I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả O Hen-ri trong SGK Ngữ văn 8 Tập 1).
2. Tác phẩm
* Xuất xứ: Đoạn trích Chiếc lá cuối cùng là phần cuối của truyện ngắn cùng tên.
* Tóm tắt
Truyện kể về Xiu và Giôn-xi là hai họa sĩ trẻ. Giôn-xi bị bệnh sưng phổi nặng. Cô tuyệt vọng nhìn chiếc lá cuối cùng của cây thường xuân bên cửa sổ và nghĩ khi nào chiếc lá đó rụng thì mình cũng lìa đời. Nhưng sau đêm có trận mưa lớn, chiếc lá vẫn còn đó, Giôn-xi thoát ra ý nghĩ về cái chết và qua được nguy hiểm. Trong khi đó, cụ Bơ-men, một họa sĩ già thuê phòng ở tầng dưới đã chết vì ốm nặng sau đêm mưa lớn. Chính cụ đã mặc mưa gió để vẽ nên chiếc lá thường xuân cuối cùng ngoài cửa sổ tạo hi vọng sống cho Giôn-xi.
* Bố cục:
Văn bản Chiếc lá cuối cùng có thể được chia làm 3 phần:
- Phần 1: từ đầu => "Hà Lan" : Giôn-xi mắc bệnh nặng, cô tuyệt vọng nằm chờ chết.
- Phần 2: tiếp => "chăm nom - thế thôi" : Giôn-xi chiến thắng căn bệnh.
- Phần 3: còn lại : sự thật về kiệt tác chiếc lá cuối cùng.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Những chi tiết trong văn bản nói lên tấm lòng thương yêu và hành động cao cả của cụ Bơ-men đối với Giôn-xi là:
- Cụ Bơ-men sợ sệt nhìn ra cửa sổ, nhìn cây thường xuân. => lo lắng cho Giôn-xi.
- Cụ Bơ-men âm thầm vẽ chiếc lá cuối cùng trong đêm mưa gió bão. => Tình yêu thương, sự hi sinh quên thân mình vì Giôn-xi.
* Nhà văn bỏ qua không kể sự việc cụ đã vẽ chiếc lá cuối cùng trên tường trong đêm mưa tuyết là vì muốn dành sự bất ngờ, muốn cho hình ảnh cụ Bơ-men được thăng hoa ở kết truyện.
* Có thể nói, chiếc lá mà cụ Bơ-men đã vẽ là một kiệt tác bởi nó được vẽ bằng tất cả tình yêu thương và mạng sống của một người nghệ sĩ già, cứu sống một người nghệ sĩ trẻ khác.
Câu 2:
Bằng chứng khẳng định Xiu không hề được cụ Bơ-men cho biết ý định sẽ vẽ một chiếc lá thay thế cho chiếc lá cuối cùng rụng xuống:
- Trước đó, hai người không nói năng gì khi cụ Bơ-men làm mẫu cho Xiu vẽ.
- Chính Xiu cũng ngạc nhiên khi thấy vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch sau đêm mưa gió.
- Khi bác sĩ nói, Xiu mới biết là cụ Bơ-men ốm.
Nếu Xiu được viết về ý định của cụ Bơ-men thì cốt truyện sẽ không còn hấp dẫn và thú vị nữa. Và khi đó, tình yêu thương của cô đối với Giôn-xi cũng không có cơ hội được thể hiện một cách sâu đậm và người đọc cũng sẽ không được thấy đoạn văn về tâm trạng lo lắng đượm thắm tình người của cô.
Câu 3:
* Tâm trạng của Giôn-xi và Xiu sau hai lần kéo mành lên:
- Lần 1: Giôn-xi thì sợ chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống, Xiu thì lo lắng.
- Lần 2: Cả Giôn-xi và Xiu đều sững sờ, ngạc nhiên vì chiếc lá vẫn còn trên cây.
* Nguyên nhân sâu xa quyết định tâm trạng hồi sinh của Giôn-xi:
- Do cô thấy hình ảnh chiếc lá thường xuân giàu sức sống sau đêm mưa bão.
- Giôn-xi không muốn phụ tấm lòng của Xiu và của cụ Bơ-men.
* Nhà văn kết thúc truyện bằng lời kể của Xiu mà không để Giôn-xi phản ứng gì thêm là vì:
- Đây có thể coi là kết mở để người đọc có thể tự hình dung ra phản ứng của Giôn-xi.
- Để khẳng định rằng, dư vị của tình người, của niềm tin, của sự hi sinh vẫn sẽ còn mãi.
Câu 4:
Đoạn trích Chiếc lá cuối cùng có hiện tượng đảo ngược tình huống hai lần:
- Ban đầu, Giôn-xi bị lâm trọng bệnh, cô tuyệt vọng chờ chết. Cụ Bơ-men vẫn khỏe mạnh.
- Sau đó, Giôn-xi hồi sinh, khỏi bệnh. Còn cụ Bơ-men chết sau hai ngày vì dầm mưa gió suốt cả đêm.
Tác dụng của hiện tượng này:
- Tạo sự bất ngờ, thú vị
- Khẳng định nghệ thuật chân chính thực sự mang lại sự hồi sinh.
- Khiến độc giả rung cảm trước tình cảm, tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ.