Đề bài

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và viết ra tờ giấy thi chữ cái in hoa trước đáp án đúng:

“Bây giờ là buổi trưa, Im ắng lạ. Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát, bởi tôi bịa lộn xộn mà ngơ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình.”

(Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

Câu 1.

Đoạn văn trên được trích trong tác phẩm nào?

A. Những ngôi sao xa xôi

B. Lặng lẽ Sa Pa

C. Làng

D. Chiếc lược ngà

Câu 2.

Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là gì?

A. Miêu tả

B. Tự sự

C. Biểu cảm

D. Thuyết minh

Câu 3.

Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết câu nào là chủ yếu?

A. Phép thế

B. Phép nối

C. Phép liên tưởng

D. Phép lặp từ ngữ

Câu 4.

Trong đoạn trích, “Tôi” để chỉ nhân vật nào?

A. Ông Hai

B. Ông Sáu

C. Phương Định

D. Anh thanh niên

II. PHẦN TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Câu 5 (3,0 điểm)

“Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn?”

(Tố Hữu - Một khúc ca)

Em hãy viết một đoạn văn trả lời cho câu hỏi trên của nhà thơ Tố Hữu. Trong đoạn văn, sử dụng ít nhất một câu có chứa thành phần phụ chú. Gạch chân dưới câu chứa thành phần phụ chú đó.

Câu 6 (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu trong đoạn trích “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016).

Lời giải chi tiết

Phần I

Câu 1

Đoạn văn trên được trích trong tác phẩm nào?

A. Những ngôi sao xa xôi

B. Lặng lẽ Sa Pa

C. Làng

D. Chiếc lược ngà

Phương pháp: căn cứ Những ngôi sao xa xôi

Cách giải:

A. Những ngôi sao xa xôi

Câu 2

Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là gì?

A. Miêu tả

B. Tự sự

C. Biểu cảm

D. Thuyết minh

Phương pháp: căn cứ các PTBĐ đã học

Cách giải:

B. Tự sự

Câu 3

Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết câu nào là chủ yếu?

A. Phép thế

B. Phép nối

C. Phép liên tưởng

D. Phép lặp từ ngữ

Phương pháp: căn cứ Liên kết câu, đoạn văn

Cách giải:

D. Phép lặp từ ngữ

Câu 4

Trong đoạn trích, “Tôi” để chỉ nhân vật nào?

A. Ông Hai

B. Ông Sáu

C. Phương Định

D. Anh thanh niên

Phương pháp: căn cứ Những ngôi sao xa xôi

Cách giải:

C. Phương Định

Phần II

Câu 5

“Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn?”

(Tố Hữu - Một khúc ca)

Em hãy viết một đoạn văn trả lời cho câu hỏi trên của nhà thơ Tố Hữu. Trong đoạn văn, sử dụng ít nhất một câu có chứa thành phần phụ chú. Gạch chân dưới câu chứa thành phần phụ chú đó

Phương pháp: phân tích

Cách giải:

1. Giới thiệu vấn đề

2. Bàn luận

Người có lối sống đẹp là người:

- Sống đẹp là sống thật con người mình, sống là mình một cách chân thành, sống không trái với lương tâm của một con người.

- Sống đẹp là sống yêu thương, trân trọng, sẻ chia với mọi người, trân trọng những gì mình có, đồng thời cũng biết căm ghét những điều xấu xa

- Sống đẹp là biết cố gắng, nỗ lực hoàn thiện bản thân, có ước mơ, có nghị lực thực hiện ước mơ.

- Sống đẹp không chỉ là sống cho riêng mình mà là dùng tài năng, công sức của mình để cống hiến làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Ý nghĩa của việc sống đẹp

- Khi ta có một cách sống đẹp, bản thân mới thực sự có giá trị, ta sẽ nhận được sự yêu thương, giúp đỡ từ người khác.

- Nếu mỗi người đều có một lối sống tích cực thì sẽ không còn khoảng cách giữa người nữa.

Bàn luận, mở rộng

- Bên cạnh những người có lối sống đẹp lại có những người sống tiêu cực: ích kỉ, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, sống vô cảm, thờ ơ, sa vào tệ nạn, ...

- Sống đẹp không phải chỉ ngày một ngày hai có thể làm được, nó thể hiện ở nhũng hành động nhỏ nhất trong suốt đời người.

3. Liên hệ bản thân và tổng kết

Câu 6

Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu trong đoạn trích “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016).

Phương pháp: phân tích

Cách giải:

1. Giới thiệu chung

- Nguyễn Quang Sáng là nhà văn miền Nam, những tác phẩm của ông chủ yếu viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.

Chiếc lược ngà được sáng tác năm 1966 khi tác giả tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ.

- Tác phẩm:

+ Ca ngợi tình cha con thắm thiết, sâu nặng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Từ đó khẳng định tình cảm cha con thiêng liêng như một giá trị nhân bản sâu sắc.

+ Gợi cho người đọc nghĩ tới và thấm thía những đau thương, mất mát và éo le mà chiến tranh đã gây ra với con người.

2. Tình yêu thương cha sâu nặng của bé Thu.

a. Trước khi nhận ông Sáu là cha:

- Bé Thu gặp lại cha sau 8 năm xa cách, một người mà Thu mới chỉ nhìn thấy trong ảnh. Nhưng ngay từ lần đầu gặp mặt, cô bé đã vô cùng hoảng sợ và phải gọi “Má!Má!”, nó nhìn ông Sáu bằng đôi mắt xa lạ.

- Rồi những ngày sau đó Thu tỏ ra ngang ngạnh, bướng bỉnh, gan lì kiên quyết không gọi ông Sáu là ba. Bị mẹ ép gọi ba vào ăn cơm nó chỉ nói trống không, khi bị đẩy tới bước đường cùng chắt nước cơm nó cũng linh hoạt tự làm một mình.

- Nhất là khi ông Sáu gắp cho nó cái trứng cá, nó hất ra khỏi bát cơm, khiến cơm văng tung tóe. Lúc bị đánh những tưởng nó sẽ khóc, nhìn bằng ánh mắt căm giận, nhưng nó chỉ lặng lẽ gắp cái trứng cá ra rồi bỏ về nhà ngoại. Nó không chấp nhận bất cứ sự quan tâm nào của ông Sáu với nó.

=> Đây là sự biểu hiện của một cái tính mạnh mẽ, đồng thời cũng rất phù hợp với tâm lý thường thấy của con người. Bởi trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, Thu còn quá nhỏ để biết được những tình thế khắc nghiệt và éo le của cuộc sống.

=> Nhưng đằng sau tất cả sự từ chối đến cứng đầu đấy của bé Thu là tình yêu thương cha mãnh liệt.

b. Khi được bà ngoại giải thích:

Tuy nhiên khi được nghe bà ngoại giải thích, anh Sáu không giống trong bức ảnh thì bé Thu hiểu ra mình đã sai. Thu đã rất ân hận về hành động của mình.

c. Nhận ra cha

- Phản ứng không nhận anh Sáu quyết liệt bao nhiêu thì khi nhận ra cha tình cảm ấy lại càng sâu nặng bấy nhiêu. Trong giờ phút cuối cùng trước khi cha đi, tình cảm dồn nén bấy lâu nay bùng lên thật mãnh liệt, mạnh mẽ.

- Nó thét tiếng “Ba” xé ruột, xé gan. Đó là tiếng “ba” nó mong chờ bấy lâu nay, tiếng gọi ấy khiến ông Sáu rơi lệ.

- Rồi nó nhảy tót lên ôm chặt lấy ông Sáu, hôn vào tóc, vai, mặt, mũi và cả vết thẹo dài trên mặt ông. Chân nó quắp chặt lấy ba, như thể không muốn cho ông rời đi.

=> Tất cả những hành động ấy cho thấy Thu yêu thương ba vô cùng, một tình yêu mãnh liệt, chân thành, thắm thiết. Tình yêu đó được bộ lộ một cách cảm động qua hoàn cảnh éo le của chiến tranh.

d. Đặc sắc nghệ thuật

- Miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật đặc sắc.

- Ngôn ngữ giản dị, đậm chất Nam Bộ.

- Tình huống bất ngờ hợp lí, đã bộc lộ tình yêu thương tha thiết bé Thu dành cho ba của mình

3. Đánh giá chung

- Tác phẩm đã thể hiện một cách chân thực và cảm động tình cảm yêu thương sâu nặng của bé Thu dành cho cha của mình trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.

- Miêu tả tâm lí nhận vật đặc sắc, giàu sức biểu cảm.