UBND QUẬN HOÀN KIẾM

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

.........................

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ LỚP 9

Năm học 2019 - 2020

Môn: Ngữ văn

Ngày kiểm tra: 12 tháng 12 năm 2019

Thời gian làm bài: 90 phút

 

 

Phần I (6,5 điểm)

Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt đã gợi lại những kỉ niệm xúc động về người bà và tình bà cháu. Trong bài thơ có đoạn:

                        “Mẹ cùng cha công tác bận không về

                        Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

                        Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.

                        Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,

                        Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà

                        Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”

(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)

1. Em hãy trình bày hoàn cảnh sáng tác của bài thơ “Bếp lửa”.

2. Đoạn thơ rên có sự kết hợp giữa những phương thức biểu đạt nào? Nêu tác dụng của sự kết hợp ấy?

3. Nghĩa của từ “nhóm” trong đoạn trích trên và từ “nhóm” trong câu thơ “Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ” có gì khác nhau?

4. Bằng một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp, em hãy làm rõ hình ảnh người bà và tình cảm của cháu với bà qua đoạn thơ trên, trong đó có sử dụng câu cảm thán và câu phủ định (gạch dưới một câu cảm thán và một câu phủ định).

5. “Bếp lửa” của bà trong thơ Bằng Việt khiến cho chúng ta nhớ đến hình ảnh “Bếp Hoàng Cầm” trong một bài thơ khác thuộc chương trình Ngữ văn lớp 9, bởi “bếp Hoàng Cầm” đã gợi lên tình cảm ấm áp về những người cùng trải qua những tháng năm gian khổ, gắn bó với nhau như một gia đình. Em hãy cho biết tên bài thơ và tác giả của bài thơ đó?

Phần II (3,5 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

.........”Bất cứ ai từng theo dõi Neil Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng năm 1969 cũng có thể nói với bạn rằng tại khoảnh khắc đó, Trái Đất như ngừng quay. Sự kì diệu và đáng kính phục của thành tựu đó khó tin đến mức một số người vẫn nghĩ rằng nó đã được dàn dựng trên phim trường Hollywood. Khi các phi hành gia đặt chân lên Mặt Trăg, người ta bắt đầu nói: “Nếu chúng ta có thể đến được Mặt Trăng, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì”...

(Trích “Cà phê” trên Sao Hỏa, Stephen Petranck, NXB Lao động, 2017)

1. Tìm một lời dẫn trực tiếp và một lời dẫn gián tiếp có trong đoạn trích trên.

2. Ý nghĩa về việc con người đặt chân lên Mặt Trăng như “dược dàn dựng trên phim trường của Hollywôd” được nhắc đến trong đoạn trích đã khẳng định điều gì?

3. Rất nhiều thành tựu của nhân loại đã cho thấy khả năng của con người là vô hạn. Từ những hiểu biết xã hội của mình, em hãy trình bày suy nghĩ bằng một đoạn văn nghị luận (khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý nghĩa của việc nỗ lực biến cái không thể thành “có thể”trong cuộc sống.

...............................Hết...........................

Ghi chú: Điểm phần I: 1 (0.5 điểm), 2 (1.0 điểm), 3 (1.0 điểm), 4 (3.5 điểm), 5 (0.5 điểm)

                Điểm phần II: 1 (0.5 điểm), 2 ( 1.0 điểm), 3 (2.0 điểm)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

I.ĐỌC HIỂU

Câu 1:

*Phương pháp: Đọc, hiểu

*Cách giải:

Năm 1963, khi tác giả đang học ngành Luật ở nước ngoài.

Câu 2:

*Phương pháp: Đọc, hiểu

*Cách giải:

- Biểu cảm và tự sự.

- Vai trò: khiến đoạn thơ như một câu chuyện kể về kỉ niệm bên bà. Khi những kỉ niệm, hồi tưởng đó được hiện ra cũng là lúc cảm xúc người cháu ùa về, đó là nỗi xúc động, nhớ bà da diết.

Câu 3:

*Phương pháp: Đọc, phân tích

*Cách giải:

- Từ "nhóm" trong đoạn trích được dùng theo nghĩa gốc còn "nhóm" trong câu thơ được dùng theo nghĩa chuyển: bà không chỉ nhóm bếp lửa mà còn nhóm lên cả những tâm tình, ước mơ, khao khát của tuổi nhỏ, từ đó nâng đỡ tâm hồn cháu trên bước đường đời.

Câu 4:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

*Cách giải:

- Hình thức: Đoạn văn khoảng 12 câu theo đúng phép lập luận tổng - phân - hợp, sử dụng và chú thích đúng câu cảm thán, câu phủ định.
- Nội dung: làm nổi bật được các ý sau:
+ Hình ảnh người bà:
./ Bà vừa là cha, vừa là mẹ lại vừa là người thầy. Bà đã thay thế và lấp đầy tất cả.
./Bà nhiều vất vả nhưng giàu tình yêu thương, nhẫn nại, giàu đức hy sinh.
+ Tình cảm của cháu dành cho bà:
./ Cháu còn nhỏ nhưng đã biết thương, biết ơn bà, hiểu những gian khổ, nhọc nhằn đời bà
./ Hai câu thơ cuối như lời trách móc vô cớ chim tu hú, tất cả xuất phát từ tình yêu thương và nỗi nhớ bà.
- Nghệ thuật: Sử dụng liệt kê, điệp ngữ, câu hỏi tu từ, giọng thơ tâm tình, thủ thỉ, thiết tha, yếu tố tự sự kết hợp nhuần nhuyễn với biểu cảm.

 Câu 5:

*Phương pháp: Đọc, hiểu

*Cách giải: "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" - Phạm Tiến Duật

PHẦN II

Câu 1:

*Phương pháp: Đọc, hiểu

*Cách giải:

- Lời dẫn trực tiếp: Nếu chúng ta có thể đến được Mặt Trăng, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì.
- Lời dẫn gián tiếp: tại khoảnh khắc đó, Trái Đất như ngừng quay.

Câu 2:

*Phương pháp: Đọc, hiểu

*Cách giải: Muốn khẳng định ý nghĩ về việc con người đặt chân lên Mặt Trăng là rất khó tin, qua đó nhấn mạnh đây là một thành tựu kì diệu và đáng kính. Qua đó tác giả bộc lộ sự cảm phục, ngỡ ngàng trước thành tựu này.

Câu 3:

*Phương pháp: Đọc, hiểu

*Cách giải:

Có thể trình bày theo suy nghĩ, hiểu biết của cá nhân, nhưng phải phù hợp với yêu cầu của đề bài và có tính thuyết phục. Dưới đây là gợi ý:

- Giải thích: Cái không thể: Là điều ta tin rằng không làm được, là điều vô lí, xa vời. Cái có thể: điều mà ta có thể làm, hoàn thành được. Việc nỗ lực biến cái không thể thành cái "có thể" chính là cố gắng đến cùng để làm được những điều tưởng như rất khó, không thể thực hiện.

- Ý nghĩa của việc nỗ lực biến cái không thể thành cái "có thể":
+ Con người có thể chinh phục được những thử thách lớn lao, từ đó tạo ra những thành công mới mẻ, tạo sự hiện đại và làm nên điều kì diệu trong cuộc sống trong mọi lĩnh vực
+ Con người bứt phá được giới hạn của bản thân, khám phá được ở chính bản thân mình những sức mạnh tiềm ẩn, những khả năng tuyệt vời mà trước đó ta chưa từng nghĩ tới.
+ Cuộc sống có ý nghĩa hơn bởi con người có thêm sức mạnh để vượt qua được những thất bại, biết ước mơ, sáng tạo và cống hiến không ngừng
+ Việc làm đó còn là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn với những người xung quanh và thế hệ mai sau.
+ Dẫn chứng thực tế

- Nếu không nỗ lực biến cái không thể thành cái "có thể" thì sao?
+ Cuộc sống sẽ mãi lạc hậu, con người không tạo ra được sự tân tiến, không thể tiến xa, cũng không thể đi đến sự hiện đại như hôm nay
+ Con người dễ gặp thất bại vì tin rằng "mình không làm được", không có sự nỗ lực để đạt tới mục tiêu cao hơn

- Mở rộng: Nỗ lực này không có nghĩa là mù quáng dốc hết mọi sức lực biến những điều quá đỗi vô lý và thiếu nhân văn thành những điều thực tế.

- Bài học, liên hệ: rút ra bài học, lời khuyên và liên hệ bản thân.

 

soanvan.me