Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc đoạn trích:

Không có bầu trời những sắc màu thành vô nghĩa

Không có bầu trời

Trái đất không nhà

Trái đất mồ côi!

Những lá cờ ơi

Lửa cháy nhiều rồi

Hãy nhìn trời cao

Mây không biên giới

Những cánh chim cũng không biên giới bao giờ!

Hãy nhìn đôi mắt trẻ thơ

Bao nhiêu sao sáng thắp bờ nhận gian!

(Trích Thơ viết bên những lá cờ ở Liên hợp quốc – Trương Anh Tú, theo vannghequandoi.com.vn)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo đoạn trích, nếu không có bầu trời, điều gì sẽ xảy ra?

Câu 3. Em hiểu nội dung hai dòng thơ sau như thế nào?

Hãy nhìn đôi mắt trẻ thơ

Bao nhiêu sao sáng thắp bờ nhân gian!

Câu 4. Nếu là sứ giả hòa bình, em sẽ gửi đến thế giới thông điệp gì để cuộc sống tốt đẹp hơn? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,00 điểm)

Câu 1. (2,00 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những việc cần làm để xóa bỏ ngăn cách giữa người với người.

Câu 2. (5,00 điểm) Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long).

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU:

Câu 1.

Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Phương pháp: Căn cứ bài các phương thức biểu đạt đã học.

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính là: biểu cảm.

Câu 2.

Theo đoạn trích, nếu không có bầu trời, điều gì sẽ xảy ra?

Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.

Cách giải:

Nếu không có bầu trời thì: màu sắc thành vô nghĩa, trái đất không không nhà, trái đất mồ côi.

Câu 3.

Em hiểu nội dung hai dòng thơ sau như thế nào?

Hãy nhìn đôi mắt trẻ thơ

Bao nhiêu sao sáng thắp bờ nhân gian!

Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, phân tích.

Cách giải:

Câu thơ trên có thể hiểu: đôi mắt trẻ thơ chất chứa tương lai, niềm hi vọng của nhân loại. Đôi mắt ấy cũng như những vì sao sáng thắp lên niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai tốt đẹp.

Câu 4.

Nếu là sứ giả hòa bình, em sẽ gửi đến thế giới thông điệp gì để cuộc sống tốt đẹp hơn? Vì sao?

Phương pháp: Phân tích, lí giải, tổng hợp.

Cách giải:

Học sinh lựa chọn thông điệp khiến cuộc sống tốt đẹp hơn và đưa ra lí giải phù hợp.

Gợi ý:

- Thông điệp em muốn đưa ra để có cuộc sống tốt đẹp hơn đó là thế giới không còn chiến tranh.

- Vì: Khi thế giới không còn chiến tranh con người, đặc biệt là trẻ em sẽ được quan tâm và phát triển mọi mặt về y tế, giáo dục. Những trẻ em sẽ được sống trong cuộc sống yên bình, sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, thầy cô, bạn bè. ….

II. LÀM VĂN: 

Câu 1:

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những việc cần làm để xóa bỏ ngăn cách giữa người với người.

Phương pháp: Phân tích, lí giải, tổng hợp.

Cách giải:

a. Yêu cầu hình thức: Viết đúng một đoạn văn 200 chữ.

b. Yêu cầu nội dung:

* Xác định đúng vấn đề nghị luận: Những việc cần làm để xóa bỏ ngăn cách giữa người với người.

* Bàn luận:

- Khoảng cách giữa người với người là gì? Khoảng cách giữa người với người được hiểu là những khoảng trống giữa con người với nhau mà ở đó, con người không tìm được sự tương đồng, tiếng nói chung, sự gần gũi hay sự thông cảm.

- Khoảng cách giữa người với người được tạo ra do đâu?

+ Khoảng cách giữa người với người được tạo ra do sự xa cách về thời gian, không gian.

+ Khoảng cách giữa người với người được tạo ra từ khoảng cách thế hệ.

+ Khoảng cách giữa người với người được tạo ra từ giai cấp, mức sống, địa vị xã hội,…

- Làm thế nào để xóa bỏ khoảng cách giữa người với người?

+ Đối với những người thân yêu, chúng ta hãy cố gắng yêu thương nhiều hơn, cố gắng chia sẻ, cảm thông để xóa đi khoảng cách thế hệ, gắn kết những người thân lại với nhau.

+ Đối với các mối quan hệ xã hội, chúng ta hãy biết cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ từ đó thấu hiểu và chia sẻ với họ. Điều ấy sẽ giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách giữa người với người.

+ Con người hãy học cách cho đi yêu thương, đặt cái tôi vị kỉ xuống để thu hẹp khoảng cách giữa con người với nhau.

+ Biết trân trọng những giá trị tinh thần, không vì vật chất mà có sự phân biệt, xa cách với người khác.

+ Sống bao dung, tích cực, trân trọng các mối quan hệ trong cuộc sống. Thường xuyên giữ liên lạc với người thân, bạn bè. Không để công việc bận rộn cuốn đi mà quên mất những người xung quanh mình.

- Bàn luận mở rộng:

+ Hiện nay trong cuộc sống có rất nhiều người vì cuộc sống bộn bề mà dần tạo ra khoảng cách giữa những người thân bạn bè. Dần dần sẽ đánh mất những mối quan hệ quý giá. Điều đó sẽ khiến cuộc sống chúng ta trở nên vô vị, tẻ nhạt và không có ý nghĩa.

Câu 2: 

Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long)

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa: Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của tác giả Nguyễn Thành Long lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế ở Lào Cai và nhân vật anh thanh niên đang làm nhiệm vụ khí tượng chính là hình ảnh trung tâm, ca ngợi những đóng góp thầm lặng của những người lao động trong công cuộc xây dựng đất nước.

2. Thân bài

* Giới thiệu tình huống truyện

- Cuộc gặp gỡ giữa anh thanh niên làm việc ở một mình trên trạm khí tượng với bác lái xe, ông kĩ sư và cô họa sĩ trên chuyến xe lên Sa Pa.

- Tình huống truyện đặc sắc, tạo điều kiện bộc lộ tư tưởng, quan điểm của tác giả khi ngợi ca con người lao động.

* Phân tích nhân vật anh thanh niên

- Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên:

+ Làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 m, quanh năm sống với hoa cỏ.

+ Công việc của anh: đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dựa vào công việc dự báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu.

+ Công việc đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác cũng như tinh thần trách nhiệm cao (nửa đêm đi ốp dù trời mưa tuyết, giá lạnh)

=> Điều gian khổ nhất chính là vượt qua nỗi cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng chỉ sống trên đỉnh núi một mình.

- Những nét đẹp trong cách sống, suy nghĩ, hành động và quan hệ tình cảm với mọi người:

+ Vượt lên hoàn cảnh sống khắc nghiệt, anh có suy nghĩ rất đẹp:

  • Với công việc khắc nghiệt gian khổ, anh luôn yêu và mong muốn được làm việc ở điều kiện lý tưởng (đỉnh cao 3000m).
  • Anh có những suy nghĩ đúng đắn, sâu sắc về cuộc sống con người: “khi ta làm việc, ta với công việc là một, sao lại gọi là một mình được”.
  • Anh thấu hiểu nỗi vất vả của đồng nghiệp.
  • Quan niệm về hạnh phúc của anh thật đơn giản và tốt đẹp.

+ Hành động, việc làm đẹp: Mặc dù chỉ có một mình không ai giám sát nhưng anh luôn tự giác hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao (nửa đêm đúng giờ ốp dù mưa gió thế nào anh cũng trở dậy ra ngoài trời làm việc một cách đều đặn và chính xác 4 lần trong một ngày)

+ Anh thanh niên có phong cách sống cao đẹp:

  • Anh có nếp sống đẹp khi tự sắp xếp công việc, cuộc sống của mình ở trạm một cách ngăn nắp: có vườn rau xanh, có đàn gà đẻ trứng, có vườn hoa rực.
  • Đó là sự cởi mở chân thành với khách, quý trọng tình cảm của mọi người.
  • Anh còn là người khiêm tốn, thành thực cảm thấy công việc của mình có những đóng góp chỉ là nhỏ bé.

=> Chỉ bằng những chi tiết và chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc của truyện, tác giả phác họa được chân dung nhân vật chính với vẻ đẹp tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa công việc.

+ Anh thanh niên đại diện cho người lao động.

  • Anh thanh niên là đại diện chung cho những người lao động nhiệt huyết, sống đẹp, cống hiến vì Tổ quốc một cách thầm lặng, vô tư.
  • Những con người khiêm tốn, giản dị, trung thực, âm thầm thực hiện công việc nhiệm vụ được giao.

3. Kết bài

- Nêu cảm nhận hình tượng anh thanh niên: Hình tượng nhân vật anh thanh niên miệt mài, hăng say lao động vì lợi ích đất nước, có sức lan tỏa tới những người xung quanh.

- Tác giả rất thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật anh thanh niên cùng những người đồng nghiệp thầm lặng cống hiến sức trẻ, thanh xuân cho đất nước, dân tộc.

- Nhắc nhở thế hệ trẻ lòng biết ơn, trách nhiệm với vận mệnh quốc gia.