Đề bài
Câu 1: (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu dưới:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duyềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi…
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
a) Xác định phương thức biểu đạt trong đoạn trích.
b) Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Câu 2: (7 điểm) Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)
Lời giải chi tiết
Câu 1: (3, 0 điểm)
a) Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
b)
- Biện pháp tu từ: điệp từ: “buồn trông” (1,5 điểm)
- Tác dụng: nhấn mạnh nỗi buồn của Thúy Kiều. (1,5 điểm)
Câu 2: Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
MB: Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm. (0,5 điểm)
TB: (6,0 điểm)
1. Khổ thơ 1: cảnh và người thôn Vĩ (2,0 điểm)
- Câu hỏi tu từ: “Sao anh....” gợi cảm giác trách cứ nhẹ nhàng cũng là lời mời gọi tha thiết.
- Cảnh thôn Vĩ: đẹp trữ tình,thơ mộng.
- Con người: bóng dáng con người xuất hiện kín đáo sau chiếc lá trúc với khuôn mặt chữ điền, gợi lên vẻ đẹp phúc hậu .
→ Cảnh và người thôn Vĩ hiện lên với vẻ đẹp kín đáo, nhẹ nhàng.
2. Khổ thơ 2: Cảnh sông nước đêm trăng và nỗi lòng của tác giả. (2,0 điểm)
- Hình ảnh: "Gió lối gió", "mây đường mây" biểu hiện của sự chia cách.
- Nhân hóa: "Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay": làm nổi lên bức tranh thiên nhiên chia lìa buồn bã, sự chuyển biến về trạng thái cảm xúc của chủ thể trữ tình.
- "Bến sông trăng": hình ảnh lạ, gợi lên vẻ đẹp lãng mạn, nhẹ nhàng, tất cả đang đắm chìm trong bồng bềnh mơ mộng, như thực như ảo.
- Câu hỏi: "Có chở trăng về kịp tối nay?" sáng lên hi vọng gặp gỡ nhưng lại thành ra mông lung, xa vời.
→ Tâm trạng lo âu, đau buồn, thất vọng khi tác giả nhớ và mặc cảm về số phận bất hạnh của mình. Ở đó ta còn thấy được sự khao khát tha thiết đợi chờ một cách vô vọng.
3. Khổ thơ 3. Tâm trạng của nhà thơ. (1,75 điểm)
- "Mơ khách đường xa khách đường xa": Khoảng cách về thời gian, không gian, tình cảm.
- "Áo em trắng quá nhìn không ra": hư ảo, mơ hồ, hình ảnh người xưa xiết bao thân yêu nhưng xa vời, không thể tới được nên tác giả rơi vào trạng thái hụt hẫng, bàng hoàng, xót xa.
- "Ai biết tình ai có đậm đà": biểu lộ nỗi cô đơn trống vắng trong tâm hồn của tác giả đang ở thời kì đau thương nhất. Lời thơ bâng khuâng, hư thực gợi nỗi buồn xót xa trách móc.
→ Khi hoài niệm về quá khứ xa xôi hay ước vọng về những điều không thể nhà thơ càng thêm đau đớn. Điều đó chứng tỏ tình yêu tha thiết cuộc sống của một con người luôn có khát vọng yêu thương và gắn bó với cuộc đời.
4. Nghệ thuật (0,25)
- Trí tưởng tượng phong phú.
- Nghệ thuật so sánh nhân hóa, thủ pháp lấy động gợi tĩnh, sử dụng câu hỏi tu từ.
- Hình ảnh sáng tạo, có sự hòa quyện giữa thực và ảo.
KB: Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của bài thơ. (0,5 điểm)
soanvan.me