1. Khái niệm viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)

Trong đời sống, trước một vấn đề, thường có những ý kiến khác nhau, trong đó có thể có ý kiến khiến ta không thể đồng tình. Biết tán thành với ý kiến đúng thì cũng cần biết phản đối ý kiến sai. Nhiều trường hợp, sự phản đối được thể hiện bằng bài văn nghị luận. Để việc phản đối có sức thuyết phục, người viết văn nghị luận cần đưa ra ý kiến rõ ràng, lí lẽ sắc bén, bằng chứng tiêu biểu, xác thực, dựa trên những tiêu chuẩn chân lí được thưa nhận rộng rãi.

2. Ví dụ minh họa

Việc lớn, việc nhỏ

“Tôi chỉ làm việc lớn, việc nhỏ là việc vô nghĩa, tôi không thích làm” – đây là đề tài chúng tôi sẽ thảo luận trong mục Mỗi tuần một câu chuyện vào chiều thứ Bảy tuần này. Cô giáo cho biết, một anh học sinh khóa trước đã “tuyên bố” như vậy trong buổi cả lớp lao động quét dọn, vệ sinh sân trường, lớp học. Tôi thực sự bị thu hút bởi đề tài cô giáo vừa nêu. Tôi biết trong lớp, không ít bạn có suy nghĩ giống như “tác giả” của câu nói trên. Theo tôi, câu nói đó đã bộc lộ một quan điểm thật khó chấp nhận.

Trước hết, muốn chỉ ra chỗ bất ổn của quan điểm trên cây, cần hiểu thế nào là việc lớn, việc nhỏ, việc vô nghĩa và thái độ của chúng ta trước những công việc như vậy.

Việc lớn có thể hiểu là những việc hệ trọng, đòi hỏi người ta phải dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ,… để giải quyết. Đối với học sinh, việc lớn nhất là học tập nhằm chiếm lĩnh tri thức, hình thành và phát triển năng lực; rèn luyện thể chất để có cơ thể khỏe mạnh; trau dồi phẩm chất, trở thành con người chân chính. Trên từng bước trưởng thành, những việc lớn luôn chờ đợi chúng ta. Tốt nghiệp phổ thông, học một ngành đại học hay một nghề, ra trường có việc làm ổn định, xây đắp sự nghiệp, lo toan cuộc sống gia đình, đảm trách một nhiệm vụ trong xã hội,… tất cả đều là những việc trọng đại của đời người. Vậy, có riêng gì anh học sinh ấy, trong đời, ai mà chẳng phải làm việc lớn? Anh ấy không thể lấy cớ “bận làm việc lớn” để né tránh những “việc nhỏ” mà anh có bổn phận phải làm, giống như mọi người.

Bên cạnh việc lớn, hằng ngày còn có bao nhiêu việc nhỏ chúng ta phải làm. Trong gia đình có những công việc ngỡ rất tầm thường, nhưng không thể không làm như quét dọn nhà cửa, cọ rửa ấm chén, lau chùi bàn ghế, tưới cây, chăm sóc vật nuôi,… Đến trường, không chỉ học tập, chúng ta còn phải tham gia những việc nhỏ như dọn vệ sinh lớp học, trồng cây trong vườn trường, thu gom rác thải nhựa,… Nếu người nào cũng cho rằng mình được sinh ra chỉ để làm việc lớn thì những việc nhỏ kia sẽ đùn đẩy cho ai? Con cái không tranh thủ đỡ đần, hẳn bố mẹ phải nai lưng ra làm hết các việc sau khi đã bận rộn cả ngày ở cơ quan, trong công xưởng hay ngoài đồng ruộng. Trong lớp, mình chừa việc ra thì các bạn khác phải gánh vác. Tuyên bố rằng chỉ làm việc lớn, không làm việc nhỏ như anh bạn kia thực sự là biểu hiện của một thái độ thiếu trách nhiệm với gia đình hoặc với tập thể. Nói như thế còn là một cách biện minh cho sự biếng nhác đã thành thói quen.

Có một câu hỏi cần được trả lời: Việc nhỏ có phải là việc vô nghĩa không? Qủa thật, đôi khi có người đã làm những việc không đưa lại bất cứ lợi ích gì. Không thể đánh đồng những trò tầm thường đó với những việc tuy nhỏ mà ý nghĩa lớn lao. Tôi đã đọc bài báo về chueyejn ông Ni-nô-mi-gia (Ninomiya) – một doanh nhân người Nhật. Trong những ngày tháng làm việc ở Việt Nam, cứ mỗi sáng Chủ nhật, ông đến nhặt rác để làm sạch Hồ Gươm. Việc làm của ông Ni-nô-mi-gia có sức lan tỏa rất lứn. Từ chỗ một mình ông Ni-nô-mi-gia, thời gian sau đã có thêm hơn chục người nước ngoài cùng tham gia nhặt rác. Việc làm ấy đúng là rất nhỏ, nhưng ý nghĩa và sức tác động của nó thì không hề nhỏ chút nào.

Càng suy nghĩ, tôi càng thấy câu nói “Tôi chỉ làm việc lớn, việc nhỏ là việc vô nghĩa, tôi không thích làm” hoàn toàn không đúng. Sự lệch lạc trong nhận thức như vậy không chỉ cản trở chúng ta thể hiện trách nhiệm trước tập thể, cộng đồng, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của bản thân. Đối thoại thẳng thắn với quan điểm này là một điều hết sức cần thiết, vì có như vậy chúng ta mới phân biệt được đúng sai trong suy nghĩ, từ đó, biết cách điều chỉnh, lựa chọn hành vi phù hợp. Mọi người ai cũng có quyền nghĩ đến những việc lớn và cố gắng cao nhất để thực hiện ước mơ của mình, nhưng hãy nhớ rằng, nhiều khi chính việc lớn được bắt đầu từ những việc nhỏ. Không ít tấm gương thành đạt trong cuộc sống đã cho ta bài học ấy.