Đề bài
I. PHẦN ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Trong suy nghĩ của đại chúng, bóng đá Việt Nam không vượt qua khỏi “lũy tre làng”, “ao làng” Đông Nam Á. Sân chơi thực sự phù hợp với chúng ta chỉ có AFF Cup hay SEA Games. Đối thủ lớn nhất mà chúng ta cần phải đánh bại luôn là Thái Lan.
Nhiều người lấy Thái Lan làm thước đo đánh giá thành bại của bóng đá Việt Nam. Một chiến thắng hay thất bại trước đối thủ láng giềng trong khu vực ấy được coi là niềm tự hào hay nỗi thất vọng lớn với chúng ta.
[…] Nhưng đội U23 của ông Park Hang Seo đang làm thay đổi suy nghĩ này theo cách thuyết phục nhất có thể. Chưa bao giờ từ người hâm mộ cả nước cho tới giới chuyên môn cùng đồng nhất với niềm tin, niềm tự hào vào một đội tuyển của Việt Nam lớn đến thế ở một giải đấu vượt khỏi quy mô khu vực.
[…] Họ thực sự tin vào đội U23 theo cách và với những kỳ vọng mà họ chưa bao giờ nghĩ đến với đội tuyển nào của Việt Nam trước đó. Niềm tự hào lớn lao là có thật. Mối quan tâm lớn lao cũng là có thật. Nhưng niềm tin lớn lao mới là cái gì đó quý giá vô cùng cũng đã được thắp lên trong lòng giới mộ điệu và cả giới chuyên môn.
[…] Chúng ta có tiềm năng để làm nên những điều kì diệu, để vượt qua những giới hạn mà chúng ta ngỡ mình không thể vượt qua. Điều quan trọng là chúng ta cần những người biết cách đánh thức, khai thác và phát huy tiềm năng to lớn ấy. Như cách ông Park Hang Seo đã và đang làm được với các tuyển thủ U23 lúc này.
(Trích U23 Việt Nam đã làm thay đổi tầm nhìn về bóng đá nước nhà của người Việt – Theo Soha.vn)
Câu 1: Phần trích trên được viết theo phong cách chức năng ngôn ngữ nào?
Câu 2: Trình bày cách hiểu của anh/chị về câu: “Trong suy nghĩ của đại chúng, bóng đá Việt Nam không vượt qua khỏi “lũy tre làng”, “ao làng” Đông Nam Á”?
Câu 3: Theo tác giả bài viết, “đội U23 của ông Park Hang Seo” đã làm thay đổi cách nhìn của giới hâm mộ và giới chuyên môn về bóng đá nước nhà như thế nào?
Câu 4: Từ đoạn trích trên, rút ra một bài học có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về khả năng làm nên những điều kỳ diệu và vượt qua “những giới hạn mà chúng ta ngỡ mình không thể vượt qua” được đề cập trong phần Đọc hiểu.
Câu 2:
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp bi tráng và lãng mạn của người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
(Tây Tiến – Quang Dũng)
Lời giải chi tiết
I. PHẦN ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
Câu 1:
- Phong cách ngôn ngữ: Báo chí.
Câu 2:
“Trong suy nghĩ của đại chúng, bóng đá Việt Nam không vượt qua khỏi “lũy tre làng”, “ao làng Đông Nam Á” bởi:
- Từ trước đến nay mọi giải đấu vượt ra ngoài quy mô khu vực chúng ta chỉ coi đó là một kì thi đấu để cọ sát, học hỏi kinh nghiệm là chính.
- Trong các kì thi đấu mang tầm vóc quốc tế, đội tuyển Việt Nam không đạt được thành tích nào đáng kể, bởi vậy, người hâm mộ cùng như giới chuyên môn luôn mặc định Việt Nam không có bất kì cơ hội nào chinh phục ở những giải đấu mang tầm cỡ châu lục và quốc tế.
- Nhiều người lấy Thái Lan làm thước đo đánh giá thành bại của bóng đá Việt Nam. Một chiến thắng hay thất bại trước đối thủ láng giềng trong khu vực ấy được coi là niềm tự hào hay nỗi thất vọng lớn với chúng ta.
Câu 3:
Theo tác giả, “đội U23 của ông Park Hang Seo” đã làm thay đổi cách nhìn của giới hâm mộ và giới chuyên môn về bóng đá nước nhà như sau:
- Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã chiến thắng một đối thủ lớn là Quatar.
- Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã làm cho người hâm mộ cả nước, cho giới chuyến môn cùng đồng nhất niềm tin, niềm tự hào ở một giải đấu vượt qua khỏi quy mô tầm khu vực. Họ đã thắp lên niềm tin ở người hâm mộ và giới chuyên môn bóng đá Việt Nam có thể vượt ra khỏi ao làng, vượt qua những giải đấu mang tầm cỡ khu vực để vươn đến những giải đấu mang tầm cỡ quốc tế.
Câu 4:
Các em có thể đưa ra những bài học khác nhau dựa trên sự đọc hiểu và cảm nhận của bản thân.
Gợi ý:
- Bài học rút ra: Bản thân mỗi con người luôn có những tiềm năng lớn mà chúng ta không hề biết đến. Chúng ta cần đánh thức những tiềm năng và phát huy nó vào việc xây dựng và phát triển cuộc sống bản thân.
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
1. Giải thích
- Giới hạn được ví như là những ranh giới mà chúng ta tưởng không thể nào vượt qua được. Đó có thể là ranh giới về đạo đức, về pháp luật, về khả năng của mỗi cá nhân.
- Trong bản thân mỗi người luôn tồn tại những năng lực tiềm ẩn mà chúng ta không hề biết đến, điều quan trọng là phải làm cho nó được phát huy.
2. Bàn luận vấn đề
- Trong cuộc sống luôn có những khó khăn, nghịch cảnh, những giới hạn kìm hãm con người đến hạnh phúc. Nhưng bản thân con người luôn có khả năng làm những điều to lớn hơn, vĩ đại hơn những gì mình vẫn nghĩ.
- Khi vượt qua những giới hạn, con người sẽ đạt được:
+ Con người có thể tưởng thành hơn, vươn tới những kì tích trong cuộc sống.
+ Vượt qua ranh giới, con người có thể làm nên những thay đổi vĩ đại mang tới hạnh phúc cho nhân loại. (Trận thắng lịch sử của bóng đá U23 Việt Nam)
+ Vượt qua ranh giới của tư duy, con người có thể sáng tạo để làm nên những điều kì diệu.
+ Vượt qua ranh giới của định kiến, ta sẽ biết tôn trọng sự đa dạng và trân trọng người khác để sống có ý nghĩa hơn.
- Cần làm gì để có thể vượt qua những giới hạn:
+ Tự tin vào bản thân và những gì mình đã lựa chọn, đã làm.
+ Không nản lòng trước mọi khó khăn, luôn có ý chí, lòng quyết tâm để vượt qua mọi trở ngại.
- Bên cạnh đó cũng có những ranh giới mà chúng ta không nên vượt qua: những chuẩn mực về đạo đức, những quy định về pháp luật,…
3. Bài học nhận thức, hành động
- Em đã làm gì để vượt qua những ranh giới, vươn lên đạt tới thành công?
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích
- Quang Dũng là nhà gương mặt tiêu biểu của thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông là một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa.
- Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu của Quang Dũng và là bài thơ xuất sắc viết về người lính thời chống Pháp với bút pháp lãng mạn, tài hoa.
- Đoạn thơ trên khắc họa thành công hình tượng người lình Tây Tiến với vẻ đẹp bi tráng và lãng mạn.
2. Phân tích
2.1 Giải thích khái niệm
- “Cái bi” là sự gian khổ, hi sinh. Cái tráng là sự hào hùng, tráng lệ. Chất bi tráng của một hình tượng nghệ thuật là vẻ đẹp vừa có tính chất buồn thảm làm não lòng người vừa có tính chất hùng tráng, mạnh mẽ gây ấn tượng. Chất bi tráng hoà quyện vào nhau, sự gian khổ, hi sinh được thể hiện qua màu sắc hào hùng, tráng lệ, bi mà không luỵ.
- Vẻ đẹp lãng mạn thể hiện trên những phương diện: cái tôi trữ tình tràn đầy tình cảm, cảm xúc, phát huy cao độ trí tưởng tượng, sử dụng những yếu tố cường điệu, thủ pháp đối lập để tô đậm cái phi thường, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ về cái hào hùng. Vẻ đẹp lãng mạn thể hiện ở cảm hứng hướng tới cái cao cả, sẵn sàng hi sinh cho lí tưởng chung của dân tộc, thể hiện ở vẻ đẹp tâm hồn hào hoa, thơ mộng.
2.2 Phân tích thơ để làm rõ vẻ đẹp bi tráng và lãng mạn của người lính Tây Tiến
a. Vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến
* Ngoại hình: được khắc hoạ bằng một nét vẽ rất gân guốc, lạ hoá nhưng lại được bắt nguồn từ hiện thực:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
- Không mọc tóc, quân xanh màu lá đều là hậu quả của những trận sốt rét rừng khủng khiếp mà người nào cũng phải trải qua. Trong hồi ức của những người lính Tây Tiến trở về, đoàn quân tử vong vì sốt rét rừng nhiều hơn là vì đánh trận bởi rừng thiêng nước độc mà thuốc men không có.
- Quang Dũng không hề che giấu những gian khổ, khó khăn…, chỉ có điều nhà thơ không miêu tả một cách trần trụi. Hiện thực ấy được khúc xạ qua bút pháp lãng mạn, trở thành cách nói mang khẩu khí của người lính Tây Tiến, cách nói rất chủ động: không mọc tóc chứ không phải tóc không thể mọc vì sốt rét tạo nên nét dữ dội, ngang tàng, cứng cỏi của người lính Tây Tiến; cái vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính qua ngòi bút Quang Dũng lại toát lên vẻ oai phong, dữ dằn của những con hổ nơi rừng thiêng “quân xanh màu lá dữ oai hùm”.
* Ẩn sau ngoại hình ấy là sức mạnh nội tâm (hào hùng):
- Đoàn binh gợi lên sự mạnh mẽ lạ thường của "Quân đi điệp điệp trùng trùng" (Tố Hữu), của "tam quân tì hổ khí thôn ngưu" (ba quân mạnh như hổ báo nuốt trôi trâu) (Phạm Ngũ Lão).
- Dữ oai hùm là khí phách, tinh thần của đoàn quân ấy, như mang oai linh của chúa sơn lâm rừng thẳm
- Mắt trừng là chi tiết cực tả sự giận dữ, phẫn nộ, sôi sục hướng về nhiệm vụ chiến đấu
=> Thủ pháp đối lập được sử dụng đắc địa trong việc khắc hoạ sự tương phản giữa ngoại hình ốm yếu và nội tâm mãnh liệt, dữ dội, ngang tàng.
* Lí tưởng, khát vọng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
- Câu thơ thứ nhất nếu tách ra khỏi đoạn thơ sẽ là một bức tranh hết sức ảm đạm:
+ Rải rác đây đó nơi biên cương của Tổ quốc, nơi rừng hoang lạnh lẽo xa xôi là những nấm mồ vô danh không một vòng hoa, không một nén hương tưởng niệm. Hai chữ “rải rác” gợi vẻ hiu hắt, quạnh quẽ thật ảm đạm và thê lương.
+ Trong một câu thơ mà tác giả sử dụng tới hai từ Hán Việt biên cương, viễn xứ mang màu sắc trang trọng cổ kính như để bao bọc cho những nấm mồ xa xứ ấy một bầu không khí thiêng liêng đượm vẻ ngậm ngùi, thành kính.
- Mặc dù khung cảnh ấy hàng ngày vẫn trải ra trên các cung đường hành quân của người lính Tây Tiến nhưng nó không đủ sức làm các anh nản chí sờn lòng, mà trái lại càng nung nấu quyết tâm “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.
+ Đời xanh là tuổi trẻ, là bao mơ ước, khát vọng đang ở phía trước. Nhưng không gì quý hơn Tổ quốc, không có tình yêu nào cao hơn tình yêu Tổ quốc. Nên hai chữ “chẳng tiếc” vang lên thật quyết liệt, dứt khoát như một lời thề chém đá.
* Sự hi sinh của họ:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
- Trong bài thơ, Quang Dũng không hề né tránh hiện thực khắc nghiệt, dữ dội. Trong chặng đường hành quân, nhiều người lính không thể vượt qua đã gục lên súng mũ bỏ quên đời. Dọc đường Tây Tiến cũng là vô vàn những nấm mồ liệt sĩ mọc lên “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”… Và bây giờ, một lần nữa tác giả nhắc đến sự ra đi của họ: Áo bào thay chiếu anh về đất. Người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có đến cả mảnh chiếu để che thân, đồng đội phải đan cho họ những tấm nứa, tấm tranh…
- Thế nhưng tác giả đã cố gắng làm giảm đi tính chất bi thương:
+ Áo bào (áo mặc ngoài của các vị tướng thời xưa) đã khiến họ trở thành những chiến tướng sang trọng:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
+ Về đất là cách nói giảm nói tránh, cái chết lại là sự tựu nghĩa của những người anh hùng, thanh thản và vô tư sau khi đã làm tròn nhiệm vụ (liên hệ câu thơ của Tố Hữu: Thanh thản chết như cày xong thửa ruộng…)
+ Sông Mã gầm lên khúc độc hành vừa dữ dội vừa hào hùng, khiến cái chết, sự hi sinh của người lính Tây Tiến không bi luỵ mà thấm đẫm tinh thần bi tráng. Sông Mã tấu lên bản nhạc dữ dội của núi rừng như loạt đại bác đưa tiễn những anh hùng của dân tộc về nơi vĩnh hằng.
b. Vẻ đẹp lãng mạn của người lính Tây Tiến:
- Thế giới tâm hồn đầy mộng mơ thể hiện qua nỗi nhớ:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
- Những người lính Tây Tiến không phải là những người khổng lồ không tim, bên trong cái vẻ oai hùng, dữ dằn của họ là những tâm hồn, những trái tim rạo rực, khát khao yêu đương “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Dáng kiều thơm gợi vẻ đẹp yêu kiều, thướt tha thanh lịch của người thiếu nữ Hà thành, là cái đẹp hội tụ sắc nước hương trời. Những giấc mơ mang hình dáng kiều thơm đã trở thành động lực để giúp người lính vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; đã thúc giục họ tiến lên phía trước; và cũng là sợi dây thiêng liêng của niềm tin mang họ vượt qua bom đạn trở về.
c. Nghệ thuật thể hiện
- Thể thơ 7 tiếng mang giọng điệu hào hùng như một khúc quân hành.
- Kết hợp hài hòa giữa cái nhìn hiện thực với cảm hứng lãng mạn.
- Những vần thơ giàu chất nhạc, chất họa.
- Hình ảnh thơ vừa gân guốc, khỏe khoắn, vừa mềm mại, trữ tình.
- Thủ pháp tương phản – đối lập – những yếu tố nghệ thuật mang dấu ấn thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn.
- Ngôn ngữ vừa giản dị, trẻ trung vừa có yếu tố cổ điển trang trọng.
- Cách nói giảm, nói tránh kết hợp với bút pháp phóng đại, lí tưởng hóa.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com
soanvan.me