Đề bài
I.PHẦN TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và viết vào bài văn làm chữ cái A, B, C hoặc D đứng trước lựa chọn em cho là đúng.
“Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung…”.
Câu 1.
Đoạn văn trên được trích trong tác phẩm nào?
A.Những ngôi sao xa xôi.
B.Lặng lẽ Sa Pa.
C.Làng.
D.Chiếc lược ngà
Câu 2.
Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính?
A.Tự sự.
B. Miêu tả.
C.Biểu cảm.
D.Thuyết minh.
Câu 3.
Đoạn văn trên có mấy từ láy
A. 1.
B. 3.
C.2.
D.4.
Câu 4.
Câu văn “Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ, nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung…” sử dụng những biện pháp tu từ nào?
A. Ẩn dụ, so sánh.
B. Hoán dụ, nhân hóa.
C. Điệp từ, nói quá.
D. So sánh, nhân hóa.
II.PHẦN TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Câu 5 (3,0 điểm)
Viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của em về giá trị của sự sáng tạo trong cuộc sống. Trong đoạn văn có sử dụng một câu hỏi tu từ (gạch chân dưới câu hỏi tu từ đó).
Câu 6 (5,0 điểm)
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.
Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
(Phạm Tiến Duật, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Ngữ văn 9, Tập một, NXB GDVN, 2017)
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu 1:
Đoạn văn trên được trích trong tác phẩm nào? A.Những ngôi sao xa xôi. B.Lặng lẽ Sa Pa. C.Làng. D.Chiếc lược ngà |
Phương pháp: căn cứ bài Lặng lẽ Sa Pa
Cách giải:
B.Lặng lẽ Sa Pa
Câu 2:
Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính? A.Tự sự. B. Miêu tả. C.Biểu cảm. D.Thuyết minh. |
Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
A.Tự sự
Câu 3:
Đoạn văn trên có mấy từ láy A. 1. B. 3. C.2. D.4. |
Phương pháp: căn cứ bài Từ láy
Cách giải:
C. 2
Câu 4:
Câu văn “Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ, nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung…” sử dụng những biện pháp tu từ nào? A. Ẩn dụ, so sánh. B. Hoán dụ, nhân hóa. C. Điệp từ, nói quá. D. So sánh, nhân hóa. |
Phương pháp: căn cứ các biện pháp tu từ đã học
Cách giải:
D. So sánh, nhân hóa
Phần II
Câu 5
Viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của em về giá trị của sự sáng tạo trong cuộc sống. Trong đoạn văn có sử dụng một câu hỏi tu từ (gạch chân dưới câu hỏi tu từ đó). |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề
2. Giải thích vấn đề
- Sáng tạo là say mê nghiên cứu, tìm tòi để tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần hoặc tìm ra cái mới, cách giải quyết mới mà không bị gò bó phụ thuộc vào những cái đã có.
- Sáng tạo có giá trị to lớn trong cuộc sống.
3. Bàn luận vấn đề
- Tại sao chúng ta cần sáng tạo?
+ Cuộc sống không ngừng đổi thay đòi hỏi mỗi người phải liên tục phát triển để thích nghi. Hoàn cảnh đổi thay đó buộc chúng ta phải tạo ra những giá trị mới.
+ Sáng tạo phản ánh một quá trình học tập, tích lũy của cá nhân
+…
- Giá trị của sự sáng tạo :
+ Sáng tạo tạo ra những giá trị mới, phục vụ cuộc sống của con người
+ Sáng tạo thúc đẩy sự phát triển của xã hội
+ Sáng tạo còn thúc đẩy tư duy của bản thân.
+ …
- Làm sao để rèn luyện sự sáng tạo?
+ Luôn say mê tìm tòi, nghiên cứu qua sách vở, thực tế để tích lũy tri thức.
+ Tự chủ, năng động trong học tập, lao động.
…
- Phê phán những người lười suy nghĩ, chỉ thích những thứ sẵn có, đi theo lối mòn.
Câu 6
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: Không có kính không phải vì xe không có kính Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi Ung dung buồng lái ta ngồi, Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim Thấy sao trời và đột ngột cánh chim Như sa như ùa vào buồng lái.
Không có kính, ừ thì có bụi, Bụi phun tóc trắng như người già Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha. (Phạm Tiến Duật, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Ngữ văn 9, Tập một, NXB GDVN, 2017) |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
Tác giả:
- Là nhà thơ khoác áo lính và là một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thơ trẻ kháng chiến chống Mĩ.
- Hình tượng trung tâm trong thơ ông là người lính và cô thanh niên xung phong.
- Nghệ thuật: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc.
Tác phẩm:
- Viết năm 1969, được in trong “Vầng trăng quầng lửa”.
2. Phân tích
* Khổ 1: Tác giả đã lí giải nguyên nhân khiến những chiếc xe không kính và nêu bật tư thế của những người lính trên chiếc xe ấy.
- Hai câu thơ đầu đã nêu lên nguyên nhân những chiếc xe trở nên mất kính.
+ Câu thơ đầu tiên dài như một như một lời phân trần để dẫn vào câu thơ thứ hai với điệp từ “không”, điệp từ “bom”, kết hợp với động từ mạnh “giật”, “rung”. Qua đó, tác giả đã lí giải nguyên nhân những chiếc xe không kính là do bom đạn tàn phá. Như vậy, qua hình ảnh những chiếc xe không kính, tác giả đã gián tiếp tố cáo sự khốc liệt của chiến tranh.
- Hai câu thơ sau, tác giả đã tạo ấn tượng mạnh khi nêu bật tư thế hiên ngang, chủ động, tự tin của người lính khi ngồi trên những chiếc xe không kính đó
“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”
+ Từ láy “ung dung” được đảo lên đầu câu, kết hợp với đại từ nhân xưng đầy tự hào “ta” đã làm nổi bật tư thế ấy.
+ Nhịp thơ 2/2/2 đều đặn, điệp từ “nhìn” lặp lại ba lần. Đặc biệt cái nhìn thẳng, đó là cái nhìn bất khuất, trang nghiêm đối mặt với gian khổ, hi sinh mà không hề run sợ, né tránh.
=>Vượt lên trên cái gian khổ của chiến tranh, tư thế của người lính mới thật đàng hoàng, vững chãi.
* Khổ 2 diễn tả cảm giác cụ thể của người lính khi ngồi trên những chiếc xe không còn kính chắn gió:
- Điệp từ “nhìn thấy” kết hợp với những hình ảnh như: “gió vào xoa mắt đắng”, “con đường chạy thẳng vào tim”, “đột ngột cánh chim” đã thể hiện tốc độ nhanh của chiếc xe và sự tập trung cao độ của người lính.
- Không có kính cũng khiến người lính phải trực tiếp tiếp xúc với muôn vàn khó khăn, bất cứ vật cản nào cũng có thể “sa”, “ùa” vào buồng lái. Tuy nhiên, với giọng thơ ngang tàng, trẻ trung, người lính dường như bất chấp mọi khó khăn gian khổ. Không những vậy, vì không có kính nên người chiến sĩ đã có cơ hội gần gũi với thiên nhiên, tận hưởng vẻ đẹp của cảnh vật qua ô cửa kính vỡ.
=> Phải có một tinh thần lạc quan, yêu đời, coi thường hiểm nguy mới có thể biến cái hiện thực đầy khó khăn thành những phút thi vị đẹp đến như vậy.
* Khổ 3 - tinh thần lạc quan, pha chút ngang tàng của người lính
- Trên những chiếc xe không kính, người lính phải đối mặt với bao khó khăn, tình cảnh của các khó khăn được miêu tả rất chân thực “Không có kính”, “ừ thì có bụi”.
- Đó chỉ là khó khăn từ thiên nhiên, chiến tranh khốc liệt. Đâu chỉ có bụi, mưa mà đó là đất đá, thậm chí là bom đạn quân thù.
- Nhưng với một thái độ ngang tàng, thách thức, bất chấp mọi gian khổ, khó khăn, người chiến sĩ lái xe đã vượt lên trên với một tinh thần trách nhiệm rất cao:
+ Những câu thơ như một lời nói thường, nôm na mà đầy cứng cỏi, chắc gọn, táo tợn “không có kính, ừ thì có bụi”, “chưa cần rửa”.
+ Giọng thơ ngang tàng đầy hóm hỉnh với chi tiết “Phì phèo châm điếu thuốc”.
=> Lời thơ nhẹ nhõm, trôi chảy như những chiếc xe vun vút trên đường, tất cả đã thể hiện tinh thần quả cảm, lạc quan của những chàng trai trẻ vui tính. Câu thơ như khúc nhạc vui của tuổi đôi mươi, thanh thản, nhẹ nhõm, xua tan đi bao khó khăn, nguy hiểm.
3. Tổng kết