Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn lớp 8 tập 2 ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ cùng các em đi soạn bài: Đi đường. Đây cũng là một trong những bài thơ nổi bật của Hồ Chí Minh nằm trong một tập thơ rất nổi tiếng mang tên Nhật kí trong tù. Chúc các em có buổi học trên lớp thật hiệu quả nhé!
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả: Hồ Chí Minh
2. Tác phẩm
* Xuất xứ: Bài thơ Đi đường được trích từ tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh. Bác viết bài thơ này để ghi lại cảm hứng lúc đi đường khi bị giải từ nhà lao này sang nhà lao khác.
* Thể thơ: Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt (có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ).
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Đọc kỹ các phần phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, chú thích để hiểu rõ nghĩa các câu thơ.
Câu 2:
Kết cấu của bài thơ Đi đường chính là kết cấu chuẩn của một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Trình tự của các câu như sau:
- Câu 1: câu khai có tác dụng mở ra ý thơ, nói đến những gian lao như là điều hiển nhiên của người đi đường.
- Câu 2: câu thừa có tác dụng mở rộng, triển khai, cụ thể hóa ý thơ đã được nêu ra ở câu mở đầu, nói về những khó khăn, gian nan, vất vả, những hiểm nguy trong quá trình đi đường.
- Câu 3: câu chuyển có tác dụng chuyển ý thơ, câu này rất quan trọng trong việc bộc lộ tứ thơ, hàm ý của một bài thơ tứ tuyệt thường bộc lộ ở câu này, nói đến việc vượt qua lớp lớp núi cao thì sẽ lên được đỉnh núi cao chót vót.
- Câu 4: câu hợp có quan hệ chặt chẽ với câu chuyển, thể hiện rõ ý chuyển và thâu tóm lại toàn bộ tứ thơ của bài thơ, nói đến việc khi lên đến đỉnh núi cao, muôn dặm nước non thu cả vào trong tầm mắt.
Câu 3:
Việc sử dụng các điệp ngữ trong bài thơ (cả chữ Hán và bản dịch thơ) góp phần rất lớn trong việc tạo nên hiệu quả nghệ thuật cho cả bài thơ. Những điệp ngữ tẩu lộ - tẩu lộ, trùng san - trùng san - trùng san gợi ra cái trùng điệp gian nan của chặng đường dài. Những khó khăn, những gian nan, những hiểm nguy như nối tiếp nhau, chồng chất lên nhau tạo ra một cái nền vững chắc để khẳng định sức mạnh tinh thần ở phía sau.
Câu 4:
* Câu thơ thứ 2:
Trùng san chi ngại hựu trùng san
Câu thơ miêu tả những khó khăn, vất vả của người đi đường, vượt qua hết lớp núi này đến lớp núi khác. Các dãy núi dường như cứ kéo dài vô tận nhờ điệp ngữ "trùng san - trùng san". Người tù cách mạng Hồ Chí Minh đã trải qua bao lần chuyển lao bằng đường núi khổ ải nên Bác hiểu rõ hơn, thấm thía hơn nỗi gian lao của những người đi đường núi, từ đó, Người suy nghĩ về con đường cách mạng.
* Câu thơ thứ 4:
Vạn lí dư đồ cố miện gian.
Người tù đang chuyển lao từ tư thế bị đày đọa, bị qua biết bao gian nan, khổ ải bỗng trở thành một vị du khách ung dung, say sưa thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên. Câu thơ này như diễn tả niềm hạnh phúc đến bất ngờ nhưng rất xứng đáng với những con người đã vượt qua được những khó khăn, những ngọn núi hiểm trở.
* Hai câu thơ này, ngoài ý nghĩa miêu tả, còn có ngụ ý khác. Những con đường, những ngọn núi hiểm trở kia gợi ra con đường cách mạng đầy gian khổ, đầy hi sinh đang chờ đợi người chiến sĩ. Niềm vui ở câu thơ cuối chính là niềm vui của sự chiến thắng, niềm hạnh phúc của người chiến sĩ khi cách mạng đi đến thành công sau một chặng đường dài vượt qua bao gian khổ, hi sinh.
Câu 5:
Theo em, đây không phải một bài thơ tả cảnh hay kể chuyện. Bài thơ thiên về những suy nghĩ, triết lí và tâm sự của Bác trong những ngày tháng phải chịu cảnh tù đày. Chúng ta có thể hiểu "đi đường" theo hai lớp nghĩa: một là việc đi đường núi trong những ngày chuyển lao của người tù, hai là tác giả đang ngụ ý về con đường cách mạng, con đường đời.
Qua bài thơ, từ việc đi đường núi, tác giả muốn gửi đến người đọc một chân lí về đường đời: vượt qua gian lao, chồng chất sẽ tới thắng lợi vẻ vang.