Đề bài

PHẦN I (5.0 điểm) Đọc bài thơ sau:

Yêu từng bờ ruộng, lối mòn,

Đỏ tươi bông gạo, biếc rờn ngàn dâu.

Yêu con sông mặt sóng xao,

Dòng sông tuổi nhỏ rì rào hát ca.

Yêu hàng ớt đã ra hoa

Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông.

Yêu sao tiếng mẹ ru nồng,

Tiếng thoi lách cách bên nong dâu tằm.

(Ta yêu quê ta, Lê Anh Xuân Thơ Thiếu nhi chọn lọc, NXB Vin học, 2017, tr.94)

Thực hiện các yêu cầu:

1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

2. Tìm hai từ láy tượng thanh có trong bài thơ.

3. Trong hai dòng thơ sau, cảnh vật quê ta hiện lên như thế nào?

Yêu từng bờ ruộng, lối mòn,

Đỏ tươi bông gạo, biếc rờn ngàn dâu.

4. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp điệp ngữ trong bài thơ.

5. Bài thơ đã đánh thức trong em tình cảm, suy nghĩ gì? Trình bày bằng một đoạn văn 5-7 câu.

II. Làm văn (5.0 điểm) Cảm nhận của em về nhân vật ông Sáu trong đoạn trích sau:

Tôi hãy còn nhớ buổi chiều hôm đó – buổi chiều sau một ngày mưa rừng, giọt mưa còn đọng trên lá, rừng sáng lấp lánh. Đang ngồi làm việc dưới tấm ni lông nóc, tôi bỗng nghe tiếng kêu. Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà.

Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Chẳng hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên mái tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Một ngày cuối năm năm mươi tám – năm đó ta chưa võ trang – trong một trận càn lớn của quân Mĩ – ngụy, anh Sáu bị hi sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.

- Tôi sẽ mang về và trao tận tay cho cháu.

Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.

Lời giải chi tiết

Phần I.

1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Phương pháp: căn cứ các thể thơ đã học.

Cách giải:

Đoạn văn trên được viết theo thể thơ lục bát.

2. Tìm hai từ láy tượng thanh có trong bài thơ

Phương pháp: căn cứ bài từ láy.

Cách giải:

Hai từ láy tượng thanh trong đoạn thơ: rì rào, lách cách.

3. Trong hai dòng thơ sau, cảnh vật quê ta hiện lên như thế nào?

Yêu từng bờ ruộng, lối mòn,

Đỏ tươi bông gạo, biếc rờn ngàn dâu.

Phương pháp: phân tích.

Cách giải:

Học sinh tự trình bày cảm nhận riêng của mình về cảnh vật được hiện lên qua hai dòng thơ. Chú ý lý giải.

Gợi ý:

- Cảnh vật hiện lên là những hình ảnh rất đỗi thân thuộc, gần gũi của làng quê Việt Nam. Đó là hình ảnh của bờ ruộng với những lối mòn, của hoa gạo, bãi dâu.

- Cảnh vật tạo cảm giác yên bình, nhẹ nhàng, khơi gợi cảm xúc người đọc về thời thơ ấu, đánh thức tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước của mỗi con người.

4. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp điệp ngữ trong bài thơ.

Phương pháp: phân tích.

Cách giải:

 Hiệu quả của biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong đoạn thơ trên:

- Nhấn mạnh tình yêu thương của tác giả dành cho từng hình ảnh của quê hương mình dù đó là những hình ảnh bình dị nhất, đơn giản và mộc mạc nhất.

- Tạo nhịp điệu, gợi hình gợi tả cho tác phẩm.

5. Bài thơ đã đánh thức trong em tình cảm, suy nghĩ gì? Trình bày bằng một đoạn văn 5-7 câu.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

Học sinh thực hiện đúng yêu cầu của đề bài

Về hình thức: Một đoạn văn từ 5 đến 7 câu.

- Về nội dung: Học sinh trình bày cảm nhận, tình cảm, suy nghĩ của riêng mình.

Gợi ý:

+ Mở đoạn: Nêu vấn đề cần bàn luận – Tình yêu quê hương đối với những điều bình dị nhất.

+ Thân đoạn:

+ Tình yêu quê hương đất nước là tình cảm gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật và con người nơi ta được sinh ra và lớn lên

++Quê hương gắn liền với những cảnh vật quen thuộc, những điều tưởng chừng rất đơn giản và bình dị

+Yêu quê hương từ những điều bình dị nhất chính là trân trọng tất cả những điều ấy, bảo vệ, giữ gìn và làm đẹp nhưng thứ bình dị đó.

+ Tình yêu quê hương không nhất thiết đến từ những điều lớn lao phi thương mà đôi khi nó đến từ những tình yêu nhỏ bé, từ những cống hiến thầm lặng.

(Học sinh tự lấy dẫn chứng phù hợp)

+ Kết đoạn: Khái quát vấn đề bàn luận, nêu cảm xúc của em.

Phần II.

Cảm nhận của em về nhân vật ông Sáu trong đoạn trích

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm "Chiếc lược ngà":

+ Nguyễn Quang Sáng (1932), quê ở An Giang.

+ Ông tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

+ Văn phong mộc mạc, đậm chất Nam Bộ.

+ Tác phẩm được sáng tác vào năm 1966, thời kì kháng chiến chống Mĩ

+ Chủ đề: tình cha con cảm động trong hoàn cảnh chiến tranh.

- Giới thiệu luận đề: Cảm nhận về hình ảnh ông Sáu khi ở chiến trường với tình cảm dành cho con mãnh liệt

2. Thân bài

a. Vị trí đoạn trích

Đoạn trích nằm ở phần gần cuối của tác phẩm khi nhân vật bác ba nhớ lại hình ảnh ông Sáu khi ở chiến trường với những tình cảm sâu sắc dành cho đứa con gái ở nhà.

b. Hình ảnh của ông Sáu được thể hiện trong đoạn trích.

Luôn cảm thấy ân hận, khổ tâm vì đã đánh con.

- Không quên lời hứa với con. Ông hiểu mơ ước ngây thơ của con. Cô bé muốn có 1 vật dụng để luôn nhớ về cha.

+ Dồn nỗi nhớ, tình yêu và sự day dứt vào việc làm chiếc lược ngà.

+ Ông tỉ mỉ cưa từng răng lược, cẩn thận khắc từng nét chữ “yêu nhớ tặng Thu con của ba”.

+ Lúc nhớ con, ông lấy cây lược ra ngắm nghía, mài lên mái tóc.

- Thậm chí, cái chết cũng không cướp đi được tình yêu thương con của ông Sáu.

+ Vết thương nặng trong một trận càn khiến ông kiệt sức, không trăng trối được điều gì nhưng ông vẫn dồn hết tàn lực móc cây lược trao cho đồng đội và gửi gắm đồng đội mình qua ánh mắt.

+ Cây lược ấy đã được trao lại cho bé Thu. Tình cha con đã không chết, nâng đỡ cô bé trưởng thành, vượt lên mọi đau thương mất mát.

->Ông Sáu là biểu tượng cho tình yêu thương, sự ân cần và che chở của người cha dành cho con mình. Qua đó ta thấy được sự bất tử của tình cảm cha con.

c. Đánh giá:

- Đoạn trích đã tái hiện thành công tình cha con sâu nặng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Từ đó, tác giả cho thấy sự tàn bạo của chiến tranh, những bi kịch cùng tình cảm gia định đẹp đẽ trong thời chiến.

+ Tình huống truyện bất ngờ, độc đáo, éo le

+ Phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc.

+ Lối kể chuyện tự nhiên, giàu cảm xúc.

+ Hình ảnh giản dị mà giàu sức gợi.

3. Kết bài

- Khẳng định lại hình ảnh của ông Sáu và ca ngợi tình cảm cha con đặc biệt là tình cảm của người cha được thể hiện thông qua đoạn trích.

- Nêu cảm nhận của bản thân.