Đề bài

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Chúng tôi không mệt đâu

Nhưng cỏ sắc mà ấm quá!

 

Tuổi hai mươi thằng em tôi sững sờ một cánh chim mảnh như nét vẽ

Nhiều đổi thay như một thoáng mây

Khi chúng tôi nằm nó vẫn ngồi nguyên đó

Ngậm im lìm một cọng cỏ may…

 

Những dấu chân lùi lại phía sau

Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất

Mười tám hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yêu mến và mãnh liệt như cỏ

Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt

Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất

Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên

Hơn một điều bất chợt

 

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

 

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em…

(Trích trường ca Những người đi tới biển – Thanh Thảo)

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích trên.

Câu 2. Tìm và phân tích hiệu quả của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu thơ sau:

Mười tám hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yêu mến và mãnh liệt như cỏ.

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về các câu thơ sau:

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Câu 4. Đoạn thơ gợi lên những vẻ đẹp nào của hình tượng người lính trong những năm chống Mĩ?

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1: Từ nội dung ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của lối sống có trách nhiệm.

Câu 2: Trình bày cảm nhận của anh/chị về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Kịch Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để thấy được những phẩm chất cần có của người nghệ sĩ.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

     Thể thơ: tự do

Câu 2:

- Biện pháp nghệ thuật: so sánh, điệp cấu trúc

+ So sánh: (Mười tám hai mươi sắc như cỏ; dày như cỏ; yếu mềm và mãnh liệt như cỏ)

+ Điệp cấu trúc: như cỏ         

- Tác dụng:

+ Giúp người đọc dễ hình dung những đặc điểm nổi bật của tuổi 20: kiên cường, mạnh mẽ, đoàn kết, lãng mạn, nhiệt huyết,...

+ Thái độ ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của những người lính thời kì đó.

Câu 3:

- Những tuổi hai mươi: cách nói về tuổi trẻ nói chung, là khoảng thời gian thanh xuân quý giá chứ không phải nói về năm 20 tuổi một cách cụ thể); "ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc". Nếu ai cũng ích kỉ, hẹp hòi, chăm lo cuộc sống của riêng mình, không có trách nhiệm với Tổ quốc thì Tổ quốc sao có thể tồn tại?

- Nội dung câu thơ: Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi công dân (đặc biệt là thế hệ trẻ) trong cuộc kháng chiến chống Mĩ: Tự nguyện, sẵn sàng hi sinh tuổi trẻ của mình để bảo vệ non sông đất nước.

Câu 4:

      Vẻ đẹp của hình tượng người lính trong những năm chống Mĩ: kiên cường, mạnh mẽ, đoàn kết, lãng mạn, nhiệt huyết,...

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Giới thiệu vấn đề

Giải thích vấn đề

- "Sống có trách nhiệm" là gì? Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ bổn phận với xã hội, trường lớp, gia đình và bản thân... dám làm, dám chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân. Bổn phận là học sinh, là những tinh hoa tương lai của đất nước. Chúng ta phải có trách nhiệm với bản trách nhiệm với gia đình, những người xung quanh và có trách nhiệm trong quá trình học tập.

Bàn luận vấn đề

- Biểu hiện lối sống có trách nhiệm:

+ Với xã hội: làm tròn trách nhiệm công dân, sống có ích, biết cống hiến cho cộng đồng, xã hội.

+ Với gia đình: sống có trách nhiệm với gia đình, yêu thương kính trọng cha mẹ, giúp đỡ, chăm sóc anhem.

+ Với bản thân: sống lành mạnh, không ngừng nỗ lực phấn đấu để rèn luyện và tự hoàn thiện bản thân

- Ý nghĩa lối sống có trách nhiệm:

+ Sống có trách nhiệm sẽ hoàn thành được mọi công việc nhiệm vụ được giao.

+ Luôn được mọi người tin tưởng, yêu mến.

+ Người sống có trách nhiệm còn dễ dàng vươn đến thành công trong công việc và cuộc sống

_ Chứng minh: Học sinh lấy dẫn chứng phù hợp, có phân tích ngắn gọn

Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

- Bên cạnh đó, trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều người vô trách nhiệm, chỉ nghĩ về lợi ích của bản thân, mà quên đi trách nhiệm với cộng đồng xã hội và gia đình. Lối sống vô trách nhiệm làm băng hại đạo đức gia đình, gây tổn hại tới xã hội và bản thân chính cá nhân đó. Đây là lối sống đáng lên án.

- Liên hệ bản thân.

Câu 2:

1. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

- Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Hành trình sáng tác của Nguyễn Minh Châu chia thành hai giai đoạn: trước những năm tám mươi, tác phẩm của ông mang khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình lãng mạn; những năm cuối đời, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh.

- Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được viết vào tháng 8 – 1983 in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu.

2. Phân tích

2.1. Giới thiệu về nghệ sĩ Phùng và câu chuyện của anh

- Phùng vốn là người lính của một thời đất nước rực lửa chiến tranh. Người lính thuở ấy luôn là biểu tượng của tình yêu, niềm tự hào, ý chí và khát vọng của cả một dân tộc.

- Hiện tại anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh, sự hòa hợp giữa nghệ sĩ với chiến sĩ tạo nên ở anh những phẩm chất cao quý.

- Do sự phân công của trưởng phòng mà Phùng cần phải đến vùng biển miền Trung – nơi từng là chiến trường cũ của anh để săn một bức ảnh nghệ thuật cho vào bộ lịch năm sau với chủ đề thuyền và biển. Và chính chuyến đi này đã cho Phùng những trải nghiệm và nhận thức mới về cuộc sống.

2.2. Phân tích nhân vật nghệ sĩ Phùng

a. Người nghệ sĩ tài hoa, nhạy cảm trước cái đẹp:

- Là người nghệ sĩ có tài: Vị trưởng phòng khó tính khi muốn có thêm một bức ảnh nữa để bổ sung thêm vào bộ lịch năm ấy đã yêu cầu nghệ sĩ Phùng là người thực hiện nhiệm vụ. (đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn) ⟶ tin tưởng vào tài năng của Phùng.

- Là người nghệ sĩ có trách nhiệm: Khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng khoác máy ảnh lên đường đến vùng biển miền Trung để thực hiện bức ảnh, sau 1 tuần lễ phục kích cũng đã chụp được vài tấm ảnh tạm ưng ý nhưng vẫn chưa thực sự hài lòng. Hôm nào cũng dậy sớm ra vùng biển để cố gắng tìm một bức ảnh mà mình thực sự thỏa mãn.

- Là người nghệ sĩ nhạy cảm trước cái đẹp: Khi phát hiện ra cảnh đắt trời cho ⟶ xúc cảm trào dâng: rung động, tâm hồn được thanh lọc, hạnh phúc tràn ngập tâm hồn, lôi máy ảnh ra bấm liên thanh…

b. Người nghệ sĩ có tấm lòng với cuộc đời và con người:

* Lần thứ nhất chứng kiến cảnh bạo hành gia đình:

- Sẵn sàng vứt chiếc máy ảnh xuống đất để nhào tới can thiệp giúp đỡ người đàn bà khốn khổ mặc dù chiếc máy ảnh rất quý, đặc biệt là đối với người nghệ sĩ như anh, nhất là khi nó còn đang chứa đựng kiệt tác nghệ thuật. Tuy nhiên, hơn cả sự quý giá về vật chất và tinh thần, đó là con người.

* Lần thứ hai chứng kiến cảnh bạo hành gia đình:

- Tuy đã thực hiện xong nhiệm vụ được giao nhưng vẫn ở lại vì anh quan tâm đến gia đình hàng chài này, thấy mình không thể đứng ngoài cuộc mà phải làm điều gì đó.

- Khi chứng kiến cảnh bạo hành gia đình lần hai nghệ sĩ Phùng đã lao ra can thiệp kịp thời và bị thương.

- Nhờ bạn mình là chánh án tòa án huyện giúp đỡ gia đình này.

c. Người nghệ sĩ luôn trăn trở với thiên chức nghề nghiệp của mình:

* Nhận thức qua hai phát hiện ban đầu:

- Phát hiện về cái đẹp, cái thiện.

- Phát hiện về cái xấu, cái ác đằng sau cái đẹp, cái thiện.

→ Chiếc thuyền ngoài xa chính là hình ảnh cuộc đời khi nhìn ở tầm xa, khi quan sát với cái nhìn hời hợt ⟶ Cần nhìn nhận con người, sự việc thấu đáo, toàn diện.

- Phê phán vị trưởng phòng ⟶ phê phán những quan điểm nghệ thuật đang tồn tại nhan nhản trong thời kì trước đổi mới ⟶ người nghệ sĩ phải thay đổi, trước hết là thay đổi tư tưởng.

* Nhận thức qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài:

- Cuộc đời và con người rất phức tạp ⟶ Đòi hỏi người nghệ sĩ phải dấn thân, phỉa dùng cái tâm của mình để cảm nhận, khám phá mới thấu hiểu hết được.

* Nhận thức mới khi đứng trước tấm ảnh của chiếc thuyền ngoài xa:

- Nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống, không được xa rời cuộc sống và phải quay trở về để phục vụ cuộc sống.

2.3. Liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

- Nguyễn Huy Tưởng là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một trong những cây bút có đóng góp quan trọng cho văn học Việt Nam hiện đại.

- Nguyễn Huy Tưởng có thiên hướng rõ rệt về đề tài lịch sử, khao khát sáng tạo được những tác phẩm có quy mô lớn, dựng được những hình tượng hoàng tráng về lịch sử dân tộc. Ông có nhiều thành công hơn ở thể loại tiểu thuyết và kịch.

- Vũ Như Tô là vở bi kịch lịch sử năm hồi viết về sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517, dưới triều Lê Tương Dực. Tác phẩm được Nguyễn Huy Tưởng viết xong vào mùa hè năm 1941, đề tựa tháng 6 – 1942. Từ vở kịch ba hồi đăng trên tạp chí Tri tân năm 1943 – 1944, được sự góp ý của nhiều nhà văn tiến bộ, Nguyễn Huy Tưởng đã sửa thành vở kịch năm hồi.

* Phân tích nhân vật Vũ Như Tô

- Nhà kiến trúc sư tài ba có khát vọng lớn lao.

- Một người nghệ sĩ sai lầm trong suy nghĩ và hành động.

2.4. Điểm tương đồng và khác biệt:

- Tương đồng:

+ Đều là người nghệ sĩ tài hoa và trăn trở với nghề nghiệp

+ Đều mang trong mình những khát vọng về nghệ thuật nhưng (ban đầu) chưa có những nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

- Khác nhau:

+ Nghệ sĩ Phùng sau cùng đã nhận thức ra mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

+ Vũ Như Tô kết thúc mọi thứ với bi kịch của mình và của chính nghệ thuật mà mình theo đuổi. Đến khi chết, Vũ Như Tô vẫn không nhận ra chân lí, mối quan hệ mật thiết giữa nghệ thuật và cuộc đời.

* Phẩm chất cần có của người nghệ sĩ:

- Người nghệ sĩ phải là người tài hoa và biết theo đuổi để cống hiến cái tài của mình cho cuộc đời.

- Người nghệ sĩ cần đưa nghệ thuật của mình về cuộc đời, cần cúi xuống để nếm vị mặn của cuộc đời. Những tác phẩm được sinh ra như vậy mới thực sự có giá trị.

3. Kết luận

- Khái quát và mở rộng vấn đề.

Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com

 soanvan.me