Đề bài

Đề bài:

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

       Ai cũng biết Hàn Quốc phát triển kinh tế khá nhanh, vào loại “con rồng nhỏ”, có quan hệ khá chặt chẽ với các nước phương Tây, một nền kinh tế thị trường nhộn nhịp, có quan hệ quốc tế rộng rãi. Khắp nơi đều có quảng cáo, nhưng không bao giờ quảng cáo thương mại được đặt ở những nơi công sở, hội trường lớn, danh lam thắng cảnh. Chữ nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh, nếu có thì viết nhỏ đặt dưới chữ Triều Tiên to hơn ở phía trên. Đi đâu, nhìn đâu cũng thấy nổi bật những bảng hiệu chữ Triều Tiên. Trong khi đó thì ở một vài thành phố của ta nhìn đâu cũng thấy tiếng Anh, có bảng hiệu của các cơ sở của ta hẳn hoi mà chữ nước ngoài lại lớn hơn chữ Việt, có lúc ngỡ ngàng tưởng như mình lại sang một nước khác.

(Chữ ta, bài xã luận Bản lĩnh Việt Nam của Hữu Thọ)

Câu 1: Đoạn văn được diễn đạt theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2: Đoạn văn nói về vấn đề gì? Quan điểm của tác giả về vấn đề đó như thế nào?

Câu 3: Từ đoạn văn trên, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng ta phải làm gì?

Lời giải chi tiết

Câu 1:

Phong cách ngôn ngữ báo chí.

Câu 2:

- Đoạn văn trên nói về vấn đề: Tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh đang lấn lướt hơn tiếng Việt trên các biển hiệu quảng cáo.

- Quan điểm của tác giả: phê phán tình trạng lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài, nhất là tiếng Anh, một cách không cần thiết, gây khó khăn cho người đọc, ảnh hưởng đến nét đẹp của văn hóa Việt.

Câu 3:

 Học sinh suy nghĩ về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt như:

- Giữ gìn, phát huy sự trong sáng của tiếng Việt khi nói, viết (phát ẩm chuẩn, dùng từ chính xác,…)

- Trân trọng tiếng Việt chính là giữ gìn bản sắc văn hóa, là lối sống đẹp của tuổi trẻ hiện nay.

soanvan.me