Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Cô bé bán diêm. Đây là một tác phẩm rất hay và nổi tiếng của nhà văn đến từ Đan Mạch. Các em hãy tham khảo bài soạn dưới đây để chuẩn bị tác phẩm thật tốt trước khi tham gia bài giảng trên lớp của thầy cô nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả An-đéc-xen trong SGK Ngữ văn 8 Tập 1).

2. Tác phẩm

* Văn bản Cô bé bán diêm được trích trong tác phẩm truyện ngắn cùng tên của nhà văn An-đéc-xen.

* Tóm tắt

Vào đêm giao thừa, trời rét mướt, có một cô bé bán diêm mồ côi mẹ, đầu trần, chân đất, bụng đói dò dẫm đi trong bóng tối. Suốt cả ngày nay em không bán được que diêm nào nên không dám về nhà vì sợ bố đánh. Ngồi nép mình vào một góc tường, em quẹt một que diêm để sưởi ấm. Que diêm thứ nhất cho em có cảm giác ấm áp như ngồi bên lò sưởi. Em quẹt tiếp que diêm thứ hai, em được thấy bàn ăn thịnh soạn. Quẹt que diêm thứ ba, hiện ra trước mắt em là một bàn ăn thịnh soạn. Và khi quẹt que diêm thứ tư, em nhìn thấy người bà của em. Em đã quẹt hết cả bao diêm để được gần gũi bà hơn. Và em đã chết trong đêm đông giá rét khi đang mơ cùng bà bay lên cao mãi vẫn với đôi má hồng và đôi môi mỉm cười.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Bố cục 3 phần của văn bản:

  • Phần 1: từ đầu => "đôi bàn tay đã cứng đờ ra" : Hoàn cảnh đáng thương của cô bé bán diêm.
  • Phần 2: tiếp => "về chầu Thượng đế" : Những lần quẹt diêm của em bé và mộng tưởng.
  • Phần 3: còn lại : Cái chết của em bé bán diêm và thái độ của mọi người.

Câu 2:

Gia cảnh của nhân vật cô bé bán diêm: nghèo, mồ côi mẹ, bà nội em đã qua đời, em đang sống với người bố khó tính luôn mắng nhiếc, đánh đập em.

Những hình ảnh tương phản được nhà văn sử dụng trong phần này là:

  • Hình ảnh ngôi nhà đẹp đẽ, xinh xắn trước kia em sống >< xó tối tăm trên gác sát mái nhà
  • Mọi nhà đều sáng rực ánh đèn, ấm áp >< ngoài đường phố tối, góc tường lạnh lẽo giữa hai ngôi nhà
  • Phố xá sực nức mùi ngỗng quay >< em bé rách rưới, bụng đói.

=> Hình ảnh tương phản đã làm nổi bật lên tình cảnh thảm thương, tội nghiệp của cô bé bán diêm.

Câu 3:

Những mộng tưởng của cô bé qua các lần quẹt diêm đều rất hợp lý với thực tế:

  • Lần thứ nhất, em muốn được lò sưởi (vì em đang rất lạnh).
  • Lần thứ hai, em mộng tưởng thấy bàn ăn thịnh soạn (vì em đang rất đói)
  • Lần thứ ba, em mộng tưởng thấy cây thông noel (vì em cũng ao ước có một đêm giao thừa sum họp bên gia đình như trước đây)
  • Lần cuối cùng, em nhìn thấy bà em (vì em đang cô đơn, khổ cực, thiếu thốn tình cảm).

=> Có thể nói, những mộng tưởng trên của cô bé bán diêm cũng là những ước mơ chung của tất cả những đứa trẻ cùng cảnh ngộ: muốn ấm no, muốn gia đình sum họp, hạnh phúc.

Câu 4:

Những cảm nghĩ của em về truyện Cô bé bán diêm: Đây là một tác phẩm mang tính nhân đạo sâu sắc về những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh.

Đoạn kết của truyện:

  • Đây là một bi kịch đau thương, cái chết của một cô bé trong đêm đông giao thừa giá lạnh, trong đói khát, rét mướt => cái chết đầy thương tâm.
  • "đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười", đây là cái chết của sự giải thoát, em cùng bà về chầu Thượng đế, em đi vào cõi bất tử cùng người bà hiền hậu của em.
  • Thể hiện sự vô cảm của mọi người xung quanh khi nhìn thấy thi thể em bé vào sáng hôm sau và niềm cảm thông sâu sắc của tác giả với những em nhỏ bất hạnh trong một xã hội thiếu tình thương.