Đề bài
Câu 1. (2 điểm)
Vận dụng kiến thức đã học về một số phép tu từ vựng để phân tích phép nghệ thuật độc đáo trong đoạn văn sau: “… Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!...”
(Thép Mới, Cây tre Việt Nam)
Câu 2: (2 điểm)
Tóm tắt truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nêu tình huống truyện.
Câu 3. (1 điểm)
Cho đoạn văn: “…Và, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cắt nó đi cháu buồn đến chết mất”
a) Cho biết đoạn văn trên trích từ tác phẩm nào? Của ai?
b) Đoạn văn nói về nội dung gì?
Câu 4: (5 điểm)
Hãy kể một việc làm mà nhờ đó em mang lại niềm vui cho người khác.
Lời giải chi tiết
Câu 1:
Vận dụng kiến thức đã học về một số phép tu từ vựng để phân tích phép nghệ thuật độc đáo trong đoạn văn sau: “… Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu! …” (Thép Mới, Cây tre Việt Nam) |
Phương pháp:
Đọc kĩ và phân tích phép nghệ thuật độc đáo trong đoạn văn
Lời giải chi tiết:
- Biện pháp nhân hóa: tre xung phong, tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín, tre hi sinh, tre anh hùng lao động, tre anh hùng chiến đấu.
- Biện pháp liệt kê
- Tác dụng:
+ Giúp câu văn thêm sinh động, hấp dẫn, có hồn.
+ Khẳng định ý nghĩa, vai trò, tâm quan trọng của tre đối với cuộc kháng chiến của dân tộc
Câu 2:
Tóm tắt truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nêu tình huống truyện. |
Phương pháp:
Nhớ lại nội dung truyện và kể lại
Lời giải chi tiết:
- Tóm tắt: Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến. Mãi đến khi con gái lên tám tuổi ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Bé Thu – con ông – không nhận ra cha vì vết thẹo trên mặt làm ông không giống với người cha trong bức ảnh mà em biết. Em đối xử với ba như với người xa lạ. Cho đến lúc em nhận ra cha, tình cha con trỗi dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi. Ở khu căn cứ, người cha ấy đã dồn hết tình cảm yêu thương và nỗi nhớ mong con vào một việc làm một chiếc lược bằng ngà voi để tặng cô con gái bé bỏng. Trong một trận càn, ông đã hy sinh. Trước lúc nhắm mắt, ông còn kịp trao cây lược ngà nhờ người bạn gửi về cho con gái của mình
- Tình huống truyện:
-Xoay quanh 2 tình huống truyện rất éo le.
+ Ông Sáu sau 8 năm xa nhà đi kháng chiến được nghỉ 3 ngày phép về thăm nhà, thăm con. Trước nỗi xúc động và tình cảm yêu mến của ông, bé Thu – đứa con gái ông yêu quý, mong nhớ suốt 8 năm trời đã không nhân ra ông là cha. Ngày ông phải trả phép về đơn vị cũng chính là ngày con bé nhận ra ông là cha đẻ.
+ Ở đơn vị, ông Sáu dồn cả tình yêu, nỗi nhớ, nỗi ân hận, day dứt vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con. Nhưng chưa kịp trao cây lược cho con thì ông đã hi sinh trong 1 trận càn lớn của Mỹ ngụy.
⟹ Từ tình huống truyện, Nguyễn Quang Sáng:
+ Ngợi ca tình cha con sâu nặng.
+ Tố cáo tội ác của chiến tranh đã gây ra bao bi kịch cho gia đình Việt Nam.
Câu 3:
Cho đoạn văn: “…Và, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cắt nó đi cháu buồn đến chết mất” a) Cho biết đoạn văn trên trích từ tác phẩm nào? Của ai? b) Đoạn văn nói về nội dung gì? |
Phương pháp:
Đọc kĩ đoạn văn, nhớ lại thông tin tác giả, tác phẩm
Lời giải chi tiết:
- Tác phẩm: Lặng lẽ Sa Pa
- Tác giả: Nguyễn Thành Long
- Nội dung: Đoạn văn nói lên sự gắn bó, tầm quan trọng của công việc đối với anh thanh niên.
Câu 4:
Hãy kể một việc làm mà nhờ đó em mang lại niềm vui cho người khác. |
Phương pháp:
Kể lại một kỉ niệm đáng nhớ của em
Lời giải chi tiết:
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề (Việc em đem lại niềm vui cho người khác là gì?)
2. Thân bài
- Em giúp đỡ, làm người khác vui diễn ra ở đâu?
- Hoàn cảnh của người đó lúc bấy giờ thế nào?
- Em đã giúp đỡ những gì?
- Sau khi giúp đỡ tâm trạng của em ra sao? Em rút được bài học gì cho bản thân khi đem lại niềm vui cho những người xung quanh.
3. Kết bài: Cảm nghĩ chung