ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 10

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

.............................

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

 

 

KIỂM TRA HỌC KÌ I

Năm học: 2019 - 2020

Môn: NGỮ VĂN 9

Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian phát đề)

Câu 1: (3 điểm) Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

Mẹ tôi bảo:

“Con sống không nhất thiết phải làm vừa lòng tất cả bạn bè, và chắc chắn tất cả bạn bè không bao giờ hài lòng hết về con, dù con có làm gì đi nữa. Nhưng con cũng đừng sống để bạn bè phải chọn cách xa lánh con, bởi vì:

Bố mẹ vì tình thương dành cho con có thể đối xử thiên vị với con. Nhưng bạn bè mới là người dạy cho con trưởng thành.

Bố mẹ là mái nhà của con, là nơi bình yên của con nhưng khi con ra ngoài, con không thể nào đơn độc được, con là gì cũng phải cần có bạn bè.

Gia đình là tài sản sẵn có của con, con sinh ra đã có một gia đình, nhưng bạn bè là “tài sản” phải do chính hai bàn tay con tạo dựng nên. Nếu con không tạo dựng được những “tài sản” mang tên bạn bè thì con chính là người thất bại!

Và nếu suốt cả đời con không thể có bạn tốt, thì điều đó không phải là lỗi của bạn mà là lỗi của chính con”.

(Mèo xù, “Bơ đi mà sống, NXB Văn học)

a) Cho biết nội dung của đoạn văn trên.

b) Hãy chỉ ra các từ ngữ xưng hô trong văn bản và nhận xét thái độ của người nói với người nghe trong cách xưng hô đó.

c) Theo em, cần làm gì để có thể xây dựng được một tình bạn đẹp? (Trả lời trong khoảng 3 đến 5 dòng)

Câu 2: (3 điểm) Dưới đây là nỗi lo lắng của không ít các phụ huynh về con em mình:

            “Không biết nấu ăn, không biết nhặt rau, rửa chén, không biết giặt quần áo,... là điểm chung của việc “nghèo nàn” kinh nghiệm sống ở một bộ phận bạn trẻ hiện nay. Con đi học về, hôm thì: “Bộ quần áo này của con bẩn rồi, mẹ giặt cho con nhé”. Hôm thì: “Tại sao mẹ lại quên bỏ chai nước vào ba lô của con, để con khát khô cả họng?”

            Nhiều hôm tôi bực mình với thái độ hờ hững của con kiểu như: “Món này con không thích, mẹ nấu món khác cho con ăn”. Đến chiếc xe đi học bị bẩn con cũng phải nhờ bố đi rửa. Thú thật có đôi lúc tôi nhận ra con chẳng biết làm gì ngoài cái việc học xuất sắc. Hằng năm con đều nhận danh hiệu học sinh giỏi, nhưng tôi không cảm thấy vui bởi lẽ con đang bị khuyết kỹ năng sống.”

(Ngọc Liên, báo Tuổi trẻ ngày 08/06/2015)

            Hãy viết một văn bản nghị luận ngắn (25 - 30 dòng) trình bày suy nghĩ của em về thực trạng được nêu trong đề bài ở giới trẻ hiện nay.

Câu 3: (4 điểm)

            Từ văn bản Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Trích truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu), trong vai Kiều Nguyệt Nga, em hãy kể lại cuộc gặp gỡ của mình với Lục Vân Tiên.

(Bài làm có kết hợp yêu tố miêu tả nội tâm và yếu tố nghị luận)

..................................Hết.......................

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

a.

*Phương pháp: Đọc, tìm ý

*Cách giải:

- Nội dung chính: ý nghĩa của tình bạn, vai trò của bạn bè trong cuộc đời của mỗi con người.

b.

*Phương pháp: Đọc, tìm ý

*Cách giải:

- Các từ ngữ xưng hô: mẹ, tôi, con.

- Thái độ của người nói với người nghe:  tình yêu thương, sự dạy dỗ, khuyên bảo chân thành.

c.

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Gợi ý:

- Xuất phát từ tình cảm chân thành, không vụ lợi, tính toán

- Sự thấu hiểu

 

II. LÀM VĂN

Câu 2:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

*Cách giải:

*Giới thiệu vấn đề

*Phân tích, bình luận, đánh giá:

- Giải thích “kĩ năng sống”: Kỹ năng sống là tập hợp các hành vi tích cực và khả năng thích nghi cho phép mỗi cá nhân đối phó hiệu quả với các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày; nói cách khác là khả năng tâm lý xã hội. Đó là tập hợp các kỹ năng mà con người tiếp thu qua giáo dục hoặc trải nghiệm trực tiếp được dùng để xử lý các vấn đề và câu hỏi thường gặp trong đời sống con người.

– Vai trò của việc rèn luyện kĩ năng sống:

+ Cuộc sống hiện đại đòi hỏi mỗi cá nhân phải không ngừng cập nhật giá trị và hoàn thiện giá trị của mình. Để tồn tại và phát triển, với bất kì ai, không chỉ cần học tập bồi dưỡng, nâng cao kiến thức mà còn phải rèn luyện kĩ năng sống để không ngừng nâng cao chất lượng đời sống để đời sống thực sự là sống chứ không là tồn tại.

+ Kĩ năng sống giúp con người ứng xử linh hoạt và hiệu quả nhất trước những tình huống nảy sinh trong cuộc sống.

+ Kĩ năng sống giúp mỗi người bình tĩnh, tự tin vào bản thân, dám khẳng định năng lực, sở trường của mình.

+ Những người có kĩ năng sống tốt thường dễ thành đạt hơn trong cuộc sống.

- Thực trạng thiếu hụt kĩ năng sống của giới trẻ hiện nay: không biết nấu ăn, không biết giặt quần áo,…

=> Hồi chuông cánh báo

- Nguyên nhân:

+ Việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ chưa được xem trọng từ gia đình và nhà trường

+ Bản thân mỗi người

- Đánh giá, liên hệ bản thân

 

Câu 3:

*Phương pháp:

- Phân tích, tưởng tượng (Phân tích đề để xác định yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

*Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung: Văn tưởng tượng kết hợp với yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận.

Hướng dẫn cụ thể:

*Mở bài:

- Giới thiệu về bản thân.

- Trên đường qua Hà Khê thì gặp bọn cướp.

* Thân bài:

- Hoàn cảnh gặp cướp: Bọn cướp chặn đường, quát tháo, đòi vàng bạc.

- Hình ảnh người anh hùng Lục Vân Tiên xuất hiện:

+ Một tiếng quát vang lên: Lũ côn đồ kia, hãy dừng tay lại.

+ Trận đánh nhau kết thúc rất nhanh.

+ Người con trai ấy đã dũng mãnh đánh bại tên cướp cầm đầu làm cho cả bọn nháo nhào chạy trốn.

- Diễn biến cuộc nói chuyện:

+ Sau khi đánh bại bọn côn đồ Kim Liên vì quá sợ hãi mà khóc.

+ Chàng trai tiến lại gần xe, hỏi han và lịch sự bảo chúng tôi đừng lo sợ nữa vì bọn cướp đã bỏ chạy.

+ Chúng tôi nói chuyện và được biết danh tính chàng là Lục Vân Tiên. Tôi mời chàng về Hà Khê để trả ơn nhưng chàng từ chối và xin cáo biệt.

*Kết bài: cảm nghĩ về cuộc gặp gỡ và người anh hùng Lục Vân Tiên.

 

soanvan.me