1. Yêu cầu đối với bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học
- Giới thiệu được nhân vật trong tác phẩm văn học
- Chỉ ra được đặc điểm của nhân vật dựa trên các bằng chứng trong tác phẩm
- Nhận xét được nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn
- Nêu được ý nghĩa của hình tượng nhân vật
2. Ví dụ minh họa
Đề bài: Viết bài văn phân tích nhân vật con mèo Gióc-ba trong tác phẩm Chuyện con mèo dạy hải âu bay
Bài làm:
Con mèo ấy tên là Gióc-ba, một nhân vật trong tác phẩm Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Lu-I Xe-pun-ve-da. Trong thiên đồng thoại nổi tiếng thế giới này, tác giả đã sáng tạo thành công nhiều nhân vật là loài vật: Đại Tá, Bốn Biển, Anh-xtanh, Mét-thiu,… Nhưng với tôi, Gióc-ba luôn là nhân vật đáng yêu và thú vị nhất.
Nhân vật Gióc-ba bắt đầu xuất hiện từ chương 2 và lập tức gây chú ý với dáng vẻ bề ngoài rất khác biệt: “Con mèo min to đùng, mập ú”, bộ lông đen óng như than, “đen từ đầu tới chân, trừ một túm lông trắng dưới cằm”. Ngay trong “màn” giới thiệu, đặc điểm ngoại hình này đã được tác giả nhắc lại tới mười lần, khiến người đọc dễ có ấn tượng về một chú mèo lười béo ú, xấu xí và với nhiều “con người” thì mèo đen còn “mang tới điềm xấu”.
Ấn tượng ban đầu ấy cứ tan biến dần, dù ngoại hình của Gióc-ba không hề thay đổi, lúc nào cũng là con mèo mun mập ú, to đùng, đen như cục nhựa đường. Cuộc gặp gỡ bất ngờ và những lời hứa với hải âu mẹ Ken-ga; hành trình nuôi dương hải âu con Lắc-ki đã trở thành “cơ hội” để Gióc-ba bộc lộ những nét tính cách đẹp đẽ, quý giá. Đó là sự quả quyết, dũng mãnh khi Gióc-ba trừng trị hai tên mèo hoang láo xược và lũ chuột gian xảo; khi Gióc-ba sẵn sàn tấn công cả con đười ươi to ác, độc ác để bảo vệ Lắc-ki. Những lúc ấy, Gióc-ba nhanh như chim cắt, bộ lông đen tuyền xù lên, đôi mắt màu vàng sáng quắc, bộ vuốt sắc nhọn trở thành vũ khí lợi hại. Đó là lòng tự trọng khi Gióc-ba vượt qua mọi khó khăn, trở thành để thực hiện tất cả những lời hứa của mình: không ăn quả trừng, ấp trứng, nuôi lớn hải âu con và dạy cho nó biết bay! Đặc biệt, qua cách miêu tả của nhà văn, Gióc-ba hiện lên như một con người có trái tim nhân hậu và tâm hồn sâu sắc. Gióc-ba hết lòng cứu giúp Ken-ga; kiên nhẫn ấp trứng vì xót thương hải âu mẹ bất hạnh. Chú mèo mun to đùng, mập ú chăm sóc hải âu con cuh đáo như một người mẹ: tìm kiếm thức ăn, mớm mồi; trông nom, dỗ dành, bảo vệ; tôn trọng mọi cảm xúc, mong muốn của con,… Rất muốn thực hiện lời hứa dậy Lắc-ki bay nhưng Gióc-ba không hề thúc giục mà kiên nhẫn chờ đợi đến lúc hải âu con sẵn sàng. Không chỉ thế, Gióc-ba chấp nhận “liều chết” phá bỏ cấm kị của loài mèo để giúp Lắc-ki được sống cuộc đời của chính mình. Dù biết khi bay được, Lắc-ki sẽ không còn ở cùng bầy mèo nữa, Gióc-ba vẫn nỗ lực phi thường để hải âu con có được niềm hạnh phúc tung cánh giữa bầu trời. Mười bảy lần Lắc-ki thất bại, Gióc-ba vẫn tin tưởng, động viên: “Con sẽ bay. Cả bầu trời kia thuộc về con!”. Để rồi khi Lắc-ki bay vút vào khoảng không bao la, con mèo mun to đùng ngồi lặng, dõi theo mãi “cho tới lúc nó không biết những giọt nước mắt mưa hay nước mắt đã phủ mờ đôi mắt”. Mèo Gióc-ba đã dành cho hải âu Lắc-ki tình yêu thương vô hạn.
Nhân vật Gióc-ba được Lu-I Xe-pun-ve-da khắc họa qua các chi tiết miêu tả ngoại hình, lời nói, cử chỉ, hành động, cảm xúc, suy nghĩ và qua mối quan hệ với những nhân vật khác (cậu chủ nhỏ, các bác mèo thông thái, Lắc-ki, thi sĩ,…). Nghệ thuật nhân hóa tài tình khiến Gióc-ba hiện lên rất sống động, mang tính cách con người mà vẫn không mất đi những đặc điểm của một chú mèo đáng yêu. Tác giả đã sáng tạo nhiều chi tiết có giá trị biểu hiện rất đặc sắc như: Gióc-ba ấp trứng bằng thân hình mập ý; bắt ruồi mớm cho hải âu con và dùng răng tha nó chạy khỏi nơi nguy hiểm; trò chuyện với thi sĩ bằng nhiều thứ tiếng;… Lối kể chuyện vừa giàu cảm xúc vừa hài hước, tươi vui cũng tạo sức hấp dẫn rất lớn. Ví dụ, chi tiết miêu tả tâm trạng Gióc-ba khi nghe thấy hải âu con chiêm chiếp gọi mình bằng “má”: “nó biết là lông của mình đen óng như than, nhưng dường như nỗi xúc động và xấu hổ đã khiến nó ngượng hồng lựng cả người” đã diễn tả được niềm yêu thương, cảm động và cả tình cảnh “trớ trêu” của chú mèo mun to đùng.
Sáng tạo nhân vật Gióc-ba, nhà văn còn mượn “tiếng chim lời thú” để gửi gắm nhiều bài học dành cho con người: sự trân trọng lời hứa; sức mạnh kì diệu của tình yêu thương; tinh thần bảo vệ kẻ yếu; sống can đảm, giàu khát vọng: “Chỉ ra những kẻ thực sự dám thì mới có thể bay!”. Trong đó, bài học sâu sắc và xúc động hơn cả là biết tôn trọng sự khác biệt và học cách yêu thương những gì “không giống chúng ta”. Bởi vì: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương những kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn”. Tình yêu lớn alo và đáng tự hào ấy được thể hiện ngay trong hình ảnh: “con mèo dịu dàng liếm đầu con hải âu và con chim duỗi một cánh vắt ngang lưng con mèo”.
Vị trí đặc biệt của Gióc-ba đã được khẳng định ngay trong nhân đề tác phẩm Chuyện con mèo dạy hải âu aby. Chú mèo mun to đùng, mập ú đã mang lại cho thiên truyện vẻ đẹp hồn nhiên, tươi tắn, trí tuệ. Gióc-ba tử tế, hào hiệp, cao thương của bến cảng Hăm-bơ (Hamburg) hoàn toàn xứng đáng với lời ca ngợi của “cô con gái” hải âu: “Má là con mèo tuyệt vời nhất thế giới”!