Đề bài
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (2.0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các yêu cầu bên dưới.
Buổi sớm nắng sáng. Những cánh buồm nâu trên biển được nắng chiếu vào hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh.
Lại đến một buổi chiều gió mùa đông bắc vừa dừng. Biển lặng đỏ đục, đầy như mâm bánh đúc, loáng thoáng những con thuyền như những hạt lạc ai ai đem rắc lên trên.
Rồi ngày mưa rào. Mưa giăng giăng bốn phía. Có quãng nắng xuyên xuống biển óng ánh đủ màu: xanh lá mạ, tím phớt, hồng, xanh biếc,…. Có quãng biển thâm xì, nặng trịch. Những cánh buồm ra khỏi cơn mưa, ướt đẫm, thẫm lại, khỏe nhẹ, bồi hồi, như ngực áo bác nông dân cày xong ruộng về bị ướt.
(Trích Biển đẹp, Vũ Tú Nam, Ngữ văn 6, tập 2, NXBGD)
Câu 1: (0.5 điểm) Nhận biết
Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản
Câu 2: (0.5 điểm) Thông hiểu
Biển được miêu tả ở những thời điểm nào? Tác giả miêu tả như vậy với dụng ý gì?
Câu 3: (1.0 điểm) Vận dụng
Trong văn bản có nhiều hình ảnh so sánh, em ấn tượng nhất với hình ảnh nào? Vì sao? Trình bày khoảng 5 -7 dòng.
PHẦN II. LÀM VĂN (8.0 điểm)
Câu 1. (3.0 điểm) Vận dụng cao
Người Nga có câu: Nếu có hai cái bánh mì, tôi sẽ bán một cái để mua hoa hồng. Cả tâm hồn cũng cần được ăn uống. Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 đến 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên.
Câu 2. (5.0 điểm) Vận dụng cao
Cái đẹp mà văn học đem lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật.
(Dẫn theo Lí luận văn học, Hà Minh Đức chủ biên, NXB Giáo dục)
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của mình về một số tác phẩm/ Đoạn trích trong chương trình ngữ văn 9 hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Lời giải chi tiết
I.
Câu 1:
Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: miêu tả.
Câu 2:
Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích
Cách giải:
Biển được miêu tả ở những thời điểm:
+Buổi sớm nắng sáng
+Buổi chiều gió mùa đông bắc vừa dừng
+Một ngày mưa rào.
Tác giả miêu tả như vậy nhằm: cho thấy vẻ đẹp của biển vào mỗi thời khắc khác nhau. Mỗi thời khác, biển lại hiện lên với một vẻ đẹp riêng, mơ mộng.
Câu 3:
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Em có thể chọn bất cứ hình ảnh so sánh nào mà mình cảm thấy ấn tượng nhất và lí giải cách chọn lựa của mình cho phù hợp.
Ví dụ: Những cánh buồm nâu trên biển được nắng chiếu vào hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh.
Vì:
- Làm câu văn thêm phần sinh động, hấp dẫn.
- Làm nổi bật vẻ đẹp rực rỡ của những cánh buồn, chúng như một sinh thể sống vô cùng sinh động.
II.
Câu 1.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
*Nêu vấn đề.
*Giải thích vấn đề:
- Chiếc bánh mì: biểu tượng cho những giá trị vật chất.
- Hoa hồng: biểu tượng cho những giá trị tâm hồn.
=> Cả câu nói muốn nhấn mạnh: con người không chỉ cần những giá trị vật chất mà còn cần cả những giá trị tinh thần. Một con người sống một cuộc đời đầy đủ là khi được đáp ứng cả nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần.
*Phân tích, bàn luận vấn đề:
- Tại sao con người cần cả những giá trị vật chất và tinh thần?
+ Giá trị vật chất nuôi dưỡng con người về mặt thể lực, giá trị tinh thần nuôi dưỡng con người về mặt tâm tư, tình cảm. Khi có đầy đủ hai giá trị này, con người mới có thể phát triển một cách toàn vẹn.
+ Hai giá trị này hỗ trợ cho nhau. Một con người có tinh thần ổn định mới làm ra được nhiều giá trị vật chất và khi có giá trị vật chất tức là con người cũng cần lao động, lúc đó họ có thể đã trải qua một quá trình vất vả và họ cần giá trị tinh thần để hài hòa cuộc sống của mình,…
+ Nếu con người khiếm khuyết một trong hai giá trị này đều được coi là người phát triển không bình thường.
+ Nếu chúng ta biết sử dụng đúng giá trị vật chất, những điều tốt đẹp sẽ không mất đi mà còn đem đến cho chúng ta những giá trị tinh thần nhiều hơn nữa.
- Phê phán những con người không biết cần bằng hai giá trị này, chỉ chạy theo giá trị vật chất hoặc giá trị tinh thần.
- Liên hệ bản thân.
Câu 3.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề
2. Giải thích nhận định
- Cái đẹp của một tác phẩm văn học: là những tư tưởng tốt đẹp, cao cả được thể hiện qua một hình thức nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo.
- Văn học bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Cuộc sống là điểm xuất phát (cảm hứng, đề tài…) và cũng là đích đến của tác phẩm văn học, bởi lẽ văn học được sáng tác để phục vụ cho cuộc sống con người.
- Tác phẩm văn học chỉ có ý nghĩa thẩm mĩ, chỉ chinh phục được trái tim con người khi nó đụng chạm đến những vấn đề con người đang quan tâm, đang trăn trở.
- Tác phẩm văn học phản ánh cuộc sống qua sự tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, độc đáo cả về mặt nội dung lẫn hình thức nghệ thuật
=> Vẻ đẹp của một tác phẩm văn học phải có sự hài hoà cả về mặt nội dung lẫn hình thức và nó phải nảy nở, bắt rễ từ hiện thực đời sống.
3. Chứng minh vấn đề
Học sinh lựa chọn một vài tác phẩm để phân tích như: Kiều ở lầu Ngưng Bích, Ánh trăng, Chiếc lược ngà, Lặng lẽ Sa Pa, Làng,…
Ví dụ:
a. Ánh trăng – Nguyễn Duy
- Giới thiệu nội dung tác phẩm
- Giá trị nội dung:
+ Sự gắn bó của con người và vầng trăng trong quá khứ
+ Mối quan hệ giữa con người và vầng trăng trong hiện tại:
- Cuộc sống hòa bình làm con người quên đi người bạn khi xưa, vầng trăng chỉ như “người dưng” qua đường.
- Biến cố dẫn đến sức thức tỉnh của con người.
+ Sự thức tỉnh của con người.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ ngũ ngôn với nhiều sáng tạo độc đáo.
+ Sự kết hợp hài hòa giữa chất tự sự và trữ tình.
+ Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, gần gũi mà giàu sức gợi.
+ Giọng điệu tâm tình thấm thía, khi thì thiết tha cảm xúc, lúc lại trầm lắng, suy tư.
=> Với khoảnh khắc giật mình, nhà thơ đã gieo vào lòng người đọc niềm tin và sức sống mãnh liệt của lương tri con người. Đây cũng là lời nhắn gửi con người không được lãng quên quá khứ gian khổ mà sâu đậm nghĩa tình. Lời nhắc nhở về nghĩa tình thiêng liêng của nhân dân, đất nước và đạo lí uống nước nhớ nguồn.
b. Làng – Kim Lân
- Nội dung
+ Niềm tự hào, nỗi nhớ về làng cũng mang nét mới: Xa làng đi tản cư, ông Hai nhớ làng, vẫn giữ thói quen khoe làng, tự hào về làng .
+ Ông gắn danh dự của mình với danh dự của làng, cho thấy sự gắn bó sâu sắc với làng, với nước bằng tất cả niềm vui, nỗi buồn.
+ Thái độ thù làng Chợ Dầu theo Tây, làm Việt gian thể hiện tình cảm với làng, với nước rất rạch ròi, quyết liệt: làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù. Đó là một nhận thức mới mẻ, sáng suốt, cho thấy người nông dân đã biết đặt danh dự, lợi ích của dân tộc lên trên hết.
+ Người nông dân còn biết hi sinh đến tận cùng cho cuộc kháng chiến, dù tài sản bị đốt nhưng ông vẫn vô cùng hạnh phúc bởi danh dự của làng của bản thân đã được khôi phục.
- Nghệ thuật
+ Xây dựng tình huống truyện tự nhiên, bất ngờ, cảm động, tạo ra bước ngoặt về tâm lí, làm nổi bật nhân vật...
+ Miêu tả tâm lí nhân vật chân thực, phong phú, sống động, điển hình.
+ Lựa chọn chi tiết tự nhiên, chân thực nhưng rất tinh tường khiến cho nhân vật hiện lên có những nét ấn tượng riêng (kể cả ngoại hình và nội tâm).
+ Ngôn ngữ dân dã, bình dị, tự nhiên rất phù hợp với nhân vật: có sự hài hòa giữa ngôn ngữ độc thoại và đối thoại làm nổi bật tâm trạng nhân vật.
=> Truyện ngắn Làng đã phát hiện ra những nét mới mẻ trong lòng yêu nước của nhân vật ông Hai. Để có những phát hiện mới mẻ này tác giả đã phải tìm tòi, nghiên cứu một cách cẩn trọng. Đồng thời có sự gắn bó, am hiểu tâm lí người nông dân sâu sắc.
4. Tổng kết
- Một tác phẩm văn học bao giờ cũng phải bắt nguồn và phục vụ cuộc sống, đem đến cho người đọc những bài học giá trị nhân văn tốt đẹp, hướng con người đến cái đích chân – thiện – mĩ.
- Đồng thời tác phẩm văn chương cũng phải có nội dung hay, hình thức nghệ thuật hấp dẫn.
- Đòi hỏi người nghệ sĩ phải lao động nghệ thuật nghiêm túc, không ngừng sáng tạo.
Nguồn: Sưu tầm
soanvan.me