SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BÌNH THUẬN

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

KIỂM TRA HỌC KÌ I LỚP 12

Năm học: 2019 - 2020

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian: 120 phút

(Không kể thời gian giao đề) 

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

    Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

    Tôi nhớ lúc nhỏ có lần phạm lỗi, mẹ phạt quỳ úp mặt vào tường suốt hai tiếng đồng hồ. Khi đi làm về, nghe mẹ kể lại, ba đã gọi tôi đến và nói: “Trở thành người như thế nào là tự do của con. Trở thành người tốt hay người xấu là tự do tuyệt đối của con. Con có toàn quyền lựa chọn cho cuộc đời mình. Ba mẹ yêu thương con không phải vì con mà vì con là con của ba mẹ, bởi vậy kể cả khi con trở thành một người xấu, một kẻ dối trá hay thậm chí trộm cắp, thì tình yêu của ba mẹ dành cho con vẫn không thay đổi. Nhưng ba muốn con biết rằng ba mẹ sẽ rất hạnh phúc và tự hào nếu con trở thành một người chính trực và biết yêu thương.”

    Đó là lý do đầu tiên để tôi muốn trở thành một người chính trực và biết yêu thương. Thậm chí, tôi chỉ cần một lý do đó mà thôi.

    Kinh Tamud viết: “Khi ngươi dạy con trai mình, tức là ngươi dạy con trai của con trai ngươi”. Bởi thế, hiển nhiên là tôi cũng sẽ nói với con tôi những lời ba tôi đã nói.

    [....] Ai cũng có thể dạy một cậu con trai mới lớn lái xe hoặc mở bugi bị ướt ra lau khi đi qua quãng đường ngập nước. Nhưng thật đặc biệt khi cậu học những điều đó từ chính cha mình.

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn... - Phạm Lữ Ân, NXB Hội Nhà văn, 2019, tr 15)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: Lý do đầu tiên để nhân vật tôi muốn trở thành một người chính trực và biết yêu thương là gì?

Câu 3: Nội dung câu Kinh Talmud: “Khi ngươi dạy con trai mình, tức là ngươi dạy con trai của con trai ngươi” được anh/chị hiểu như thế nào?

Câu 4: Anh/chị có cho rằng việc người cha dạy một cậu con trai mới lớn lái xe hoặc mở bugi bị ướt ra lau khi đi qua quãng đường ngập nước là điều thật đặc biệt không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

    Từ ngữ liệu đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về điều bản thân cần làm để trở thành một người chính trực và biết yêu thương.

Câu 2 (5.0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức.

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương

 

(Trích Sóng - Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr 155)


.............................HẾT......................


 

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương pháp: căn cứ vào các phương thức biểu đạt

Cách giải:

- PTBĐ: Nghị luận.

Câu 2:

Phương pháp: đọc, tìm ý

Cách giải:

- Lý do đầu tiên để nhân vật tôi muốn trở thành một người chính trực và biết yêu thương đó là lời nói của ba nhân vật: “Nhưng ba muốn con biết rằng ba mẹ sẽ rất hạnh phúc và tự hào nếu con trở thành một người chính trực và biết yêu thương.”

Câu 3:

Phương pháp: đọc, hiểu

Cách giải:

- Câu kinh đó ý nói: khi chúng ta dạy cho con cái mình những điều tốt đẹp, chúng sẽ mang những điều tốt đẹp đó để cư xử với tất cả mọi người xung quanh và dạy dỗ những thế hệ sau này. Những điều tốt đẹp ấy sẽ như một hạt giống tốt tươi được lan xa, lan rộng.

Câu 4:

Phương pháp: đọc, hiểu

Cách giải:

- Đó là điều đặc biệt. Vì khi chính cha mình – bằng tất cả tình yêu thương và tấm lòng bao la của tình phụ tử thiêng liêng, chúng ta sẽ cảm thấy ấm áp và có nhiều kỉ niệm để nhớ về trên những chặng đường sau này hơn là được học từ một người khác.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Phương pháp: giải thích, phân tích, bình luận

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu đoạn văn nghị luận văn học khoảng 200 chữ.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

1. Nêu vấn đề: điều bản thân cần làm để trở thành một người chính trực và biết yêu thương

2. Giải thích vấn đề

- Chính trực là đức tính của sự trung thực và sự tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức một cách mạnh mẽ; nói cách khác, nó là sự trung thực gắn liền với đạo đức.

→ Chính trực là một trong những yếu tốt làm nên đạo đức con người. Sống chính trực và biết yêu thương chính là một trong những phẩm chất làm nên một người thành công trong cuộc đời.

3. Bàn luận vấn đề

* Ý nghĩa của thái độ sống tích cực:

- Với cá nhân:

+ Người có thái độ sống chính trực và biết yêu thương cơ hội thành công trong cuộc sống sẽ cao hơn đồng nghĩa với việc tạo dựng được những thành quả từ chính sức lực, trí tuệ, lối sống của mình.

+ Sống chính trực và biết yêu thương sẽ được sự yêu thương, quý mến và tạo dựng những mối quan hệ tốt xung quanh.

+ Sống chính trực và biết yêu thương đem lại cho con người nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc khi thấy cuộc sống của mình có ích, có nghĩa, được quý trọng, có được sự tự chủ, niềm lạc quan, sự vững vàng từ những trải nghiệm cuộc sống.

- Với xã hội: Thái độ sống chính trực và biết yêu thương của cá nhân góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, tiến bộ.

* Điều bản thân cần làm để trở thành người chính trực và biết yêu thương:

+ Biết nghiêm khắc với bản thân, không làm những điều trái đạo đức.

+ Luôn có khát vọng vươn lên khẳng định bản thân và hoàn thiện mình, luôn phấn đấu sống tốt, cho mình và cho mọi người.

+ Luôn biết nhìn nhận mọi sự việc trên phương diện khách quan và xem xét ở nhiều góc độ khác nhau.

+ Luôn lạc quan dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

+ Biết đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của những người xung quanh.

- Phê phán những người có thái độ tiêu cực, hay phàn nàn, dễ chán nản, dễ thỏa hiệp.

Câu 2:

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

MB:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Dẫn dắt vấn đề

TB:

- Hoàn cảnh sáng tác

- Vị trí đoạn trích

- Phân tích:

Sóng - Nỗi nhớ thủy chung trong tình yêu

- Âm hưởng cả đoạn thơ này là âm hưởng khẳng định, âm hưởng của niềm tin bất di bất dịch.

- Trong khổ thơ thứ 5, nỗi nhớ được diễn tả thật mãnh liệt, da diết hiển hiện trong mọi chiều kích của không gian, thời gian, trạng thái của cuộc sống. Hàng loạt các từ ngữ trái nghĩa có trong khổ thơ:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

- Tình yêu luôn đi liền với nỗi nhớ, nó bao trùm cả không gian, khắc khoải trong thời gian, ăn sâu vào ý thức, tiềm thức và đi cả vào trong giấc mơ:

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Cái “thức” trong mơ ấy chính là sự thật nỗi lòng của người con gái đang yêu.

- Sự khát khao hướng về nhau, có nhau và sự bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào lòng chung thủy được thể hiện thật dứt khoát qua các câu khẳng định tuyệt đối:

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương

- Trong trời đất có bốn phương, tám hướng nhưng không có phương nào là phương anh vậy mà trong tình yêu của người con gái lại có phương anh và chỉ hướng về một phương duy nhất ấy.

- Nhân vật trữ tình tự bạch chân thành mà mãnh liệt nỗi nhớ, khát vọng thủy chung, nỗi khao khát hướng về nhau, có nhau. Trạng thái tâm hồn ấy vừa mạnh mẽ vừa sâu lắng quyện hòa trong những quan sát và suy tư từ con sóng.

→ Tóm lại, có thể nói rằng hình tượng sóng đôi “sóng” và “em” đã bộc lộ được tâm trạng khát khao, nỗi nhớ da diết vừa trực tiếp lại vừa gợi cảm như những vòng sóng nối tiếp nhau cùng dội lại, cùng cộng hưởng và lan tỏa.

KB: Nêu cảm nhận chung

soanvan.me