Đề bài

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới:

“Người đồng mình thương lắm con ơi 
Cao đo nỗi buồn 
Xa nuôi chí lớn 
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn 
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh 
Sống trong thung không chê thung nghèo đói 
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh. 
Không lo cực nhọc”

(SGK Ngữ văn 9, tập II, NXB GD Việt Nam, trang 72) 

Câu 1. Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào? Do tác giả nào sáng tác? (0,5 điểm) 

Câu 2. Em hiểu “Sống như sông như suối” là sống như thế nào? (0,5 điểm) 

Câu 3. Hãy tìm và nêu ngắn gọn tác dụng của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ. (1,0 điểm) 

Câu 4. Trong đoạn thơ, người cha đã thể hiện mong muốn gì? Theo em, những mong muốn đó có ý nghĩa như thế nào? (1,0 điểm) 

Phần II. Làm văn (7,0 điểm) 

Câu 1 (2,0 điểm)

Em hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của mình về thái độ cần có với quê hương đất nước. 

Câu 2 (5,0 điểm)

Trình bày cảm nhận của em về tình cha con trong đoạn trích sau:

"... Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.

Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giấy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao. 

- Thôi! Ba đi nghe con! - Anh Sáu khe khẽ nói.

Chúng tôi, mọi người - kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

- Ba... a... a...ba!

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xẻ cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng "ba" mà nó có đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng "ba" như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thốt lên và dang hai tay ôm chặt lấy cô ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên." 

(“Chiếc lược ngà” - Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập 1, NXB GD Việt Nam, trang198)

Lời giải chi tiết

Phần I

Câu 1

Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào? Do tác giả nào sáng tác? (0,5 điểm) 

Phương pháp: căn cứ bài Nói với con

Cách giải:

- Tác phẩm: Nói với con

- Tác giả: Y Phương.

Câu 2

Em hiểu “Sống như sông như suối” là sống như thế nào? (0,5 điểm) 

Phương pháp: phân tích

Cách giải:

Có thể hiểu “Sống như sông như suối” là: lối sống hồn nhiên, trong sáng, mạnh mẽ, phóng khoáng, vượt lên mọi gập ghềnh của cuộc đời.

Câu 3

Hãy tìm và nêu ngắn gọn tác dụng của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ. (1,0 điểm) 

Phương pháp: phân tích, căn cứ biện pháp so sánh

Cách giải:

- Biện pháp nghệ thuật: so sánh “Sống như sông như suối”

- Tác dụng:

+ Cách nói giàu hình ảnh, giúp người đọc dễ hình dung.

+ Với việc sử dụng biện pháp so sánh tác giả nhấn mạnh lối sống hồn nhiên, phong khoáng để vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống.

Câu 4

Trong đoạn thơ, người cha đã thể hiện mong muốn gì? Theo em, những mong muốn đó có ý nghĩa như thế nào? (1,0 điểm) 

Phương pháp: phân tích

Cách giải:

- Mong muốn của người cha với con:

+ Sống trên đá không chê đá gập gềnh

+ Sống trong thung không chê thu nghèo đói

+ Sống như sông như suối/ Lên thác xuống gềnh/ Không lo cực nhọc

- Ý nghĩa: Nhắc nhở con phải biết:

+ Yêu quý, trân trọng quê hương, nơi mình được sinh ra.

+ Tiếp nối truyền thống của cha ông: kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn.

Phần II

Câu 1

Em hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của mình về thái độ cần có với quê hương đất nước

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu vấn đề: Thái độ cần có với quê hương

2. Bàn luận vấn đề

- Quê hương là nơi mình được sinh ra, lớn lên, nơi có biết bao ki niệm tuổi thơ.

- Vai trò của quê hương đối với con người:

+ Quê hương là nơi ta được sinh ra, nuôi dưỡng ta khôn lớn.

+ Quê hương luôn bồi đắp cho con người những giá trị tinh thần cao quí (tình làng nghĩa xóm, tình cảm quê hương, gia đình sâu nặng...).

+ Quê hương luôn là điểm tựa vững vàng cho con người trong mọi hoàn cảnh, là nguồn cổ vũ, động viên, là đích hướng về của con người. 

- Thái độ cần có với quê hương:

+ Biết trân trọng, yêu quý quê hương.

+ Có thái độ sống tích cực, lối sống vì quê hương phục vụ, cống hiến để xây dựng quê hương giàu mạnh.

+ Bảo vệ và giữ gìn những vẻ đẹp vốn có của quê hương

+ …

- Bàn bạc mở rộng:

+ Phê phán một số người không coi trọng quê hương, không có ý thức xây dựng quê hương, thậm chí quay lưng, phản bội quê hương.

+ Tình yêu quê hương cũng đồng nhất với tình yêu đất nước, Tổ quốc.

- Liên hệ bản thân:

+ Xây đắp, bảo vệ quê hương, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mổi con người. 

+ Là học sinh, ngay từ bây giờ phải tu dưỡng, tích lũy kiến thức để sau này xây dựng, bảo vệ quê hương.

Câu 2

Trình bày cảm nhận của em về tình cha con trong đoạn trích sau:

"... Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.

Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giấy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao. 

- Thôi! Ba đi nghe con! - Anh Sáu khe khẽ nói.

Chúng tôi, mọi người - kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

- Ba... a... a...ba!

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xẻ cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng "ba" mà nó có đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng "ba" như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thốt lên và dang hai tay ôm chặt lấy cô ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên." 

(“Chiếc lược ngà” - Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập 1, NXB GD Việt Nam, trang198)

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Về hình thức: đáp ứng yêu cầu hình thức một bài văn: có 3 phần (MB,TB,KB)

Về nội dung: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, miễn sao có thể thấy được sự thay đổi trong hành động, ý thức của bé Thu trong tình cảm, hành xử đối với người cha của mình.

Sau đây là gợi ý dàn bài chi tiết:

1. Mở bài:

- Dẫn dắt.

- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Quang Sáng, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm "Chiếc lược ngà".

- Giới thiệu  đoạn trích: đoạn trích miêu tả cảnh bé Thu nhận ông Sáu là cha trước khi ông Sáu lên đường trở lại chiến trường.

2. Thân bài:

- Giới thiệu khái quát về hoàn cảnh của hai cha con: Anh Sáu đi kháng chiến chống Pháp từ khi đứa con duy nhất của anh chưa đầy một tuổi. Từ đó hai ba con chưa hề gặp lại nhau, cho đến khi anh được nghỉ phép ba ngày, anh đã trở vể thăm gia đình, nhưng đứa con gái tám tuổi không chịu nhận ba.

- Sau khi nghe bà ngoại giải thích, bé Thu đã trở về nhà trong sáng ngày ông Sáu lên đường về đơn vị. Con bé đã thay đổi hoàn toàn thái độ trong sự ngỡ ngàng của ông Sáu và mọi người.

+Nó cau có, bướng bỉnh mà buồn rầu và nghĩ ngợi sâu xa.

+Khi bắt gặp cái nhìn trìu mến, buồn bã của ba đôi mắt nó bỗng xôn xao. Đó là cái xôn xao của sự đồng cảm. Bé Thu nhận ra những tiếc nuối, xót xa, yêu thương trong ánh mắt của ba mình.

+Đến giây phút cuối cùng, khi ông Sáu cất lời từ biệt con bé mới cất lên tiếng gọi ba xé lòng

  • Tiếng gọi bị kìm nén suốt 8 năm
  • Tiếng gọi chất chứa bao tình yêu thương thắm thiết.

+Không chỉ vậy, nó xô đến ôm chặt lấy ba, hôn ba, hôn lên vết thẹo:

  • Con bé muốn giữ chặt ba, không cho ba đi.
  • Nó lo sợ ba sẽ đi mất.
  • Nó muốn bày tỏ tất cả tình yêu của mình dành cho ba.

->Trong khoảnh khắc, mọi khoảng cách với ba bị xóa bỏ. Cô bé không dấu diếm sự gắn bó và tình cảm của mình dành cho ba -> khiến mọi người xúc động.

->Miêu tả biến đổi tình cảm của bé Thu, tác giả đã 1 lần nữa tô đậm tình yêu ba tha thiết. Khi lạnh nhạt cũng như khi quấn quýt, bé Thu đều hướng đến ba mình.

->Qua đó, ta thấy bé Thu gan góc, bướng bỉnh nhưng rất giàu tình cảm và dễ xúc động.

- Đối với ông Sáu : Khi chia tay, ông bộc lộ tình yêu con sâu nặng.

+Anh không dám lại gần con, chỉ nhìn con bằng ánh mắt trìu mến, buồn râu.

->Ánh mắt cho thấy nỗi xót xa, cả sự yếu đuối của 1 người lính trước tình cảm gia đình.

+Giọt nước mắt mà ông cố dấu, lời hứa trở về cùng chiếc lược ngà cho con đã gói trọn tình cảm yêu thương, gắn bó sâu sắc, mãnh liệt mà ông dành cho con.

=>Tình yêu con của ông Sáu đã chiến thắng mọi khoảng cách của sự biệt li. Tình cảm ấy luôn vẹn nguyên, ấm áp và tràn đầy.

3. Kết bài: Tổng kết vấn đề