Đề bài

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

      Tỷ phú Hồng Kông Yu Pang-Lin vừa qua đời ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện. Ông giải thích hành động của mình: “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”. Yu Pang-Lin không phải là người đầu tiên trên thế giới “keo kiệt” với con nhưng lại hào phóng với xã hội. Người giàu nhất thế giới Bill Gate từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tài sản kếch xù của mình. Báo chí hỏi tại sao lại như vậy, ông trả lời đại ý: “Con tôi là con người, mà đã là con người thì phải tự kiếm sống, không chỉ kiếm sống để phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội. Đã là con người thì phải lao động. Tại sao tôi phải cho con tiền?

[…] Có người nói rằng, có hai thứ mà cha mẹ cần trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con thứ gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả. Hai thứ đó là: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm.

(Theo Nhật Huy, Không để lại tiền cho con, Dẫn theo http://tuoitre.vn, ngày 10/5/2015)

Câu 1. Chỉ ra các phương thức biểu đạt của đoạn trích.

Câu 2. Vì sao những người cha tỉ phú như Ya Pang-Lin, Bill Gate… không muốn để lại nhiều của cải cho con cái?

Câu 3. Anh/chị hiểu “ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình” và “năng lực để tự chịu trách nhiệm” nghĩa là gì?

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với ý kiến: Đã là con người thì phải lao động? Vì sao?

II.LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2, 0 điểm)

     Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò, ý nghĩa của ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm của con người trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

     Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp hào hoa của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (SGK Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)?

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ

* Cách giải:

- Kết hợp phương thức biểu đạt nghị luận và tự sự.

- Nêu đúng một phương thức cho 0,25 điểm

Câu 2:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

- Những người cha tỉ phú như Ya Pang-Lin, Bill Gates… không muốn để lại nhiều của cải cho con cái vì họ có quan niệm rằng:

- Nếu con cái họ tài giỏi, chúng sẽ tự kiếm được tiền. Nếu chúng kém cỏi thì của cải có sẵn chỉ làm hại thêm (lười biếng, ỷ lại, sa vào các tệ nạn xã hội…).

- Đã là con người thì ai cũng phải kiếm sống để không chỉ phục vụ chính bản thân mình mà còn góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

- Mỗi ý đúng cho 0,25 điểm

Câu 3:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

* Cách giải:

- Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình: chịu trách nhiệm về mọi suy nghĩ, hành động, sự trưởng thành, về trí tuệ và nhân cách của chính mình.

- Năng lực để tự chịu trách nhiệm bao gồm: trí thức (hiểu biết về cuộc sống và thế giới xung quanh, kiến thức chuyên môn,…), khả năng lao động, sáng tạo và đạo đức (lòng trung thực, nghị lực sống, quan niệm sống đúng đắn,…).

Câu 4:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

* Cách giải:

- Nêu rõ quan điểm đồng tình.

- Bởi vì lao động là trách nhiệm của mỗi con người, không chỉ để nuôi sống bản thân và phát triển những tiềm năng của mỗi con người, mà còn góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

Các cách lý giải của học sinh chân thực, lành mạnh, hướng thiện vẫn được chấp nhận và cho điểm tối đa.

II. LÀM VĂN 

Câu 1:

* Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)

* Cách giải:

a) Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Vai trò, ý nghĩa của ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực tự chịu trách nhiệm.

c) Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ ý nghĩa của ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm. Có thể theo hướng sau:

- Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm giúp con người có nhận thức và hành động đúng đắn trong cuộc sống, biết tự trọng cá nhân và tôn trọng người khác; luôn đòi hỏi chính mình nỗ lực vươn lên để sáng tạo và cống hiến.

- Có ý thức và năng lực tự chịu trách nhiệm về bản thân, con người có “tài sản gốc” quý báu để “sinh lời”, không phải “vay mượn”, không phải sống nhờ vào người khác.

d) Chính tả, dùng từ, đặt câu.

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp, tiếng Việt.

e) Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Câu 2:

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

* Cách giải:

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

* Cảm nhận vẻ đẹp hào hoa của hình tượng người lính Tây Tiến

- Vẻ đẹp hào hoa là vẻ đẹp thuộc về đời sống tâm hồn nhạy cảm, giàu mơ mộng, lãng mạn và đậm chất nghệ sĩ của những người lính Tây Tiến.

- Biểu hiện:

+ Tâm hồn lãng mạn, say đắm với thiên nhiên miền Tây thơ mộng, mỹ lệ (hoa về đêm hơi, Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi, hoa đong đưa…); với cuộc sống con người trong tình quân dân ấm áp ("cơm lên khói", "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi", 'Kìa em xiêm áo tự bao giờ…")

+ Tâm hồn trẻ trung, giàu chất lính (súng ngửi trời); trái tim rạo rực, khao khát yêu đương (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm)

+ Tâm hồn tràn đầy lý tưởng thấm đẫm chất men say thời đại hào hùng (Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh)

+ Sự hi sinh của người lính cũng hào hoa, lãng mạn (Áo bào thay chiếu anh về đất…)

+ Nghệ thuật: Cảm hứng và bút pháp lãng mạn; nghệ thuật tương phản, đối lập; ngôn ngữ tinh tế, hình ảnh sáng tạo, thơ giàu chất nhạc, hội họa…

* Đánh giá:

- Vẻ đẹp hào hoa của những người lính Tây Tiến luôn hài hòa với vẻ đẹp hào hùng và được khắc họa bằng tất cả tấm lòng và tài năng của Quang Dũng. Người lính với vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn là đóng góp riêng, tiếng nói riêng của Quang Dũng vào đề tài người lính của thơ ca giai đoạn này (có liên hệ, so sánh); tạo nên sức sống lâu bền, sức hấp dẫn đặc biệt của bài thơ trong lòng độc giả nhiều thế hệ.

- Có được vẻ đẹp đó do Qung Dũng xuất thân từ xứ Đoài mây trắng, gắn bó với mảnh đất Hà Thành thanh lịch hào hoa, mang vào cuộc chiến chất mơ mộng, lãng mạn của những thanh niên trí thức vừa rời ghế nhà trường, lại được tinh thần thời đại chắp cánh.

3. Kết bài

- Khái quát và mở rộng vấn đề.

 soanvan.me