Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn lớp 8 tập 2 hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Hịch tướng sĩ. Đây là một tác phẩm rất hay và nổi tiếng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Mời các em tham khảo những hướng dẫn dưới đây nhé!
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Trần Quốc Tuấn trong SGK Ngữ văn 8 Tập 2).
2. Tác phẩm
* Xuất xứ: Tác phẩm Hịch tướng sĩ do Trần Quốc Tuấn viết vào khoảng trước cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai (1285). Trong văn bản, tác giả không nêu phần đặt vấn đề riêng vì toàn bộ bài hịch là nêu vấn đề và giải quyết vấn đề. Bài hịch này được làm để khích lệ các tướng sĩ học tập cuốn Binh thư yếu lược do chính Trần Quốc Tuấn soạn.
* Thể loại: Văn bản được viết theo thể loại hịch - một thể văn nghị luận thời xưa, thường được các vua chúa, tướng lĩnh hoặc thủ lĩnh một phong trào dùng để cổ động, thuyết phục hoặc kêu gọi đấu tranh chống thù trong giặc ngoài.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Bài Hịch tướng sĩ có thể được chia làm 4 đoạn:
- Đoạn 1: từ đầu => "đến nay còn lưu tiếng tốt" : Tác giả nêu ra những gương trung thần nghĩa sĩ trong sử sách để khích lệ ý chí lập công danh và xả thân vì nước.
- Đoạn 2 : tiếp => "ta cũng vui lòng" : Tố cáo sự hống hách của quân xâm lược và nói lên lòng căm thù giặc.
- Đoạn 3: tiếp => "không muốn vui vẻ phỏng có được không?": Phân tích những phải trái, đúng sai trong hành động và trong lối sống của các tướng sĩ.
- Đoạn 4: còn lại : Nêu nhiệm vụ cụ thể, cấp bách và khích lệ tinh thần chiến đấu của các tướng sĩ.
Câu 2:
Sự ngang ngược và tội ác của giặc được lột tả:
- Kẻ thù tham lam, tàn bạo: đòi ngọc lụa, hạch sách bạc vàng, vét kiệt của kho có hạn, hung hãn như hổ đói. Kẻ thì ngang ngược đi lại nghênh ngang ngoài đường và bắt nạt tể phụ.
- Tác giả sử dụng những hình ảnh ẩn dụ "lưỡi cú diều", "thân dê chó" để chỉ quân Mông - Nguyên cho thấy nỗi căm giận và lòng khinh bỉ giặc của Hưng Đạo Vương. Đồng thời, đặt những hình tượng đó trong thế tương quan "lưỡi cú diều" , "xỉ mắng triều đình", "thân dê chó", "bắt nạt tể phụ" => Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra nỗi nhục lớn của mọi người khi chủ quyền đất nước đang bị xâm phạm.
Đoạn văn tố cáo tội ác của giặc đã khơi gợi lòng căm thù giặc, khích lệ tinh thần bất khuất, ý chí đấu tranh chống giặc ngoại xâm của các tướng sĩ.
Câu 3:
Lòng yêu nước, căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn được thể hiện:
- Hành động: quên ăn, mất ngủ, đau đớn đến thắt tim, thắt ruột.
- Thái độ: uất ức, căm tức khi chưa trả được thù nhà, sẵn sàng hi sinh để rửa nỗi nhục cho dân, cho nước.
Đặc biệt, bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu bút lực của Trần Quốc Tuấn đều dồn vào đoạn văn: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối...ta cũng vui lòng". Có thể nói, từng câu chữ, từng lời nói đều như chảy trực tiếp từ trái tim của một vị tướng lĩnh. Câu văn chính luận này đã khắc họa sinh động hình tượng người anh hùng yêu nước, ông đau xót đến quặn lòng trước cảnh ngộ đất nước bị xâm lược, ông căm thù đến bầm gan tím ruột giặc ngoại xâm và chỉ mong rửa nhục cho đất nước, cho dân tộc, thậm chí, vì nghĩa lớn mà ông sẵn sàng coi thường xương tan, thịt nát. Đây cũng là một đoạn văn có tác dụng to lớn trong việc động viên các tướng sĩ.
Câu 4:
* Sau khi nêu mối ân tình giữa chủ soái và tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn phê phán những hành động sai của tướng sĩ, đồng thời khẳng định những hành động đúng nên làm nhằm thức tỉnh tinh thần tự giác, trách nhiệm, để các tướng sĩ tự nhìn nhận lại mình và có thể điều chỉnh được suy nghĩ, hành động của các tướng sĩ.
* Khi phê phán hay khẳng định, tác giả tập trung vào vấn đề đề cao tinh thần cảnh giác, chăm lo rèn luyện để chiến thắng kẻ thù xâm lược. Bởi vì bài hịch này trên danh nghĩa là khích lệ các tướng sĩ học tập cuốn Binh thư yếu lược do chính Trần Quốc Tuấn soạn, nhưng mục đích cao nhất mà ông muốn gửi gắm là kêu gọi tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh chống giặc ngoại xâm của các tướng sĩ.
Câu 5:
* Giọng văn rất linh hoạt, khi thì là lời vị chủ soái nói với các tướng sĩ, khi thì là lời của những người cùng cảnh ngộ. Lúc thì là lời khuyên răn bày tỏ thiệt hơn, lúc thì lại nghiêm khắc cảnh cáo.
* Nhờ cách viết này của tác giả đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm của mỗi người, khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm bảo vệ đất nước của mọi người.
Câu 6:
Một số đặc sắc nghệ thuật tạo nên sức thuyết phục người đọc bằng cả nhận thức và tình cảm ở bài Hịch tướng sĩ là:
- Về giọng văn: lúc thì bi thiết ngọt ngào, lúc thì sôi nổi hào hùng, khi thì mỉa mai chế giễu, khi thì nghiêm khắc như xỉ mắng, như ra lệnh.
- Các biện pháp tu từ: so sánh, phóng đại, điệp ngữ, điệp tăng tiến,...
- Sử dụng những hình tượng nghệ thuật gợi cảm, dễ hiểu.
- Kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén.
- Sử dụng kiểu câu nguyên nhân - kết quả.
câu 7:
Khích lệ nhiều mặt để tập trung vào một hướng, đó là cách triển khai lập luận của bài Hịch tướng sĩ. Điều này được thể hiện như sau:
Khích lệ lòng yêu nước và ý chí quyết tâm đánh thắng quân xâm lược, được thể hiện qua nhiều mặt:
- Khích lệ lòng căm thù giặc và nỗi nhục của kẻ mất nước
- Khích lệ ý chí lập công và tinh thần xả thân vì nước
- Khích lệ lòng trung quân ái quốc, lòng ân nghĩa thủy chung của những con người cùng cảnh ngộ
- Khích lệ lòng tự trọng và danh dự cá nhân của mỗi người trước vận mệnh quốc gia, dân tộc.
Chúc các em học tập tốt!