Đề bài
Đọc đoạn trích:
“Có một câu nói là: “Con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay”. Ý tưởng nhiều vô kể. Nhiều người có được ý tưởng rất tốt. Nhưng có rất ít người biến được ý tưởng thành hiện thực. Một người bạn của tôi từng nói: “Khi ai đó tâm sự với tôi về ý tưởng này khác, tôi chỉ bảo: Nghe tuyệt lắm, hãy làm đi. Tôi không bảo khó, bảo sẽ thất bại hay bàn lùi. Cứ để họ thực hiện. Hành động chứng minh tất cả.”
Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn có câu: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Nếu không đi thì đường ở đâu mà có.
Cho nên, câu khẩu hiệu của Nike là: “Just do it”. Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì. Vì tuổi trẻ chỉ có một lần. Thời gian trôi qua là không quay trở lại. Thay vì chần chừ, đắn đo, sợ hãi, tại sao không bước ra ngoài và làm điều có ích. Còn nói theo cha ông ta ngày trước thì học đi đôi với hành. Đi học, đọc sách, tiếp thu kiến thức là một chuyện, phải hành động, phải thực hành mới khiến kỹ năng của ta khá lên.
Việc thiếu sót năng lực hành động có thể hạn chế người trẻ hòa nhập vào thế giới. Mà để phát triển khả năng hành động không cần phải làm gì lớn lao, mở nhà trọ hay mở công ty.
Chỉ cần bắt đầu từng bước nhỏ một.
Hãy làm gì đó. Đừng ngồi yên”.
(Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, Rosie Nguyễn, NXB Hội nhà văn, 2018)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Tác giả khuyên người trẻ “Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì” vì những lý do nào?
Câu 3. Anh chị có đồng tình với quan điểm của tác giả về cách phát triển khả năng hành động ở người trẻ tuổi: “...để phát triển khả năng hành động, không phải làm điều gì lớn lao (...). Chỉ cần bắt đầu từng bước nhỏ một”? Vì sao?
Lời giải chi tiết
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt: nghị luận
Câu 2:
Tác giả khuyên người trẻ “Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì” vì:
- Tuổi trẻ chỉ có một lần, thời gian qua là không trở lại.
- Học phải đi đôi với hành; phải hành động, phải thực hành thì kiến thức của ta mới khá lên.
Câu 3:
Học sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc nửa đồng tình, nửa phản đối, miễn là lý giải thuyết phục, hợp lý.
- Đồng tình vì:
+ Làm những điều lớn lao có thể dễ thất bại, dễ mất niềm tin vào khả năng hành động của mình và bị thui chột ý chí hành động.
+ Không phải ai cũng có đủ điều kiện và năng lực để làm những điều lớn lao.
+ Ngược lại, khi đi từng bước nhỏ, làm những việc vừa sức, ta có thể thực hiện được mục tiêu, có những bước đệm vững chắc để rèn luyện khả năng hành động của mình.
- Không đồng tình vì:
+ Những bước đi nhỏ, việc làm nhỏ không đủ tạo ra môi trường, hoàn cảnh chứa đựng những thử thách lớn, những thử thách có thể giúp ta rèn luyện năng lực hành động; thậm chí những bước đi nhỏ, việc làm nhỏ còn có thể làm hạn chế năng lực hành động của ta.
+ Những việc làm, bước đi nhỏ khó dẫn ta tới điều gì lớn lao, đột phá, khó khẳng định được bản thân.
- Nửa đồng tình, nửa phản đối: kết hợp hai cách trả lời trên.
soanvan.me