị trí đầu thang gông – ngay trong tình thế bi đát vẫn đứng ở vị trí chủ soái.

- Trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng…

* Bản lĩnh cứng cỏi, không sợ quyền uy và không sợ cái chết:

- Cách Huấn Cao đón nhận sự biệt đãi của viên quản ngục.

- Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.

- Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kinh chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.

d. Sự tỏa sáng của ba vẻ đẹp trong cảnh cho chữ:

* Vẻ đẹp tài hoa:

- Tài năng của Huấn Cao không còn là những lời đồn đại nữa, nó đã hiện thành hình: “những nét chữ vuông tươi tắn…”

* Vẻ đẹp khí phách:

- Trái với sự lo lắng của viên quản ngục và thầy thơ lại, Huấn Cao rất thản nhiên đón nhận, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, lặng người ái ngại cho viên quản ngục.

- Không để tâm tới mọi thứ xung quanh, chỉ tập trung vào những nét chữ mà mình đang tạo ra.

* Vẻ đẹp thiên lương:

- Hiểu ra tấm lòng của quản ngục.

- Quan niệm: không được phụ lòng người -> trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.

- Đỡ viên quan coi ngục đứng thẳng dậy, đưa ra những lời khuyên chí tình.

e. Tổng hợp đánh giá về nhân vật:

* Nguyên mẫu: Cao Bá Quát:

- Cùng họ Cao, giữ chức coi sóc việc học ở địa phương.

- Huấn Cao là người tử tù, dám cầm đầu đội quân chống lại triều đình. Cao Bát Quát là thủ lĩnh, quân sư cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân Mỹ Lương – Hà Tây chống lại triều đình rồi cũng bị kết án tử hình.

- Cùng được tôn vinh vì tài năng viết chữ đẹp.

- Sự cúi đầu trước Huấn Cao của quản ngục cũng giống như câu thơ của Cao Bá Quát: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

- Mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn:

+ Là con người tài hoa tài tử, khác thường.

+ Dùng thủ pháp cường điệu, phóng đại và thủ pháp đối lập.

- Ngôn ngữ giàu chất tạo hình, dùng nhiều từ Hán Việt mang màu sắc cổ kính, gợi về cái đẹp của một thời vang bóng.

* Nội dung tư tưởng mà nhân vật truyền tải:

- Quan điểm thẩm mỹ tiến bộ: luôn cho rằng cái đẹp phải gắn liền với cái thiện.

- Thông điệp: cái đẹp sẽ chiến thắng cái xấu xa, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, ánh sáng sẽ chiến thắng bóng tối.

- Thông qua việc ca ngợi Huấn Cao tác giả tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, tôn vinh một trang anh hùng dũng liệt → Ca ngợi Huấn Cao là biểu hiện kín đáo của lòng yêu nước.

3. Tổng kết

soanvan.me