ĐỀ THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2019 - 2020
MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

Phần 1: (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi:

            “Mỗi người trên thế giới đều là những người khách bộ hành, mỗi ngày đều bước đi một cách chủ động hoặc bị động trên con đường mình đã chọn .... Cuộc đời không chỉ là con đường đi dễ dàng, đôi khi chúng ta còn gặp phải những hố sâu do người khác đào ra, gặp phải sự tấn công của thú dữ, mưa bão và tuyết lạnh. Bất luận gian khó thế nào, chỉ cần chúng ta còn sống, chúng ta còn phải đối mặt. Sống tức là thực hiện một cuộc hành trình không thể trì hoãn .... Trước muôn vàn lối rẽ, không ai có được bản đồ trong tay, cũng không phải ai cũng có kim chỉ nam dẫn đường, tất cả đều phải dựa vào sự phán đoán và lựa chọn của bản thân. Nếu bạn rẽ nhầm lối, khoảng cách với xuất phát điểm sẽ bị rút ngắn ngược lại, nếu rẽ đúng, con đường phía trước sẽ bằng phẳng, rộng rãi.”

(Trích Bí quyết thành công của Bill Gates, Khâm Sài Nhân)

Câu 1: Hãy tìm và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong câu: “Cuộc đời không chỉ là con đường đi dễ dàng, đôi khi chúng ta còn gặp phải những hố sâu do người khác đào ra, gặp phải sụ tấn công của thú dữ, mưa bão và tuyết lạnh.” (1,0 điểm)

Câu 2: Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất với em? (ghi khoảng 03 dòng) (1,0 điểm)

Câu 3: Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 20 dòng) nêu ý kiến của bản thân về quan niệm: “Sống tức là thực hiện một cuộc hành trình không thể trì hoãn” (2,0 điểm)

Phần 2: (6,0 điểm)

Tưởng tượng mình là nhân vật trữ tình trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, hãy diễn tả dòng cảm nghĩ trong bài thơ thành một câu chuyện nhằm gợi nhắc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ. (Bài kể có kết hợp các yếu tố miêu tả, miêu tả nội tâm, nghị luận)

.......................................Hết.....................................

(Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

PHẦN 1

Câu 1:

*Phương pháp: Đọc, hiểu

*Cách giải:

- Một biện pháp tu từ: ẩn dụ.

- Dùng hình ảnh “hố sâu”, “thú dữ”, “mưa bão”, “tuyết lạnh” để nói về những khó khăn, thử thách mà mỗi người gặp phải trên đường đời.

- Tác dụng: biện pháp ẩn dụ có tác dụng tăng giá trị biểu đạt cho đoạn văn, làm cho hình ảnh trong văn chương giàu sức gợi hình, gợi cảm. Qua đó thấy được những khó khăn trên đường đời mà con người gặp phải là những điều không dễ dàng.

Câu 2:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

Học sinh tùy chọn cho mình thông điệp có ý nghĩa nhất. Gợi ý:

- Tương lai luôn tiềm ẩn nhiều thách thức, vì vậy cần trau dồi cho bản thân một cách kĩ càng.

- Cần dũng cảm để tiến về phía trước và không đầu hàng hoàn cảnh.

- Cần trau dồi trí tuệ minh mẫn để có những lựa chọn đúng đắn trong cuộc đời.

Câu 3:

*Phương pháp: giải thích, phân tích, tổng hợp, bình luận

*Cách giải:

Học sinh nắm chắc kiến thức viết đoạn văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập đoạn văn.

+ Đoạn văn khoảng 20 dòng. Lùi đầu dòng, viết hoa chữ cái đầu tiên và không ngắt đoạn.

+ Có các phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.

- Yêu cầu nội dung: Đoạn văn xoay quanh nội dung: nêu ý kiến bản thân về quan điểm “Sống tức là thực hiện một cuộc hành trình không thể trì hoãn”. Từ đó rút ra bài học cho bản thân.

- Hướng dẫn cụ thể:

*Giới thiệu vấn đề

*Giải thích vấn đề

- “Hành trình” là chỉ chuyến đi xa và dài ngày.

- “Trì hoãn” là những thói quen chậm lại, tự hoãn lại công việc của mình.

-> Quan niệm khẳng định sống là thực hiện cuộc hành trình cả đời và không lúc nào được ngơi nghỉ, trì hoãn.

*Phân tích, bàn luận vấn đề

-  Đây là quan niệm đúng đắn.

- Tại sao nói: “Sống tức là thực hiện một cuộc hành trình không thể trì hoãn.”?

+ Cuộc hành trình của mỗi người rất dài và gặp nhiều khó khăn, bởi vậy trên hành trình đó chúng ta không nên trì hoãn bất kì lúc nào.

+ Luôn tiến về phía trước thì con người ta mới bắt kịp được thời đại.

+ Tiến về phía trước để thay đổi bản thân mình, sống tốt hơn, đương đầu và vượt qua thách thức, góp phần thay đổi xã hội

- Mỗi người cần phải rèn luyện sự nhanh nhạy và có ý thức thay đổi.

- Phê phán những bạn trẻ có thái độ sống trì trệ, thụ động, nhút nhát, yếu đuối.

*Liên hệ bản thân

*Tổng kết

PHẦN 2

*Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

- Sử dụng các phương thức biểu đạt: nghị luận, miêu tả, miêu tả nội tâm.

*Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

- Yêu cầu người viết nhập thân vào nhân vật trữ tình trong bài thơ để bày tỏ cảm xúc, tâm sự của mình về một tình huống: mất điện, giật mình gặp lại ánh trăng xưa, người bạn tri kỉ, nghĩa tình đã gợi lại bao nhiêu kỉ niệm trong quá khứ. Bản thân bỗng thấy xúc động và tự trách cứ mình đã quá vô tình, lãng quên người bạn đã từng gắn bó trong những nărn tháng gian lao…

Hướng dẫn cụ thể:

- Giới thiệu dẫn dắt: Tôi-một cậu bé hồi ấy giờ đây đã trưởng thành, sau bao nhiêu sóng gió và tân mắt chứng kiến cảnh chiến tranh khốc liệt. Lúc này tôi đc sống trong cảnh đất nước thanh bình…

- Triển khai vấn đề theo mạch cảm xúc bài thơ hoặc theo ý của bạn nhưng vẫn đáp ứng đủ các nội dung: 

+ Với tôi, hồi nhỏ – gắn liền với những kỉ niệm thật đẹp. Tuổi thơ tôi gắn liền với dòng sông, vơi biển lớn và những thời gian chiến tranh phải sống ở rừng. Và một thứ không thể thiếu là vừng trăng trên trời cao, luôn soi rọi và dẫn tôi đi trong đêm tối của những ngày gian khổ. Những ngày đó, ánh trăng là người bạn, người che chở tôi tránh khỏi bóng đêm u sợ…

+ Ánh trăng, người bạn gắn liền với tuổi thơ thật đẹp của tôi….

+ Chiến tranh kết thúc, là lúc tôi trưởng thành. Học cách tự lập và sống với cuộc sống hiện tại tôi đang có. Tôi thích cuộc sống hiện tại bởi nó đem lại sự bình yên và hạnh phúc với mái ấm gia đình. Tôi không còn phải chịu đựng cảnh chạy trốn trong đêm tối nữa. Giờ đây, nơi tôi ở- đã có ánh điện, cửa gương. Điều mà ở quá khứ không thể có…

+ Cuộc sống là thế, không lặng lờ êm trôi mà xen vào đó là những lúc khó khăn. Ở đời nào ai hay chữ ngờ. Căn phòng tôi đang được thắp sáng với đèn buyn-đinh chợt tối om vì mất điện. Như một bản năng vốn có của con người, vội bật tung cánh cửa sổ để hướng tới ánh sáng ngoài thiên nhiên bao la kia. Tôi chợt nhìn thây một vật quen thuộc, không! phải nói là quá đỗi thân quen. Không phải thứ gì khác là ánh trăng. nó đang soi rọi tâm hồn vào cả trái tim tôi. Nó len lỏi vào cả tâm trí tôi nữa. Tôi chợt nhớ ra và nhận ra những giá trị trong cuộc sống …

+ Những gì của quá khứ vân nguyên vẹn, hai hàng lệ bỗng lăn tròn trên má. Có lẽ tôi đang khóc. Nước mắt tôi đang rưng rưng trước cảnh vật, trước hình ảnh tưởng chừng như không thể quên…. Ánh trăng - sao mà thân thuộc thế!!! Tôi dặn lòng mình sao nỡ quên nó đi.

+ Những chiêm nghiệm qua thực tế mình trải qua. Tôi thấy cuộc sống này là một thực tại sống động, muôn màu muôn vẻ… Nhắc nhở các bạn trẻ qua nhân vật tôi - nhân vật trữ tình.

Tổng kết

 

 soanvan.me