Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục. Đây là một vở hài kịch - một thể loại văn học mới trong chương trình Ngữ văn THCS mà các em được học. Các em cùng tham khảo hướng dẫn dưới đây nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả ( các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Mô-li-e trong SGK Ngữ văn 8 Tập 2)

2. Tác phẩm

Văn bản Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục được trích trong vở kịch 5 hồi Trưởng giả học làm sang (1670) và là lớp kịch kết thúc hồi II. Văn bản này dựa theo bản dịch của Tuấn Đô, nhan đề văn bản là do người biên soạn SGK đặt.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Lớp kịch này gồm 2 cảnh:

  • Cảnh 1: Ông Giuốc-đanh và bác phó may nói chuyện với nhau. Cảnh này gồm có 4 nhân vật: Ông Giuốc-đanh, bác phó may, tay thợ phụ mang bộ lễ phục và một gia nhân.
  • Cảnh 2: Ông Giuốc-đanh và tay thợ phụ nói chuyện với nhau. Cảnh này xuất hiện thêm 4 tay thợ phụ nữa. Ông Giuốc-đanh nói chuyện với tay thợ phụ mang bộ lễ phục đến nhưng xung quanh là 4 tay thợ phụ đến sau giúp ông mặc lễ phục.

Cảnh sau sôi động hơn cảnh trước vì động tác của nhân vật nhiều hơn và còn có cả nháy múa và âm nhạc.

Câu 2:

Ở cảnh đầu, tính học đòi làm sang của ông Giuốc-đanh được thể hiện trong cuộc đối thoại với bác phó may. Hai người nói chuyện về đôi bít tất, , chuyện bộ tóc giả, lông đính mũ và đặc biệt là chuyện những bông hoa trên bộ lễ phục được may ngược. Ông Giuốc-đanh có phát hiện ra sự bất thường này, nhưng bác phó may lại láu cá lừa ông rằng những nhà quý tộc họ đều mặc như vậy. Mà ông Giuốc-đanh thì đang học đòi làm sang nên đã bị bác phó may và tay thợ phụ lừa.

Chưa dừng lại ở đó, ông Giuốc-đanh lại tiếp tục phát hiện ra bác phó may ăn bớt vải của mình. Nắm chắc điểm yếu của đối phương, bác phó may nhanh chóng lảng sang chuyện thử bộ lễ phục mới là ông Giuốc-đanh quên ngay cái chuyện ăn bớt vải đó. Không những thế, bác phó may còn tự tin đến mức mặc đúng cái áo may bằng vải ăn bớt của ông Giuốc-đanh đến nhà ông Giuốc-đanh.

=> Ông Giuốc-đanh là một con người mê muội, ngu dốt, quê kệch nhưng lại thích học đòi làm sang, thích ăn diện để tỏ vẻ là người quý phái.

Câu 3:

Ở cảnh sau, tính cách học đòi làm sang của ông Giuốc-đanh vẫn tiếp tục được bộc lộ rõ nét.

Lần này, đến lượt tay thợ phụ lợi dụng ông. Anh ta nắm được điểm yếu của ông Giuốc-đanh và liên tục tung hô ông với cái tên "ông lớn", "cụ lớn", rồi gọi cả là "đức ông". Và thế là ông Giuốc-đanh liên tục thưởng tiền cho anh ta mặc dù ông vẫn nghĩ "nếu nó tôn ta là bậc tướng công thì nó sẽ được cả túi tiền mất".

=> Ông Giuốc-đanh là một người háo danh, ưa nịnh, ngu dốt nhưng vấn khao khát được làm quý tộc, lại còn gặp phải tay thợ phụ ranh mãnh, khéo nịnh hót để moi tiền.

Câu 4:

Lớp kịch này gây cười cho khán giả ở những khía cạnh: Ông Giuốc-đanh ngu dốt không biết gì, chỉ vì cái thói học đòi làm sang mà bị bác phó may và tay thợ phụ lợi dụng kiếm chác. Người ta cười vì thấy ông ngớ ngẩn khi tin rằng những người quý tộc thường mặc áo hoa ngược, rồi người ta cười ông vì cứ moi tiền ra cho để lấy về được cái danh quý tộc hão.

Nếu xem tận mắt lớp kịch này được diễn trên sân khấu, khán giả sẽ được một trận cười đau bụng khi nhìn thấy cảnh ông Giuốc-đanh bị 4 tay thợ phụ lột quần áo ra và mặc cho bộ lễ phục lố lăng theo nhịp điệu, màu sắc thì dớ dẩn, chẳng ra làm sao mà vẫn vênh váo ra vẻ ta đây là quý tộc, là người quý phái, sang trọng. Và qua nhân vật ông Giuốc-đanh, tác giả cũng chế giễu thói học đòi làm sang vẫn thường thấy trong xã hội.