I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Nguyên Hồng trong SGK Ngữ văn 8 Tập 1)

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Đoạn trích Trong lòng mẹ là chương IV của tác phẩm Những ngày thơ ấu của nhà văn Nguyên Hồng. Những ngày thơ ấu là tập hồi kí kể về tuổi thơ cay đắng của tác giả. Tác phẩm gồm 9 chương, được đăng báo năm 1938, in thành sách lần đầu năm 1940.

* Tóm tắt

Bố chết, mẹ phải đi tha hương cầu thực, bé Hồng phải sống với người cô độc ác trong cảnh thiếu thốn tình cảm. Người cô cứ luôn xoáy vào cậu những câu nói cay độc để chia cắt tình mẹ con. Nhưng cậu chưa bao giờ nguôi nhớ mẹ, cũng chưa bao giờ có ý nghĩ xấu về người mẹ của mình. Đến ngày giỗ đầu của cha cậu, mẹ cậu cũng về thật, cậu nghẹn ngào hạnh phúc trong vòng tay me, sung sướng lăn vào lòng mẹ để cảm nhận hạnh phúc của tình mẫu tử.

* Bố cục:

Đoạn trích Trong lòng mẹ có thể được chia làm 2 phần:

  • Phần 1: từ đầu => "người ta hỏi đến chứ" : Cuộc đối thoại giữa bé Hồng và bà cô cay nghiệt, những ý nghĩ, cảm xúc của cậu về người mẹ bất hạnh.
  • Phần 2: còn lại : Cuộc gặp lại bất ngờ của bé Hồng với mẹ và cảm giác vui sướng cực điểm khi nằm trong vòng tay mẹ.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Phân tích nhân vật người cô trong cuộc đối thoại với bé Hồng.

  • Bà cô hỏi bé Hồng "Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không?" => câu hỏi nhẫn tâm, xoáy sâu vào sự thiếu thốn tình mẫu tử của cậu bé.
  • Những ý nghĩ cay độc trong lời nói, rồi cả nét mặt cười rất kịch.
  • Mỉa mai, chế giễu mẹ cậu bé nhằm chia rẽ tình mẫu tử: "phát tài" (ý nói mỉa mai người mẹ nghèo khổ), "em bé" (gieo rắc hoài nghi để cậu bé khinh miệt, ruồng rẫy mẹ).
  • Giọng nói, cử chỉ quan tâm của bà cô chỉ là giả dối, sáo rỗng.
  • Khi cháu đã khóc mà bà cô vẫn cố tình xoáy sâu vào nỗi đau của cháu.

=> Bà cô có dã tâm độc ác, nham hiểm, sống giả dối, không có lòng vị tha, đại diện cho những thành kiến, hủ tục đày đọa người phụ nữ trong xã hội cũ, đặc biệt là những người góa chồng.

Câu 2:

* Tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng với người mẹ bất hạnh được thể hiện:

  • Khi nghe những lời giả dối, xúc phạm mẹ của bà cô: bé Hồng cúi đầu không đáp, tỉnh táo nhận ra "những rắp tâm tanh bẩn" của bà cô, nghe từ "em bé" thì chú khóc ròng vì thương mẹ, vì cảm thấy uất ức, lòng căm tức đã tăng tiến: "...mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi".
  • Khi gặp và được nằm trong lòng mẹ: "Mợ ơi!..." chính là tiếng gọi tha thiết của tình mẫu tử, tiếng gọi khát khao của tình mẹ; cùng với đó là hàng loạt những hành động gấp gáp: đuổi theo, gọi bối rối, thở hồng hộc, trèo lên xe ríu cả chân, òa khóc. Trong lòng mẹ, Hồng sung sướng, hạnh phúc, quên đi bao uất ức, khổ cực trong thời gian sống xa mẹ.

=> Bé Hồng là một người con luôn yêu tương, tin tưởng và có niềm tin mãnh liệt vào người mẹ của mình. Và cũng như bao đứa trẻ khác, Hồng cũng luôn khao khát có được tình yêu thương, sự che chở, vỗ về, được nằm trong lòng mẹ.

Câu 3:

Chất trữ tình thể hiện trong văn Nguyên Hồng:

* Tình huống truyện đặc sắc:

  • Hồng phải sống trong sự ghẻ lạnh, miệt thị cay nghiệt của họ hàng
  • Người mẹ thì âm thầm chôn vùi tuổi thanh xuân, chịu nhiều cay đắng, thành kiến của xã hội cũ
  • Sự yêu thương, niềm tin mãnh liệt vào người mẹ của Hồng không hề bị lung chuyển trước những rắp tâm tanh bẩn của bà cô độc ác.

* Dòng cảm xúc mãnh liệt của Hồng:

  • Xót xa, tủi nhục, căm hờn, uất nghẹn
  • Quyết liệt bảo vệ tình mẫu tử
  • Thấu hiểu, cảm thông và yêu thương mẹ

* Hình ảnh so sánh giàu sức biểu đạt, gây ấn tượng mạnh, gợi cảm.

* Lời văn diễn đạt cảm xúc dạt dào, chân thật

* Kết hợp nhuần nhuyễn giữa kể, tả và biểu lộ cảm xúc.

Câu 4:

Theo em, hồi kí là một thể loại kí kể lại những sự việc đã xảy ra trong quá khứ mà người kể là người tham dự hoặc chứng kiến, tác giả là người xưng "tôi".

Câu 5:

Có nhà nghiên cứu nhận định Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng.

  • Nhân vật trong những sáng tác chính của ông là phụ nữ và trẻ em, bởi ông có cái nhìn cảm thông, thấu hiểu với những đau khổ của người phụ nữ giữa những thành kiến, hủ tục khắt khe, hiểu được những đứa trẻ có khát vọng tình thương và nỗi đau tinh thần của chúng.
  • Ông nhìn thấy được những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ và sự ngây thơ, trong sáng, những khát khao của những đứa trẻ.

Trong đoạn trích Trong lòng mẹ:

  • Nhân vật bà cô là đại diện cho những hủ tục phong kiến còn tồn tại
  • Nhân vật mẹ bé Hồng là hiện sinh cho hình ảnh nguời phụ nữ tần tảo, chịu nhiều bất hạnh, điều tiếng tủi nhục
  • Bé Hồng là nhân vật đại diện cho những đứa trẻ phải sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm, sống trong sự ghẻ lạnh, cay nghiệt của người đời.