Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn lớp 8 tập 2 ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Nước Đại Việt ta. Đây là một đoạn trích trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo - một bài cáo có ý nghĩa trọng đại như một bản tuyên ngôn độc lập. Mời các em cùng tham khảo nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Nguyễn Trãi trong SGK Ngữ văn 7 Tập 1).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Văn bản Nước Đại Việt ta được trích từ Bình Ngô đại cáo. Bình Ngô đại cáo là một bài cáo có ý nghĩa trọng đại như một bản tuyên ngôn độc lập, được công bố vào ngày 17 tháng chạp năm Đinh Mùi (tức đầu năm 1428), sau khi quân ta đại thắng, tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của quân Minh xâm lược, buộc Vương Thông phải giảng hòa, chấp nhận rút quân về nước. Bài đại cáo này được viết theo lối văn biền ngẫu, có vận dụng thể tứ lục, kết cấu cũng gồm 4 phần như thể cáo nói chung. Đoạn trích Nước Đại Việt ta là do Bùi Văn Nguyên dịch dựa theo bản dịch của Bùi Kỉ. Nhan đề của đoạn trích là do người biên soạn SGK đặt.

* Thể loại: Cáo là thể văn nghị luận cổ, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương hay công bố kết quả một sự nghiệp để mọi người cùng biết.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Đoạn trích là phần mở đầu bài Bình Ngô đại cáo. Đoạn này có ý nghĩa nêu tiền đề cho bài, tất cả nội dung được phát triển về sau đều xoay quanh tiền đề đó. Theo em, khi nêu tiền đề, tác giả đã khẳng định những chân lí:

  • Nước ta có nền văn hiến lâu đời
  • Nước ta có cương vực lãnh thổ riêng
  • Nước ta có phong tục tập quán
  • Nước ta có lịch sử riêng, có chế độ riêng, có thể sánh ngang hàng với các triều đại Trung Quốc.

Câu 2:

* Qua hai câu thơ:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Có thể thấy, cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chính là "yên dân" và "trừ bạo". "Yên dân" là cho nhân dân được hưởng thái bình, hưởng hạnh phúc, ấm no. "Trừ bạo" là diệt trừ thế lực bạo tàn => Muốn nhân dân được tự do, thái bình thì phải tiêu diệt các thế lực bạo tàn.

* Người dân mà tác giả nói đến ở đây chính là người dân Đại Việt đang bị xâm lược, còn kẻ bạo ngược chính là lũ giặc Minh cướp nước.

Câu 3:

* Để khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc, tác giả đã dựa vào những yếu tố: nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử riêng, chế độ riêng, bình đẳng, ngang hàng với các triều đại Trung Quốc.

* Nhiều ý kiến cho rằng, ý thức dân tộc ở đoạn trích Nước Đại Việt ta là sự tiếp nối và phát triển ý thức dân tộc ở bài thơ Sông Núi nước Nam là bởi vì trong bài Sông núi nước Nam, ý thức dân tộc được xác định chủ yếu trên hai yếu tố là lãnh thổ và chủ quyền, còn đến đoạn trích Nước Đại Việt ta, 3 yếu tố nữa đã được bổ sung đó là văn hiến, lịch sử và phong tục tập quán. Như vậy, Nguyễn Trãi đã ý thức được rằng văn hiến, truyền thống lịch sử cũng là một trong những yếu tố quan trọng để xác định một dân tộc độc lập, có chủ quyền.

Câu 4:

Những nét đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích:

  • Sử dụng nhiều lớp từ ngữ diễn đạt tính chất hiển nhiên, vốn có lâu đời của nước Đại Việt
  • Biện pháp nghệ thuật so sánh kết hợp với liệt kê tạo hiệu quả cao trong lập luận
  • Những câu văn biền ngẫu chạy song song liên tiếp với nhau cũng giúp cho nội dung nghệ thuật và chân lí mà tác giả muốn khẳng định chắc chắn và rõ ràng hơn.

Câu 5:

Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi là ở chỗ kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn. Trong đoạn trích Nước Đại Việt ta, Nguyễn Trãi đã tự tin khẳng định về nền văn hiến lâu đời của dân tộc ta. Và trên thực tiễn, chúng ta - những người con đất Việt cũng luôn tự hào về những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Mặt khác, nhân dân ta có chủ quyền, có thuần phong mĩ tục riêng làm nên hai miền Nam - Bắc. Ta cũng có nền độc lập vững vàng được xây dựng bằng những trang sử vẻ vang. Đồng thời, tác giả lấy những "chứng cớ còn ghi" để chứng minh cho sức mạnh của chính nghĩa, đồng thời thể hiện niềm tự hào dân tộc.

Câu 6:

Trình tự lập luận của đoạn trích Nước Đại Việt ta:

nuoc-dai-viet-ta