Đề bài
Câu 1: (3.0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
“Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng an hem đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá, … KHông biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa? Những đường hầm bí mật chắc còn là khướt lắm. Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá”.
(SGK Ngữ Văn 9, tập một)
a. Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai?
b. Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu: Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng an hem đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá, …
c. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá.
Câu 2: (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở câu 1, hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ về vai trò của quê hương trong cuộc đời mỗi con người.
Câu 3: (5.0 điểm)
Phân tích đoạn thơ trong bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ,
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Lời giải chi tiết
Câu 1
a. Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai? |
Phương pháp: căn cứ bài Làng
Cách giải:
- Tác phẩm: Làng
- Tác giả: Kim Lân
b. Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu: Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng an hem đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá, … |
Phương pháp: căn cứ bài cấu tạo câu
Cách giải:
Ông // lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá.
CN VN
c. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá. |
Phương pháp: căn cứ Điệp ngữ
Cách giải:
- Phép điệp: Nhớ
- Nhấn mạnh nỗi nhớ làng tha thiết của ông Hai. Tạo nhịp điệu tha thiết cho câu văn.
Câu 2
Từ nội dung đoạn trích ở câu 1, hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ về vai trò của quê hương trong cuộc đời mỗi con người. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: vai trò của quê hương đối với cuộc đời mỗi người.
2. Bàn luận vấn đề
* Vai trò của quê hương:
- Quê hương là nguồn cội sinh dưỡng, nuôi lớn ta trưởng thành.
- Quê hương là chốn bình yên để ta trở về sau những vấp ngã của cuộc đời.
- Giúp mỗi con người sống tốt hơn trong cuộc đời, không quên nguồn cội.
- Nâng cao tinh thần và ý chí quyết tâm vươn lên của mỗi con người.
- Thúc đẩy sự phấn đấu hoàn thiện bản thân và tinh thần cống hiến giúp đỡ cộng đồng của mỗi cá nhân.
- Gắn kết cộng đồng, kéo con người lại gần nhau hơn trong mối quan hệ thân hữu tốt đẹp.
HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.
* Bàn luận mở rộng:
- Mỗi cá nhân nên xây dựng, bồi dưỡng cho mình tình yêu quê hương đất nước và có những hành động cụ thể để góp phần bảo vệ, xây dựng, làm đẹp cho quê hương.
- Nếu không có tình yêu thương đối với quê hương đất nước thì cuộc sống con người không còn hoàn chỉnh và thiếu đi nhiều ý nghĩa.
- Trong xã hội hiện nay, một bộ phận người dân thiếu ý thức trách nhiệm, sống vô tâm với mọi người, không biết đóng góp xây dựng quê hương đất nước ngược lại còn có những hành vi gây hại đến lợi ích chung của cộng đồng, ...
3. Tổng kế
Câu 3
Phân tích đoạn thơ trong bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ, Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền Vẫn biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trong tim! |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
2. Phân tích
a. Những cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác:
- Là nỗi tiếc thương, lòng biết ơn sâu nặng dành cho công lao của Bác.
+ Sáng tạo hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: mặt trời trên lăng – mặt trời tự nhiên, mặt trời trong lăng - ẩn dụ cho Bác. Bác đã mang lại ánh sáng chân lí, giúp dân tộc thoát khỏi kiếp sống nô lệ, khổ đau. Hình ảnh ẩn dụ đã vừa khẳng định, ngợi ca sự vĩ đại của Người vừa thể hiện tình cảm tôn kính, biết ơn của cả dân tộc đối với Người.
+ Hình ảnh “dòng người” đi liền với điệp từ “ngày ngày” gợi dòng thời gian vô tận và sự sống vĩnh cửu; mang giá trị tạo hình, vẽ lên quang cảnh những đoàn người nối tiếp nhau không dứt, lặng lẽ và thành kính vào viếng Bác. Lối nói “đi trong thương nhớ” thể hiện nỗi tiếc thương, nhớ nhung lớn lao của bao thế hệ người dân Việt Nam trong giây phút vào lăng viếng Bác.
+ “Tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”: 79 năm cuộc đời Người đã hiến dâng trọn vẹn cho quê hương, đất nước. Nó được kết từ hàng ngàn, hàng vạn trái tim để bày tỏ niềm tiếc thương, kính yêu vị cha già dân tộc. Đó cũng là cách để nhà thơ khẳng định Bác sống mãi trong lòng dân tộc.
b. Vào đến trong lăng tác giả đã thể hiện niềm thương nhớ, nỗi xót xa khi đứng trước di hài Người:
+ Tái hiện chân thực khung cảnh yên tĩnh, trang nghiêm trong lăng và dáng vẻ thư thái của Người. Ánh sáng dịu nhẹ như thế nơi đây có sự hiện diện của vầng trăng. Người nằm đó như đang nghỉ ngơi trong giấc ngủ bình yên.
+ Sử dụng lối nói giảm, nói tránh “giấc ngủ bình yên”. Câu thơ nói lên sự bình yên, thanh thản của Bác Hồ trong giấc ngủ ngàn thu, phải là một người sống có ích, hy sinh cho nước, cho dân, vì thế đến phút cuối người ra đi mà không hề ân hận, tiếc nuối. Vì thế dù đã về cõi vĩnh hằng, người say giấc ngủ ngàn thu mà chúng ta vẫn thấy được sự bình yên, thư thái, thanh thản. Bác vẫn chỉ “ngủ” mà thôi, ý nói là Bác vẫn còn sống mãi cùng chúng ta.
+ Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh”: khẳng định sự bất tử của Bác trong tâm hồn dân tộc.
+ “Nghe nhói”: gợi nỗi đau đột ngột, bất ngờ, tê tái của một đứa con về muộn, không được gặp Người mà chỉ được ở bên di hài của Người.
=> Đoạn thơ đã nói được nỗi lòng sâu kín của biết bao thế hệ con người Việt Nam dành cho Bác: lòng biết ơn, sùng kính, niềm thương nhớ, xót xa…
3. Tổng kết